Không cứ hồi đấy đâu, mà đến giờ cũng vẫn thế. Nhưng anh luôn quan niệm rằng, tác phẩm của mình không hoàn toàn là như vậy thì mình không sợ. Ngay từ năm 1994, Jeffrey Hantover còn nhắn anh hỏi “Tao viết như thế có được không?”. Anh bảo rằng, viết là việc của mày, kể cả mày viết tồi thế nào cũng là việc của mày. Tao chỉ là họa sỹ, tao chịu trách nhiệm về tranh của tao thôi, còn mày chịu trách nhiệm về việc viết của mày. Đợt anh bị kiểm duyệt năm 1995 ở Sông Hồng Gallery, công an cũng hỏi anh tại sao lại để cho người ta viết lên báo như thế. Anh bảo rằng, đấy là quyền và trách nhiệm của họ. Còn tranh tôi đây, như thế này mà sao họ viết thế kia. Người đọc cũng phải có trách nhiệm sàng lọc thông tin. Anh nói về con người chứ chẳng nói riêng ai cả. Con người dù có theo xu hướng tính dục nào thì cũng là con người, được trời sinh ra như vậy. Còn phải đấu tranh nghĩa là còn nhìn mình là yếu thế. Thế nên anh chẳng hơi đâu phải đi đấu tranh. Nếu ta còn phân biệt đây là đồng tính luyến ái thì sẽ còn bị phân biệt mãi mãi. Hãy coi họ là con người, chấm hết.
Hồi ấy cả một đất nước vẽ giống hệt nhau theo kiểu bờ Hồ, chim hoa cá gái. Chỉ bọn anh vẽ giấy dó theo kiểu hoàn toàn khác, chả có chính phụ bố cục gì cả. Tại sao là họa sỹ mà họ vẫn vin vào những khái niệm ấy, so sánh cái này phải tối phải sáng, cái kia phải đậm phải nhạt… như là học sinh mới vào nghề vậy? Năm 1992, anh triển lãm trong trường Yết Kiêu hai bức “Cái gương” và “Rạp xiếc”, pha đủ chất liệu, ngoài sơn dầu và toan còn gắn cả kim, tóc, vaseline, vỏ chai, mảnh gương đủ kiểu. Đó là lần đầu tiên trong trường có người triển lãm như thế, nên ai nấy đều xôn xao. Ngay cả từ khi chưa tốt nghiệp, anh đã làm khác rồi. Năm 1987 anh đã tìm tòi vẽ ký họa những ý niệm trong đầu, ví dụ những cái chân trên tường. Sau này người ta bảo anh vẽ giống Louise Bourgeois, nhưng lúc ấy anh có biết bà ấy là ai đâu. Các phác thảo ấy anh còn lưu giữ. Rồi người ta lại so sánh tranh anh với Keith Haring và nhiều người khác, nhưng đó là ngôn ngữ của riêng anh, anh sáng tác từ khi chưa nghe đến họ.
Đấy là vì anh may mắn, không có thói ghen tỵ, thế mới hay chứ. Anh nói với các bạn, tôi học trước, tôi đi trước, nhưng tôi ở đây không phải làm thầy, mà chỉ để nâng những cái có sẵn trong bạn, để bạn nhìn rõ hơn. Mà nhìn rõ rồi thì bạn phải giải thích cho người khác cùng biết cùng học. Với anh, thầy trên giảng đường không nhất thiết phải là thầy của mình. Thầy của mình là những đại danh họa trong sách ấy. Nên hồi sinh viên anh vẽ thì mọi người cứ bảo giống Tây không giống ta. Mà vẽ kiểu Việt thì được 9 điểm, kiểu Tây chỉ 8 thôi.
Đúng thế. Có người nói rằng “installation art” đã được dịch ra tiếng Việt từ năm nào trước đó trong Sài Gòn rồi, nhưng dịch mà không có ngữ cảnh, chưa có ví dụ thực hành thì dịch để làm gì? Có người lại bảo à, thế thì những thứ bày biện trong điện, trong đền chùa cũng là sắp đặt rồi. Hiểu thế là sai, vì văn hóa lười nghiên cứu cho đến nơi đến chốn, thì nhìn cái gì của mình na ná với họ thì nhận vơ vào. Thế thì làm sao thấu đáo được.
Còn “performance art” thì bọn anh chọn dịch là “nghệ thuật trình diễn” chứ không phải “trình diễn” (performance) hay “trình diễn nghệ thuật” (art performance). “Trình diễn nghệ thuật” thì lúc đó đã có rồi, là làm kịch trên sân khấu chẳng hạn. Còn “nghệ thuật trình diễn” là một loại nghệ thuật dùng cơ thể mình để diễn giải, thiên về ý niệm và không thể dùng bằng hình thức nào khác ngoài việc phải trình diễn nó. Kể cả nhiều người thực hành cũng hay nhầm, tác phẩm cứ như diễn kịch thì làm sao gọi là nghệ thuật trình diễn. Rồi lúc ấy nhiều người chưa hiểu, cũng bắt đầu gọi hồn nhảy múa lung tung, rồi gọi nó là “múa đương đại”, nhưng đó đâu phải nghệ thuật trình diễn?
Tiền đề sớm nhất cho nghệ thuật trình diễn anh nhớ được là khi anh quấn vải rồi cởi ra, tháng 1 năm 1994. Nó không phải tác phẩm hoàn chỉnh, nhưng có những hơi hướng của bộ môn ấy. Anh lại nhập môn dễ như vậy là vì hồi bé anh rất thích múa. Từ 12 tuổi anh chợt nhận ra cơ thể mình thật đẹp, và sau này xin vào trường múa. Nhưng người bé quá, múa làm sao được. Lúc làm bài thi tốt nghiệp anh quyết định chọn đề tài về múa, nhưng xin giấy tờ vào trường múa rất khó khăn, phải xin Bộ Văn hóa, đủ thứ giấy tờ, đâu có dễ. Sau này anh rất hứng thú làm tác phẩm trình diễn, và hay làm kèm triển lãm của bạn bè. Khai mạc đông vui thì không nói, anh hay thích chọn làm dịp cuối triển lãm để mọi người đến lần nữa, cho có không khí làng xã, anh em nghệ sỹ nhân thế lại được tụ tập với nhau lần nữa. Do hứng thú nên anh làm rất nhiều. Anh sinh ra để làm nghệ thuật trình diễn.
Bài: Ace Lê
(Bài viết đăng lần đầu trong ấn phẩm Art Republik kỳ 4)