“TRỜI, NON, NƯỚC | ALLUSIVE PANORAMA” – TRIỂN LÃM HỘI HOẠ CỦA VUA HÀM NGHI VỚI QUY MÔ LỚN NHẤT SẼ RA MẮT CÔNG CHÚNG VÀO THÁNG 3/2025

Triển lãm phi thương mại quy tụ các bức tranh phong cảnh sơn dầu nguyên bản do vua Hàm Nghi sáng tác trong những năm bị lưu đày, với quy mô lớn nhất cho tới nay. Các tác phẩm được trưng bày tại Điện Kiến Trung (Huế) trong 02 tuần từ 25/03/2025, mở cửa cho du khách tham quan Đại nội Huế. Được đồng giám tuyển bởi nhà nghiên cứu mỹ thuật Ace Lê và Tiến sỹ Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14/02/2025

Vào cuối tháng 03/2025, Điện Kiến Trung (Đại nội Huế) sẽ trở thành điểm hẹn nghệ thuật không thể bỏ lỡ khi tạp chí Art Republik Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức triển lãm hội hoạ đặc biệt “Trời, Non, Nước | Allusive Panorama”.

Đây là triển lãm hồi cố thứ hai, cũng là triển lãm có quy mô lớn nhất từng được tổ chức cho các tác phẩm tranh của vua Hàm Nghi tại Việt Nam. Triển lãm sẽ trưng bày hơn 20 tác phẩm, quy tụ từ 10 bộ sưu tập tư nhân. Các tác phẩm đã được hồi hương, thẩm định, bảo quản và phục chế bởi các chuyên gia đầu ngành và được đồng giám tuyển bởi nhà nghiên cứu mỹ thuật Ace Lê và Tiến sỹ Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi. 

Vua Hàm Nghi, “Phong cảnh với cây bách (Menthon-Saint-Bernard)”, (1906), 27 x 40.5 cm, sơn dầu trên toan (Nguồn: Kâ- Mondo)
Vua Hàm Nghi, “Phong cảnh Algeria” (1902), 24.1 x 35.4 cm, sơn dầu trên toan (Nguồn: Kâ-Mondo)

“Công chúng đã biết tới vua Hàm Nghi như một anh hùng dân tộc, người đã thảo chiếu Cần Vương với tham vọng giành lại chủ quyền cho dân tộc từ thực dân Pháp. Tuy nhiên, chưa nhiều người biết rằng, ông cũng là một trong hai họa sỹ Việt đầu tiên (cùng Lê Văn Miến) được đào tạo sáng tác theo phương pháp hàn lâm Tây phương, vì thế có thể xem ông là người đóng vai trò tiên phong trong buổi bình minh của mỹ thuật hiện đại Việt Nam”, Giám tuyển Ace Lê – Tổng Biên tập tạp chí Art Republik – nhận định. “Tranh Hàm Nghi là sự kết hợp độc đáo giữa tài năng hội hoạ và tình yêu đất nước, nơi ông gửi gắm nỗi nhớ quê hương và ẩn chứa cả sự phản kháng ngầm trước những áp bức trong thời gian bị lưu đày”.

Vua Hàm Nghi, “Bờ rừng (hồ Geneva)” (khoảng 1920), 38 x 55 cm, sơn dầu trên toan (Nguồn: Kâ-Mondo)
Vua Hàm Nghi, “Cánh đồng lúa mì” (1913), 31 x 39 cm, sơn dầu trên toan (Nguồn: Lynda Trouvé)

Sự “trở về” của những bức tranh Hàm Nghi trong không gian điện Kiến Trung (Huế) – nơi ở cũ của hoàng tộc nhà Nguyễn, là lời tri ân của hậu thế dành cho vị vua yêu nước. Đây cũng là cơ hội hiếm có để công chúng tại Việt Nam được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tranh vua Hàm Nghi trong một không gian triển lãm được thiết kế trong di tích nhằm đáp ứng tiêu chuẩn triển lãm của bảo tàng quốc tế.

Tuần lễ triển lãm cũng được diễn ra đồng thời với khoảng thời gian Huế vinh dự đăng cai Năm Du lịch Quốc gia, kết hợp với Festival Huế 2025, kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh (26/03/1975 – 26/03/2025) và chào mừng Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Ông Hoàng Việt Trung – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: “Việc trưng bày và giới thiệu những tác phẩm của vua Hàm Nghi giúp gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp các thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hoá của đất nước, qua đó có ý thức hơn trong việc bảo tồn và phát huy di sản. Triển lãm cũng góp phần khẳng định vị thế của cố đô Huế như một trung tâm văn hóa trong dòng chảy lịch sử của Việt Nam”.

Vua Hàm Nghi, “Bình minh trên hồ” (khoảng 1910), 24.5 x 32.5 cm, sơn dầu trên toan (Nguồn: Lynda Trouvé)

Bên cạnh việc thưởng lãm các tác phẩm quý, du khách khi đến với triển lãm còn có cơ hội tiếp xúc, giao lưu cùng đội ngũ giám tuyển, chuyên gia để hiểu hơn về quá trình hồi hương tranh Hàm Nghi và thực hiện trưng bày. Đặc biệt, triển lãm còn có sự xuất hiện của Tiến sỹ Amandine Dabat – hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi – tác giả của cuốn sách “Hàm Nghi – Hoàng đế lưu vong, nghệ sỹ tại Alger” vừa ra mặt tại Việt Nam cuối năm 2024, góp thêm góc nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời và thực hành nghệ thuật của vị vua tài hoa trong thời gian lưu đày ở Pháp và Algérie.

Đội Ngũ Giám Tuyển:

Về Giám tuyển Ace Lê:

Ace Lê là một giám tuyển và nhà nghiên cứu nghệ thuật Việt Nam. Ông là Giám đốc Điều hành đầu tiên của Sotheby’s cho thị trường Việt Nam, và giám tuyển chuỗi triển lãm tiên phong “Hồn Xưa Bến Lạ” và “Mộng Viễn Đông”. Ông cũng là Giám đốc Sáng lập của tổ chức phi lợi nhuận Lân Tinh Foundation, Tổng Biên tập Art Republik Việt Nam, thành viên Ban Cố vấn của UOB Painting of the Year (từ 2024), Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (từ 2022) và Kho Dữ liệu Nghệ thuật Đương đại Việt Nam (2022-2023). Là một đại diện chương trình Lãnh đạo Nghệ thuật Quốc tế 2022-23 của Hội đồng Nghệ thuật Úc, ông là Học giả Lưu trú tại Queensland Art Gallery/Gallery of Modern Art. Năm 2020, Ace Lê đồng nhận giải Platform Projects Curatorial Award của NTU Centre for Contemporary Art Singapore. Ace Lê tốt nghiệp Thạc sỹ về Nghiên cứu Bảo tàng và Giám tuyển Nghệ thuật và Thạc sỹ về Báo chí và Truyền thông tại Nanyang Technological University, Singapore và Cử nhân Quản trị Kinh doanh tại National University of Singapore. Ông được vinh danh trong danh sách Tatler Asia’s Most Influential 2024 tại Việt Nam.

Về Tiến sỹ Amandine Dabat:

Tiến sỹ Amandine Dabat là hậu duệ đời thứ năm của vua Hàm Nghi. Tại Pháp, bà là người tổ chức triển lãm đầu tiên về vua Hàm Nghi vào tháng 5/2022 với tên gọi “Nghệ thuật lưu đày – Hàm Nghi, ông hoàng Annam (1871-1944)” ở Bảo tàng Nghệ thuật châu Á thuộc TP. Nice. Tại Việt Nam, bà cũng góp không ít công sức để hồi hương tác phẩm của cựu hoàng như bức tranh sơn dầu gốc “Hồ trên dãy núi Alps” (1900-1903) và trao tặng chiếc ống điếu kỷ vật của vua Hàm Nghi cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Amandine Dabat tốt nghiệp Tiến sỹ Lịch sử Nghệ thuật tại Đại học Paris-Sorbonne – Paris IV, ED 124, CREOPS với luận án “Hàm Nghi – Hoàng đế lưu vong, nghệ sỹ tại Alger” (Hàm Nghi – Empereur en exil, artiste à Alger). Luận án của bà được chuyển thể thành sách, xuất bản năm 2019 bởi NXB. Đại học Sorbonne, Pháp và ra mắt bản tiếng Việt năm 2024 bởi NXB Khoa học Xã hội.

Ban Tổ Chức

Về Art Republik Việt Nam:

Là một ấn phẩm uy tín từ Singapore, tạp chí Art Republik đến Việt Nam từ 5 năm trước, và là tạp chí nghệ thuật song ngữ đầu tiên và duy nhất tại đây. Với khẩu hiệu “Elitism for All (Tinh hoa cho đại chúng)”, Art Republik là một diễn ngôn cho cộng đồng yêu nghệ thuật với sự tập trung vào chất lượng nội dung và xây dựng cộng đồng trung thành, gắn kết. Đội ngũ đã ra mắt được 7 số tạp chí bán niên, đến tay 15.000 độc giả mỗi số, đồng thời tổ chức và đồng hành cùng 30 sự kiện nghệ thuật lớn nhỏ mỗi năm.

Về Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế:

Được thành lập vào năm 1982, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là tổ chức bảo tồn và quản lý các di tích văn hóa tại Cố đô Huế. Trung tâm đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ những công trình kiến trúc, nghệ thuật và truyền thống đặc sắc của triều đại Nguyễn thông qua tổ chức các hoạt động nghiên cứu và bảo tồn, đồng thời phối hợp với các tổ chức quốc tế và địa phương để quảng bá giá trị di tích Huế với bạn bè quốc tế. Gần đây, trung tâm đã phục dựng thành công hai công trình quan trọng bậc nhất Hoàng cung Huế là điện Thái Hoà và điện Kiến Trung.

Về Viện Pháp tại Việt Nam:

Viện Pháp tại Việt Nam là một bộ phận trực thuộc Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, do Bộ Ngoại giao và Phát triển Quốc tế Pháp làm chủ quản. Viện Pháp tại Việt Nam là một cơ sở mà nguồn ngân sách được tài trợ phần lớn bởi Bộ Ngoại giao và Phát triển Quốc tế Pháp. Nhiệm vụ của Viện Pháp tại Việt Nam là góp phần mang ảnh hưởng của nước Pháp tới Việt Nam trong các lĩnh vực: Hợp tác đại học và nghiên cứu (bao gồm cả y tế); Thúc đẩy, quảng bá văn hóa và ngôn ngữ Pháp; Giáo dục và đào tạo; Hợp tác pháp lý; Hỗ trợ hợp tác phi chính phủ của Pháp tại Việt Nam (chính quyền địa phương, các tổ chức NGO).

___

Thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:

Art Republik Vietnam

– Bà Tạ Phương Thuỳ, Bộ phận Truyền thông

SĐT: 0902 433 258

Email: thuy.ta@luxuo.vn

   

Trung tâm BTDT Cố Đô Huế (HMCC)

– Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc 

 ĐT: +84-234.3530840; 

– Bà Lê Thị Thanh Bình, Phó Chánh Văn phòng 

ĐT: +84(0)9035.100 776 (zalo/w.a)

ĐC: 23 Tống Duy Tân, phường Đông Ba, tp.Huế;

Email: huedisan@gmail.com 

Website : www.huedisan.com.vn & www.hueworldheritage.org.vn

   

Viện Pháp tại Việt Nam tại Huế/

Institut français du Vietnam à Hué

– Ông Nguyễn Bảo Quốc, Giám đốc

ĐT: +84-2343822678

Email: nguyen.bao.quoc@ifv.vn