“Tự hỏi” – Lơ lửng trong thế giới siêu thực cùng Hồng Nhung

Tối ngày 9 tháng 7, Hồng Nhung đã phát hành “Tự hỏi”, MV được đầu tư công phu nhất suốt bốn thập kỷ làm nghề của nữ ca sỹ. Chất liệu âm nhạc mới mẻ kết hợp với chủ nghĩa siêu thực trong hình ảnh không chỉ đánh dấu cột mốc cá nhân quan trọng mà còn mang đến một trải nghiệm thẩm mỹ hoàn toàn mới lạ. 

MV “Tự hỏi” đánh dấu sự trở lại của ca sỹ Hồng Nhung sau một khoảng thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư. Không còn gò bó trong hình ảnh cổ điển, trong lần trở lại này, Hồng Nhung lựa chọn sự phá cách, cả trong hình tượng lẫn phong cách biểu diễn. Vốn gắn liền với những bản ballad cổ điển, “Tự hỏi” là ca khúc đầu tiên Hồng Nhung thử sức với thể loại pop kết hợp R&B. “Tự hỏi” là một thước phim thuật lại cuộc đối thoại nội tâm về sự cô đơn trong một mối quan hệ lâu dài. Xuyên suốt MV là câu chuyện về nỗi buồn, trăn trở của nhân vật chính về những hy sinh của bản thân cho người mình yêu. Tuy nhiên, nỗi buồn ấy không biểu hiện một cách âu sầu, tỉ tê mà chứa chan đầy hy vọng về tương lai, rằng sau những quãng thời gian khó khăn, tình yêu sẽ được hồi sinh. 

Poster MV “Tự hỏi”

MV “Tự hỏi” được lên ý tưởng và dàn dựng bởi đạo diễn Phương Vũ (Antiantiart) – một trong những đại diện nổi bật nhất của giới sáng tạo trẻ tại Việt Nam. Dự án còn có sự đồng hành của ca sỹ Trung Trần, nhà sản xuất Lope Phạm, biên đạo Tấn Lộc và vũ đoàn Arabesque. Theo chia sẻ của Hồng Nhung, đây là lần đầu tiên cô thực hiện một dự án âm nhạc với nhiều cộng sự trẻ đến vậy. 

MV “Tự hỏi” còn gây chú ý bởi phong cách hình ảnh đột phá, được thực hiện tại Nhà hát lớn Hà Nội – nơi gắn bó suốt bốn thập kỷ làm nghề của nữ ca sỹ, được “cô Bống” gọi với danh xưng thân quen là “cơ quan”. Nhà hát Lớn Hà Nội là biểu tượng của kiến trúc cổ điển, nhưng trong “Tự hỏi”, hình ảnh đã được tiếp cận theo hướng hiện đại hơn. Phần biên đạo cùng đội hình múa đương đại cũng là công cụ để diễn tả thế giới nội tâm, nơi nhân vật chính được lắng nghe và đối thoại với chính mình.

Khung cảnh Nhà hát Lớn Hà Nội xuất hiện đầy ma mị trong MV

Câu chuyện tình trong “Tự hỏi” được lấy cảm hứng từ những bức tranh của danh họa người Bỉ René Magritte, một trong những hoạ sỹ tiên phong trong phong trào Siêu thực. Magritte vẽ những vật thể gợi tình được đặt cạnh nhau trong khung cảnh mộng mơ, tạo nên cảm giác vừa quen thuộc, vừa lạ lẫm, khiến người xem phải “tự hỏi” ý nghĩa những bức tranh là gì. Sự xuất hiện của những bức tranh siêu thực đã tạo nên một không gian đa tầng nghĩa cho ca khúc. 

Hình ảnh trong MV lấy cảm hứng từ tác phẩm “The Lovers II” (Người tình II) (1928)

Tác phẩm “The Lovers II” là một tác phẩm tiêu biểu của René Magritte, khắc hoạ hình ảnh hai người đang hôn nhau với khuôn mặt bị che khuất bởi tấm vải trắng. Giống như câu chuyện trong MV, bức hoạ cũng miêu tả lại những rào cản trong chuyện tình cảm lứa đôi, hành động thân mật của hai người lẽ ra phải tạo cảm giác thân mật, gần gũi, song lại tạo cảm giác xa cách, nghẹt thở. Tấm vải quấn quanh cặp đôi tượng trưng cho những khó khăn, thử thách trong một mối quan hệ khi họ muốn kết nối và chạm đến bản chất thật của nhau. Tuy có những cản trở hữu hình nhưng sự trấn an thông qua ngôn ngữ cơ thể khi người đàn ông nghiêng mình về người yêu, như để nói với cô rằng mọi khó khăn rồi cũng sẽ qua đi.

“Golconda” (1953) – cảm hứng cho khung cảnh những người bay trên không trung

Hình tượng con người trong môi trường phi trọng lực trong MV khiến ta liên tưởng tới bức tranh “Golconda” – hàng trăm người đàn ông mặc vest đen, đội mũ quả dưa, lơ lửng giữa không trung trước nền trời xanh và những tòa nhà kiểu Bỉ. Cảnh tượng tưởng chừng phi lý này lại gợi lên một hiện thực sâu sắc về xã hội hiện đại – nơi con người ngày càng bị đồng hóa, mất đi cá tính khi họ giống hệt nhau về dáng vóc, trang phục và biểu cảm. Chi tiết này không chỉ tái hiện thẩm mỹ thị giác mà còn mở rộng chiều suy tưởng, rằng trong một mối quan hệ, ta cũng có thể đánh mất chính mình, trở thành một phần lặp lại vô thức.

Hình ảnh người đàn ông bị chim bồ câu che mặt – nguyên tác “The Man in a Bowler Hat” (Người đàn ông đội mũ quả dưa) (1964)

Trong MV, hình ảnh một người đàn ông mặc vest với gương mặt hoàn toàn bị che khuất bởi một con chim bồ câu trắng đang bay ngang qua được lấy cảm hứng từ tác phẩm “The Man in a Bowler Hat”. Hình ảnh gợi cảm giác khuyết thiếu đi danh tính, như thể cá nhân đang bị xóa mờ bởi chính những biểu tượng mà họ tin tưởng. Trong bối cảnh MV, hình ảnh phản ánh trạng thái mơ hồ, khi nhân vật chính không còn phân định được ranh giới giữa bản thân và kỳ vọng trong tình yêu. 

MV “ Tự hỏi” (trái) – “The Healer” (Người chữa lành) (1937 – 1967)

“The Healer” được tái hiện trong MV với hình ảnh một người đàn ông có thân thể là một chiếc lồng chim rỗng, cánh cửa mở toang nhưng không có con chim nào rời lồng. Hình ảnh như gợi nhắc đến sự giam cầm vô hình trong mối quan hệ, thế tiến thoái lưỡng nan khi không muốn ở lại nhưng không nỡ rời xa. Dù mang tên là “người chữa lành”, nhân vật trung tâm lại hiện lên như một biểu tượng của trống rỗng và tổn thương, như thể người ấy có thể chữa lành cho người khác nhưng không thể tự giải phóng chính mình.

MV “ Tự hỏi”(trái) – “La Mémoire” (Ký ức) (1948)

Một điểm nhấn mang tính biểu tượng khác trong MV là “La Mémoire” – đầu tượng đá nhỏ máu, xuất hiện như một ký hiệu của những tổn thương đã bị “hóa đá” nhưng vẫn âm thầm rỉ máu. Vẻ tĩnh lặng đối lập với dòng máu đỏ là ẩn dụ cho ký ức đau thương – thứ tưởng đã qua nhưng vẫn dai dẳng hiện hữu. Sự gợi nhắc này không chỉ tạo liên tưởng sâu sắc, mà còn mở rộng chiều cảm xúc của người xem: từ tổn thương cá nhân đến trải nghiệm phổ quát về nỗi đau và sự hồi phục.

Trong nghệ thuật đương đại, Siêu thực vẫn là một trong những chủ nghĩa có sức hấp dẫn mạnh mẽ với khán giả đại chúng bởi khả năng khơi gợi vẻ đẹp bí ẩn của tiềm thức. Không chỉ thể hiện sự cân bằng hoàn hảo giữa thực tiễn và tiềm thức, chủ nghĩa nghệ thuật này còn phản ánh sự phi lý trí của người nghệ sỹ một cách chân thực. 

“Tự hỏi” không đơn thuần là một sản phẩm âm nhạc, mà là một tác phẩm nghệ thuật thị giác mang tính chất liên ngành – nơi âm nhạc, sân khấu, hội họa và điện ảnh giao thoa. Việc lựa chọn phông nền mang tính siêu thực giúp MV không chỉ truyền tải cảm xúc, mà còn đặt ra những câu hỏi lặng lẽ về sự tồn tại, yêu thương và giải thoát nội tâm. Đây là một trong những sản phẩm đầu tư nhất về mặt hình ảnh của Hồng Nhung, mở ra một không gian cảm nhận nghệ thuật độc đáo, thách thức và đầy nhân văn.

Thực hiện: Dương Thu Hương