Bauhaus – “Toà nhà” hiện đại của nghệ thuật thế giới (phần 5)

Những giá trị của trường Bauhaus lan toả đến nhiều quốc gia châu Á, góp phần lan toả vào chủ nghĩa hiện đại trên toàn cầu.

Trong thế kỷ 20, những ảnh hưởng của phương Tây đến châu Á không chỉ về mặt chính trị-xã hội hay khoa học-công nghệ, mà cả về nghệ thuật. Là một phần của làn sóng chủ nghĩa hiện đại, trường Bauhaus cũng tìm đến châu Á. Trong kỳ này, Art Republik Vietnam sẽ khám phá những dấu ấn của tư tưởng mỹ thuật Bauhaus ở một số quốc gia châu Á.

Di sản của Bauhaus ở châu Á không rõ ràng như ở Mỹ và châu Âu. Thay vào đó, chúng hoà vào chủ lưu của chủ nghĩa hiện hiện đại. Trong làn sóng đó, các quốc gia phương đông đặc biệt đón nhận kiến trúc thuộc Phong cách Quốc tế (với các tên tuổi như Walter Gropius, Ludwig Mies van der Rohe, Le Corbursier) và chủ nghĩa thô mộc (Marcel Breuer).

Ấn Độ

Sau khi dành được độc lập vào năm 1947, Ấn Độ bước vào quá trình hiện đại hóa. Khi đó, những nguyên lý của Bauhaus và Phong cách Quốc tế được phản ánh qua làn sóng kiến trúc hiện đại của nước này. Các kiến trúc sư như Charles Correa, Balkrishna Doshi và Achyut Kanvinde là những tên tuổi nổi bật nhất của làn sóng này.

Jawahar Kala Kendra do Charles Correa thiết kế
Nguồn: Chainwit

Chẳng hạn, Charles Correa kết hợp nhuần nhuyễn sự tối giản, trực diện của các kiến trúc lấy cảm hứng từ Le Corbusier với các yếu tố thẩm mỹ Nam Á. Chẳng hạn, với Jawahar Kala Kendra ở Jaipur, ông kết hợp thiết kế hình học tối giản với quan niệm Vastu Vidya thường thấy ở các tổ hợp đền đài Ấn Độ giáo. Ngoài ra, ông còn thiết kế Nhà tưởng niệm Mahatma Gandhi ở Ahmedabad hay Trung tâm Thiên văn – Vật lý vũ trụ của Đại học Prune ở Maharashtra.

Mô hình Dự án nhà an sinh Aranya
Nguồn: Wrightwood 659

Còn đối với Balkrishna Doshi, ông từng theo học Le Corbusier ở Paris và sống trong những tháng ngày đỉnh cao của trường Bauhaus. Tương tự Correa, ông xem tính phi văn hoá của Phong cách Quốc tế như một nền tảng để thêm vào đó những tinh tế trong kiến trúc truyền thống Ấn Độ. Sự kết hợp này được thể hiện qua các thiết kế của ông như Dự án nhà an sinh Aranya hay Viện Quản lý Ấn Độ ở Bangalore.

Trung Quốc

Tương tự Ấn Độ, những quan niệm của trường Bauhaus len lỏi vào kiến trúc Trung Quốc khi đất nước này bước vào thời kỳ hiện đại hoá. Dù không có sinh viên Trung Quốc nào trực tiếp theo học tại Bauhaus (1), việc học tập và làm việc giữa làn sóng nghệ thuật hiện đại dâng cao ở châu Âu và sau này là Mỹ đã ít nhiều khiến những du học sinh Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ tư duy nghệ thuật của ngôi ngôi trường này.

Huỳnh Tá Sân (Henry Wong) trong thời gian ở Harvard
Nguồn: New York Historical Society

Khi về nước, các sinh viên này áp dụng những kiến thức đã tiếp thu ở châu Âu vào bối cảnh Trung Quốc. Ví dụ, Huỳnh Tá Sân, học trò Trung Quốc duy nhất của Gropius tại Mỹ, khi về nước đã thành lập Khoa Kiến trúc tại Đại học St. John, Thượng Hải và giảng dạy các lý thuyết của trường Bauhaus. Ông còn tham gia một số nhóm quy hoạch đô thị tương tự như The Architect Collaboratives của thầy mình ở Harvard, với lực lượng chính là các du học sinh kiến trúc từ châu Âu.

Đại lễ đường Nhân dân Trung Hoa với phần phần mái dài đặc trưng của kiến trúc nước này.
Nguồn: Zheng Zhou

Trong giai đoạn nửa sau thế kỷ 20, đặc biệt là sau Cách mạng Văn hoá, một số sách lý thuyết của Itten và Kandinsky lần đầu được dịch sang tiếng Hoa. Các đoàn ngoại giao sang học tập kinh nghiệm từ Đông Đức khi về nước cũng mang theo các kiến trúc thô mộc. Từ đó mà những kiến trúc khổng lồ, đầy góc cạnh, không ngại phơi bày chất liệu xuất hiện ngày một nhiều hơn tại Trung Quốc.

Việt Nam

Việt Nam, theo tác giả và kiến trúc sư Mel Schenck (2), là trung tâm kiến trúc hiện đại của thế giới. Thật vậy, dấu ấn của cả chủ nghĩa thô mộc lẫn Phong cách Quốc tế có thể được tìm thấy ở cả các đô thị lớn lẫn những vùng nông thôn.

Tại miền bắc, các công trình này mang đậm tính thô mộc, thường được xây dựng từ sau 1975 đến những năm 1990. Vào giai đoạn này, Việt Nam đón nhận nhiều kiến trúc sư Liên Xô sang hỗ trợ đào tạo về kiến trúc và quy hoạch đô thị. Các công trình thô mộc tiêu biểu ở Hà Nội như Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Bảo tàng Hồ Chí Minh, và Lăng Bác (đều do Garol Isakovich thiết kế).

Kiến trúc sư Garol Isakovich bên cạnh phối cảnh Nhà tưởng niệm Lenin

Tại miền nam, chủ nghĩa thô mộc, cùng những đặc điểm khác của kiến trúc hiện đại, đi vào đời sống dưới sự ảnh hưởng của quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Qua bàn tay những kiến trúc sư Việt Nam, các khía cạnh “cực đoan” như tính hình học, tính tối giản của Bauhaus và Phong cách Quốc tế đã hài hoà hơn khi được thêm vào các yếu tố thẩm mỹ và khí hậu bản địa. Những tên tuổi gắn liền với kiến trúc hiện đại miền nam là Ngô Viết Thụ (Dinh Độc Lập), Huỳnh Kim Mãng (Hội trường Rùa – Đại học Cần Thơ), Bùi Quang Hanh và Nguyễn Hữu Thiện (Thư viện Tổng hợp TP. HCM) và Huỳnh Tấn Phát (Nhà hát Hoà Bình).

Hội trường Rùa – Đại học Cần Thơ do Huỳnh Kim Mãng thiết kế.
Nguồn: Đại học Cần Thơ

Ngay cả ở nông thôn, nhà dân sinh cũng mang những đặc điểm của kiến trúc hiện đại. Từ các cột nhà to vuông vức, dùng gạch đá rửa, cho đến các khung cửa Art Déco đầy cá tính, tất cả tạo nên một hình ảnh hiện đại mà gần gũi với người dân Việt Nam. Theo Schenck, những kiến trúc như thế đã tạo thành một chủ nghĩa hiện đại đặc trưng của Việt Nam.

Những chiếc ghế Bauhaus

Ngoài kiến trúc, thật thiếu sót nếu ta nhắc đến di sản toàn cầu của Bauhaus mà không nhắc đến những chiếc ghế của họ. Ứng dụng những bước tiến của công nghệ làm thép của những năm 1950-1960, những thiết kế ghế như Cesca và Wassily (đều của Marcel Breuer) khiến công chúng vô cùng thích thú.

Touliver ngồi trên ghế theo thiết kế Wassily (Model B3) của Marcel Breuer trong lúc chuẩn bị cho triển lãm cá nhân

Như đã đề cập trong phần 1, dù được xem như những kiệt tác của thế kỷ 20, những thiết kế này không khó gặp trong đời sống hàng ngày, ngay cả ở Việt Nam. Do không bị độc quyền, chúng này được tái sản xuất dễ dàng trên quy mô toàn cầu. Những chiếc ghế thanh thoát, hiện đại, tiện dụng, nay lại dễ tìm, nên càng được nhiều người ưa thích.

Dù không quá rõ nét như ở các nước châu Âu, ảnh hưởng toàn cầu của Bauhaus đã chứng minh vị trí quan trọng của trường học này trong nghệ thuật thế giới, đặc biệt là về kiến trúc. Trường Bauhaus vượt khỏi khuôn khổ của một trường mỹ thuật thông thường, đã mở đường cho chủ nghĩa hiện đại phát triển mạnh mẽ và từ đó thay đổi diện mạo thế giới.


(1) Theo Chin-wei Chang, Manifestations of Bauhaus on the Mainland: Historical Advent of China’s Modernities in Arts, Crafts, and Architecture, in trong Taking a Stand? Debating the Bauhaus and Modernism, trang 295–313.

(2) Dẫn theo Southern Vietnamese Modernist Architecture: Mid-Century Vernacular Modernism và bài giảng của tác giả trên Architecture Vietnam.