Văn tự cổ Herculaneum là một kho tàng các văn bản triết học Ý được viết trên giấy cói (papyrus) với một phổ rộng các triết gia, nhà thơ cổ đại được bao hàm, trong đó có Plato. Năm 1752, một người nông dân đã phát hiện hơn 1800 cuộn giấy cói tại căn biệt thự cổ được cho là của bố vợ Julius Caesar, về sau được gọi là “Villa of the Papyri”. Lúc phát hiện, hầu hết các văn tự đã ở trong tình trạng bị carbon hóa đến cháy đen kể từ năm 79, khi ngôi biệt thự bị núi lửa Vesuvius nhấn chìm.
Ban đầu, chúng bị lầm tưởng là những khúc tro củi đơn thuần. Chỉ đến khi một vài người phát hiện vết chữ mờ trên mặt giấy thì kho tàng văn tự Herculaneum mới được tri nhận, mở ra một đại dương trí tuệ vẫn còn chênh chao mắc kẹt bởi các nhà khoa học không thể trực tiếp dùng tay mở những cuộn giấy cháy đen – chúng sẽ vụn vỡ thành tro. Cũng từ đây, “Villa of the Papyri” được ghi nhận là thư viện cổ đại với quy mô lớn nhất còn tồn tại nguyên vẹn.
Những cuộn giấy được đưa về lưu trữ tại viện Institut de France ở Paris và Thư viện Quốc gia Naples. Hơn 270 năm qua, chúng nằm im lìm không thể kiến giải và trở thành nỗi trêu ngươi của giới khảo cổ học. Ban tổ chức Thử thách Vesuvius đã tiến hành chụp CT 4 cuộn giấy với độ phân giải cao, sau đó tuyên bố trao thưởng cho những công trình giải mã thành công.
Plato sinh năm 428 hoặc 427 TCN tại Athen, Hy Lạp, được biết đến với những thiên đối thoại triết học trong cuốn Republic (Cộng hoà) và suy niệm cao viễn về mô hình mà ông gọi là “quốc gia lý tưởng”. Sinh thời, ông chịu nhiều ảnh hưởng từ tiền nhân Socrates và là thầy của triết gia Aristotle. Bên cạnh sự sâu sát với tư tưởng chính trị, các văn bản triết học của ông đào sâu chủ đề về nhận thức luận, vũ trụ học, đạo đức học và quan niệm về Cái Đẹp. Plato đã thành lập Academy ở Athens – một trong những cơ sở giáo dục đại học đầu tiên của phương Tây và trở thành một trong những triết gia quan trọng nhất mọi thời đại.
Hưởng ứng Thử thách Vesuvius, một nhóm các nhà nghiên cứu do Giáo sư Graziano Ranocchia (Đại học Pisa) dẫn dắt đã sử dụng kỹ thuật chụp cắt lớp kết hợp quang học, hình ảnh siêu phổ hồng ngoại và cơ chế học máy, từ đó truy vết những ký tự mờ nhoè trong một trong số các cuộn văn tự. Theo phỏng đoán, cuộn giấy này do nhà thơ và triết gia xứ Gadara mang tên Philodemus chắp bút. Nhóm nghiên cứu đã giải mã khoảng 1.000 từ, làm sáng tỏ những ngày cuối đời của Plato.
Như được văn tự ghi chép lại, Plato đã dành đêm cuối để nghe điệu sáo thổi của nữ nô lệ người Thracia. Với sự lý trí và nền nếp vốn dĩ, mặc thể chất đã suy yếu nhiều phần, Plato vẫn chăm chú lắng nghe và chỉ ra những lỗi sai trong cách chơi nhạc của cô gái. Chi tiết này phần nào thể hiện tính khắt khe và kỷ luật của vị triết gia.
Quan trọng hơn, cuộn văn tự mang đến những thông tin chi tiết về nơi chôn cất của Plato, vốn từ trước đến nay chỉ được các nhà khoa học nhìn nhận khái quát là ở trong ngôi trường Academy do chính ông thành lập. Theo văn bản, Plato đã an nghỉ trong một khu vườn riêng gần đền thờ các Muses của Academy, cũng là chốn tôn nghiêm dành riêng cho Plato trong khuôn viên trường học.
Trong bài trình bày kết quả nghiên cứu tại Thư viện Quốc gia Naples, Giáo sư Graziano Ranocchia nhận định: “Nhờ các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tiên tiến nhất, sau cùng, chúng tôi cũng có thể đọc và giải mã những phần văn bản mà trước đây khoa học dường như không thể tiếp cận”.
“Lần đầu tiên, thông qua một quy trình giải mã bằng cách sử dụng kỹ thuật cơ học để phá vỡ toàn bộ các văn bản, chúng tôi đã có thể tái sắp xếp và đọc được chuỗi chữ cái từ giấy cói vốn đã xếp thành nhiều lớp và bám dính vào nhau qua hàng thế kỷ.”
Bên cạnh đó, cuộn giấy mang đến những thông tin có phần thiên lệch với hiểu biết vốn dĩ của chúng ta về khoảng thời gian Plato bị bắt làm nô lệ. “Cho đến nay, ta vẫn tưởng rằng Plato đã bị bán làm nô lệ vào năm 387 trước Công nguyên trong thời gian ông lưu trú ở Sicily tại triều đình của Dionysius I, Syracuse”. Thế nhưng theo văn tự, sự kiện này đã xảy ra sớm hơn, ước chừng khoảng năm 404 hoặc 399 trước Công nguyên trên đảo Aegina. Dẫu chỉ là một dịch chuyển nhỏ trong dòng thời gian, thay đổi này sẽ giúp các nhà nghiên cứu tái nhìn nhận kỹ lưỡng và chính xác hơn về các giai đoạn trong đời của triết gia Plato.
“Đây là một kết quả phi thường, làm phong phú thêm sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử cổ đại”.
Thực chất, nhóm của Giáo sư Ranocchia không phải là nhóm đầu tiên tham gia giải mã hệ thống văn tự Herculaneum. Trước đó, Luke Farritor, 21 tuổi, đã giành được 40.000 đô la (37.000 euro) khi anh tìm thấy từ “ΠΟΡΦΥΡΑϹ” (màu tím) trong văn tự.
Đầu năm 2024, Youssef Nader, Julian Schilliger và Farritor đã giành được giải thưởng cao nhất trị giá 850.000 USD (790.000 euro) khi giải mã thành công 5% một trong số các cuộn giấy cói.
Trên thực tế, hầu hết các phương pháp giải mã đều được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ do nhà khoa học máy tính Brent Seales—một trong những người đồng sáng lập Thử thách Vesuvius—và nhóm nghiên cứu tại Đại học Kentucky nghiên cứu phát triển. Loại công nghệ này không xâm lấn trực tiếp lên về mặt giấy mà thay vào đó, nó thâm nhập vùng ký tự mắc kẹt bên trong giấy cói bằng cách phân tích và chuyển đổi các bản quét CT.
Trước Herculaneum, phương pháp này từng được thử nghiệm với văn tự Ein Gedi, một cuộn văn tự được tìm thấy tại Giáo đường Do Thái cổ ở Israel năm 1970, cũng ở trong tình trạng bong tróc, mong manh đến mức không thể chạm vào. Năm 2016, các nhà nghiên cứu xác định Ein Gedi là một phần của cuốn Lê-vi Ký, cũng chính là cuộn giấy Cựu Ước cổ nhất từng được tìm thấy trong Hòm Giao Ước của Giáo đường Do Thái.
Lại nói về Herculaneum, cần hiểu rằng, những giờ khắc cuối đời của Plato chỉ là một vi mảnh trong dòng trí tuệ dồi dào mà những cuộn giấy cổ sơ dung chứa. Trước phát hiện mới nhất này, Ban tổ chức Thử thách Vesuvius đặt mục tiêu giải mã được 90% của bốn cuộn giấy trong năm 2025. Đồng thời, sự phát triển của khoa học công nghệ cho phép chúng ta thêm trông đợi để tiếp tục khai quật và giải mã các văn tự cũng như những di sản, hiện vật vô giá còn sót lại trên thế giới.