Bauhaus – “Tòa nhà” hiện đại của nghệ thuật thế giới (phần 4)

Những nghệ sĩ avant-garde của Bauhaus không hề chùn bước khi ngôi trường của họ ở Đức bị đóng cửa. Họ tìm đến Mỹ như một miền đất mới để thực hiện tham vọng của mình.

Khi Đức Quốc xã quy chụp Bauhaus là nghệ thuật suy đồi và bắt trường đóng cửa vào năm 1933, họ không ngờ mình càng làm sức ảnh hưởng của ngôi trường này thêm dữ dội. Như nhiều tri thức Đức trong giai đoạn này, người của Bauhaus tìm đường đến những vùng đất mới, mang theo họ những tham vọng nghệ thuật lớn lao. Trong đó, Mỹ là một trong những nơi hưởng lợi nhiều nhất từ làn sóng này.

Bauhaus mới

Ngày 23 tháng Năm, 1937, László Manohy-Nagy, đang ở Luân Đôn, nhận được một lá thư đặc biệt từ bên kia Đại Tây Dương. Người gửi là Norma K. Stahle, nguyên giám đốc Hiệp hội Mỹ thuật và Công nghiệp Chicago. Trong thư, bà mong muốn lập ra một trường mang tinh thần như Bauhaus trên đất Mỹ. Ban đầu, người Stahle liên hệ là Walter Gropius. Tuy nhiên, thay vì nhận lời, ông đã kết nối bà với Mahony-Nagy. 

Lá thư này mở đầu cho một giai đoạn mới của Bauhaus trên nước Mỹ. Ngày 18 tháng Mười cùng năm, tại số nhà 1905 South Prairie Avenue, nằm trong vùng Marshall Field của Chicago, trường học mới của Mahony-Nagy, Bauhaus Mới (New Bauhaus), bắt đầu mở cửa. Tuy nhiên, do ngân sách hạn hẹp và thiếu nhân lực, trường phải tạm đóng cửa vào năm 1938.

Logo của trường Bauhaus mới
Nguồn: Bauhaus Chicago Foundation

Tuy nhiên, Mahony-Nagy không dễ nản chí. Nhờ sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, cùng một số nhà đầu tư, cộng thêm tài giao tế, ông tự mình mở ra một ngôi trường mới giữa lòng Chicago vào ngày 22 Tháng Hai 1939. Ngôi trường là đầu tàu tạo nên nền tảng cho chủ nghĩa hiện đại tại Mỹ. Sau năm 1944, trường đổi tên thành Viện Thiết kế tại Viện Công nghệ Illinois, hay ngắn gọn là ID, và giữ nguyên tên này đến tận hôm nay.

Những đổi mới của Mahony-Nagy

Tại ngôi trường Bauhaus mới này, Mahony-Nagy đã mang lại rất nhiều đổi mới khác trong cách thức đào tạo của Bauhaus. Dù các khoá học vẫn tổ chức theo sơ đồ Đại cương – Xưởng chế tác như trước kia, nội dung giảng dạy được cập nhật, với khối lượng kiến thức chuyên môn đa dạng hơn như nhiếp ảnh, điện ảnh, thiết kế công nghiệp hay đồ họa.

Trụ sở của Bauhaus Mới vào năm 1938
Nguồn: Unframe Lacma

Chương trình học này được thay đổi thường xuyên để sâu sát với thời đại. Chẳng hạn, trong giai đoạn Chiến tranh Thế giới thứ 2, học viên được tham gia các lớp thiết kế nguỵ trang phục vụ nhu cầu trên chiến trường. Sau đó, Bauhaus mới lại tích hợp những tiến bộ công nghiệp vượt bậc tại Mỹ vào nội dung giảng dạy. Các khoá học về thiết kế quảng cáo của György Kepes hay các lớp quy hoạch đô thị của Buckminster Fuller càng mở rộng sức ảnh hưởng của tư tưởng Bauhaus. Thậm chí, nhà trường còn bắt đầu nhận đơn đặt hàng và tổ chức một số triển lãm thương mại. 

László Manohy-Nagy vào những năm 1925-1929.
Nguồn: Artland Magazine

Mahony-Nagy tóm lược triết lý đào tạo của Bauhaus Mới, hay sau này là ID, trong cuốn Tầm nhìn Chuyển động (Vision in Motion), xuất bản năm 1947. Trong đó, ông viết: “Vấn đề của thế hệ chúng ta là cân bằng giữa cái tri thức và cảm xúc, giữa các thành tố xã hội và công nghệ; là học cách nhìn và cảm chúng trong mối tương quan. (1)”

Gropius tại Harvard

Ngoài sự ra đời của Bauhaus Mới thì tinh thần của trường Bauhaus còn thể hiện qua nhiều công trình hiện đại ở Mỹ. Những dấu ấn này có được là nhờ những hoạt động sôi nổi của các bậc thầy Bauhaus trong lĩnh vực kiến trúc.

Nhà Gropius tại Lincoln, Massachusetts
Nguồn: Daderot

Năm 1937, Walter Gropius cùng vợ đến sống tại bang Massachusetts. Tại đây, ông thiết kế căn nhà mới cho gia đình mình, nay vẫn được biết đến với tên “Nhà Gropius”. Căn nhà mang những nguyên lý đặc trưng nhất của trường Bauhaus: tính hiện đại và tính tiện dụng.

Tòa Met Life ở Manhattan, New York
Nguồn: Elisa.rolle

Trong thời gian này, ông cùng Marcel Breuer đến dạy tại Trường Thiết kế thuộc Đại học Harvard, qua đó tham gia vào giới kiến trúc tại Mỹ. Vào năm 1945, Gropius cùng bảy kiến trúc sư khác lập nên The Architect Collaboratives. Tổ chức này đề cao tính tập thể, phản ánh nguyên tắc cộng tác sáng tạo của trường Bauhaus. The Architect Collaboratives đã thiết kế nhiều công trình nổi bật cho nước Mỹ như Trung tâm Cao học ngay tại Harvard hay Toà nhà Pan Am (nay là Toà nhà MetLife) ở Manhattan, New York. Bên ngoài nước Mỹ, dấu ấn Bauhaus của nhóm này được thể hiện qua những toà nhà như Đại học Baghdad (Iraq), Đại sứ quán Mỹ tại Hy Lạp, hay Văn khố Bauhaus (Đức).

Mies tại Chicago

Ludwig Mies van der Rohe, hiệu trưởng cuối cùng của Bauhaus, cũng giúp kế thừa di sản Bauhaus bằng cách kết hợp chúng với dòng chảy của Phong cách Quốc tế (International Style). Đến Chicago giảng dạy vào năm 1937, ông mang theo những nguyên tắc thiết kế tối giản cùng hiểu biết sâu sắc về các chất liệu như kính và thép vào bài giảng của mình. Thiết kế của ông đề cao tính hình học, thực dụng, tận dụng tối đa các tiến bộ công nghệ, đồng thời loại bỏ mọi trang trí rườm rà của kiến trúc cổ điển. Những công trình nổi tiếng nhất của ông là Toà S. R. Crown (trụ sở Trường Kiến trúc của Viện Công nghệ Illinois), phức hợp Chicago Federal Center (cũng ở Illinois), Seagram Building (New York).

Phức hợp Chicago Federal Center
Nguồn: US General Services Administration

Ngoài kiến trúc, Mies còn cộng tác với nhà thiết kế Đức Lilly Reich trong mảng trang trí nội thất. Các thiết kế của hai người thường tận dụng các khung kim loại nhẹ, bền và chắc với các chất liệu da. Trong số đó, các thiết kế ghế của bộ đôi thường được đánh giá cao nhất, điển hình như ghế Brno, ghế Barcelona, hay ghế Weissenhof.

Ghế Barcelona trưng bày tại bảo tàng Guggenheim Bilbao.
Nguồn: Luistxo

Ngoài các nhân vật kể trên, các bậc thầy Bauhaus khác như Marcel Breuer và Josef Albers cũng đóng góp không ít vào di sản của trường học này trên đất Mỹ. Breuer tiếp tục thiết kế nhiều công trình và đồ nội thất ấn tượng, trong khi Albers trở thành một trong những nhân vật chủ chốt của trường nghệ thuật khai phóng Black Mountain College lẫy lừng ở Bắc Carolina.

Trong kỳ cuối, Art Republik Vietnam mời bạn vượt khỏi bối cảnh kiến trúc phương Tây để khám phá ảnh hưởng của trường Bauhaus đến kiến trúc tại châu Á, nơi nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của quá trình hiện đại hóa, trong đó có Việt Nam.