Nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, ta soi chiếu lại ảnh hưởng sâu sắc của trường lên nghệ thuật hiện đại Việt Nam, cũng như cách mà di sản của trường đã phát triển và tiếp diễn. Trong bài viết này, tình bằng hữu được vun đắp giữa các giảng viên và sinh viên của trường sẽ được tô đậm. Từ đó nhấn mạnh rằng sự cộng hưởng giữa tri thức và đam mê là vô cùng cần thiết.
Là cháu gái của hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc, hậu duệ trực hệ của hoàng đế Gia Long và có mối quan hệ anh em họ với hoàng đế Bảo Đại, tôi may mắn được lớn lên trong môi trường nghệ thuật của cái đẹp thâm thúy.
Những tác phẩm của Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, và Nguyễn Tường Lân tô điểm cho căn hộ của chúng tôi, vẻ đẹp của những tác phẩm có giá trị thầm lặng, vào những năm tháng thơ dại rong chơi, tôi đã không nhận thức được tính biểu tượng các tác phẩm này.
Những nghệ sĩ này đã theo học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương giàu sức ảnh hưởng ở Hà Nội vào những năm 1930, cùng với những danh họa như Mai Trung Thứ và Lê Thị Lựu.
Trong dịp kỷ niệm một trăm năm thành lập trường, tôi muốn suy ngẫm về những thành tựu mà trường đã đạt được, sức ảnh hưởng sâu rộng cũng như di sản lâu đời của nơi này.
Trường được thành lập vào năm 1924 bởi hoạ sĩ người Pháp Victor Tardieu, và Nam Sơn, một hoạ sĩ Việt Nam. Sự hợp tác này là biểu tượng của sự giao thoa giữa văn hóa Việt Nam và Pháp, sự kết hợp giữa lối giáo dục nghệ thuật phương Tây với những loại hình nghệ thuật truyền thống châu Á.
Các sinh viên hình dung trường sẽ là nơi mà nghệ sĩ Việt Nam có thể học hỏi những kỹ thuật hiện đại, trong khi vẫn có thể bảo tồn và kế thừa di sản văn hóa của họ.
Joseph Inguimberty là một hoạ sĩ Pháp có ảnh hưởng khác đã giảng dạy tại đây, và đã giúp xây dựng giáo trình cũng như định hướng nghệ thuật của trường, cụ thể là trong việc khiến tranh sơn mài trở thành một loại hình nghệ thuật chính thống. Ông đã đảm bảo rằng truyền thống địa phương được hiểu rõ và kết hợp vào những định hướng nghệ thuật đương thời.
“Trường đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, đảm bảo rằng chúng sẽ được truyền lại cho thế hệ sau”
Phương pháp giảng dạy và giáo trình của trường có tính cấp tiến, một điều gì đó chưa từng thấy trước đây. Kết quả là trường đã đào tạo được một thế hệ nghệ sĩ Việt Nam đóng góp to lớn cho cả nghệ thuật Việt Nam và thế giới.
Giáo trình bao gồm đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật hình họa và phác thảo, tập trung vào giải phẫu, phối cảnh và tỷ lệ. Sự đào tạo này đã giúp nghệ sĩ có được nền tảng cần thiết để sáng tạo nên những tuyệt tác chúng ta thấy hôm nay. Giáo trình cũng bao gồm vẽ tranh tĩnh vật và phong cảnh, tạo điều kiện để sinh viên thành thục hơn về bố cục, độ sáng và đổ bóng. Quá trình dạy vẽ thường mời người thật làm mẫu. Đây là một điều chưa từng có trước đây. Sau đó, các sinh viên tại trường sẽ tiếp tục phát triển những kỹ thuật cao cấp hơn.
Sơn dầu là một phần quan trọng của chương trình học, chất liệu này được dạy bằng cả phương pháp châu Âu truyền thống lẫn những kỹ thuật đương đại. Sinh viên tại trường đã thành thạo việc vẽ sơn dầu và biết cách cải tiến thực hành với chất liệu này để đạt được hiệu quả mong muốn. Kiến trúc cũng là một phần trong chương trình đào tạo.
Trường đã dạy vẽ tranh sơn mài, vốn là chất liệu độc đáo của văn hóa Việt Nam. Dạy sơn mài bao gồm các bước đắp lớp, mài bóng và cẩn vật liệu như vỏ trứng hay vàng lá.
Tranh lụa là một loại hình nghệ thuật truyền thống khác được chú trọng giảng dạy tại trường, việc học vẽ lụa bao gồm những nét cọ tiểu tiết trên nền lụa, mang lại những tác phẩm tinh xảo và tinh tế.
Cuối cùng, trường cũng dạy điêu khắc và làm gốm, bên cạnh lịch sử và lý thuyết nghệ thuật. Các chuyến du ngoạn về vùng nông thôn cũng cho phép sinh viên đắm chìm trong vẻ đẹp tự nhiên của Việt Nam và phong cảnh của đất nước, mang lại nhiều cảm hứng cho sáng tác của họ.
Các phương pháp giảng dạy bao gồm mô hình cố vấn, giúp sinh viên phát triển mối quan hệ sâu sắc với giảng viên tại trường, và tại các buổi phê bình, sinh viên có thể trình bày tác phẩm của mình để nhận được phê bình mang tính xây dựng từ bạn học. Sinh viên sẽ dành phần lớn thời gian của mình trong xưởng sáng tác, dưới sự giám sát của giáo viên hướng dẫn, điều này giúp họ phát triển và trở nên thượng thừa trong các loại hình nghệ thuật này, như những nghệ sĩ mà ta đã biết. Họ cũng tham gia vào các dự án hợp tác, từ đó xây dựng tinh thần cộng đồng đặc trưng của trường.
Trường đã khởi xướng sự phát triển của các phong cách sáng tác mới vừa hiện đại, vừa bắt rễ từ các thực hành truyền thống ở địa phương. Trường đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, đảm bảo rằng chúng sẽ được truyền lại cho thế hệ sau.
Khi trường phát triển những loại hình nghệ thuật có tính lai mà trước đó chưa từng có, trường là hình mẫu cho những sáng kiến văn hóa và khả năng kết hợp hai nền văn hóa, vừa tiếp nhận những quy chuẩn hiện đại, vừa tạo ra những tác phẩm đậm tính Việt Nam.
Điều này cũng giúp nghệ thuật Việt Nam được đến với khán giả quốc tế, khi trường thường xuyên tổ chức các triển lãm khuyến khích trao đổi văn hóa cũng như sự nhìn nhận, thưởng thức những tuyệt tác đến từ Việt Nam.
“Sự dung hợp này tạo ra một bối cảnh nghệ thuật tích cực và sôi nổi, được xem là Kỷ nguyên Vàng của nghệ thuật Việt Nam: Chủ nghĩa Hiện đại Việt Nam”
Trường Mỹ thuật Đông Dương đại diện cho tiềm năng dung hòa văn hóa trong một giai đoạn căng thẳng bởi thuộc địa. Việc trường tạo ra một môi trường đặc biệt, nơi sinh viên Việt Nam và giảng viên Pháp có thể học tập cùng nhau một cách ôn hòa và đón nhận văn hóa của nhau, là điều phi thường, nhất là khi chúng ta xem xét tác động sâu rộng của chủ nghĩa thực dân trên khắp đất nước Việt Nam, cùng sự khai thác áp bức và sức chịu đựng bền bỉ kèm theo đó.
Tình bằng hữu được vun đắp giữa sinh viên và giảng viên là một minh chứng cho sức mạnh vượt thoát khỏi biên giới về văn hóa và chính trị của nghệ thuật.
Những người thành lập trường – Victor Tardieu và Nam Sơn, cùng với Joseph Inguimberty, hướng đến việc thấu hiểu các loại hình nghệ thuật và thẩm mỹ Việt Nam, hơn là áp đặt một giáo trình hoàn toàn phương Tây, nhằm thúc đẩy các sinh viên của trường tạo ra những tác phẩm có tính dung hợp giữa nguồn gốc văn hóa của họ với những kỹ thuật mới vừa học được.
Sự dung hợp này tạo ra một bối cảnh nghệ thuật tích cực và sôi nổi, được xem là Kỷ nguyên Vàng của nghệ thuật Việt Nam: Chủ nghĩa Hiện đại Việt Nam.
Dù phải chịu ảnh hưởng lớn hơn từ chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam, những tác phẩm được tạo ra tại Trường Mỹ thuật Đông Dương trong những giai đoạn khó khăn thường khắc họa những cảnh trí nông thôn, cuộc sống và vẻ đẹp của Việt Nam truyền thống, cũng như những chân dung yên bình. Sự lựa chọn chủ đề của các nghệ sĩ Việt Nam có thể được diễn giải như một cách chống lại sự bạo lực và mâu thuẫn gắn liền với thời đại, đưa ra một cảnh quan giàu tính thống nhất và tiếp nối. Có một cảm thức về hòa bình cũng như sự đồng điệu trong các tác phẩm hội họa thời đó.
Trong một bức tranh lớn hơn, sự thành công của Trường Mỹ thuật Đông Dương chứng minh rằng nghệ thuật có thể đóng vai trò là nền tảng chung của các nền văn hóa khác nhau. Qua việc tập trung vào những giá trị chung, những biểu hiện sáng tạo cùng tinh hoa nghệ thuật, trường đã cho thấy rằng trong cả những điều kiện khó khăn và đầy chèn ép, các nền văn hóa khác nhau vẫn có thể tìm được những mối dây liên kết. Việc cởi mở đón nhận sự đa dạng thể hiện rằng một thế giới công bằng, hòa bình có thể được xây dựng, chứng minh cho sức mạnh của nghệ thuật.
Bài: Tehani Nguyễn
Chuyển ngữ: An Tử
Ảnh: Loan Sicre de Fontbrune