Trong chuyến lưu trú một tháng này, 5 nghệ sĩ Pháp từ tổ chức nghệ thuật nổi tiếng Paris 59 Rivoli đã đến không gian 11:11 D’artistes tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm đem lại những tác phẩm nói về trải nghiệm của họ với sự đa dạng của Việt Nam thông qua lăng kính của vấn đề môi trường cùng sự bền vững.
Chỉ vài ngày trước khi triển lãm khai mạc Earthizen (công dân trái đất), trong không khí tất bật của quá trình chuẩn bị, 11:11 Espace rôm rả, xôm tụ với con người và những mảnh ghép náo nức chuyển dịch của các tác phẩm. Mùi hương của gỗ, sự hiện diện của cây cỏ xanh tươi, nụ cười của Negin, và tiếng đàn guitar của Luigi đã chào đón tôi. Trong những rối ren tiền triển lãm, thời gian như chậm lại khi từng nghệ sĩ [1] hồi chiếu lại hành trình 30 ngày của họ tại Việt Nam và cách hành trình này đã dung dưỡng những dự án nghệ thuật nhằm tôn vinh sự đa dạng sinh thái và Mẹ Thiên Nhiên của họ.
Arthur Capmas: Tất cả chúng tôi đều có những chuyến hành trình được lên kế hoạch kĩ lưỡng. Một số quyết định khám phá bối cảnh đô thị của Việt Nam bằng cách cư ngụ tại Hồ Chí Minh. Những người khác, trong đó có tôi, đã đến Tà Lài [2] để có thể ở trong thiên nhiên và suy ngẫm về văn hóa thờ cúng tổ tiên của Việt Nam. Dự án hiện tại của tôi là minh hoạ cho tiểu thuyết Chuyện Rừng Xanh của Rudyard Kipling. Chuyến đi đến Tà Lài đã cho phép tôi được chìm đắm trong rừng xanh thực thụ. Vốn theo đuổi Chủ nghĩa Thiên nhiên, tôi đã dành 10 ngày tại Tà Lài với một quyển du ký, nơi tôi lưu lại quang cảnh hoang sơ. Quyển sổ này cũng là chìa khoá khai mở cuộc gặp gỡ đáng nhớ giữa tôi với người Xtieng và cộng đồng người dân tộc thiểu số Châu Mạ. Tôi được kể rằng một số người trong nhóm bọn họ chính là những người cuối cùng trong cộng đồng được sinh ra trong rừng. Vì họ không nói tiếng việt, sổ của tôi chính là cách để chúng tôi trao đổi. Sự trao đổi bằng hình ảnh này mang lại cảm giác cá nhân hơn cả nhiếp ảnh và quyển sổ của tôi chính là trung tâm cho những trao đổi song phương bằng hình ảnh và chữ viết.
Negin Rouhbakhsh: Tôi cũng đã đến Tà Lài cùng Arthur. Dự án của tôi hướng đến việc nghiên cứu phục trang của người dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Một ví dụ là tôi đã thu thập những chi tiết hoa văn từ dân tộc Châu Mạ – một trong những cộng đồng dân tộc thiểu số tôi gặp được tại Tà Lài. Tôi cố gắng học cách dệt nên những hoa văn này cùng một người phụ nữ địa phương nhưng hoạt động này quá thách thức, quá khác với quá trình vẽ tranh của tôi! Tác phẩm của tôi lấy cảm hứng từ di sản văn hoá Persia. Tôi thường vẽ những hoa văn gợi nhớ đến vải và những hoạ tiết ghép mảnh của Persia. Sự kết nối nghệ thuật của tôi với Việt Nam chính là sự kết nối với màu sắc của những hoa văn truyền thống Việt Nam. Tại Tà Lài, những gam màu mà tôi bắt gặp được làm tôi nhớ đến màu đỏ hay màu vàng kim của Persia, trong số đó, màu xanh ngọc bích chính là màu giống nhất với những gam màu của Persia, gam màu này chính là điều đã khiến tôi gắn bó với nơi đây hơn cả.
Christoph Haase: Khác với Negin và Arthur, tôi lưu trú tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi tập trung vào những phương cách biểu trưng của nhân hình và tôi muốn nghiên cứu cách con người “cư ngụ” trong cơ thể của họ thông qua lăng kính văn hóa. Dự án của tôi yêu cầu tôi phải làm việc với người mẫu tranh vẽ tuy nhiên tôi không lường trước được rằng đây không phải một thực hành phổ biên tại Việt Nam. Vì vậy tôi đã thay đổi định hướng của mình và lấy cảm hứng từ sự sinh sôi của những mảng xanh lan toả khắp không gian thành thị. Tại Châu Âu, tất cả những vùng xanh – tương tự như những công viên tại Paris – đều được trồng rồi tạo tác bởi bàn tay con người. Còn ở đây, những mảng xanh có ở khắp mọi nơi, xâm nhập, và mai phục chúng ta trong mọi ngóc ngách của thành phố. Những rừng xanh dưới những cao tốc, những đại thụ trăm tuổi dọc đường, và những khu vườn bí mật – những thiên đàng xanh vi mô trong thành phố đã dung dưỡng cho sáng tác của tôi song song với những nghiên cứu về truyền thuyết và chùa chiềng.
Luigi La Ferla: Tôi chuyên về tranh ghép cho nên tôi chủ yếu làm việc với những đá mảnh, với mối quan tâm đặc biệt cho vấn đề năng lượng. Vì ý tưởng của tôi liên quan đến sự thay đổi của cảnh trí đô thị qua thời gian, tôi cũng quyết định làm nghiên cứu của mình tại thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, tôi có thể thấy được một sự trộn lẫn giữa những điều tân tiến và cổ kính – hiện đại trong đối kháng với truyền thống. Tôi đã gặp gỡ những nhà điêu khác Việt Nam và cũng như Christoph, tôi khám phá những ngôi chùa để trau dồi cho khía cạnh tâm linh trong tác phẩm của mình. Tôi kết nối với thành phố trong cuộc truy tìm nguồn năng lượng sơ khai của nó. Tôi hướng đến việc hoạ nên khái niệm hỗn mang (entropy [3]) – khi vật chất chuyển mình, thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác để từ đây khai phóng tất thảy năng lượng và sinh khí. Quá trình sáng tác nghệ thuật của tôi phân giải những vật chất, lấy đi năng lượng của chúng, và kết hợp chúng trong một trạng thái mới. Chiếc bản đồ mà tôi làm ra không phải là một bản đồ chính xác về mặt địa lý thành phố, ngược lại, nó phản ánh sự kết nối cảm xúc của tôi với thành phố, với tinh thần cốt lõi cùng năng lượng của thành phố và cư dân tại dây.
Luigi La Ferla: Sống chậm lại. Đây là thông điệp tôi muốn mang lại qua sáng tác của mình. Những phương trình và công thức trong tác phẩm của tôi là ẩn dụ cho sự chậm lại. Xã hội của chúng ta đang không ngừng tiến lên một cách nhanh chóng với mạng xã hội hay sự phát triển của Trí tuệ nhân tạo. Đích đến cuối cùng của ta dường luôn là tốc độ, nhanh hơn và nhanh hơn. Tôi cảm thấy điều này làm cảm xúc của chúng ta bị tê liệt và ngày một thiếu chiều sâu. Chúng ta không còn dành thời gian để soi chiếu và chìm đắm vào cuộc sống của riêng mình.
Arthur Capmas: Tôi vô cùng tán thành chia sẻ của Luigi. Trải nghiệm của chúng tôi tại Tà Lài làm tôi được nhắc nhở về cách chúng ta luôn (bị) kết nối, về cơn nghiện cùng sự tôn thờ những thiết bị nhỏ xíu này. Tại Tà Lài, tôi được thấy mình trong một trạng thái hoàn toàn “thanh tẩy”, “sạch” những kết nối kĩ thuật số và tôi nhận ra những gì chúng ta đã đánh mất trong quá trình này. Tôi đã gần như có thể thấy một vòng dây hợp nhất tất thảy các sinh thể trên mặt đất, kể cả khi không có bất cứ ngôn từ nào được cất lên. Những cuộc đi bộ im lặng, trẻ con nô đùa, gia đình chia sẻ một bữa cơm, và chúng ta thật sự “hiện diện” cùng nhau.
Christoph Haase: Có lẽ tôi cũng sẽ chia sẻ một điều mà bạn đã nghe đi nghe lại nhưng tôi thật sự không thể dừng suy nghĩ về câu hỏi “Chúng ta sẽ để lại điều gì cho thế giới này?”. Tôi luôn mong muốn mang lại những ảnh hưởng tích cực và tôi lựa chọn nghệ thuật như cách để trốn thoát vòng xoáy hiệu suất không ngơi nghỉ. Đương nhiên chúng ta vẫn là một phần trong một hệ thống lớn hơn nhưng ít ra các ảnh hưởng của chúng ta thúc đẩy con người hướng đến sự tự do; chúng ta mang đến cho họ lạc thú, chúng ta truyền cảm hứng cho họ, và làm họ cảm động. Chúng ta truy vấn họ qua những cú sốc về cảm xúc với mỗi tác phẩm là một “cú tát của hiện thực”. Đơn giản thôi, hãy chậm lại và không ngừng truy vấn con người.
Negin Rouhbakhsh: Tôi muốn bổ sung thêm một tầng nghĩa cho vai trò của nghệ thuật trong một thế giới tốt đẹp hơn. Nghệ thuật có thể giúp chúng ta, không chỉ trong vai trò là nghệ sĩ, để có thể đặt ra những câu hỏi có tính khai mở cho người xem. Tôi tin là nghệ thuật có thể là một bài thuốc tinh thần cho bất kỳ ai đang trải qua bệnh tật hay đang phục hồi. Bản thân tôi cũng đang trải qua bệnh tật và tôi đã nói với bác sĩ rằng tôi thật may mắn khi có thể làm việc với nghệ thuật. Bởi lẽ, điều đó có nghĩa là tôi đang được nhận thêm một phương thuốc – sự chữa lành của nghệ thuật – bên cạnh quá trình điều trị truyền thống. Tôi cũng tin là nghệ thuật có thể đóng góp vào quá trình “chữa lành” của một quốc gia, ví dụ như những quốc gia phải chịu ảnh hưởng của chiến tranh, đơn cử như là Việt Nam.
Thông qua cuộc hội thoại đặc biệt này, tôi như được khám phá Việt Nam và thành phố Hồ Chí Minh lại từ đầu, để “yêu lại” quốc gia và thành phố này trong một ánh nhìn mới với những suy tư mới. Những chia sẻ của họ không ngừng vang vọng trong tâm trí tôi khi tôi sử dụng điện thoại (quá nhiều!) hay bất ngờ “gặp gỡ” những mảng xanh trong thành phố hàng ngày. Phỏng vấn này được viết với hi vọng rằng triển lãm của họ sẽ chạm đến bạn nhiều như những chia sẻ chân thành này và tôi cũng vô cùng trông đợi tới phần hai của cuộc lưu trú này – khi những nghệ sĩ Việt Nam sẽ sáng tác tại Pháp trong những tháng tới.
Từ ngày 11/11 cho tới 11/12, 11:11 D’Artistes giới thiệu triển lãm mang tên “EARTHIZEN (Công dân Trái đất)” của 5 nghệ sĩ được chọn từ 59 Rivoli. Địa chỉ 7th Floor, Amanaki Building, 10 Nguyễn Đăng Giai, Thảo Điền, Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
[1] Vui lòng lưu ý rằng phỏng vấn này chỉ được thực hiện với 4/5 nghệ sĩ trong triển lãm.
[2] Một số nghệ sĩ đã có chuyến đi trải nghiệm 10 ngày tại Tà Lài, một khu nghỉ dưỡng sinh thái trong rừng Quốc gia Nam Cát Tiên được khởi xướng trong một dự thảo về du lịch sinh thái của tổ chức WWF Vietnam.
[3] Entropy là phương pháp đo lường nhiệt động lực học để đo lường những nguồn năng lượng không tồn tại trong hệ thống nhiệt động lực học kín, entropy cũng thường được xem là cách để đo lường sự rối loạn của hệ thống (theo từ điển Merriam – Webster). Thuật ngữ này thường được dùng để biểu trưng cho sự hỗn mang hay rối loạn.