Triển lãm “Lưng chừng khủng hoảng”: Touliver tìm mình trong nghệ thuật

Trong bộn bề khủng hoảng, Touliver tìm đến nghệ thuật để tìm mình. Qua những thể nghiệm về màu sắc và chất liệu, anh tìm lại chính mình như một nghệ sĩ, một đứa trẻ vẫn chưa kịp lớn, và một con người với bao nhiêu cảm xúc chưa thể nói ra thành lời. Không tường trình chỉ cảm, triển lãm của anh là một nhắc nhở về nghệ thuật như chốn nương tựa cảm xúc cho mỗi con người. 

Một tri ân cho âm nhạc và những người yêu thương 

Gian phòng nhỏ ở phía trước cũng là điểm bắt đầu triển lãm là nơi Touliver gửi gắm những lời tri ân đến người thương của anh và âm nhạc. Khu vực này cũng thể hiện quá trình anh tìm tòi, thay đổi phong cách của mình từ chân dung gần như là tả thực sang những phương thức biểu hiện ngày một trừu tượng hơn. Các tác phẩm trong khu vực này khá đa dạng về phong cách, thể hiện sự tìm tòi và học hỏi từ nhiều trường phái khác nhau.

Đầu tiên ta có bức vẽ Liu Đan (2019) với sự phóng đại về tỉ lệ cùng những đường viền cọ đậm, cùng tông đỏ vàng khá rực mang lại cảm giác hóm hỉnh của pop-art. Trong khi đó, tác phẩm My love (2019), bức chân dung hoạ vợ của anh, lại theo lối sáng tác của trường phái siêu thực, làm biến dạng hiện thực với những yếu tố trong mơ như đôi mắt trái tim khuếch đại, gương mặt người anh yêu nghiêng nghiêng, như đang mường tượng điều gì. Tuy nhiên, khác với khi anh vẽ những người yêu thương, khi vẽ chính mình trong Self-portrait (2019) anh lại chọn một lối tiếp cận trừu tượng hoàn toàn. Càng rút sâu vào chính mình, càng hồi chiếu, hình tượng con người trong tranh của anh dần biến mất. Đến What do I see (2019), xen lẫn giữa những nét cọ lớn và biển màu xanh ngọc bích ta chỉ thấy một mắt nhìn xuyên qua những lớp màu như đánh đấu sự chìm dần của anh vào sâu trong miền nội tâm và âm nhạc.

Thế là bộ tứ Dans và Drip ở bờ tường sâu bên trong hoàn toàn đi theo lối vẽ của trường phái Trừu tượng ấn tượng ngẫu hứng hỗn loạn, không còn con người, chỉ còn bay vẽ, cọ, màu, và cảm xúc nổi cộm lên, lan toả hỗn loạn trên bề mặt tranh, như một vũ điệu ngẫu hứng trên toan vẽ.

Không gian mở đầu triển lãm
Tác phẩm Liu Đan (2019)
Tác phẩm What do I see? (2019) đánh dấu bước chuyển qua hình thức biểu biện trừu tượng hơn

Khi những cảm xúc cần được giải thoát

Toàn cảnh không gian triển lãm

Ở giai đoạn 2 của triển lãm, ta chính thức bước vào miền nội tâm hỗn độn. Không gian triển lãm là một căn phòng rộng lớn với những chuỗi tranh khổ lớn được treo liên tiếp dọc hai bờ tường. Những tác phẩm này cần phải được nhìn với một khoảng cách đủ xa để có thể thấy được tổng hoà, nhưng không bị choáng ngợp bởi màu sắc cùng đường nét dữ dội của nó. Ở đây ta có cảm nhận rõ hơn những cảm hứng đường phố và hip hop trong bản màu rực rỡ và những cách đi màu đầy ngẫu hứng từ sơn tạt, nhỏ giọt màu (dripping), cho đến cách anh cho phép sơn chảy tự do trên canvas theo những chiều hướng khác nhau. Các tác phẩm cũng thường xuyên dùng kĩ thuật impasto bằng bay vẽ hoặc scumbling theo mảng lớn, tạo nên kết cấu chai sần cho tranh. Trong cách vẽ và trong cách dùng màu ta đều có lực mạnh, ngẫu hứng, bạo lực, không tiết chế. Kĩ thuật vẽ này biểu trưng cho một cuộc bùng nổ cảm xúc tuyệt đối để thoát khỏi những khủng hoảng kéo dài, làm cho hữu hình hoá những cảm giác dữ dội vốn khó kể thành lời. Triển lãm qua đó trở thành một tâm sự cá nhân, nhạy cảm về những tranh đấu nội tâm ở lưng chừng khủng hoảng. 

Sự kịch tính của chất liệu kết hợp cùng sơn trên canvas
Tác phẩm Crisis #5

Chủ đạo trong chuỗi tác phẩm những lớp sơn dày với nhiều màu sắc có độ bão hoà cao,  các mảng sơn nổi cộm khỏi mặt tranh tạo thành chiều sâu cho mặt phẳng canvas cộng với chiều kích lớn mang lại một cảm giác choáng ngợp nhất định cho người nhìn. Phong cách chủ đạo này được thể hiện rõ nhất trong chuỗi tác phẩm Crisis. Những dòng chảy màu rõ ràng, tách biệt tạo cho các bức tranh của Touliver cảm giác động. Khi kết hợp với âm nhạc do Touliver tự sản xuất trong không gian, màu sắc như bắt đầu nhảy múa trên canvas theo nhịp nhạc. Trái với sự dữ dội trong tranh, nhạc có những tiết tấu và giai điệu lặp lại, nhẹ nhàng, tuý luý, nhạc đã đóng vai trò trung hoà, giúp người xem kết nối dễ dàng hơn với lối biểu hiện khá cực đoan của tác phẩm.

Chuỗi tranh đơn sắc của triển lãm

Trong chuỗi tranh đơn sắc bao gồm các bức Decision (2019), Stoicism (2022), Blue boy (2023), Life (2023), và Lavender Rain (2023), anh tập trung vào việc sử dụng phối hợp những chất liệu tìm được cùng lớp sơn phủ khá đậm và sáng. Những chất liệu không rõ hình thù trồi lên khỏi bề mặt tranh, như muốn vùng vẫy thoát khỏi lớp sơn đang nhấn chìm chúng. Sự gấp nếp, bung toả, hay chồng lấp dày đặc của các chất liệu tìm được trên bề mặt trông tựa hồ như những sự nứt vỡ, đổ nát, và xô đẩy. Các chuyển động của chất liệu như đương kháng cự lại mặt phẳng của canvas đang giam hãm mình. 

     Cận cảnh chất liệu ánh kim trên tác phẩm Sleep
Bộ ba tác phẩm Sleep

Bên cạnh đó trong bộ ba tác phẩm Sleep, anh tận dụng ánh sáng triển lãm để tạo nên cảm giác có phần phiêu diêu bằng sự kết hợp chất liệu có tính phản quang, ánh kim trên nền tác phẩm đen tuyền. Khi ánh sáng chiếu vào, những mảng sáng rực lên, nổi lên trên bề mặt tranh đen kịt và hỗn độn với những vụn vỡ. Chuỗi tác phẩm Sleep như đang đại diện cho những điều lung linh còn sót lại và dần được hé lộ trong đêm đen kéo dài. 

     

Màu loang trong chuỗi tranh What make me smile?
Chuỗi tranh What make me smile?

Và cuối cùng sau khi bứt thoát khỏi những đè nén, ta được xoa dịu trong chuỗi ba tác phẩm What make me smile?(2022). Các tác phẩm trong chuỗi ba này có kĩ thuật nhẹ nhàng và bay bổng hơn đa số tác phẩm trong phòng. Thay vì đắp lớp sơn bằng bay hay cho sơn chảy mới nguyên thành dòng lên canvas, bộ ba What make me smile? đã có sự hoà quyện chuyển sắc, tranh cũng có độ phẳng và mịn hơn. Anh cũng sử dụng dung môi sơn dầu làm loãng đi sơn tạo thành những mảng trong trên tranh, uyển chuyển như nước. Ở điểm này, dường như các cảm xúc đã được tri nhận rồi giải toả, trả lại một mặt hồ bình lặng, dịu dàng hơn cho tâm trí. 

Không tường trình chỉ cảm: Một hành trình cá nhân 

Triển lãm Lưng chừng khủng hoảng của Touliver như vậy thật sự là một lời tâm sự cá nhân của anh dành cho khán giả cùng những người yêu thương mình về những cơn sóng cảm xúc từ khủng hoảng cuộc sống, về cách anh tìm kiếm và xoa dịu cho đứa trẻ trong mình, và về tình yêu mới chớm của anh với nghệ thuật. Triển lãm vừa là một kết thúc, vừa là một bắt đầu cho những hy vọng và mơ ước mới sau khủng hoảng. Đi qua Lưng chừng khủng hoảng, anh như đang nhắn nhủ rằng ai cũng có thể tìm đến nghệ thuật như một lối thoát cho các xúc cảm bộn bề trong cuộc sống. 

Nghệ sĩ bên cạnh tác phẩm trung tâm Nori

Bài: An Tử
Hình ảnh: Art Republik Vietnam & Tác giả