Trước hết, khi nghĩ về chất liệu được sử dụng trong các tác phẩm của Đoàn Văn Tới, bổ ngữ cho ý niệm được truyền tải, đây chính là con đường. Cuộc thử nghiệm nghệ thuật thị giác với cách sắp đặt bố cục, màu sắc, thành tố, tổ hợp các đường chỉ khâu thêu, màu nước, khung vẽ sơn mài là kết quả tự nhiên của hành trình anh liên tục nghiên cứu sáng tác và quan sát thân tâm trong thực tại.
Mặt khác, khái niệm cơ bản về thực tại là một thứ khó nắm bắt. Một khoảnh khắc, khi ta nói về nó nghĩa là đang tường thuật về một chuyện đã rồi. Nhắn nhủ mỗi người chú tâm vào hiện tại càng khó và nếu làm không khéo sẽ giống như một sự gượng gạo giương cao biểu ngữ. Ở nhiều góc độ quan sát tác phẩm, thực cảnh xen lẫn hư cảnh và khó cắt nghĩa ngọn ngành như lòng người xem lúc mờ lúc tỏ. Một con đường mang tính khách quan anh để người xem tự đi và trải nghiệm ở không gian nằm giữa hai lớp lụa và vải đã qua xử lý xếp chồng lên nhau. Nơi nếu ký tự hóa hai lớp nói trên thành dấu gạch dọc sẽ có thể tái thiết lập cảnh quan mà cách thức thực hiện mỗi tác phẩm khơi gợi thành: quá khứ | khán giả | tương lai. Không phải quá khứ hay tương lai (mặt trước hay sau), hiện tại này (không gian ở giữa này) là nơi, cùng nhau, tất cả mọi người đang trú (và đang cùng nhau quan sát được).
Trong Karaoke – Karaoke, trên một phương diện khác, tổ hợp ý niệm, hình thức như một cuộc rong ruổi cảm tính và dần giản lược đi các yếu tố lý tính định nghĩa giới hạn. Như vậy, hình ảnh những bộ xương không chỉ một con hươu, nai, báo của khu rừng nào. Con thuyền chở người không chỉ hiện tượng nào trong lịch sử. Hình ảnh con người, gia đình không chỉ hình ảnh của ai, của gia đình nào. Và ngọn núi, dòng sông cũng không mang định danh về vùng miền bản địa. Không có yếu tố định danh/sở hữu mang tính phân chia thì sẽ không có những tư tưởng như mất – còn dính mắc kéo theo. Đồng nghĩa, bỏ đi cái hữu hạn, vạn vật được quan sát dưới góc độ rộng hơn, hòa vào mênh mông trong khi bản chất đồng nhất sau cùng được giữ lại. Đây là sự phát triển tiếp nối từ triển lãm cá nhân đầu tay Gate – Gate (tạm dịch: Vượt qua – Vượt qua) và cũng đặt nền móng cho các thực hành của nghệ sĩ trong thời gian tới.
Hai cuộc triển lãm cá nhân với tên gọi theo dạng thức lặp lại hai lần Gate – Gate (trích trong Bát Nhã Tâm Kinh) và Karaoke – Karaoke (một hoạt động giải trí phổ biến trong đời sống) có cùng đích đến là an trú trong thực tại. Đồng thời, hai chủ đề cũng là cách gợi mở của nghệ sĩ tới cách thức tự nhiên vận hành: tự do, không ràng buộc bởi bất kỳ tôn giáo, khoa học hay bất kỳ đường biên nào khác và trong cái nọ có cái kia. Sau cùng Gate – Gate (không còn đơn thuần là lời răn dạy của nhà Phật), Karaoke – Karaoke (không phải hành động cầm mic lên và hát) mà chỉ là hai ý niệm đại diện, cũng như mọi động thái, sự vật, hiện tượng khác đều có thể trở thành câu thần chú hay chỉ dấu soi sáng con đường mỗi người đang đi.
Karaoke – Karaoke, triển lãm cá nhân với hơn 40 sáng tác nghệ thuật thị giác của nghệ sĩ Đoàn Văn Tới đưa người xem vào nhịp độ không nhanh không chậm. Tiến trình này hướng vào sự quan sát bên trong mỗi người để nhận thấy mỗi phút giây trong thực tại (present) trôi qua đều là một món quà (present) tuyệt vời của tạo hóa. Hạnh phúc hay sự bình yên trong tâm, đơn giản là khi chú trọng vào ngay khoảnh khắc này và biết đủ.
Thời gian: 14.04 – 21.04.2024 (9:30 – 19:00)
Địa điểm: Indochine House, 32A Nhà Chung, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Triển lãm không thu phí tham quan, vào cửa tự do.
Bài: Tâm Phạm