Có gì khác nhau giữa lời “tạm biệt” và “tạm biệt nghệ thuật”? Có gì khác nhau trong cách mà hai khái niệm này được hiểu và thể hiện trong văn hóa và nghệ thuật? Lời “tạm biệt” thường là việc thông thường, cần thiết để kết thúc một giai đoạn, một cuộc gặp gỡ? Trái lại, nói lời “tạm biệt nghệ thuật” có thể là một trải nghiệm khác và gợi lên nhiều chiều hướng suy tư?
Tạm biệt nghệ thuật của chính mình ngày hôm qua bởi hành trình sáng tạo của người nghệ sĩ luôn cần phải đi tiếp? Tạm biệt những giá trị nghệ thuật đến trước đã không còn phù hợp với những đòi hỏi khắt khe của thị trường nghệ thuật hôm nay? Tạm biệt những thực hành nghệ thuật hàn lâm để bắt kịp những cách tân của nghệ thuật đương đại? Vậy Quách Bắc có nuối tiếc điều gì, lưu luyến điều gì, dự cảm điều gì giữa một thế giới nghệ thuật đang có quá nhiều đổi thay, với sức ảnh hưởng ngày một lớn của công nghệ mà tiêu biểu là sự xuất hiện của NFTs và sự can thiệp của AI (trí thông minh nhân tạo).
Sử dụng kỹ thuật hội họa để làm việc với các công cụ vẽ thủ công trên chất liệu acrylic thông dụng, Quách Bắc đã sao chép và phóng to những tờ giấy Chứng nhận tác phẩm nghệ thuật khô khan, biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật khác biệt một cách hài hước mà khi thoạt nhìn, ta có cảm giác như chúng dường như là những công việc “dư thừa”.
Đó có lẽ là mong muốn xóa mờ ranh giới giữa quá trình thương mại nghệ thuật và bản thân nghệ thuật?! Ở một thời điểm nào đó, bạn có tự vấn, rằng liệu chúng ta có coi trọng những giá trị phái sinh mà những tờ giấy chứng nhận đó mang lại hơn chính giá trị nghệ thuật tự thân của tác phẩm?
Khác với loạt tranh acrylic nhiều liên tưởng, tác phẩm sắp đặt mang tên (Goodbye my art)ⁿ của Quách Bắc mang nhiều dáng vẻ toán học, một mô-típ khá quen thuộc trong các tác phẩm của anh. Ở đó, nghệ sĩ tiếp tục đề xuất quá trình giao dịch nghệ thuật liên tiếp, với những chứng nhận và tác phẩm nghệ thuật được lồng ghép, đan xen vào nhau nối dài vô tận.
Phải chăng sự lặp lại đơn điệu và nhàm chán đó cũng giống như những vòng lặp bất tận của cuộc đời? Hay đó chính là cách chúng ta hướng đến sự ổn định, bền vững? Trong nghệ thuật thì sao, cái nhịp điệu liên tục ấy có làm nghệ thuật mất đi vẻ lung linh nhiệm màu, có làm người nghệ sĩ cạn dần những xúc cảm lẫn hứng thú? Ai mà biết được. Chỉ có thể khẳng định, nghệ thuật vẫn luôn có chỗ cho sức sáng tạo tươi mới và sự độc đáo của những cái tôi khác biệt.
Là một triển lãm ý niệm với 22 tác phẩm (20 tranh vẽ acrylic và 2 tác phẩm sắp đặt), “Tạm biệt nghệ thuật” hứa hẹn mang tới những bất ngờ thú vị cho người xem. Đây là triển lãm cá nhân thứ 4 của Quách Bắc, nối tiếp các triển lãm “Phong cảnh ướt”, “Rơi vào đường chân trời” và “Bầu trời danh tiếng”, được tổ chức bởi Chau & Co Gallery và giám tuyển bởi Hoàng Minh Châu.
Nghệ sĩ Quách Bắc sinh năm 1988 tại Hà Nội và được biết tới như một nghệ sĩ tài năng của hội họa đương đại Việt Nam.
Anh tốt nghiệp Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương năm 2010 và Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2015. Cho đến nay, cả 3 triển lãm cá nhân của anh là “Bầu Trời Danh Tiếng” (2016), “Rơi vào đường chân trời” (2019) và “Phong cảnh ướt” (2020) tại Craig Thomas Gallery, Manzi Art Space và Blue Gallery đều đã gây được những tiếng vang nhất định trong giới chuyên môn. Anh cũng đã tham gia vào 20 triển lãm nhóm lớn nhỏ khác nhau tại cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.