“Cây ơi mày bao nhiêu tuổi?” – Lê Brothers.
“Tự nhiên đẹp vì nó nhìn như Nghệ thuật, và Nghệ thuật chỉ có thể coi là đẹp khi nhận thức của chúng ta về vật phẩm Nghệ thuật đó có dáng vẻ tương tự với Tự nhiên.”– Immanuel Kant
Triển lãm tập hợp các tác phẩm từ năm 2021-2023, xuất hiện đầu tiên bằng một seri các bức vẽ sơn dầu trên toan khổ lớn, các bộ khung cửa gỗ cổ và tủ gỗ được vẽ như một bề mặt hội họa tương thích với kết cấu ba chiều và vật liệu nặng. Đặc biệt là các video hình ảnh động được thực hiện trong những chuyến Đi Rừng của 2 họa sĩ.
Trong những năm tháng dài cuộc đời, suy tư của con người đi từ bên trong mình ra thế giới xung quanh, và ngược lại, tìm kiếm những điểm neo đậu của sự phản tư để bồi đắp thế giới bên trong.
Nhìn lại những dự án nghệ thuật của Lê Brothers tới ngày hôm nay, có thể thấy rằng đó không gì khác hơn các cuộc đối thoại bất tận của nội giới với sự vật và hiện tượng bên ngoài từ hai con người-cá tính độc lập, nhưng chung một nhân cách nghệ thuật. Đó là chuỗi tự sự nối tiếp nhau nhằm để giải đáp những câu hỏi xa xưa mà chưa bao giờ cũ: Tôi là ai? (dự án Trước 86 – Before 86 2011, Dự án Đỏ – The Red Project 2013, Trò chơi – The Game 2013/15, 365 Ngày – 365 Days 2014). Tôi từ đâu đến? (dự án Cây Cầu – The Bridge 2010, Những con số – The Number 2011, Ảo Ảnh – Illusion 2017/19).
Mỗi câu hỏi đặt ra một mệnh đề với thời cuộc và thân phận, để rồi nghệ thuật được dùng như phương tiện để hồi đáp, và sau đó câu hỏi mới xuất hiện, như một vòng lặp không điểm dừng. Hoàn toàn khác với những độc thoại của nghệ sĩ thông thường, ở đây sự phản tư xảy ra ở hai bản thể song sinh chung nghệ danh Lê Brothers. Cặp đôi tự đặt câu hỏi và tự cùng nhau trả lời bằng tranh cãi, thảo luận, thống nhất hay hoài nghi, để đi qua các suy tư về nguồn gốc, lịch sử cá nhân và cộng đồng, niềm tin và lý tưởng, quá khứ và hiện tại… và diễn giải sự trả lời bằng các hình thức nghệ thuật thị giác trong nhiều chiều không gian và thời gian: những loạt tranh theo chủ đề được theo đuổi một cách trọn vẹn, tới ảnh chụp kết hợp trình diễn kéo dài, những trình diễn ngoài thực địa theo ý tưởng của dự án tới trình diễn tương tác-ứng tác theo hoàn cảnh và không gian trên nhiều địa điểm, và các diễn giải-chuyển thể ở hình ảnh động dạng video và đa phương tiện.
Trong Rừng, dự án mới nhất, là một đối thoại ngoại lệ với thực hành trước đây của cặp đôi nghệ sĩ cá tính này với đời sống bên ngoài, khi nhìn nhận một sự vật từ ngoại giới như một đối tượng bên cạnh họ, mà không phải là một nguyên cớ để phản ảnh tự sự của thân-tâm-trí như các công việc trước đây.
“Cây ơi mày bao nhiêu tuổi?” – Câu hỏi này bắt đầu xuất hiện trong tâm trí hai nghệ sĩ và nhắc đi nhắc lại sau nhiều chuyến đi dài vào các khu rừng phía Bắc Trường Sơn ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, tiếp theo đó là những ngày tháng lang thang ở miền núi Tây Nguyên, rồi đến những chuyến đi xa ngoài lãnh thổ với rừng ở các vùng đất và lục địa khác nhau. Đặt chân lên những cánh rừng già, ngồi dưới bóng cây cổ thụ không vương dấu thời gian, hình hài của tự nhiên bắt đầu xuất hiện len lỏi vào bên trong, ghi hình vào cảm xúc và tâm trí.
Tự nhiên vẫn ở đó, nhưng đó là lúc nó mới được phát hiện. Đó là một tự nhiên của hiện diện ngoại thân và hiện diện bên trong đời sống nội tâm, mà phần lớn không được nhận ra bởi vì con người thường choáng ngợp trước sự trù phú lớn lao của phong cảnh tự nhiên.
Những bức tranh sơn dầu lớn khổ ngang không có bắt đầu và không có kết thúc, bề mặt chỉ là những dải màu dọc xen kẽ của những sắc độ từ trầm ấm, rực rỡ tới u tối lạnh lẽo.
“Cây ơi mày bao nhiêu tuổi?.” Câu hỏi không chỉ là câu hỏi, mà còn là sự nhận ra và khởi đầu tiến trình nhận biết. Con người tiếp nhận thông tin cơ bản do ngũ quan từ tai, mắt, mũi, miệng và đụng chạm của cơ thể, nhưng nhận thức đến bằng sự cảm nhận của trực giác, đi trực tiếp vào hệ hình của cảm xúc từ đó xây dựng dáng hình phi vật lý về đối tượng, để từ đó “biết” về sự hiện diện của đối tượng. Đặt mối quan tâm và tò mò vào một sự vật bên ngoài, là cách ta bắt đầu xây dựng nhận thức về đối tượng, để đi đến sự ‘nhận ra’ đối tượng. Nhận ra sự tồn tại của một thực thể, một đời sống, một hệ hình và sinh thái to lớn tồn tại bên cạnh mình, và mình chỉ là một cá thể nhỏ trong đó.
Sự ‘thấy’ chính là ‘nhận ra’ và nhận ra đồng thời cả đối tượng và bản thể trong hiện diện của cả hai, như John Berger nói: “Chúng ta không bao giờ chỉ nhìn vào một thứ; chúng ta luôn nhìn vào mối quan hệ giữa chúng với chính mình”. Đó là sự khởi đầu chuỗi sáng tác mới này, nhằm để diễn giải những cảm giác của sự nhận ra.
Nhận ra Rừng là một thực thể đồng hiện và đồng thời với bản thể (song sinh) của mình. Nhận ra sự tồn tại của mình trong bản thể trù phú lớn lao điềm mật đó. Trong Rừng là những diễn giải thị giác liên hồi của cảm thức về nơi chốn do ý thức dẫn dắt, do đó sẽ không tính về số lượng sáng tác, hay bao giờ nó sẽ chấm dứt.
Những bức tranh sơn dầu lớn khổ ngang không có bắt đầu và không có kết thúc, bề mặt chỉ là những dải màu dọc xen kẽ của những sắc độ từ trầm ấm, rực rỡ tới u tối lạnh lẽo.
Vẫn theo cách thức sáng tác đặc trưng của Lê Brothers, mỗi người tuần tự thay nhau làm việc trên những bề mặt màu sắc để thay nhau tường thuật về cảm xúc và nhận thức về Rừng, Trong Rừng, trong một mạch đối thoại và tự sự liên miên. Sự liên thông của cảm giác chuyển thành các thao tác vẽ, vẩy, vạch, miết, mài trên bề mặt tranh được diễn ra từ người này nối tiếp người kia khi sự chia sẻ nhận thức chung về tự nhiên.
Những diễn giải liên tục trên bề mặt tranh, thành những đường kẻ không hồi kết, chồng lớp, dầy đặc và chuyển biến – như hệ cảm xúc dầy đặc đa tầng vừa sinh sôi vừa úa tàn của Rừng đem lại cho họ. Từ những bề mặt tranh, kết cấu thị giác này lan lên các khung cửa gỗ cổ, lên những phiến vật chất do bàn tay con người và dấu ấn của thời gian, như sự bao phủ và sinh sôi của rừng sẽ xâm chiếm những gì còn lại.
Dàn dựng dàn trải trong không gian một cách phi tuyến, không nhằm hướng đến một lộ trình cụ thể cho người xem, những vật thể nghệ thuật do bàn tay con người kết hợp với vật thể tự nhiên của cây, nước, sinh vật, nhằm xây dựng và truyền đạt cảm giác về thiên nhiên, và tạo dựng sự đối thoại với thiên nhiên của mỗi người bước vào trong đó.
Lắng nghe một phần tự sự của Lê Brothers từ khởi nguồn của dự án này:
“Cây ơi mày bao nhiêu tuổi?. – Câu hỏi bật ra từ cảm xúc ngay lúc đó khi chúng tôi chạm tay vào một thân cây cổ thụ trong rừng đại ngàn, và cả từ tâm khảm của chúng tôi, vừa ẩn mật vừa vô thức như tiếng vọng từ một cội nguồn xa xôi, một gắn kết nào đó đã mất đi. Như mỗi người đều có bản thổ, gốc gác, nhân thân, có lịch sử và có nơi chốn mình đến và đi, vậy tự nhiên đến từ đâu và đi về đâu?. Tự nhiên là gì, là môi trường sống và dung dưỡng cho mọi sinh linh, hay chính nó là một thực thể sống khác mà các sinh linh trong đó là một phần cơ thể, là những tế bào của tự nhiên?”.
T. Adorno, triết gia xuất sắc người Đức, từng đề cao năng lực phản ánh lịch sử của nghệ thuật là chân thực và ít hoài nghi hơn bất kì những tài liệu khách quan nào, Trong Rừng có thể coi là một nỗ lực đóng góp vào lịch sử của chuỗi ý thức con người đối thoại với tự nhiên. Và dẫn giải triển lãm này nỗ lực tạo ra đường dẫn mơ hồ nào đó tới ý thức và lao động do hai nghệ sĩ trình bày với khán giả ở đây, với ý tứ từ lời nói của I. Kant:
“Tự nhiên đẹp vì nó nhìn như Nghệ thuật, và Nghệ thuật chỉ có thể coi là đẹp khi nhận thức của chúng ta về vật phẩm Nghệ thuật đó có dáng vẻ tương tự với Tự nhiên”.
Mời độc giả cùng tự mình nhìn nhận thể nghiệm Tự nhiên và tìm kiếm những đối thoại của mình thông qua những phản ánh nghệ thuật mới của Lê Brothers.
Triển lãm “Trong Rừng” diễn ra từ ngày 27/8 đến 29/10/2023 tại Mơ Art Space, 136 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.