Ô Art Bar giới thiệu triển lãm nhóm Tiếp diễn cuộc sống – trải nghiệm nghệ thuật đương đại đầu tiên tại không gian thưởng thức pha chế nằm ẩn trong lòng Sài Gòn. Triển lãm mở màn quy tụ ba nghệ sĩ trẻ gồm Nguyễn Việt Cường, Nguyễn Khôi và Chin với các tác phẩm đa phương tiện, giới thiệu những góc nhìn và thực hành nghệ thuật đa chiều mới mẻ với đại chúng Việt Nam.
Mưu sinh là hoạt động kiếm sống hằng ngày, một thực tế mà ai cũng tự thân đối mặt để tồn tại. Hoạt động lặp lại này tạo nên một vòng tròn mà mỗi người phải bước vào ngay khi đạt được nhận thức của một thực thể trưởng thành. Thú vị ở chỗ, vòng lặp của mỗi cá thể đều khác nhau, được hình thành từ những va chạm với cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Từ đó, chúng ta mở rộng tầm mắt để thấy sự tiếp diễn này luôn nằm sẵn trong tự nhiên và trong vòng tuần hoàn của mỗi sự sống.
Nghệ thuật có chức năng ghi lại những ấn tượng, ý niệm nhất định trong chuỗi mưu sinh tiếp diễn. Người nghệ sĩ tạo ra tác phẩm để cô đọng lại những điểm nhìn chung mà chúng ta thường ít ai để ý. Hội họa đương đại vượt ra khỏi nhiệm vụ miêu tả thuần túy; video art liên kết những hình ảnh ít chỉn chu, cho phép người xem tự do xâu chuỗi những mảnh ý niệm khác nhau; nghệ thuật sắp đặt tạo điều kiện tương tác giữa bản thân tác phẩm, không gian sắp đặt và người tiếp nhận. Sài Gòn hối hả đổi thay cũng là nơi sự mưu sinh vận động không ngừng nghỉ ở mọi ngóc ngách, độ tuổi. Từ đó, chủ đề Tiếp diễn cuộc sống không lạm bàn về mưu sinh vất vả mà tập trung vào mỗi cá thể với những vòng tuần hoàn sống riêng biệt do bối cảnh tạo nên.
Triển lãm mở màn quy tụ ba nghệ sĩ trẻ gồm Nguyễn Việt Cường, Nguyễn Khôi và Chin với các tác phẩm đa phương tiện, giới thiệu những góc nhìn và thực hành nghệ thuật đa chiều mới mẻ với đại chúng Việt Nam. Ba nghệ sĩ trẻ đều có những va chạm sâu sắc và trưởng thành từ chính vùng đất này. Họ mang đến không gian Ô Art Bar những tác phẩm đã được xây dựng nhờ quan sát, cảm nhận sự tiếp diễn cuộc sống từ chính cá nhân họ hay những cá thể xung quanh mà bất kỳ ai là người Sài Gòn cũng có thể đồng điệu. Các tác phẩm liên kết nhau về mặt thẩm mỹ với những hiệu ứng thị giác có tính lặp lại, phản chiếu, phá vỡ cấu trúc hay tái chế – tất cả thể hiện đặc tính và tận dụng chất liệu đặc trưng của Sài Gòn và tự nhiên.
Về bối cảnh văn hoá và nghệ thuật, Sài Gòn được xem là một môi trường cởi mở, dễ tiếp thu cái mới, cái tiến bộ. Bối cảnh xã hội năng động vừa là điều kiện thuận lợi cũng vừa là thử thách với nghệ sĩ. Trong lịch sử nghệ thuật, có hai trường phái mang nhiều tính thể nghiệm tập trung vào đời sống thực tế. Arte Povera – trường phái mang tên nghệ thuật “nghèo” ở Ý vào những năm 1960 – đã gây tiếng vang trên khắp thế giới khi tái hiện cuộc sống hiện thực bằng những chất liệu thường ngày trong cuộc sống như vải vóc, đất đá, nhành cây… Trường phái này cũng thừa hưởng tinh thần avant-garde của các thế hệ Dada đầu thế kỷ 20, tận dụng tối đa các vật dụng được tạo hoặc có sẵn. Khi tính cởi mở và phá bỏ các quy tắc truyền thống được đặt lên hàng đầu, các nghệ sĩ tìm cách ký gửi các tín hiệu đô thị và hoạt động thường nhật vào trong tác phẩm, thách thức các giá trị cũ, đồng thời tạo phản ứng trái chiều đối với các nhân tố của xã hội. Họ đặt người xem ra ngoài những quy ước mô phạm và thúc đẩy việc khám phá giá trị cốt lõi của những vật liệu thô tưởng chừng như không có giá trị gì trong đời sống.
Cũng trong những năm 1960 ở Pháp, dòng nghệ thuật “nouveau réalisme” (hiện thực mới) sử dụng chất liệu thô tương tự. Tuy nhiên, hiện thực mới ở đây không đồng nghĩa với tả thực. Tinh thần “nouveau réalisme” hướng đến việc “thi vị hóa” những chất liệu phổ biến, trong công nghiệp hay quảng cáo, do đó khác biệt đôi chút với “nghệ thuật nghèo” vốn chỉ tập trung vào tính “thô”. Cũng trong phong trào “hiện thực mới”, thẩm mỹ về dạng và tính biểu diễn được đẩy mạnh. Trong quá trình “thi vị hóa”, nghệ sĩ vận dụng các kỹ thuật thực hành thẩm mỹ như cắt dán, kết hợp màu sắc để tác phẩm cuối cùng dẫu mang cốt lõi của thực tế giản đơn vẫn kích thích xúc cảm người tiếp nhận.
Sài Gòn chưa bao giờ được biết đến là nơi nắm giữ những quy tắc. Những người tha hương đến và đi để mưu sinh dưới bất kỳ cách thức nào. Ở mọi tầng lớp, sự tiếp diễn cuộc sống diễn ra liên tục. Tuy nhiên, nghệ thuật địa phương chưa vận động liên tục ở cùng biên độ như vậy. Các nghệ sĩ ở triển lãm Tiếp diễn cuộc sống tuy không qua giáo dục lịch sử nghệ thuật nhưng đã luôn tìm tòi, tận dụng tối đa những chất liệu thô, đầy ấp đặc tính của đô thị Sài Gòn như chiếc bàn nhôm, hình ảnh chiếc xe đầu kéo, poster cũ, từ đó kiến tạo khung cảnh “mộc” bên trong không gian thưởng thức của Ô Art Bar. Thêm vào đó, những âm thanh hỗn loạn, trừu tượng cũng là một phần không thể thiếu trong bất kì không gian nào như một yếu tố kích thích, tạo đặc trưng của tự nhiên của vùng đất đó. Hình ảnh nối tiếp hình động, hình ảnh động nối tiếp âm thanh, âm thanh lại khiến trí óc người xem tạo ra hình ảnh. Một vòng tiếp diễn sẽ dẫn dắt người xem khám phá những ý niệm mới mẻ và tái cảm nhận những chất liệu và hình ảnh đô thị mà chúng ta tưởng chừng đã hiểu hết.
Triển lãm Tiếp diễn cuộc sống diễn ra từ 15:00 đến 23:00 mỗi ngày (không bao gồm Chủ nhật) từ 9/12/2023 đến 30/12/2023 tại Ô Art Bar – 292/15 Điện Biên Phủ, Phường 17, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Triển lãm mở cửa tự do không thu phí từ 15:00 đến 18:00 và phụ thu 50.000/khách tham quan từ 18:00 đến 23:00 mỗi ngày. Riêng với khung giờ 18:00 – 21:00 (Happy Hour), Ô Art Bar giới thiệu Menu Freeflow và giảm giá 30% thức uống pha chế.
*Triển lãm không thu phí khách tham quan từ 20 tuổi trở xuống, sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật TP HCM, Trường ĐH Kiến trúc TP HCM và sinh viên các ngành nghệ thuật. Bạn tham quan triển lãm vui lòng mang theo CCCD hoặc thẻ sinh viên nếu thuộc trong những trường hợp trên.