Hơn 20 năm song hành cùng nghệ thuật, Đào Mai Trang viết và biên tập cho chuyên mục Mỹ thuật của một số trang báo, tạp chí quan trọng ở trong nước. Chị là tác giả, đồng tác giả và chủ biên của các dự án xuất bản sách có ảnh hưởng trong giới nghiên cứu nghệ thuật, như “12 nghệ sỹ mỹ thuật đương đại Việt Nam” (song ngữ Việt-Anh, NXB Thế Giới, 2010), “Nghệ thuật và Tài năng – Một cận cảnh về thế hệ 8X của mỹ thuật Việt Nam” (NXB Phụ Nữ, 2014), “Họa sỹ Khóa Kháng chiến (1950 – 1954)” (NXB Mỹ Thuật, 2017), v.v.. Ngòi bút của Đào Mai Trang đã cung cấp cho độc giả những luận điểm sâu sắc và một lăng kính soi rọi vào hiện trạng rắc rối, hệ lụy phức tạp của thị trường mỹ thuật, từ vấn nạn tranh giả, tranh sao chép đến các tác động từ cơ chế quản lý của nhà nước.
“Lưu Công Nhân và Hội họa” (NXB Thế Giới, 2022) theo đánh giá của giám tuyển Ace Lê là “dự án sách xuất sắc nhất trong sự nghiệp Đào Mai Trang, và nhà báo đã làm tròn vai trò của một sử gia nghệ thuật, cũng như thiết lập một mốc mới về cung cách nghiêm cẩn trong khâu trích xuất, viện dẫn nguồn tham khảo… ”. Đây cũng là một trong 10 cuốn sách mà Tổng biên tập Ace Lê bình chọn là sách gối đầu giường của những người thực hành và đam mê nghệ thuật.
Thực ra là có hai dạng sách mà tôi thực hiện. Thứ nhất, sách do tôi chủ động thực hiện nội dung và chịu toàn bộ chi phí xuất bản. Thứ hai, sách được tổ chức/ cá nhân khác mời viết và họ chi trả mọi chi phí liên quan. Đến nay, tổng số đầu sách đã được xuất bản thuộc cả hai dạng là 6 cuốn, thêm 1 bản thảo đã hoàn thành về một chủ đề rất quan trọng của nghệ thuật đương đại Việt Nam song chưa có cơ hội được xuất bản.
“Lưu Công Nhân và Hội họa” là ấn phẩm thuộc dạng thứ nhất và đúng như anh nói, nó là ấn phẩm đầu tiên của tôi dành trọn vẹn về một nhân vật. Cơ duyên đến từ dự án sách “Họa sĩ Khóa Kháng chiến (1950 – 1954)” mà tôi may mắn được mời viết. Trong quá trình thực hiện ấn phẩm này (2015 – 2017), tôi được gặp bà Phụng, vợ của họa sĩ Lưu Công Nhân, gia đình anh Lưu Anh Tuấn, con trai út của ông bà Nhân – Phụng. Chứng kiến cách làm việc của tôi cùng ekip, đọc cuốn sách và chứng kiến cả cách tôi đi qua những ồn ào sau khi ấn phẩm “Họa sĩ Khóa Kháng chiến (1950 – 1954)” được phát hành, anh Lưu Anh Tuấn hẳn cũng đã có nhiều suy ngẫm, tôi đoán vậy vì đến giữa năm 2020, anh ấy gọi cho tôi và bày tỏ rằng: gia đình anh muốn giao gửi tôi những tài liệu mà ông Nhân để lại, tôi xem “và có thể làm được gì thì làm” cho bố của anh ấy. Tôi đã rất cảm động và nhận lời ngay lập tức. Có nhiều hơn một lần, anh gửi tài liệu, và đến khi tôi chuyển trả lại gia đình anh trong một lần, tổng số là 28 kg. Phải mất gần nửa năm sau khi đọc từng trang nội dung, tôi mới biết tôi phải làm gì và quyết định: sẽ tiếp tục thực hiện ấn phẩm này theo dạng sách thứ nhất, để bảo toàn mọi quan điểm của mình cũng như tránh tất cả hệ lụy có thể có về tranh thật – giả được đưa in trong sách.
Tôi đã đọc từng trang giấy, bao gồm: thư tín giữa ông Nhân với người nhà, bạn, các đại diện tòa báo, tạp chí, nhà báo, nhà văn, người sưu tập, mua tranh của ông, chủ gallery, người tự nhận là học trò, v.v.; bản dịch sách, tài liệu liên quan nghệ thuật của ông; sổ nhật ký, sổ tay ghi chép riêng về từng dòng tranh; các bài báo viết về ông và bài báo ông viết về người khác, về triển lãm nghệ thuật ở Việt Nam; những cuốn sách được ông thực hiện trước khi qua đời… Cả đến từng bao thư, tấm card-visit có ghi chú, từng mẩu giấy nhỏ ghi lời nhắn gửi của bạn bè và ông gửi cho nhau, lưu bút tại các triển lãm của ông, v.v. tôi đều đọc hết, vuốt ve ngay ngắn. Tôi xem kỹ từng bức ảnh tranh, ký họa do ông Nhân chụp hoặc nhờ người khác chụp lại. Có nhiều bước phân loại. Đầu tiên là loại sang một bên tất cả những gì thuộc về chuyện riêng tư trong gia đình ông và với bạn hữu, những trao đổi không gắn gì với nghệ thuật hay suy ngẫm về cuộc sống. Tiếp tục làm việc với phần tài liệu còn lại, tôi phải đọc nhiều lần.
Khó khăn lớn nhất là làm thế nào để học được cách phân thân: một mình mình mà vừa là người đọc với tất cả những cảm động, cảm nhận về sự cay đắng của cuộc đời một người tài hoa, vừa là người nghiên cứu với những yêu cầu khoa học, khách quan để nhận chân hành trình nghệ thuật của một họa sĩ… và vừa là người đầu tư cho dự án hiếm có này (☺).
Khác ở hai điểm. Thứ nhất, vì đây là về cuộc đời nghệ thuật của một người nên tôi có lý do để tập trung đi sâu khai thác nhiều nguồn tư liệu liên quan khác, bên cạnh nguồn tư liệu do gia đình anh Lưu Anh Tuấn cung cấp. Đặt họa sĩ trong bối cảnh lịch sử đương thời, tôi tiếp tục đi sâu tìm hiểu phối cảnh rộng lớn ấy, đặc biệt chú trọng đến thế hệ trí thức cùng thời với ông Nhân. Từ đây, dẫn đến cái khác thứ hai là tôi có nhiều chất liệu để “vẽ” nên chân dung nghệ thuật của một họa sĩ bằng đồng thời tất cả phương tiện: văn bản, hình ảnh và toàn bộ trình hiện của một ấn phẩm.
Tôi có cơ may được gặp ông một lần, cuối năm 2004, tại Đà Lạt và sau đó, có một bài báo về ông dưới dạng bài phỏng vấn, đăng tải trên tuần báo Thể thao & Văn hóa (nay là nhật báo, thuộc TTXVN). Cuộc gặp đó để lại trong tôi nhiều suy nghĩ về một người luôn tha thiết với nghệ thuật và với tất cả những điều/người/thứ đẹp đẽ ở xứ sở của ông. Xứ sở ấy có thể là nơi ông từng ở, gắn bó lâu dài, mà cũng có thể chỉ có trong tâm tưởng của riêng ông, chính cái gọi là ĐẸP.
Đến khi thực hiện dự án này, tôi càng tin tưởng vào suy ngẫm ban đầu ấy và thấm hiểu hơn bao giờ hết vì sao ông thiết tha với cái đẹp nhường ấy: bởi cuộc đời này quá nhiều cay đắng, với ông, và có lẽ, với tất cả!
Suy nghĩ gì về vấn đề này, ở Việt Nam ư? Nhiều quá nên tôi không biết bắt đầu thế nào với câu hỏi này. Có lẽ, chỉ nên nói: trước kia, tạm tính từ năm 2000 trở về trước, cho tiện so sánh hoàn cảnh xã hội, ta cứ hay dùng các lý do ngoại cảnh để tự an ủi, bào chữa cho việc làm cái gì đó không theo bất kỳ một thông lệ nào, trong nước cũng không có mà thông lệ quốc tế thì càng xa vời. Nay, sau năm 2020 rồi, điều đó là không thể với người làm việc liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật, nhất là các công việc mang tính chất nghiên cứu khoa học.
Kỹ năng báo chí thúc đẩy tôi rất nhiều trong việc đi sâu tìm hiểu một điều gì đó hòng tiệm cận bản chất của câu chuyện, vấn đề. Tính khách quan (tương đối) trong vai trò của một người quan sát chỉ hướng cho tôi trong việc mở rộng nguồn thông tin, đào sâu hơn bản chất câu chuyện, rồi tinh lọc để hình thành một bản thảo mà tôi mong muốn.
Về tương lai, câu trả lời hoàn toàn phụ thuộc vào từng cá nhân làm công việc này. Vì ở Việt Nam, cho đến nay, hầu như không có bất kỳ một tiêu chuẩn nền tảng nào cho công việc này, nên nếu ai đó muốn viết về nghệ thuật một cách nghiêm túc, người đó bắt buộc phải tự học, tự đầu tư cho các công trình viết lớn hơn, rộng dài hơn một bài báo, một status trên truyền thông xã hội (☺)… Hơn nữa, nếu may mắn được mời viết, người đó càng không được phép dễ dàng thỏa hiệp với bên trả tiền mà cần tìm ra cách khiến họ phải tôn trọng quan điểm và tiếng nói của mình. Chính vì thế, cần phải có một công việc bảo đảm thu nhập tối thiểu để việc viết về nghệ thuật của mình được độc lập tối đa. Thêm nữa, phải tin tưởng vào lựa chọn thẩm mỹ của cá nhân mình bằng cách trân trọng thế giới nội tâm của mình nhất, để cho thế giới ấy hoàn toàn tự do…
Thực hiện: Ace Lê