Triển lãm Quá Áp mở ra nhiều cơ hội đầu tiên cho các nghệ sĩ tham gia vào quá trình thực hiện. Bản thân nữ điêu khắc Vy Trịnh vừa xem đây là một thử thách, cũng như là một thử nghiệm trong việc được thực hành tại một không gian lớn có bề dày lịch sử ở Hà Nội.
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023 là một dịp để các nghệ sĩ và các tổ chức sáng tạo trong nước có cơ hội được phản hồi lại với kiến trúc, lịch sử và văn hóa của thủ đô thông qua việc cải tạo các địa danh lâu đời. Nhà máy xe lửa Gia Lâm dù nằm xa trung tâm, nhưng là một địa điểm chiếm phần lớn chú ý với nhiều không gian nhà máy trong khu vực rộng 20 héc-ta được chọn để trưng bày triển lãm. Đây là điều kiện để các nghệ sĩ và nhà giám tuyển được phép can thiệp và thay đổi cảnh quan bên trong, một nơi mà nhiều người trong số họ còn chưa được chứng kiến.
Với chủ đề Dòng chảy cho lễ hội năm nay, nhà máy xe lửa Gia Lâm đã có một dòng chảy lịch sử được gần 120 năm, kể từ khi bắt đầu hoạt động từ năm 1905. Từng lớp lịch sử của nơi này được chôn vùi dưới lớp địa chất thời gian và sự bào mòn của các yêu tố thời tiết và con người. Mỗi nghệ sĩ, mỗi nhóm sáng tạo có trách nhiệm phải khơi gợi lên được những câu chuyện còn đang nằm dưới lớp bụi đó. Trong số các địa điểm được chọn, trạm điện áp 33B – ngừng hoạt động vào năm 2018 – chiếm một diện tích khiêm tốn so với các khu vực khác, nhưng với quy mô của nó trong quá khứ, trạm còn từng cung cấp cả điện cho cả các khu dân cư xung quanh ngoài nhà máy.
Khảo sát và lựa chọn địa điểm
Triển lãm Quá Áp được tổ chức bởi Á Space và giám tuyển bởi Vân Đỗ, nghệ sĩ điêu khắc Vy Trịnh đã được “chọn mặt gửi vàng” để sử dụng toàn bộ một căn phòng trong trạm. Kể cả với giám tuyển Vân Đỗ, một người sống gần nhà máy, tham gia lễ hội cũng là lần đầu tiên cô tiếp cận vào bên trong của nơi này. Cô đã nhanh chóng bị choáng ngợp bởi khu cung cấp điện 33B sau khi đi khảo sát khu vực lần thứ hai. Thứ đầu tiên mà cô cảm nhận được là “không khí của sự bộn bề mà nhiều năm tích tụ lại và một sự bỏ không của một ngành công nghiệp đang dần đi đến hồi kết”. Bên cạnh đó, trạm điện cũng chứa một câu chuyện “dài dòng” hơn nếu so với các khu vực lân cận, diện tích khiêm tốn cũng không yêu cầu phải can thiệp quá nhiều vào không gian. Từ những lợi thế đó, trạm điện 33B đã trở thành một “căn cứ” hoàn hảo.
Sau khi chốt địa điểm, điều tiếp theo làm giám tuyển Vân Đỗ băn khoăn là nhiều lựa chọn trong việc tái hiện câu chuyện bên trong trạm điện, nhiều ý tưởng đã được cô vạch ra. Việc chọn một nghệ sĩ sinh sống cùng thời với lịch sử của ngành công nghiệp khi lúc nhà máy còn hoạt động là một lẽ đương nhiên, nhưng giám tuyển Vân Đỗ đã quyết định chọn một nghệ sĩ không phải chịu áp lực trong việc kể lại câu chuyện lịch sử có sẵn. Nghệ sĩ điêu khắc Vy Trịnh vừa không có bất kì liên hệ gì với lịch sử nhà máy, cũng như xuất thân rất xa thủ đô Hà Nội. Quan trọng hơn, nữ nghệ sĩ lại có thể đáp ứng được tính gấp rút của sự kiện và sự hào hứng không kém.
Khi nghệ sĩ Vy Trịnh nhận được hình ảnh về không gian của trạm điện, cô ngay lập tức bay từ Sài Gòn ra Hà Nội và có mặt ở nhà máy Gia Lâm. Ngay khi vừa bước vào căn phòng trống của khu 33B, Vy đã quyết định sẽ tự mình thực hiện tác phẩm trong căn phòng dù chưa có một bản phác thảo chi tiết, và cả hai chị em cũng chưa biết tác phẩm cuối cùng sẽ ra sao. Trong thời gian gấp rút, nữ nghệ sĩ đã mua các thanh kim loại tại một cửa hàng gần đó thuộc quận Long Biên, và hoàn thành tác phẩm cùng với các cộng tác viên trong vòng 10 ngày.
Quá trình làm việc
Không gian – chất liệu chính cho triển lãm Quá áp, câu chuyện trong căn phòng đang tồn tại ở trạng thái lơ lửng và Vy Trịnh đã bắt được sợi dây vô hình để tái thiết dòng năng lượng đó một cách vật lý qua kim loại. Đây là lần đầu tiên mà cô thực hiện một tác phẩm trong một không gian mang tính công nghiệp, hay theo cách mà cô nói “vẽ trong trong không gian,” một nhận định về sự tương đồng giữa vẽ và làm điều khắc. Giám tuyển Vân Đỗ cũng đồng tình với Vy rằng bản thân nghệ sĩ không bị “bóng đè” bởi lịch sử có sẵn của nhà máy, mà thay vào đó là cô vẫn kể lại câu chuyện bằng những tiếp cận không gian của mình.
Mặt khác, cộng tác viên tham gia cùng nữ nghệ sĩ chỉ có một người là dân kĩ thuật trong lĩnh vực hàn. Kết quả là các thanh sắt được uốn một cách ngẫu hứng và có phần rập khuôn khắp căn phòng. Với Vy Trịnh, cô phản hồi lại không gian bằng cách điêu khắc theo trạng hình của không gian đó, thay vì bẻ cong không gian theo tác phẩm của mình – đó là cái vui của cô trong điêu khắc.
“Sáng tạo là khi bản thân mình được tự do nhất.”
Khi nhắc tới “điện”, điều mà Vy Trịnh nghĩ tới là dòng chảy năng lượng đã từng cung cấp “mạch máu” cho nguyên một khu vực rộng lớn. Mặc dù nguồn điện to lớn đó không còn tồn tại ở đây nữa, nhưng nguồn năng lượng vô hình của nó còn đang ẩn dưới lòng đất vẫn hút nữ nghệ sĩ vào việc “hồi sinh” nó. Cô biết dòng điện vẫn ở đó và cô muốn “kéo dài nó ra khỏi mặt đất và lớp tường” – suy nghĩ tiền đề xuyến suốt trong quá trình cả nhóm thực hiện. Ngoài ra, chất liệu sắt thép cũng là thế mạnh của nghệ sĩ ngay từ lúc bắt đầu thực hành nghệ thuật. Cô cùng với các cộng tác viên dùng sức lực cơ thể bẻ và uốn cong từng thanh kim loại một, như cách mà cô nói “bản thân mọi người cũng đang truyền một nguồn năng lượng đi vào các thanh kim loại.”
Nhắc đến thực hành điêu khắc bằng chất liệu kim loại, Vy muốn đưa cái tính thủ công – sử dụng bàn tay – vào tác phẩm như lúc cô học kĩ thuật hàn từ những người thợ sửa xe, từ việc mọi người cùng nhau bẻ các thanh kim loại, những kĩ thuật như hàn gió đá, cũng được cô tận dụng triệt để trong việc tạo hiệu ứng về tầm nhìn. Điều này phần nào cũng gắn liền với những kĩ thuật mà các công nhân một thời của nhà máy từng áp dụng cho công việc. Với một tác phẩm trong không gian lớn, mỗi người sẽ có những góc nhìn khác nhau tùy vào vị trí họ đứng và cách họ chiêm nghiệm nó ra sao. Tương tự như quá trình thực hiện tác phẩm cũng không phải bắt đầu từ một góc phòng, mà Vy cùng mọi người đã dựng các thanh kim loại xung quanh phòng và xử lí chúng ngẫu hứng để xem mọi góc phòng sẽ kết nối lại với nhau ra sao.
Bên cạnh đó, không gian của phòng biến áp cũng tạo điều kiện cho Vy lần đầu có thể thử nghiệm với ánh sáng. Các khoảng trống dưới nền đất như các cô miêu tả là “cái mương” hay những góc trong tường được đính thêm ánh đèn vàng, như thể các ánh tia điện “nứt” ra từ bên trong bờ tường. Nữ nghệ sĩ cũng không ngại việc tác phẩm của mình được khán giả chạm vào để có thể cảm nhận được chi tiết và bề mặt của tác phẩm.
Vậy tại sao Vy chọn chất liệu kim loại?
Ban đầu mình cũng đã làm bằng nhiều chất liệu vì trong quá trình đi học, mỗi thứ mình làm một ít. Có thể trong tương lai mình sẽ đổi chất liệu khác tùy vào chủ đề của tác phẩm hay triển lãm lúc đấy, nhưng hiện tại thì mình thích kim loại hơn. Ví dụ như sắt thép có thể phản ứng lại với thời tiết, nhiệt độ hay những hiệu ứng từ việc hàn kim loại, nó vẫn đem lại sự linh hoạt trong đặc tính thô cứng của nó. Bản thân sắt thép không chỉ có tính chất dẫn điện, mà nó cũng là chất liệu được gắn liền với ngành công nghiệp ở nhà máy, nên trong bối cảnh này thì là một chất liệu phù hợp.
Trong lúc trình bày về tác phẩm, Vy có nhắc đến các từ khóa mình đưa ra xuyên suốt quá trình thực hiện. Có phải mọi tác phẩm Vy thực hiện đều đặt ra những từ khóa như vậy không?
Chúng khá ngẫu hứng nhưng cũng có logic riêng của nó. Sẽ có một từ để mình bám vào nhưng chưa đến mức từ khóa, cũng tùy vào tác phẩm nữa. Thông thường thì mình cũng không có công thức nhất định nào khi làm việc. Có những tác phẩm mà mình rải rác từ bên này sang bên nọ. (Quá Áp) là lần đầu tiên trong quá trình thực hành mình phải tập trung làm một tác phẩm duy nhất, chứ bình thường thì mình sẽ bắt tay vào làm từ ba đến bốn tác phẩm cùng một lúc.
Đúng như tên gọi thì lần đầu tiên bước vào căn phòng, mình hình dung ra một máy phát điện chạm mức “quá áp” và từng tia lửa điện được giải thoát, bắn tung tóe vào trong không gian. Vy có chung một cảm giác như vậy khi thực hiện tác phẩm không?
Không, mình tò mò cảm nhận của người xem hơn. Và trong thực hành cá nhân, mình cũng tránh sự “truyền tải một thông điệp nào đó” vì nó khá rập khuông và gượng ép. Mình nghĩ tác phẩm nên có cuộc sống và hơi thở riêng của nó. Lúc nào minh cũng thích cái tính ngây ngô, thật thà khi mà người khác nhìn tác phẩm của mình. Mình thích sự tự do, và mình cũng mong người xem có được sự tự do trong chuyện tiếp nhận và cảm nhận tác phẩm mà không bị “gài” trước.
Ví dụ như bạn làm một công việc sáng tác, ý tưởng của bạn là một hình tròn và bạn làm đúng một hình tròn như thế, theo mình thì ý tưởng đó chưa được hình thành đầy đủ do bản thân của người đó chưa tiếp cận đủ. Nên “cái đã” mình từng nhấn mạnh là khoảng cách trong quá trình mình làm việc mà bản thân mình bị cuốn theo tác phẩm, như thế tác phẩm tự sở hữu chính nó. Mình không phải là người sẽ vẽ nháp và sửa lại nhiều lần, mình làm theo châm ngôn là “cứ quyết định rồi xuôi theo nó”. Như là khi dựng lên có chỗ nào xấu, thì mình sẽ quyết định sửa nó như nào, đó là phương pháp mình rất là thích. Thay vì mình giữ hình ảnh trong đầu thế nào và sửa đi sửa lại cho giống. Thì đó là cách mà tác phẩm phản hồi lại mình.
Vậy chắc là ý tưởng lúc đầu của mình chỉ có khoảng 30-40% và phần còn lại là ngẫu hứng?
Thì cũng cỡ đó, nhưng mà ý tưởng của mình cũng thay đổi. Tại vì mình nghĩ là tác phẩm của mình đang hình thành để được ra đời, mình muốn nó được thật, được là chính bản thân nó. Mình không muốn cái tác phẩm của mình bị gò bó vào cái lý tưởng trong đầu. Vì lý tưởng của mình quá hoàn hảo để tồn tại. Như lúc mình coi hình về căn phòng này, mỗi lần mình quay lại đây thì cái lý tưởng đấy lại khác, đổi góc đứng thì nó lại khác, và kéo dài thanh kim loại ra cũng làm mọi thứ khác nữa. Đó cũng là lý do mình thích điêu khác vì tính đa góc cạnh của nó, không có đúng hay sai.
Cũng như lúc mình vẽ thì mình cũng chỉ đạt được 70% hình ảnh trong đầu mà mình muốn. Hình ảnh sau cùng trên giấy luôn luôn khác.
Đúng. Hồi còn đi học, hồi lúc đi học có một bài tập mà mình rất thích về cách quan sát và sau này cũng hay áp dụng lại. Có nghĩa là trên đường mình đi đến trường hoặc nơi nào đó, mình sẽ tự ghi âm chính mình luôn là mình đang nhìn thấy cái gì và khi về nhà sẽ mở bản thu đó và “transcribe” (chép lại). Khi mà mình đọc lại, nó cho mình hiểu thêm về cách quan sát trong vô thức về thứ gì trên đường làm mình chú ý tới nhất – khoảnh khắc nào bắt thóp được mình trong vô vàn thứ mình thấy ngoài đường. Một bài tập đơn giản thôi nhưng nó cũng cho mình hiểu thêm về những thứ gì hay thu hút mình.
Một từ khóa xuất hiện xuyên suốt các triển lãm trong lễ hội, cũng như hay được dùng gần đây là “phản hồi”. Riêng với bản thân Vy, ý nghĩa của từ “phản hồi” này như thế nào?
Cũng đúng như nghĩa đen của từ này, mình sẽ cảm nhận như thế nào trước một không gian. Như với “Quá Áp,” lần đầu tiên mình bước vào phòng điện này, không gian, ánh sáng và cấu trúc của nó cho mình cảm thấy cái gì. Và phản hồi với mình là sự cảm nhận như thế nào về đầu tiên khi tiếp xúc với một sự vật, một sự việc, một không gian, một khoảnh khắc hay với một người nào đó. Nó là một thứ gì đó có thể bắt được mình, chứ không phải là mình nghĩ như thế nào. Nói cách khác, sự phản hồi của mình là mình bắt nhịp được và xuôi cùng theo sự cảm nhận và cái làm mình rạo rực trong lòng – mà thường thì những thứ này cũng khó diễn tả bằng lời nói. Thôi thì cứ cảm nhận vậy.
Cảm ơn những chia sẻ của Vy!