Triệu Phương: Vẽ như một sự sẻ chia

Mang chuyện người, chuyện mình vào hội họa, Triệu Phương luôn nhẹ nhàng dắt lối người xem tới một thông điệp gần gũi và ấm áp như một sự sẻ chia.

Chân dung họa sĩ Triệu Phương

Giống như một lời mời trở về với chính mình hay những mối thân tình xung quanh, các sáng tác của Triệu Phương mang tới một khoảng lặng vừa đủ để nhìn vào cuộc sống thường ngày và hướng tới những điều tích cực. Họa sĩ Triệu Phương (sinh năm 1987) là cử nhân tốt nghiệp khoa Hội họa Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2015, và hiện đang hoạt động sáng tác tại Hà Nội.

Nhắc đến Triệu Phương là thấy một sự nhẹ nhàng tha thiết với đời sống thường ngày, phải chăng đây chính là một mạch nguồn cảm hứng sáng tác tranh của chị?

Mình thấy mình là người mộc mạc và nội tâm nên giống như thuyết vạn vật hấp dẫn, mọi thứ xoay quanh bản thân đều mang một lối suy tư tương tự. Giống như việc mình thích những phim tâm lý về đời sống của Nhật và Pháp. Còn về thế giới xung quanh, mọi thứ giản dị thường ngày là đã quá đủ để ta rung động rồi. Những nhân vật ngồi lặng yên hưởng thụ cà phê vào lúc chiều tà là một ví dụ. Khi người ta tạm rũ bỏ cái tôi gồng gánh để dành thời gian cho bản thân thì đúng là rất cuốn hút. Mình thích phút tĩnh lặng của một người trong ngày như vậy, bất kể ai, lúc họ miên man về câu chuyện riêng, có biết bao dòng suy nghĩ chạy ngang đầu nhưng ai mà biết được câu chuyện trong đầu họ là gì nếu không gần gũi sẻ chia. Nên tranh đơn thuần là mình vẽ ra khoảng lặng ấy như một cái vỗ vai nhẹ nhè, rằng “tôi cũng biết bạn đang trăn trở đó.”

“Thạch lựu và táo” (2019), sơn dầu trên toan, 35 x 40 cm

Không khó để nhận thấy những bức tranh chị vẽ chân dung nhân vật rất trữ tình. Phải chăng đó đều là những người mà chị thường xuyên tiếp xúc trong đời sống hằng ngày, hay còn một câu chuyện thú vị nào ẩn sau?

Những nhân vật mình vẽ có thể là người thân trong gia đình, bạn bè, người quen hay đơn giản chỉ là một người vô tình gặp ngoài quán nước ven đường hoặc qua một bức ảnh. Trong một bối cảnh chuyện trò, hàn huyên giữa hai người hay một cá thể tự giao đãi với bản thân họ, mỗi người đều mang một khoảng lặng có tâm tư, suy ngẫm riêng về đời sống thường nhật. Dẫu vậy, phần lớn dù là ai đi chăng nữa, mình vẫn đang kể câu chuyện của chính mình.

“Em và hoa lựu” (2019), sơn dầu trên toan, 40 x 50 cm

Vậy với tranh vẽ tĩnh vật, liệu cũng có những tâm tư của Triệu Phương được đan cài trong từng bức vẽ?

Tranh tĩnh vật với mình có hai cách tiếp cận như thế này. Với một số bức vẽ là đơn thuần vẻ đẹp của nhân vật trong tranh, như tranh hai chú mèo bên hoa sen chẳng hạn, lúc vẽ bức đó mình mê mẩn vẻ đẹp của sen trắng và hai bạn mèo. Còn với một số bức khác thì là phép nhân cách hóa mình gán cho đồ vật, coi mỗi món đồ tưởng chừng vô tri là một người có tâm tư và câu chuyện riêng. Nên tranh tĩnh vật cũng là một góc nhìn vào không gian nơi mình kể chuyện.

“Hiếu và mèo” (2021), sơn dầu trên toan, 90 x 100 cm

Dù là vẽ chân dung, vẽ tĩnh vật hay với bất kỳ một chủ đề nào đi chăng nữa, các thực hành của chị đều bao bọc về tính nắm bắt khoảnh khắc tại một không gian. Như khi ta chuyện trò ta nhìn thấy thần thái cuốn hút của nhân vật, hoặc khi thảnh thơi cũng có sự trọn vẹn của khoảnh khắc ấy. Chị thấy sao về nhận định này?

Mình nghĩ đúng là với bất kỳ đối tượng nào thì mình cũng phải “cảm” rồi mới “bắt” được. Hồi đi học mình thấy phong cảnh trước mắt thật đẹp, nhưng vẽ phong cảnh hồi đó với cá nhân mình rất ngợp, vẽ cho ra một nơi chốn rất khó. Nhờ tham gia vẽ trực họa cùng nhóm “Lưu động”, mình bắt đầu “cảm” được phong cảnh. Không riêng gì với tranh phong cảnh, với mọi chủ thể trong tranh, mình không dành tình cảm, không lắng nghe thì rất khó lòng diễn đạt. Tuy quá trình hơi mất thời gian nhưng nhìn lại mình thấy rất đáng trân trọng.

“Nghe hoa kể” (2019), sơn dầu trên toan, 50 x 70 cm

Các bức vẽ của chị đi cùng với một bảng màu tương đối tươi sáng và đa sắc, liệu đó là màu sắc nội tâm mà Triệu Phương hướng đến.

Trước kia có dạo mình dùng màu tối nhiều vì tuổi trẻ mà ai cũng nghiện nỗi buồn. Nhưng mấy năm gần đây bảng màu sáng hơn dần bởi mình thích sự biểu hiện trong văn hóa phương Đông. Tức là cái biểu hiện kín đáo hơn. Ngoài ra, một phần mình cũng muốn người xem tranh nhìn sâu hơn, cũng mong người xem nán lại vì biết đâu họ đồng điệu với điều mà  mình dùng bảng màu này để nói. Và cuộc sống đâu phải lúc nào cũng nhuốm màu của u tối.

“Hai người đàn ông” (2019), sơn dầu trên toan, 40 x 70 cm

Chị có thể chia sẻ thêm về dự án sắp tới của mình – triển lãm cá nhân “Lại đây ngồi xuống” được không ạ?

“Lại đây ngồi xuống” – giống như một lời mời trở về với chính mình, hay những mối thân tình quanh ta. Bác Trịnh Công Sơn cũng có câu hát như thế này: “làm sao biết từng nỗi đời riêng, để yêu thêm yêu cho nồng nàn”.

“Em và hoa” (2017), sơn dầu trên toan, 50 x 60 cm

*Triển lãm “Lại đây ngồi xuống” giới thiệu các tác phẩm gần đây nhất của Triệu Phương, diễn ra tại Nhà Triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội), từ ngày 19.03.2023 đến hết ngày 26.03.2023.

 

Bài: Tâm Phạm