Triển lãm “Sparkles”: Tạo tác “lấp lánh lặng lẽ” cùng thời gian

Vào ngày 13 tháng 4 vừa qua, Bảo tàng Nghệ thuật Quang San kết hợp cùng Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery giới thiệu đến công chúng triển lãm nhiếp ảnh trắng đen đầu tiên được tổ chức tại Bảo tàng mang tên “Sparkles – Những màu lấp lánh”.

“It’s what you do in the dark that puts you in the light”

Là triển lãm ảnh đen trắng được tổ chức bởi Noirfoto trong khuôn khổ Noirfotocontest2023 – cuộc thi nhiếp ảnh thường niên được sáng lập vào năm 2020 dành cho cộng đồng yêu nhiếp ảnh tại Việt Nam, “Sparkles” giới thiệu 25 tác phẩm được chọn ra từ hơn một nghìn bài dự thi sẽ được trưng bày tại không gian nghệ thuật QS Art Space thuộc Bảo Tàng Nghệ Thuật Quang San, TP. HCM, từ 13- 28/4/2024.

25 tác phẩm được trưng bày giới thiệu tại triển lãm Sparkles được rọi trực tiếp bởi chính tay nghệ sĩ thị giác Phạm Tuấn Ngọc và các cộng sự tại Noirfoto Darkroom (Phòng Tối chuyên nghiệp nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại) – nơi được xem là “chốn mật thất” làm nên cú chụp đúp tạo tác nên vẻ đẹp “lấp lánh nhưng còn lặng lẽ” của ảnh đen trắng. Đây cũng là một nỗ lực của Noirfoto để lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa cả tình yêu lẫn thực hành nhiếp ảnh đen trắng trong cộng đồng những người yêu nhiếp ảnh và nhiếp ảnh nghệ thuật.

Có một câu nói rất hay, giúp hình dung về đặc trưng và vẻ đẹp của ảnh đen trắng, đại ý là, “nếu màu sắc tạo nên ánh sáng trong hội hoạ thì sáng tối tạo nên màu sắc của ảnh đen trắng.” Nói như thế là bởi, ảnh đen trắng được tạo tác hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, đòi hỏi rất cao về kỹ thuật, thẩm mỹ, cảm xúc của người rọi ảnh trong “chốn mật thất” nghiêm cẩn của phòng tối. Nó trả lời cho câu hỏi vì sao ảnh thủ công lại mang tính đại diện cho thứ bậc cao nhất trong nghệ thuật nhiếp ảnh, tương tự như haute couture trong ngành thời trang hay fine dining trong lĩnh vực ẩm thực.

Shelter – Trần Võ Danh

Nghệ sĩ thị giác Phạm Tuấn Ngọc lý giải: “So với ảnh màu, ảnh thủ công có hạn chế chỉ có hai màu trắng và đen, việc tái hiện màu sắc, cảm xúc ảnh hoàn toàn bằng sáng tối và bằng tay toàn bộ. Một bức ảnh đen trắng được rọi thành công là cân bằng được sáng tối trong khuôn hình, tái hiện được toàn bộ chất liệu để người xem như sờ được mọi vật bằng mắt thường; không chỉ thế còn nắm bắt được khoảnh khắc và tưởng tượng được cảm xúc của khung cảnh ngay tại thời điểm người chụp bấm cú máy đầu tiên. Trong suốt cuộc thi với hơn một nghìn tác phẩm gửi về, việc tuyển chọn ra 25 tác phẩm giới thiệu ở triển lãm đòi hỏi nhiều sự cân não của ban cố vấn, song thách thức lớn nhất với tôi và ban tổ chức là tái hiện thành công cú chụp thứ hai trong phòng tối chính là quá trình rọi ảnh gồm 7 bước tương đương tiêu chuẩn bảo tàng cho toàn bộ tác phẩm.”

Đứng trước một tác phẩm nhiếp ảnh thủ công đen trắng, công chúng không chỉ đối thoại với cảm xúc, tư tưởng, thẩm mỹ mà còn đang chứng kiến kết quả của sự tương tác, giao thoa của “cú chụp đúp” của người bấm máy và người rọi ảnh. Cũng chính bởi sự hội tụ tinh hoa như vậy, các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật thủ công được xem như tạo tác “lấp lánh lặng lẽ” độc bản và ngày càng lên giá.

Cũng theo tiết lộ của nhà sáng lập Noirfoto, 2024 sẽ là một năm mang tính bản lề cho một trang tiếp theo về thực hành nhiếp ảnh thủ công khi Phạm Tuấn Ngọc ã thử nghiệm thành công việc rọi ảnh phòng tối từ ảnh kỹ thuật số. Cú hích này sẽ rút ngắn ngăn cách giữa nhiếp ảnh thủ công và nhiếp ảnh kỹ thuật số, đồng nghĩa Việt Nam sắp chứng kiến một sự giao thoa tưởng như khó có thể xảy ra giữa kỹ thuật số và sự cổ điển. Đó cũng chính là thông điệp cho sự phát triển của nhiếp ảnh thủ công trong tương lai, chủ đề tiếp theo của cuộc thi nhiếp ảnh đen trắng thường niên do Noirfoto tổ chức sẽ khởi động vào tháng 6 năm 2024. Để đánh dấu cột mốc quan trọng này, Noirfotocontest2024 sẽ chọn “Nối” làm chủ đề của cuộc thi ảnh đen trắng. “Nối” không chỉ được hiểu là sự kết nối giữa hai thế giới nhiếp ảnh thủ công và nhiếp ảnh kỹ thuật số mà còn là sự kết nối giữa các thế hệ, sự kết nối giữa các tâm hồn, sự kết nối của chủ thể với các tác giả chụp đen trắng. 

Triển lãm Sparkles, đúng như tên gọi trong tiếng Việt – Những màu lấp lánh –  là kết quả của rất nhiều sự lấp lánh đã tìm đến và kết nối với nhau. Noirfoto đã bắt đầu chỉ với một mình nghệ sĩ thị giác/ nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc trong phòng tối mà anh tự phát triển và hoàn thiện, theo thời gian, nơi đây đã trở thành xưởng thực hành rọi ảnh với tiêu chuẩn phòng tối tốt nhất Việt Nam hiện tại. Cũng tại nơi ấy, vô số cú tạo tác lần 2 đã ra đời và được trình diễn với công chúng thông qua các triển lãm khác nhau, trong đó có 4 triển lãm thuộc hoạt động cộng đồng thường niên Noirfotocontest từ năm 2020.  

Bước sang năm thứ năm, thông qua hoạt động thường niên Noirfotocontest, Noirfoto đang định hình sân chơi chuyên nghiệp cho những người thực hành nhiếp ảnh tài năng ở mọi độ tuổi và quốc tịch có cơ hội chia sẻ những câu chuyện, ý tưởng, cảm xúc cũng như những góc nhìn riêng thông qua những bức ảnh phim đen trắng. Đồng thời, cuộc thi cũng là nền tảng kết nối những người có chung niềm đam mê và sở thích với nhiếp ảnh thủ công, từ đó góp phần vào sự phát triển của mỗi cá nhân và cộng đồng yêu nghệ thuật.

Triển lãm “Sparkles” – Tạo tác “lấp lánh lặng lẽ” cùng thời gian mở cửa miễn phí đón khách tham quan đến hết ngày 28/4 tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San (số 189B/3 đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức).