Trò chuyện Art Republik: Hành trình trải nghiệm kỳ quan của Việt Anh

Sau khi triển lãm “Kỳ Quan Biến Dạng” do Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) tổ chức vừa kết thúc, Art Republik có dịp ngồi lại với họa sỹ Việt Anh, cùng trò chuyện về hành trình làm nghề của anh trong 10 năm qua.

Họa sỹ Việt Anh, sinh năm 1989, tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam khóa 2009–2014. Khác với những bạn học cùng trang lứa, Việt Anh chọn con đường thực hành độc lập, không ghi danh mình vào những cuộc thi hay các triển lãm nhóm thường niên.

Chúc mừng họa sỹ Việt Anh với triển lãm đầu tay rất thành công! Anh có thể chia sẻ về niềm đam mê hội họa và quá trình thực hành của mình trong 10 năm qua kể từ khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam?

Sau khi tốt nghiệp mình cũng không hẳn là sáng tác được ngay. Lúc đó mình còn mày mò thêm về kỹ thuật, và luôn muốn làm được một thứ mới mẻ trong hội hoạ. Từ đầu, mình đã thích vẽ những thứ có mảng cắt lớn, đơn giản và mình thấy nó trong kiến trúc rồi vẽ nó thôi. Thời kỳ đầu mình cũng vẽ cả trừu tượng. Sau này khi vẽ nhiều hơn, mình không còn tách hai thứ đấy như hai thứ riêng biệt nữa, đôi khi trong tranh có cả hai hình thái và nó đã duy trì đến tận bây giờ.

Tại sao lại là “kiến trúc Hà Nội”? Những điểm gì khiến anh bị thu hút bởi chúng?

Kiến trúc Hà Nội, cụ thể là những kiến trúc thô mộc và một số công trình công cộng chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa kết cấu của Nga. Có lẽ một phần do mình sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nơi vui chơi lúc nhỏ cũng chỉ loanh quanh những nhà văn hoá, công viên, đôi khi theo mẹ đi công tác, tham quan những nơi được xây dựng với mục đích như vậy.

Còn ở góc nhìn của một hoạ sĩ, tạo hình của kiến trúc trong mắt mình có lúc rất viễn tưởng, nhưng đôi khi gần gũi thân thuộc. Các kiến trúc này có những khối hay mảng lớn, có khi bộ xương của công trình được đưa ra ngoài để trang trí, tính lặp đi lặp lại của cửa sổ và hàng cột, mái vòm được làm rất rõ.

Khi ánh sáng cắt vào các mặt tiền của các công trình này, chúng tạo nên những mảng sáng tối, gai góc hay nhấp nháy luồn lách. Ánh sáng làm cho nét đẹp kiến trúc có một cách nhìn khác để khai thác.

Tác phẩm nào trong triển lãm được mọi người yêu thích nhất và tác phẩm nào là tác phẩm anh ưng ý nhất?

Với mọi người thì chắc mình không biết, nhưng với mình là hai bức “Cung Việt Xô” và bức “Tĩnh vật” (vẽ hai cột chơi bóng rổ). Đó là hai bức quan trọng định hình thẩm mỹ, cách khai thác vấn đề, hướng giải quyết cấu trúc và không gian trong hội hoạ của mình.

Việt Anh, “Cung Việt Xô” (2021), sơn dầu, 120 x 120 cm
Việt Anh, “Tĩnh vật” (2022), sơn dầu, 80 x 195 cm

Về phong cách vẽ tranh theo hơi hướng viễn tưởng, anh đã chia sẻ cảm hứng có được là từ văn hóa Mỹ, liệu anh có thể nói rõ hơn trong giai đoạn nào anh cảm thấy tính ảnh hưởng bộc lộ rõ nhất không?

Mình thích những poster, ánh sáng màu sắc trong những phim viễn tưởng Mỹ khoảng những năm 1970. Có lẽ những bức tranh vẽ về sân vận động và thuyền đạp vịt ở công viên là những bức có yếu tố ảnh hưởng rõ về sự tương phản của màu sắc, và không gian có phần huyễn hoặc nhất.

Sau khi ra trường, tác phẩm của anh cũng phần nhiều khai thác chủ đề kiến trúc. So với hiện tại, anh thấy khác biệt gì so với thời kỳ đầu?

Hồi trước khi hướng đi còn chưa rõ ràng như bây giờ, lúc thì hơi trừu tượng lúc thì còn phụ thuộc hình thật nhiều, nên chưa đủ tính quyết đoán. Bây giờ cảm giác mình chung hoà hai cái đấy vào nhau tốt hơn, rõ ràng hơn, hình đôi lúc ở ngoài nhưng phần nhiều cũng tự sinh – từ trong mình rồi ra tranh. Mình giảm vướng mắc với kỹ thuật hơn, thoải mái hơn, không chỉ để ý đến thẩm mỹ, còn tập trung vào việc có đạt được tạo hình mà mình mong muốn hay không.

Không gian triển lãm “Kỳ Quan Biến Dạng”, VCCA, Hà Nội

Giảm vướng mắc với kỹ thuật nhưng có đồng nghĩa với việc vẽ nhanh hơn? Hay tức là anh bớt lo về tiểu tiết, về sự chính xác, về giải phẫu?

Có những tranh vẽ nhanh và có những tranh vẽ lâu, cái này tuỳ thuộc vào cảm xúc và thời điểm – khi mà mình thấy bức tranh đã đủ, chứ không hoàn toàn bởi kỹ thuật. Các kiến trúc của mình có lúc xoay vặn có lúc chắc, lúc lỏng nhưng mình vẫn phải đảm bảo yếu tố thuận về không gian. Quan trọng hơn đôi khi cần phá để có được một không gian hội họa thị giác và thẩm mỹ mình muốn hướng đến.

Anh có những trăn trở gì trong quá trình thực hành của anh? So với những người bạn học cùng thời, anh cảm thấy gì trên con đường mình đang đi, có ai để anh cùng chia sẻ kinh nghiệm không?

Các bạn của mình, những ai đang làm nghề, họ đều rất tuyệt vời. Anh cũng hay chia sẻ với anh Duy Hoà, anh Hà Ninh – hai người họ như hai thái cực khác nhau, một lý trí, một cảm xúc. Con đường đi của mình không biết mô tả như thế nào thì rõ nữa. Thực hành của mình là tái hiện sự sống động nội tâm ra ngoài thông qua những hình ảnh. Điều trăn trở duy nhất chính là mình muốn trong tạo hình là “sự ít”, làm sao để vẽ thật ít hình nhưng biểu đạt nội tâm thật đầy đủ.

Không gian triển lãm “Kỳ Quan Biến Dạng”, VCCA, Hà Nội

Trong nội dung triển lãm có nhắc tới một biến cố trong quá trình thực hành của anh là vụ cháy xưởng. Anh đã phải xây dựng lại các tác phẩm của mình từ con số 0. Vậy, sau vụ cháy, phong cách sáng tác của anh tự nhiên thay đổi hay cũng phải mày mò để tìm ra thẩm mỹ riêng?

Sau khi cháy xưởng mình có vẽ về đám khói và xương. Những sự kiện lớn tác động vào mình nó cũng mở ra loạt ý tưởng mới khi mình ghi chép lại câu chuyện cuộc sống bằng hình ảnh. Sự kiện đó cho mình một cơ hội nhìn lại quá trình làm nghề, biết mất rồi biết tiếp tục, cũng là sự thúc đẩy mình làm nghề mạnh hơn nữa.

Về thẩm mỹ thì mình cũng không biết dùng từ “đi tìm” có đúng không nữa. Mình cứ vẽ thôi, vẽ những thứ đã diễn ra, vẽ những thứ mình muốn, rảnh lại xem tranh ảnh, xem phim, xem poster, xem cuộc sống của thời đại này, nhìn ngắm những thứ mình thích, tự những thứ đấy phát sinh ra trong mình một ham muốn về sự định hình, về không gian hội họa, về thẩm mỹ, từ lúc nào không hay và mình cứ thế thực hiện nó.

Không gian triển lãm “Kỳ Quan Biến Dạng”, VCCA, Hà Nội

Liệu anh có tiếp tục với “Kỳ Quan Biến Dạng”?

“Kỳ Quan Biến Dạng” với ý nghĩa là khi mọi thứ xảy đến với mình, nếu đủ sức nặng thì nó sẽ là một kỳ quan mà mình đã được trải nghiệm. Việc của mình là tái hiện – những thứ đã được thu thập lại bên trong mình – bằng hình ảnh, nên mình nghĩ sẽ còn đi đường dài với nội dung này.

Cám ơn Việt Anh đã tham gia Trò chuyện Art Republik! Mong rằng khán giả yêu nghệ thuật sẽ sớm được gặp lại anh trong những tác phẩm mới.

Bài: Trao