V.I.E… và một phần đời sống nghệ thuật Việt Nam trong thập kỷ này

Triển lãm V.I.E… cũng đặt một dấu mốc quan trọng khi trở thành sự kiện đầu tiên không mang tính ngoại giao, mà nghệ thuật đương đại Việt Nam được giới thiệu tới thị trường Paris thông qua gallery tư nhân và giám tuyển độc lập.

Võ Trân Châu, “Chiến lợi phẩm sau khi đi săn” (2023)

Giám tuyển Lê Thiên-Bảo thông tin từ Paris về cuộc triển lãm của nhóm nghệ sĩ đương đại Việt Nam mang tên V.I.E… Với hơn 35 tác phẩm, đa phần mượn dáng hình của tĩnh vật thân quen để neo lại dòng chảy của lịch sử, nhằm khắc họa một phần đời sống nghệ thuật ở Việt Nam trong thập kỷ này.

Nguyễn Thuý Hằng, “What’s going on out there?” (2021)

Trong tiếng Pháp, “vie” là cuộc/sự sống. Trong máy tính của người dùng tiếng Việt, VIE là chế độ gõ bàn phím được sáng tạo để tích hợp được 29 chữ cái gốc latin và 6 thanh sắc khác nhau trong ngôn ngữ này. Tiếng Việt, cũng như nghệ thuật Việt, là sự hỗn dung văn hóa từ Trung Hoa, Chăm Pa, Pháp và Mỹ.

Sau gần hai thập kỷ kể từ khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1995, cùng với sự phát triển của internet, nghệ thuật đương đại Việt Nam đã ồ ạt đón nhận những lý thuyết và tư tưởng cấp tiến của thế giới. Vô hình trung, bên cạnh chức năng tuyên truyền chính trị từ thời chiến, nghệ sĩ ở đây lại chịu chi phối thêm bởi những kỳ vọng từ kinh viện và nguồn quỹ nước ngoài.

Nguyễn Thị Châu Giang, “The Life #2” (2022)

Lê Thúy, “Người Mẹ (La Mère)” (2022)

Trải qua nhiều giai đoạn thích nghi, học hỏi và điều chỉnh, các nghệ sĩ trong triển lãm này hiện đang ở giai đoạn vững vàng nhất của sự nghiệp, khi đã không gồng mình với bài toán ‘‘giải thuộc địa”, “giải thiêng” hay ‘‘giải vật chất” để đáp lại kỳ vọng của giới chuyên môn phương Tây đối với một nền nghệ thuật vốn sinh ra từ thuộc địa và chiến tranh, như của Việt Nam.

Bùi Công Khánh chồng chất những trăn trở với xã hội vào men gốm Bát Tràng; Lê Thuý, Nguyễn Thị Châu Giang nâng niu quy luật sinh tử của phận người trên tranh lụa; Nguyễn Thúy Hằng phơi bày những ám ảnh cá nhân qua những câu chuyện hư cấu, được thể hiện bằng sơn dầu trên vải; Oanh Phi Phi, Hoàng Thanh Vĩnh Phong, khám phá và thử nghiệm các chiều kích khác của sơn mài; Richard Streitmatter-Tran tiếp tục “trình diễn” với cơ thể người, thông qua việc tôi luyện kỹ năng hình họa chân dung; Võ Trân Châu tái hình dung và chắp vá ký ức về lịch sử Đông Dương trên những tấm “mosaic” tái chế từ vải vụn.

Oanh Phi Phi, “Wayfaring 3 (map of Wu Han)” (2020)

Hoàng Thanh Vĩnh Phong, “Chân Dung Nệm (Portrait de matelas) #50 -LIBERTY” (2022)

Bùi Công Khanh, “Sometimes it’s good to be blue” (2022)

Các tác phẩm được bố trí trong không gian triển lãm thân mật như nội thất của một căn nhà, nơi việc lao động nghệ thuật đồng hiện với sinh hoạt đời thường. V.I.E… tán dương hành trình của nghệ sĩ để có được tổng hòa nhuần nhuyễn của ý niệm, kỹ thuật tạo hình truyền thống và kết nối với đời sống địa phương. Đây là lần đầu tiên nghệ thuật đương đại Việt Nam ra với thế giới không bởi một hoạt động ngoại giao mà hoàn toàn độc lập, và cũng là mở đầu cho những hợp tác/cam kết dài hạn giữa A2Z Art Gallery với nghệ thuật Việt Nam trong tương lai.

Richard Streitmatter Tran, “The Transplant series” (2023)

Thông tin triển lãm:

Thời gian: 02/03 – 01/04/2023

Địa chỉ: A2Z Art Gallery, 24 rue de l’ Echaudé, Paris VI  

Giám tuyển: Lê Thiên-Bảo

Các nghệ sĩ: Bùi Công Khánh, Hoàng Thanh Vĩnh Phong, Lê Thúy, Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Thúy Hằng, Phi Phi Oanh, Richard Streitmatter-Tran, Võ Trân Châu.