Xuân, Hạ, Thu, Đông… rồi lại Xuân là bộ phim điện ảnh do Kim Ki-duk sản xuất năm 2003. Đây là một kiệt tác điện ảnh sáng giá với hơn hàng chục giải thưởng lớn nhỏ, phần nhờ vào những đóng góp mang tính biểu tượng của thiên nhiên. Trong phim, thiên nhiên hiện hữu quan trọng như thể một nhân vật với những ký hiệu âm thanh và hình ảnh, trải dài từ cảnh quan, sinh vật cho đến chu kỳ bốn mùa. Qua lăng kính hình tượng, biểu tượng hoá, sự khổ ải của nhân sinh và lý thuyết vô thường của Đạo Phật dần gợi mở.
“Mỗi ngọn núi là một vị Phật. Hãy nghĩ về sự kiên kham ấy, rằng núi đã tồn tại từ hàng trăm nghìn năm trước, hoàn toàn im lặng, chỉ để nguyện cầu cho mọi sinh thể sống trong chính bầu khí quyển im lặng ấy và đợi đến lúc chúng ta ngừng băn khoăn, ngừng hành xử khờ dại”
The Dharma Bums (Jack Kerouac, 1958)
Trích đoạn trên trong tiểu thuyết The Dharma Bums vừa hay lại hoàn toàn trùng khớp với hình tượng thiên nhiên trong Xuân, Hạ, Thu, Đông… rồi lại Xuân. Từ những giây phút đầu tiên khi tiếng cửa gỗ kẽo kẹt mở ra, một tu viện khiêm tốn dần hé lộ trên mặt hồ. Đạo diễn sử dụng ba cảnh quay toàn cảnh liên tiếp, cảnh sau lại lùi ra xa hơn cảnh trước, dần để lộ một cánh cửa đơn độc và cây cổ thụ vững chãi giữa dòng nước, bao quanh là hàng cây xanh rì. Nói cách khác, ngay từ cái chạm đầu tiên, bộ phim đã chủ đích mở ra một tình cảnh mà thế giới tự nhiên hiện hữu tứ phương, trở thành chứng nhân trên hành trình phát triển các tuyến nhân vật.
Quan trọng hơn, xuyên suốt bộ phim Xuân, Hạ, Thu, Đông… rồi lại Xuân, thiên nhiên vượt lên vai trò của bối cảnh, hậu cảnh thường thấy để góp phần bồi đắp nội dung của câu chuyện, theo chiều hướng của triết học Đông phương. Trái với triết lý con người cá nhân của phương Tây, người phương Đông xưa quan niệm rằng “thiên nhân hợp nhất”, tức con người và thiên nhiên có một mối giao cảm sâu sắc, chuyển hoá thành nhất thể. Hàng thế kỷ trôi qua, bờ hồ, hàng cây và tu viện vẫn tĩnh tại quan sát vị sư già nuôi lớn chú tiểu nhỏ. Những khách thể đó hiện thân cho bản chất bất biến của tự nhiên, tương phản với tính vô thường của các nhân vật.
Bộ phim có kết cấu vòng lặp tuyến tính dựa trên năm mùa: xuân, hạ, thu đông rồi lại xuân, tương ứng với từng chương trong cuộc đời chú tiểu. Cấu trúc mỗi mùa lặp lại: khởi đầu bằng cảnh cánh cổng mở ra, xoáy sâu tầm nhìn người xem vào những gì đương diễn ra trong căn ẩn thất.
Vào mùa xuân, chú tiểu còn là đứa trẻ nhỏ học cách ăn năn thì đến mùa hạ, chàng thanh niên bị sắc dục làm cho mê đắm. Mùa thu, cậu sa vào tội giết người. Mùa đông trở về chùa, tiếp tục hành trình tu khổ hạnh như người thầy năm xưa của mình. Đặc biệt ở chỗ, từ mùa xuân trước cho đến mùa xuân sau, hình khắc của Nhị vị Hộ Pháp trên hai cánh cổng ngày một sáng rõ, biểu trưng cho tâm can chú tiểu năm nào dần gạn lọc sương mờ.
Trong lý thuyết của Đạo Phật, samsara (luân hồi) được xem là một kết cục song hành cùng Luật Nhân Quả, rằng con người bị ràng buộc bởi những nghiệp quả mà họ đã gây ra trong quá khứ, do đó tiếp tục mắc kẹt trong sáu cõi luân hồi. Khi soi chiếu ý tứ này vào kết cấu bộ phim, vòng lặp năm mùa với sự tái lặp “mùa xuân” ở phân cảnh cuối chính là một mô hình thu gọn của luân hồi, tiếp diễn.
Không chỉ dừng lại ở cấu tứ thời gian, vòng lặp của bộ phim còn được biểu hiện thông qua hình tượng con người, tiêu biểu là sự xuất hiện của chú tiểu ở mùa xuân sau cùng. Ta ngờ rằng đứa bé được sinh ra ở mùa xuân sau chính là kiếp sống tiếp theo của vị cao tăng. Bởi lẽ, khi vị cao tăng lập đàn tự thiêu cuối mùa thu, những mảnh giấy ghi chữ “Bế” che đậy ngũ quan ông lại thấm ướt như thể ông đang khóc. Chi tiết này chứng tỏ ông vẫn còn nhiều vướng mắt, chưa thấm nhuần Tính Không của đạo Phật – dễ sẽ tái sanh trở lại vào cõi Người.
Thế nhưng, chú tiểu lại hành hạ cá và ếch theo chiều hướng ác nghiệt hơn. Thay vì buộc hòn đá vào thân cá như cậu bé năm xưa, chú tiểu trực tiếp nhét đá vào miệng cá. Dẫu cách thức đã thay đổi ít nhiều, xu hướng tạo nghiệp của con người vẫn thế: nhân sinh rồi sẽ tiếp tục sa vào vòng lặp của sự sai trái, vô minh và nghiệp quả. Oái ăm thay, đây là vòng lặp mà mọi sinh mệnh trên trần ai đều mắc phải, cũng là nguồn cơn để mỗi chúng ta miệt mài đi tìm lẽ sống cho chính mình.
Sinh thể sống trong phim nhiều vô kể. Các nhân vật thường xuất hiện song song với các sinh vật khác như cá, ếch, rắn, mèo, gửi gắm những lớp lang ý tứ sâu xa.
Mùa xuân đầu tiên, chú tiểu tinh nghịch đã lấy dây buộc đá lên thân những con vật: cá, ếch và rắn, khiến chúng bơi, bò trườn trong nặng nhọc. Thấy cảnh đó, đứa trẻ cười phá lên – một âm thanh phản cảm vang vọng trên nền tiếng tụng kinh đều đều không dứt, khiến ta vừa xót vừa giận. Trái với Mạnh Tử trong Tam Tự Kinh viết “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, ta nhận ra chú tiểu đã có một hành vi tàn ác không thể lý giải, đi ngược lại với chốn ẩn thất thanh tịnh và lối giáo huấn lương thiện của người thầy. Lẽ nào Tuân Tử đã đúng, “nhân chi sơ, tính bổn ác”, hoặc vốn dĩ con người sinh ra chưa qua giáo dục liền không có suy kiến, cũng không có ác-thiện. Bản năng đơn thuần lại gây ra nghiệp quả?
Cũng vì thế, sự xuất hiện của những loài sinh vật mang theo bài học về tội lỗi, nghiệp quả và ăn năn. Đợi đến khi chú tiểu đi ngủ, vị cao tăng trói lên mình chú một hòn đá lớn nhẵn thín. Vị sư yêu cầu chú hãy đi tìm và giải cứu các loài vật, rằng nếu con vật nào chết, “lòng con sẽ nặng trịch như khối đá đến cuối đời” (tạm dịch từ bản gốc: “you will carry the stone in your heart for the rest of your life”).
Giây phút đứa trẻ khóc nức nở vì cá và rắn đã chết, ta không rõ là biểu hiện của sự thức tỉnh lương tâm hay sợ hãi trước nghiệp báo mà em sẽ gánh đến suốt đời. Nhưng mùa xuân đã sớm qua đi, cũng như mùa xuân của một đời người chóng tàn.
Bên cạnh đó, những loài vật vẫn tiếp tục xuất hiện tản mác ở các khung cảnh khác nhau. Bhava Charka (vòng Luân Hồi) khi hoạ lại sáu cảnh giới tái sinh trong Đạo Phật đã đặt chú gà trống vào giữa vòng, tượng trưng cho sự tham lam, dính líu, dục vọng và sinh sản. Khi mùa hạ ngập tràn khung hình, chàng đệ tử nghe theo tiếng gọi của ái tình mà rời khỏi ngôi chùa, tay vội ôm theo chú gà trống trên sàn gỗ, ý chỉ chú đã bị sắc dục chiếm đoạt thân, tâm, trí.
Hay loài mèo vốn tượng trưng cho trí khôn và sự lĩnh hội ở góc độ tâm linh. Mùa Thu, chàng Phật tử nay đã là thanh niên trở về từ chốn đô hội với tội danh giết người. Trước khi học trò bị cảnh sát đưa đi, vị cao tăng đã dùng đuôi của chú mèo làm bút lông để viết lên sàn gỗ những con chữ Bát Nhã Tâm Kinh, buộc anh dùng dao khắc rạch, tạc dạ vào lòng.
Mùa Đông đến, hồ Jusan đóng một lớp băng dày đặc. Chàng thanh niên tội lỗi năm nào giờ đây đã mãn hạn tù đày, trở về chốn cũ. Anh tôi rèn cơ thể cho vững vàng, sau đó tự mình buộc lên lưng một tảng đá nặng, tay mang theo tượng Phật và trèo đến đỉnh núi cao. Hành vi này mang tính trả nghiệp, như hàng thập kỷ trước anh đã hành hạ những sinh vật nhỏ. Lên đến đỉnh, anh chắp tay ngồi ngay ngắn phía sau tượng Phật. Từ đỉnh cao nhìn xuống, hồ Jusan và tu viện chính giữa trông như một con mắt thanh sạch, tinh khiết giữa tiết trời u ám cuối đông.
Nước là cổ mẫu mang ý niệm về tính thiêng, sự thanh sạch và động thái gột rửa. Xuyên suốt bộ phim, mặt hồ trở thành một biểu tượng cho trạng thái thiền định và giác ngộ. Như thế, hình ảnh người lại người bền bỉ lái con thuyền đi lại giữa lòng sông qua nhiều mùa, nhiều tháng cũng chính là hành trình của nhân sinh vượt cõi vô minh thâm trầm, kiếm tìm một sát-na bừng tỉnh.
Chi tiết mặt hồ in vào tâm trí tôi sâu đậm như âm vang của tiếng “Om” năm xưa đã làm bừng tỉnh tâm trí Siddhartha trong tiểu thuyết Câu chuyện dòng sông (Hermann Hesse, 1922). Hai sinh mệnh là hai hành trình, hai ngã rẽ, thế nhưng giao thoa ở chỗ đã bị dục vọng cuộc sống làm cho mê đắm. Trong giây phút quyên sinh, cả chàng thanh niên trong Xuân, Hạ, Thu, Đông… rồi lại Xuân và Siddhartha trong Câu chuyện dòng sông đều tỉnh thức nhờ vào những tác nhân Phật Giáo. Với chú tiểu, đó là nhờ người thầy đã thức tỉnh lý trí của hắn khi thời khắc tự sát cận kề, sau đó thức tỉnh tâm can hắn bằng bản Bát Nhã Tâm Kinh. Còn với Siddhartha thì là dòng sông và tiếng “Om” diệu huyền. Ở bên dòng sông, Siddhartha lắng nghe “tiếng hát nhiều giọng (…) nhẹ nhàng âm hưởng” và “bắt gặp nhiều hình bóng trong dòng nước trôi”, qua đó thấm nhuần triết lý sâu xa về bản chất nhất thể của vũ trụ. Hai tác phẩm vừa mang chở bài học Phật giáo, thế nhưng là một lời nhắn đủ nghiêm minh, cũng đủ nhân văn.
“Mọi tội lỗi đã mang với nó sự ân xá, trong mỗi mầm non đã mang sẵn chết chóc và trong những người hấp hối đã có sự sống vĩnh cửu”.
Năm mùa rồi cũng khép lại. Pháp sư Chongsan, một trong những hành giả của Phật giáo Won, một giáo phái Phật giáo phổ biến ở Hàn Quốc, đã khắc trong một văn bia gửi đến sư phụ Sot’aesan của mình: “Khi bốn mùa cứ luân chuyển và mặt trời và mặt trăng luân phiên chiếu sáng trong vũ trụ, vạn vật đạt được con đường hiện hữu.” Thế để thấy, vòng tuần hoàn của thiên nhiên trong tương quan với kiếp sống luân hồi của con người là một ý niệm cốt lõi trong triết học Đông Phương và đạo Phật. Tuy nhiên, thông qua cách tiếp cận hình tượng, biểu tượng hoá, bộ phim đã thành công chuyển tải tư tưởng Phật Giáo một cách sáng tạo, nhiều lớp lang. Mỗi một lần xem phim, khán giả như đọc thấy một đoạn kinh văn mà vỡ lẽ thêm những kiến giải không ngờ.
Sâu trong tiếng thở của thiên nhiên, những bài học về kiếp sống, về lẽ làm người sẽ ôn tồn vang vọng đến mai sau.