Triển lãm đôi Ký Thác Hư Không: Những diễn cảnh phù vân

Triển lãm đôi Ký Thác Hư Không của hai nghệ sĩ Tôn Thất Minh Nhật và Tuyền Nguyễn, với hơn 25 tác phẩm tranh vẽ trên chất liệu tưởng như truyền thống như sơn mài và lụa, dẫn dắt người xem và những mảnh phù vân trong công cuộc tạo tác của người nghệ sĩ. Ở đó, người chỉ tồn tại qua vết tích của chuyển động, trong ký ức và di sản.

Không gian triển lãm Wiking Salon được chia làm hai mảng đối lập, một bên để Tuyền Nguyễn xây dựng mê lộ ký ức, bên kia để Tôn Thất Minh Nhật mở ra những cánh cửa hút người xem vào khoảng lặng thinh.

Phát triển tiếp ý tưởng từ triển lãm cá nhân Huyền Tượng (2023) tại Huyền Art House, tiếp tục đuổi bắt những giấc mơ, nhưng Tuyền Nguyễn lần này quyết định rời bỏ những tấm canvas khổ lớn và nép mình vào những khung lụa khiêm cung. Đây là một thử thách, cũng là lựa chọn của nghệ sĩ để thích nghi với sự thay đổi về không gian xưởng trong năm vừa qua. Series Chênh Vênh gửi những ghi chép về cá nhân và cuộc sống đến một chiều không gian khác. Anh tìm thấy con đường mở ra sau tấm màn xuyên thấu. Các vệt màu lớp chồng lớp tái hiện những chuyển động qua đa chiều không gian và thời gian. Những hình tượng khi rõ nét khi lại mờ, những ký ức đã qua đồng hiện với chiêm bao. Năng lượng được hun đúc, dồn nén và tuôn trào trên mặt tranh như những diễn cảnh trong giấc mơ đã căng phồng rất lâu trong tâm trí, giờ đây được tuôn ra để len lỏi và lấp đầy mọi không gian rỗng. Một cách cố tình, những tấm tranh hai mặt này được treo xen kẽ, tựa những lát cắt ký ức tạo thành một mê lộ của hình tượng và ảo cảnh.

Tuyền Nguyễn, Chênh Vênh #01, 2024, màu nước và acrylic trên lụa
Tuyền Nguyễn, Chênh Vênh #05, 2024, màu nước và acrylic trên lụa
Tuyền Nguyễn, Chênh Vênh #08, 2024, màu nước và acrylic trên lụa

Trái ngược với mê cung đầy màu sắc của Tuyền Nguyễn, loạt tranh sơn mài của Tôn Thất Minh Nhật lắng đọng trên tường, tạo thành chuỗi ô cửa dẫn vào tâm trạng của nghệ sĩ, đồng điệu với vòng tuần hoàn hai mùa mưa-nắng, hai nửa ngày-đêm. Tiếp nối thành công của triển lãm cá nhân Time, Illuminated (2024) tại Galerie BAQ, Paris, nghệ sĩ tiếp tục tái sử dụng các tham chiếu từ ngôn ngữ kiến trúc của đền, đình, và công trình hoàng gia ở xứ Huế nơi anh sinh sống. Giản lược đi những chi tiết cầu kỳ thường thấy trên bề mặt tranh sơn mài truyền thống, nghệ sĩ đặt trọng tâm độ sâu của từng chất sơn đen, như thể người xem đang nhìn vào một mặt hồ hun hút. Đối với Tôn Thất Minh Nhật, thực hành sơn mài vừa là một nghi lễ thiền, vừa là cách anh ghi lại những chuyển động của môi trường xung quanh. Tên gọi từng tác phẩm được đặt theo lối ước lệ của cổ hoạ Trung Hoa shuǐ-mò (水墨 / thủy mặc), nơi hình ảnh của thiên nhiên được sử dụng như những ẩn dụ tinh tế nhằm diễn đạt xúc cảm của con người.

Tôn Thất Minh Nhật, Câu Chuyện Nắng Mưa #02, 2024, sơn ta trên gỗ

Ký Thác Hư Không là một hành trình có muôn lối vào nhưng không hồi kết. Hai thực hành đặt bên cạnh nhau như hai nửa âm-dương, tương phản mà hoàn thiện. Người xem thả mình vào những khoảng trống cần thiết để ngẫm về sự luân chuyển vô tận của nhân gian mà ở đó con người chỉ là một tồn tại hữu hạn. Một khởi đầu khác sẽ lại đâm chồi từ hư không…

Về nghệ sĩ

Tôn Thất Minh Nhật (sinh năm 1982 tại Huế, Việt Nam) tốt nghiệp từ Trường Đại học Mỹ thuật Huế vào năm 2007. Tên tuổi của Minh Nhật trong 15 năm qua gắn liền với chất liệu sơn ta, từ giai đoạn nghiên cứu và trau dồi kỹ thuật truyền thống, đến các thể nghiệm kết hợp đa chất liệu, biến thực hành sơn mài thành một nghi lễ của cá nhân anh. Qua đó, anh phóng chiếu ký ức và ghi tạc di sản, đặc biệt là các nét kiến trúc cổ ở Huế, nơi anh sinh sống.

Sau 15 năm vừa thực hành vừa nghiên cứu, Minh Nhật vẫn bị mê hoặc bởi tính linh hoạt và sự mềm dẻo mà sơn ta mang lại. Anh tiếp tục cuộc phiêu lưu của mình nhằm khám phá các khả năng khác của chất liệu này, ghi tên mình vào danh sách các nghệ sĩ thực hành sơn mài đương đại độc đáo nhất Việt Nam.

Một số triển lãm gần đây của Tôn Thất Minh Nhật bao gồm: “Time, Illuminated”, Galerie BAQ, Paris, Pháp (2024), “Hanoi Grapevine Selection”, Hà Nội & TP.HCM, Việt Nam (2023); Đông Chí, MoT+++, TP.HCM, Việt Nam (2023); “Dreaming of a Foreign Land”, Mơ Artspace, Hà Nội, Việt Nam (2022); “Nổ Cái Bùm”, Huế, Việt Nam (2020); “Pray”, Indochine Palace, Huế, Việt Nam (2016); “Tron Tron”, Hue Fine Art Museum, Huế, Việt Nam (2015); “Quẫy”, Then Collective, Huế, Việt Nam (2014); “Chúc mừng năm mới”, New Space Arts Foundation, Huế, Vietnam (2013).

Chân dung hoạ sỹ Tôn Thất Minh Nhật

Tuyền Nguyễn (sinh năm 1990 tại Thái Nguyên, Việt Nam ) tốt nghiệp khoa Hội họa trường Đại học Mỹ Thuật TP. HCM vào năm 2018. Với anh, nghệ thuật trước hết là một sự giải thoát cá nhân. Qua đó, người nghệ sĩ phản ứng lại với những sự kiện đang diễn ra hằng ngày bên trong và bên ngoài họ. Tác phẩm là một sự sàng lọc lại qua lăng kính cái tôi cá nhân bằng ngôn ngữ thị giác. Chủ đề xuyên suốt các tác phẩm của anh thường xoay quanh những vấn đề môi trường, đô thị hóa, giấc mơ và hình ảnh con người bé nhỏ, bị gò bó, bất lực trong vòng xoay của xã hội hiện đại. Thực hành của Tuyền ảnh hưởng nhiều từ trường phái biểu hiện trừu tượng, chủ yếu là tranh vẽ sử dụng chất liệu sơn dầu, than và sơn mài.

Một số triển lãm gần đây của Tuyền Nguyễn bao gồm: “Huyền Tượng”, Huyền Art House, TP.HCM, Việt Nam (2023); “Phổ Hiếu Kỳ” Nguyen Art Foundation, TP.HCM,  Việt Nam  (2022); “Nổ Cái Bùm” Đà Lạt, Việt Nam (2022); “LOVE is not to be disappointed with…” MoT+++, TP.HCM,  Việt Nam (2022); “Manimal”, Craig Thomas Gallery, TP.HCM,  Việt Nam (2020); ‘Solo Sans Solo’, A. Farm, TP. HCM,  Việt Nam  (2019); ‘Muôn loài bình đẳng’, A. Farm, TP. HCM,  Việt Nam (2018); ‘Young Art Biennale’, Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM, Việt Nam  (2017).

Chân dung hoạ sỹ Tuyền Nguyễn

Về ban tổ chức

Đơn vị tổ chức

Wiking Salon là một không gian trải nghiệm nghệ thuật tọa lạc tại trung tâm Thành Phố Hồ Chí Minh, nơi kết nối những người bạn, đối tác có cùng sở thích, sứ mạng và đam mê phát triển hệ sinh thái nghệ thuật đương đại Việt Nam. 

Đơn vị đồng tổ chức

Galerie BAQ do Lê Thiên-Bảo và Quinnie SG Tan đồng sáng lập, ra đời vào tháng Tư năm 2023. Nằm ở trung tâm của Paris, Galerie BAQ ủng hộ và bồi dưỡng cho những thực hành nghệ thuật đương đại từ các trung tâm sáng tạo bên ngoài phương Tây, làm việc trực tiếp và hợp tác với các nghệ sĩ có liên kết với Đông Nam Á và cộng đồng hải ngoại của họ ở mọi nơi. Ngoài ra, Galerie BAQ luôn nỗ lực tìm hiểu thêm về các phương thức sản xuất văn hóa và sáng tạo tương tác với những lịch sử và danh tính phức tạp, tái tưởng tượng các truyền thống và thách thức các hệ tư tưởng thống trị.

Đơn vị đồng hành 

CARA Lighting Solutions là đơn vị chuyên cung cấp các  giải pháp chiếu sáng toàn diện với hơn 25 năm kinh nghiệm trong ngành chiếu sáng Việt Nam. 

Artician là đơn vị đơn vị cung cấp các giải pháp trưng bày,  số hoá và lưu trữ cho các tổ chức nghệ thuật, phòng tranh và bộ sưu tập.
Mallot là dòng rượu vang sủi cao cấp và thời thượng, được tuyển chọn khắt khe từ các vùng làm vang trứ danh trên khắp thế giới, bắt nguồn từ tình yêu mãnh liệt với rượu vang của một nghệ nhân người Pháp.

_

THÔNG TIN TRIỂN LÃM “KÝ THÁC HƯ KHÔNG”:

Thời gian: 9:00 – 18:00, từ ngày 30.06.2024 – 21.07.2024

Địa điểm: Wiking Salon, 72 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh

Triển lãm mở cửa miễn phí với link đăng ký trước theo khung giờ nhằm mục đích đảm bảo trải nghiệm thưởng lãm cho người xem.