Quan chức chính phủ của các quốc gia này đang kêu gọi Bảo tàng Nghệ thuật Denver (DAM) trả lại 8 cổ vật mà bảo tàng đang sở hữu. Theo The Art Newspaper, 6/8 hiện vật đó vốn đã bị trộm cắp, và đã được bà Emma C. Bunker, người bị cho là cộng sự của trùm buôn lậu Douglas Latchford, tặng cho Bảo tàng Nghệ thuật Denver.
Bảo tàng Nghệ thuật Denver là một trong những bảo tàng nghệ thuật lớn nhất giữa Bờ Tây và Chicago, Hoa Kỳ. Hiện tại, các quan chức từ Việt Nam, Thái Lan và Campuchia, vẫn đang tìm cách lấy lại các cổ vật quốc gia từ Bảo tàng Nghệ thuật Denver. Họ tin rằng chúng đã bị đánh cắp khỏi các khu di tích và đền thờ cổ ở Đông Nam Á.
Theo ARTnews, các quốc gia đã gửi thư cho Bảo tàng Nghệ thuật Denver vào tháng 5 và tháng 6 năm nay, thông qua cuộc điều tra của Hoa Kỳ đối với 8 hiện vật và tình trạng thiếu giấy phép xuất khẩu hợp pháp. Theo Denver Post, tờ báo đầu tiên đưa tin về sự việc này, bảo tàng đã không phản hồi. Bảo tàng cũng không đưa ra tuyên bố nào với ARTnews [một trong các đơn vị đưa tin sau đó] về những bức thư, tính cho đến thời điểm bài viết “Cambodia, Thailand, and Vietnam Say Denver Art Museum Still Has Stolen Items” của tác giả Karen K. Ho được xuất bản (16.08.2023).
Thư yêu cầu của các chính phủ này có đề cập đến một con dao găm bằng đồng, được trang trí công phu bằng tượng người ở cán dao, niên đại từ năm 300 đến 200 trước Công Nguyên, ước tính trị giá 8.000 USD. Theo tờ Post, con dao găm này cùng hai hiện vật khác – đều là quà mà “học giả nghệ thuật” và cựu ủy viên bảo tàng, Emma C. Bunker, tặng cho Bảo tàng Nghệ thuật Denver – và đã được giới thiệu trong “Adoration and Glory: The Golden Age of Khmer Art”, một cuốn sách do Bunker và Latchford xuất bản vào năm 2004. Những ấn phẩm như vậy có lợi ích rất lớn, phục vụ cho việc “tẩy trắng” xuất xứ mơ hồ của các món đồ và “đánh bóng” danh tiếng của những người truyền tay chúng.
Chỉ có một trong số các hiện vật – một tượng Phật bằng đồng mạ vàng có niên đại vào thế kỷ XIX – đi kèm với thông tin xuất xứ, nhưng đó là Bunker cho biết bà đã mua nó vào năm 2012 từ nhà buôn nghệ thuật người London, Jonathan Tucker – cũng là một cộng sự của Douglas Latchford. Jonathan Tucker bảo với Bảo tàng Nghệ thuật Denver rằng ông đã mua bức tượng Phật đó từ một bộ sưu tập tư nhân ở Anh, nhưng không cung cấp tên hoặc thông tin liên lạc cho bảo tàng.
Sinh thời, Douglas Latchford (qua đời vào năm 2020) và bà Emma C. Bunker (qua đời vào năm 2021) có mối quan hệ thân thiết với nhau. Nhiều người cho rằng nhà kinh doanh và sưu tập nghệ thuật này đã bán những vật phẩm trộm cắp cho một số bảo tàng lớn. Bunker và Latchford đã hợp tác buôn bán suốt hàng chục năm để hợp pháp hóa các cổ vật Khmer, việc này đã được trình bày chi tiết trong một báo cáo điều tra gồm 3 phần do Denver Post xuất bản vào tháng 12 năm 2022. Bunker và Latchford bị cáo buộc là đã lập chiến lược giả mạo chữ ký nhằm phục vụ cho việc nhập khẩu và bán cổ vật, viết sách để khiến cho các vật phẩm trộm cắp của Latchford có xuất xứ đáng tin cậy hơn, và còn đích thân xác nhận cho các món đồ mà họ biết chắc là đã làm giả tài liệu xuất xứ. Luật sư Bradley J. Gordon đã mô tả Latchford sử dụng Bảo tàng Nghệ thuật Denver “giống như một tiệm giặt ủi”, thông qua việc bảo tàng trưng bày các món đồ được cho mượn và được tặng, đã giúp ông ta tạo dựng được danh tiếng trong sạch cho các tác phẩm khác của mình.
Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi cuộc điều tra của Denver Post được công bố, Bảo tàng Nghệ thuật Denver đã cho hồi hương một số cổ vật, xóa tên Bunker khỏi bức tường của phòng trưng bày vào tháng 3 năm 2023, và trả lại 185.000 USD mà người được ủy thác cũ và gia đình của bà ấy đã quyên góp như một phần của thỏa thuận vinh danh. Bảo tàng Nghệ thuật Denver cũng đã kết thúc một quỹ mua lại nghệ thuật châu Á dành riêng cho việc vinh danh Bunker, vốn được thành lập sau khi bà qua đời vào năm 2021.
Tuy nhiên, các quốc gia Đông Nam Á cho biết rằng Bảo tàng Nghệ thuật Denver vẫn còn giữ hơn 200 hiện vật thuộc bộ sưu tập của bà Bunker. Theo Denver Post, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (US Department of Homeland Security) đã đang điều tra nguồn gốc của những hiện vật Đông Nam Á kể từ năm ngoái.
Người phát ngôn của Bảo tàng Nghệ thuật Denver, Kristy Bassuener, phản hồi với Denver Post trong một email rằng bảo tàng đã chính thức hủy quyền truy cập – hoặc xóa bỏ khỏi bộ sưu tập của họ – đối với năm trong số các vật phẩm được tặng vào tháng Ba. Kristy Bassuener cũng cho biết bảo tàng đang làm việc với chính phủ Hoa Kỳ để đảm bảo về việc trao trả chúng.
Theo lời Kristy Bassuener: “Bảo tàng đã hợp tác với chính phủ Hoa Kỳ, bao gồm cả việc sản xuất tất cả các tài liệu được yêu cầu và sẽ tiếp tục làm như vậy nhằm đáp ứng các truy vấn của chính phủ đối với sự việc đang diễn ra, để đảm bảo tính chính trực của các bộ sưu tập“.
Vào năm 2019, ngay sau khi Latchford bị buộc tội, Bảo tàng Nghệ thuật Denver đã liên hệ với các quan chức chính phủ Campuchia để thông báo về những tác phẩm này và thu thập thêm thông tin. Kể từ thời điểm đó, bảo tàng đã hợp tác với chính phủ Hoa Kỳ và Campuchia để đảm bảo việc trao trả các cổ vật quốc gia. Vào ngày 1 tháng 9 năm 2021, bảo tàng đã loại bỏ những tác phẩm này khỏi bộ sưu tập của mình. Ngày 30 tháng 11 năm 2021, Bảo tàng Nghệ thuật Denver chính thức công bố đã hợp tác với chính phủ Hoa Kỳ và Campuchia, thực hiện việc trao trả 4 cổ vật về cố hương, trước đó đã được thu hồi để điều tra bởi chính phủ Hoa Kỳ. Các cổ vật này đã được đưa vào bộ sưu tập của bảo tàng khoảng 20 năm trước, có 3 món là quà tặng và 1 món được mua trực tiếp từ Douglas Latchford.
Nguồn: ARTnews, The Art Newspaper, website của Bảo tàng Nghệ thuật Denver
Ảnh bìa: Cổ vật Việt Nam, một con dao găm 2.000 năm tuổi bằng đồng, cao 9 inch (khoảng 23 cm) với cán dao điêu khắc tượng người. Hiện vật này là quà tặng của bà Bunker, được trưng bày tại khu vực Bunker Gallery, Bảo tàng Nghệ thuật Denver. Nguồn: ARTnews