Triển lãm “Nhớ về Shireen Naziree, những lưu luyến còn mãi” vừa qua đã trưng bày hơn 40 tác phẩm từ hơn 20 họa sĩ đương đại gạo cội Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Myanmar. Triển lãm được thực hiện từ nỗi nhớ Shireen – nhà giám tuyển, nhà nghiên cứu mỹ thuật có ảnh hưởng lớn tại khu vực Đông Nam Á.
Sau Đổi mới năm 1986, Mỹ thuật Việt Nam bùng nổ cùng với sự phát triển kinh tế và mở rộng giao lưu văn hóa với nước ngoài. Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều các cuộc triển lãm, sự kiện mỹ thuật có sự kết hợp giữa họa sĩ Việt Nam và tổ chức, Gallery nghệ thuật nước ngoài. Mỹ thuật Việt Nam được coi như một phát hiện mới lạ trong khu vực châu Á, với đầy đủ sự lạ lẫm, “Hương xa”, mang nhiều phẩm chất lãng mạn, giàu trang trí, kết hợp thẩm mỹ dân gian với các trào lưu hội họa hiện đại Phương Tây đầu thế kỷ XX, tạo nên sự lôi cuốn nhất định công chúng nghệ thuật trên thế giới muốn tìm hiểu nền Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam sau một thời kỳ dài chiến tranh.
Có thể nói, sự xuất hiện của hội họa Việt Nam trên thị trường thế giới những năm sau 1986, có góp phần không nhỏ của các tổ chức, gallery nước ngoài tham gia triển lãm giới thiệu tác phẩm, nghệ sĩ. Một trong những gallery đầu tiên và quan trọng góp phần giới thiệu hội họa Việt Nam có thể kể đến Thavibu gallery (Thái Lan). Thavibu là một trong số ít các gallery trong khu vực châu Á tạo ra mối liên kết và giới thiệu được những gương mặt hội họa Việt Nam tiêu biểu trong thời kỳ đầu Đổi mới.
Cho đến nay, Thavibu dù chuyển đổi mô hình hoạt động, những mối liên kết của gallery với các họa sĩ Việt Nam vẫn bền chặt, tiếp tục tạo ra những hoạt động triển lãm có chiều sâu và chất lượng nghệ thuật cao. Những họa sĩ Việt Nam cộng tác với Thavibu trong hơn một thập kỷ đầu tiên sau Đổi mới cũng là các gương mặt khá tiêu biểu, tạo nên dấu ấn về một thời kỳ phát triển năng động và rực rỡ của hội họa Việt Nam.
Để hình thành nên một danh sách dài họa sĩ khá đặc sắc của hội họa Việt Nam cộng tác cùng Thavibu gallery, phải kể đến công sức rất lớn, sự chuyên nghiệp và nhạy cảm thẩm mỹ của bà Shireen Naziree, curator cộng tác cùng Thavibu trong hơn một thập kỷ cuối những năm 1990 đầu 2000. Một thập kỷ đó cũng là thời điểm có những chuyển đổi sinh động của xã hội, quan niệm thẩm mỹ cũng như xuất hiện nhiều gương mặt nghệ thuật đương đại đặc sắc của Thái Lan, Burma và đặc biệt là Việt Nam. Hoạt động khá đa dạng, tổ chức nhiều cuộc triển lãm, thuyết trình và xuất bản nghiên cứu, bài viết phê bình, curator Shireen Naziree có tầm vóc của một học giả, chuyên gia sử học nghệ thuật về mỹ thuật Đông Nam Á.
Ngoài tầm nhìn về mỹ thuật Malaysia, Thái Lan, Shireen Naziree còn đặc biệt dành mối quan tâm tới hai nước có những hoàn cảnh đặc biệt, chưa được biết đến nhiều trên thị trường nghệ thuật quốc tế nhưng giàu tiềm năng truyền thống văn hóa, mỹ thuật đặc sắc ở Đông Nam Á là Burma và Việt Nam.
Do những hạn chế nhất định về xuất bản, ngoại ngữ, thị trường… của giới mỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đầu hội nhập với thế giới, việc truyền thông, giới thiệu các thành tựu nghệ thuật, tên tuổi nghệ sĩ chủ yếu do một số rất ít tác giả người nước ngoài thực hiện. Các tác giả có thể là nhà báo, nghệ sĩ, nhà phê bình, curator…, dù mức độ khái quát, sự thấu hiểu, thông tin có thể chưa đầy đủ về mỹ thuật Việt Nam, nhưng thực sự họ đã làm cầu nối giữa hoạt động mỹ thuật, tác phẩm, họa sĩ Việt Nam với công chúng bên ngoài.
Vai trò của những nỗ lực cá nhân các tác giả nước ngoài qua việc giới thiệu mỹ thuật Việt Nam, tạo sự đồng cảm, chia sẻ, tìm hiểu khám phá trong giai đoạn bắt đầu mở cửa giao lưu văn hóa sau Đổi mới với thế giới là đáng trân trọng. Curator Shireen Naziree là một người như thế. Từ chỗ quan tâm đến con người, đất nước Việt Nam vì công việc, Shireen Naziree đã dần trở thành nhà nghiên cứu, curator có những mối quan hệ thân thiết, bạn bè tâm giao với nhiều họa sĩ Việt Nam. Bà đã phát hiện nhiều tài năng, nhiều tác phẩm đặc sắc trong giai đoạn bùng nổ của hội họa Việt Nam, tạo điều kiện để công bố qua trưng bày cố định và các cuộc triển lãm tại Thavibu gallery.
Truyền thống văn hóa phong phú, khát vọng đổi mới xã hội, tự do dân chủ và khả năng sáng tạo của các nghệ sĩ Việt Nam thông qua các tác phẩm hội họa được tuyển chọn, tổ chức bởi Thavibu gallery được dư luận nghệ thuật chú ý bởi sự độc đáo, mới lạ và bản sắc riêng, thể hiện tầm nhìn chuyên môn và sự tinh tế, nhạy cảm của curator Shireen Naziree.
Cùng với những triển lãm được một số tổ chức, gallery khác thực hiện, các tác phẩm hội họa mang vẻ đẹp tâm hồn, nét tài hoa, sự trắc ẩn sâu kín của con người Việt Nam dần hiện rõ sau một thời kỳ dài bị chìm lấp bởi chiến tranh và những biến cố lịch sử được curator Shireen Naziree giới thiệu ra mắt công chúng quốc tế, trong niềm hoan hỉ, tương giao bè bạn với nghệ sĩ khu vực. Điều đó có ý nghĩa biết bao.
Sau những chia sẻ, trải nghiệm nghề nghiệp, một số họa sĩ Việt Nam cho đến nay, vẫn tiếp tục phát triển con đường sáng tạo của mình từ những khám phá tìm tòi trong thời kỳ cộng tác cùng Shireen Naziree và Thavibu gallery. Từ tiền đề ban đầu, phần lớn họa sĩ Việt Nam từng cộng tác với Thavibu gallery, vẫn là hạt nhân sáng tạo, những gương mặt quen thuộc trong các sự kiện hoạt động mỹ thuật nổi bật của Việt Nam hiện nay.
Tấm huy chương khắc chân dung của Giáo sư Corrado Feroci (Silpa Bhirasri), người thành lập đại học Silpakorn (Thái Lan), mặt sau có lưu dòng chữ “Nghệ thuật thì dài; Thời gian thì chóng qua”.
Tình yêu và Nghệ thuật có sức mạnh xoa dịu, hàn gắn những khoảng cách, phân ly. Di sản nghệ thuật sẽ được trao truyền, tiếp nối dài lâu. Mối thâm tình bè bạn, tình cảm giữa các nghệ sĩ Việt Nam với Thavibu gallery, curator Shireen Naziree một thời đáng nhớ chắc chắn sẽ còn lưu luyến mãi, cũng như hoạt động tổ chức triển lãm, những công trình nghiên cứu của bà về mỹ thuật Việt Nam góp phần làm cho công chúng, nghệ sĩ các nước chia sẻ, gần gũi nhau hơn đáng được tưởng thưởng, trân trọng.
Triển lãm này như một hành động đẹp đẽ của các nghệ sĩ, Thavibu Art Advisory (Thái Lan) và Blue Gallery (Việt Nam) để tưởng nhớ, tri ân tới curator Shireen Naziree…