Sự giao hòa giữa văn hóa Đông – Tây luôn là đề tài hấp dẫn các nghệ sĩ trong hành trình khám phá chủ đề, chất liệu, xu hướng sáng tác mới. Những tác phẩm hoặc công trình có sự hòa hợp giữa chất liệu, chủ đề, câu chuyện và kỹ thuật của phương Đông và phương Tây có thể tạo ra nhiều bất ngờ và tò mò cho công chúng yêu mến nghệ thuật.
Lụa là chất liệu truyền thống phương Đông, vừa thân thuộc, gần gũi lại vừa quý phái, nền nã. Đã có hàng bao tác phẩm được tạo ra trên nền lụa óng ánh, từ dệt, thêu, vẽ, nhuộm, in được cả thế giới trầm trồ chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, để tạo ra được tác phẩm nghệ thuật trên lụa mà không phá vỡ tính mỏng nhẹ, óng ánh của lụa lại là một bước đi liều lĩnh của người nghệ sĩ. Nó đòi hỏi sự tỉ mỉ đến từng chi tiết, sự am hiểu về chính lụa cũng như sự trau chuốt trong từng thao tác của tác giả. Việc sử dụng lụa trong sáng tác nghệ thuật cũng là cách mà nghệ sĩ tôn vinh những giá trị truyền thống, đồng thời tự thách thức khả năng và kỹ nghệ tinh xảo mà chính người nghệ sĩ đã ra sức trau dồi để tạo ra những tác phẩm với hiệu ứng đầy mê hoặc.
Cyanotype và lụa đều hài hoà với nước. Cyanotype không chỉ màu xanh giống nước, mà hình ảnh tạo ra với chất liệu này cũng được tạo thành trong nước. Và mặc dù trong hội họa, lụa chủ yếu được căng ra trên khung để trở nên “cứng” và tĩnh, lụa trong tác phẩm này qua xử lý nên mỏng, nhẹ, mềm, mượt, tinh tế linh hoạt và “tự do” như nước.
“Trong chúng ta, tạo thành chúng ta
Tạo ra cuộc sống. Ở khắp mọi nơi.
Xẻ núi, mòn đá. Nhảy múa cùng gió, hôn lên cát.
Biến đổi, chuyển động và cân bằng
Trong các mạch nguồn của trái đất, tuôn chảy, vĩnh cửu…
Ta xem là luôn ở đó. Nhưng nếu không còn?”
Để thực hiện bộ tác phẩm lần này, nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc đã phải thử nghiệm rất nhiều ở các khâu chụp ảnh, tạo ra âm bản đến cả thực hành trên lụa. Ở bộ tác phẩm Eternal Flow, Ngọc muốn kể câu chuyện của tình yêu với chủ đề là “nước”. Bắt đầu từ việc ghi lại hình ảnh các hình thái khác nhau của nước đã là một vấn đề nan giải để tìm ra đúng điều mà người nghệ sĩ mong muốn nhất chuyển tải đến công chúng. Hình ảnh đó được hiệu chỉnh trước khi in ra thành âm bản để tái hiện lại trên lụa. Tiếp đến là công đoạn xử lý lụa sao cho vẫn giữ được sự mềm mại của nó; bên cạnh phải đảm bảo phản ứng của hóa chất trên lụa với ánh sáng sao cho vừa đủ để cho ra màu xanh hài hòa. Sau cùng, các tấm lụa được rửa nước, phơi khô và giữ cho phẳng, v.v.. Có thể nói, hành trình để sáng tạo nên một tác phẩm lụa in cyanotype với kích thước lớn (90 x 150 cm) thực sự đòi hỏi nhiều thử nghiệm và kiên nhẫn. May mắn thay, sáu tác phẩm lụa của Ngọc giới thiệu trong triển lãm MAY đã được yêu mến và đón nhận nồng nhiệt.
Quả thật, Eternal Flow là một bộ tác phẩm đặc biệt, sử dụng cyanotype là kỹ thuật in nhiếp ảnh cổ điển phương Tây trên nền lụa tơ tằm Việt Nam. Từng tác phẩm được xử lý đặc biệt trên chất liệu truyền thống để tạo hiệu ứng đặc sắc đến kinh ngạc, nhất là khi trưng bày các tác phẩm trong không gian đầy nắng khiến cho người xem bị lôi cuốn và tự hỏi liệu tác phẩm có đổi sắc khi ánh nắng khác đi. Những cơn gió thoáng qua cũng tạo ra những chuyển động mềm mại cho tấm lụa khiến các tác phẩm có sức sống và linh hồn riêng.
Triển lãm May diễn ra tại Hanoi Studio Gallery, số 23 – 25 Mạc Đĩnh Chi, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội từ ngày 7 đến hết ngày 21 tháng 5 năm 2023. Tham quan triển lãm tự do hằng ngày từ 10:00 đến 19:00.
——————————————
Art Republik Vietnam tự hào thực hiện dự án đặc biệt mang tên AR100. Với mong muốn đồng hành cùng 100 sự kiện nghệ thuật trong nước và quốc tế, Art Republik Vietnam góp sức lan tỏa những giá trị thẩm mỹ chất lượng và ý nghĩa tới cộng đồng. Triển lãm MAY (ký hiệu #AR002) là sự kiện tiếp theo trong chuỗi AR100, mà tạp chí mong muốn truyền tải tới độc giả.