Bauhaus – “Toà nhà” hiện đại của nghệ thuật thế giới (phần 1)

Dù chỉ tồn tại ngắn ngủi, Bauhaus đã đổi mới cách đào tạo nghệ thuật, đồng thời trở thành một trong những biểu tượng avant-garde nổi tiếng nhất thế kỷ 20.

Để xem được tác phẩm của Bauhaus, bạn có thể tìm đến các bảo tàng nghệ thuật hiện đại trên thế giới. Hoặc thuận tiện hơn, bạn chỉ cần ghé một quán cà phê hiện đại ở Sài Gòn, hay bước vào một văn phòng làm việc ở Hà Nội. Bauhaus có thể chính là chiếc ghế bạn đang ngồi. Ẩn hiện khắp nơi, Bauhaus là dấu gạch nối giữa thẩm mỹ và ứng dụng. Họ để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực, từ hội hoạ đến kiến trúc, từ thời trang đến thiết kế nội thất. Bauhaus đồng thời còn tái định hình cách đào tạo nghệ thuật, lan toả làn sóng hiện đại nhiều nơi trên thế giới. Trong loạt bài này, Art Republik Vietnam sẽ cùng bạn khám phá hành trình chinh phục thế giới của Bauhaus. 

Một phiên bản ghế Catilever Marcel Breuer thiết kế vào năm 1926. Nguồn: Rob Corder

Buổi đầu thành lập

Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất (1914-1918), nước Đức phải đối mặt với hàng loạt thách thức. Là một nước bại trận, Đức thất thế địa vị chính trị và kiệt quệ về kinh tế. Điều kiện sống khó khăn khiến xã hội Đức giai đoạn này trở nên bất ổn. Trong bối cảnh đó, Walter Gropius (1883-1969), một kiến trúc sư từ Berlin, mong muốn lập ra một trường dạy nghệ thuật mới. Trường học này sẽ giúp xây dựng và tái định hình xã hội Đức thông qua những chuẩn mực thẩm mỹ tiến bộ.

Walter Gropius và vợ Ise (1929). Nguồn: Gropius House

Vì vậy, vào năm 1918, sau khi được người tiền nhiệm Henry van de Velde tiến cử, Gropius nhậm chức hiệu trưởng Trường Mỹ thuật và Thủ công Đại công tước Saxon và Học viện Mỹ thuật Weimar. Một năm sau, Gropius hợp nhất hai trường này thành Staatliches Bauhaus. Từ đó, trường Bauhaus (nghĩa đen là “toà nhà”) ra đời. Như vậy, trước khi Bauhaus trở thành một trào lưu, một phong cách, thì nó là một trường học cấp tiến.

Bauhaus Weimar

Chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Hiện đại đường thời, Gropius cho rằng sự phân định rạch ròi giữa nghệ thuật và chế tác, giữa hình thức và chức năng đã rất lỗi thời. Thay vào đó, ông mong muốn hài hoà mọi mặt dưới một khái niệm chung gọi là Gesamtkunstwerk (Sáng tạo nghệ thuật toàn thể). Dưới chế độ Weimar cởi mở về tư tưởng, nghệ sĩ trẻ từ khắp nước Đức tìm đến Bauhaus. Gropius từng viết rằng trường Bauhaus có “động lực sổi nổi – mục tiêu của nó, sự thống nhất trong đa dạng và sự chinh phục tính sùng bái cá nhân. (1)”

Poster Triển lãm Bauhaus năm 1923 ở Weimar do Joost Schmidt thiết kế. Nguồn: bauhaus kooperation

Vào giai đoạn này, chương trình học của Bauhaus rất mới mẻ, dựa trên quan niệm then chốt rằng ta có thể truyền dạy và tiếp thu sáng tạo nghệ thuật. Tại Bauhaus, ranh giới giữa nghệ thuật và kỹ thuật bị xoá mờ. Đặc biệt, trong các khoá học do các hoạ sĩ như Johannes Itten đứng lớp, người học còn được tiếp cận các nguyên lý và phương thức sáng tạo mới. Còn trong lớp của Wassily Kandinsky, họ được giới thiệu với các lý thuyết về hình khối và màu sắc. Các lý thuyết này sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến nghệ thuật trừu tượng về sau. Chính vì tinh thần cấp tiến mà trường Bauhaus gặp không ít phản đối. Sự bài xích này càng mạnh mẽ khi tinh thần dân tộc cực đoạn của xã hội Đức ngày một dâng cao.

Bauhaus Dessau

Năm 1925, trước sự chống đối của các thành phần thủ cựu tại Weimar, Gropius dời trường Bauhaus sang Dessau. Sự kiện này đánh dấu bước chuyển mình của Bauhaus. Tại Dessau, Gropius cùng cộng sự cuối cùng cũng có thể hiện thực hoá các nguyên lý nghệ thuật qua một loạt các công trình tiêu biểu. Cả những vấn đề hành chính cũng được thay đổi để đề cao tính hiện đại. Nếu ở Weimar, người học và người dạy lần lượt được gọi là thợ (Geselle) và thầy (Meister) thì ở Dessau, họ là sinh viên (Student) và giáo sư (Professor). 

Một lớp học ở Bauhaus (1929-1929). Người dạy là Josef Albers. Nguồn: Amanda Perry-Kessaris

Nhiều tên tuổi lớn lần lượt bước ra từ “trường thiết kế” (Hochschule für Gestaltung) này ở Dessau: Marcel Breuer, Ludwig Mies van der Rohe, Josef Albers, và László Moholy-Nagy. Dessau cũng trở thành một tụ điểm nghệ thuật. Nhiều triển lãm, hội nghị được tổ chức tại các toà nhà tiêu biểu ở đây. Bauhaus từ Dessau vượt khỏi khuôn khổ của một trường học, trở thành một trào lưu nghệ thuật, được giới sáng tạo nhiệt liệt hưởng ứng.

Biến động và suy tàn

Tuy nhiên, sự phát triển của nhà Bauhaus gặp trở ngại lớn từ cuối những năm 1920. Chính quyền Weimar ngày càng lộ rõ yếu kém trong việc chấn hưng nước Đức. Các thành phần dân tộc chủ nghĩa cực đoan nhân cơ hội mở rộng sức ảnh hưởng của mình. Adolf Hitler sớm muộn sẽ trở thành quốc trưởng, lập ra Đệ tam đế chế và phát động Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Toà nhà Bauhaus Dessau (được xây vào khoảng 1926 và được phục dựng từ 1965 đến 1976).
Nguồn: jo.schz

Năm 1928, Gropius từ chức hiệu trưởng và Hannes Meyer, phục trách chương trình kiến trúc ở Dessau, kế nhiệm. Myers cho rằng chương trình hiện tại của Bauhaus quá “tản mát và nặng tính thẩm mỹ.(2)” Do đó, ông xác định lấy kiến trúc làm mũi nhọn đào tạo, đồng thời đẩy mạnh tính ứng dụng trong chương trình giảng dạy. Meyers cũng chủ động can thiệp vào hoạt động tư tưởng của sinh viên nhà trường để tránh ảnh hưởng của làn sóng dân tộc cực đoan ngày càng dữ dội trong nước.

Năm 1930. Myers bị chính quyền Dessau thay thế bằng Ludwig Mies van der Rohe. Cuối năm 1932, Myers đến Berlin và lập ra một trường Bauhaus cho riêng mình. Tuy nhiên, cả Miles và Myers đều không thực hiện được gì đáng kể trong giai đoạn này khi Đảng Quốc xã của Hitler đã chiếm được quyền kiểm soát nước Đức. Bauhaus chính thức đóng cửa vào năm 1933.

Di sản của Bauhaus

Trường Bauhaus đóng cửa, nhưng tư tưởng của Bauhaus chưa dừng lại ở đó. Trước sức ép chính trị, nhiều tên tuổi của trường Bauhaus rời Đức để tìm bến đỗ mới. Cùng chọn nước Mỹ, Gropius đến Boston để giảng dạy ở trường Harvards. Breuer đến New York để thiết kế toà nhà của Bảo tàng Whitney (nay là Frick Madison). Miles đến Chicago mà đóng góp vào cảnh quan đô thị của thành phố này thêm nhiều kiến trúc ấn tượng.

Toà nhà 945 Madison Avenue (Manhattan, New York) do Marcel Beuer cùng cộng sự thiết kế theo chủ nghĩa thô mộc cho Bảo tàng Whitney (nay là Frick Madison). Nguồn: Ajay Suresh

Cái tên Bauhaus đồng nghĩa với tính hiện đại và tính ứng dụng. Do đó, không có gì lạ nếu chiếc ghế hay ngọn đèn trong quán cà phê yêu thích của bạn lại đến từ thiết kế của Breuer hay Gropius. Tất cả bắt đầu từ tư duy đào tạo mới lạ và bài bản. Trong kỳ sau, Art Republik Vietnam mời bạn bạn cùng khám phá chương trình đào tạo mới lạ của trường Bauhaus.

———————————

(1) Phát biểu của Walter Gropius khi được bổ nhiệm làm nghị sĩ danh dự (Ehrensenator) của Học viện Mỹ thuật Berlin vào ngày 3/11/1962.

(2) Dẫn lại từ Bauhaus Lecture Notes (1930-1933) do Marty Bax biên tập, xuất bản năm 1991.