Triển lãm Chống Phân Mảnh: Cuộc đối thoại với vô thức của hoạ sỹ Ivan Shenevsky
Bay bổng hoà lẫn với cuồng nhiệt. Nỗi cô độc thăm thẳm hoà lẫn với âm hưởng lạc quan. Trong khoảng thời gian sáng tạo ngắn ngủi, dòng chảy vô thức của Ivan Shenevsky đã bộc phát với muôn dạng hình hài, được hoạ sỹ lắng nghe và chuyển tải một cách toàn triệt.
Mimosa Gallery (Đà Lạt) hiện trưng bày mười bốn tác phẩm trừu tượng được cắt từ một bức hoạ lớn dài 20m của hoạ sỹ Ivan Shenevsky. Trên những mảng tường trắng trung tính của Mimosa Gallery, mỗi bức tranh hiện diện một cách nguyên bản và chân thật, không bị xâm lấn bởi các yếu tố ngoại biên.
Không sai khi nói rằng đây là một triển lãm đặc biệt quan trọng trên hành trình sáng tạo của Ivan Shenevsky, bởi nó mang tinh thần thử nghiệm táo bạo và rõ nét: Ivan dành ba tuần để vẽ ở cường độ cao trên một tấm canvas dài 20 mét, sau đó cắt chúng thành mười bốn tác phẩm nhỏ. Chuyện trò với Ivan, ta mới hiểu rằng sáng tạo đối với anh trước tiên phải là sự cất tiếng nguyên bản của vô thức và cảm xúc cá nhân. Hai mươi mét tranh hàm chứa những mảng màu khác nhau của vô thức bộc phát. Trên chuyến xe đến Đà Lạt, anh lẳng lặng hồi tưởng về khoảng thời gian ấy và không ngần ngại gọi đó là hành trình khắc nghiệt để tìm mình.
Ý THỨC – VÔ THỨC VÀ VÙNG XÁM THƯƠNG THẢO
Ivan Shenevsky vốn được biết đến với lối vẽ tự động (automatism) tiếp biến từ trường phái Siêu thực của thế kỷ trước. Cấu thành nên tác phẩm của anh không phải là những sắp đặt tường minh trong trí óc mà trái lại, cảm xúc của người hoạ sỹ đi trước một bước – chúng nhịp lên, nhịp xuống như đường sóng, kéo theo chuyển động của cơ thể và đôi tay. Kết hợp với kỹ thuật rảy màu (dripping technique) đặc trưng của Jackson Pollock, Ivan Shenevsky để màu sắc cuồng quay theo cảm xúc và tạo nên vũ điệu ngẫu hứng trên canvas.
“Đến với triển lãm Chống Phân Mảnh, tôi muốn thực hành thứ gọi là ‘pure art’, nghĩa là nghệ thuật thuần khiết chảy tràn ra từ bản thể mình. Cho phép bản năng dẫn dắt; để màu và cọ là sự biểu hình hoá những gì nguyên sơ nhất trong tôi”. – Ivan Shenevsky –
Mặt khác, từ góc độ kỹ thuật, tấm canvas khổ lớn buộc Ivan vẽ cuốn chiếu và không thể hình dung bố cục của toàn bộ bức tranh. Đây vừa là thách thức, song cũng là cơ hội để hoạ sỹ tập trung đối thoại với cảm xúc của mình. Miên trải trong tranh là những đường rảy màu phóng khoáng, nhưng không còn xoáy sâu vào sự đơn độc thăm thẳm như trong triển lãm cá nhân trước đó của anh. Một mặt, ta vẫn bắt gặp lối phối màu xám-đen và xanh đậm quen thuộc của Ivan như Fragment #2151145, mang đến những hố sâu cảm xúc hỗn độn. Mặt khác, sự xuất hiện mới mẻ của mảng màu hồng sáng hay xanh dương như trong Fragment #2151107 lại trải ra tấm thảm cảm xúc dịu nhẹ, êm ái.
Ivan Shenesvky, “Fragment #2151200” (2024), 150 x 106 cm
Một số bức dùng gam màu nóng như vàng, cam và đỏ. Những sắc độ này ít khi đồng xuất hiện trong các tác phẩm trước đây của Ivan – anh thường đặt để màu vàng trong quan hệ tương phản trực tiếp với màu xanh, đen huyền bí. Có thể thấy, biên độ dùng màu của Ivan trong loạt tranh này rộng mở và thuần khiết hơn. Về mặt kết cấu, có những bức cuồn cuộn với lớp màu và tiểu tiết chồng đắp lên nhau như Fragment #2151050, cũng có bức thanh tao và tối giản như trong Fragment #2151107, bộc lộ một thời khắc thinh lặng của tâm hồn. Triển lãm đã thành công lưu trữ những biến thiên cảm xúc của nghệ sỹ trong suốt hơn một trăm giờ sáng tạo – một cuộc lột trần thành thực của tâm trí.
Sau khi vẽ, Ivan Shenevsky bước đến giai đoạn cuối cùng: phân mảnh bức tranh. Ý thức được vận dụng để anh nhìn ngắm bức tranh dài 20 mét – nhìn lại hành trình vô thức đã trải qua – thông qua đó, truy xuất ý niệm trong từng mảng tranh và quyết định phân mảnh. Thời khắc phân cắt được anh ghi lại để đặt tên cho tranh. Ví dụ, bức Fragment #2151044 được cắt ra vào ngày 21 tháng 5, lúc 10 giờ 44 phút, hay bức tranh cuối mang tên Fragment #2151208, tức được cắt ra lúc 12 giờ 08 phút.
Soi chiếu hành trình này bằng tên triển lãm Chống Phân Mảnh, ta nhận ra rằng, cũng như nghĩa gốc của cụm từ bàn về cách chiếc máy tính thực hiện thao tác “defragmentation” (chống phân mảnh) để tái sắp xếp dữ liệu trên phương tiện lưu trữ, Ivan Shenevsky đương đi qua một quá trình tương tự. Vô thức ban đầu bộc phát phi tính toán, sau đó được sắp xếp lại, mang chở thêm ý đồ của người sáng tạo. Hàng trăm giờ đồng hồ trôi qua, cuộc thương thảo vô thức–ý thức cũng lẳng lặng đi đến hồi kết.
Một góc triển lãm “Chống phân mảnh”
CẢM HỨNG BẢN ĐỊA VÀ NGHỆ THUẬT TOÀN CẦU
Chia sẻ về nguồn gốc ý tưởng, Ivan Shenevsky cho rằng thiên nhiên Đà Lạt đã truyền cảm hứng để anh nghĩ ngợi nhiều hơn về bản năng con người. Mỗi lần nhìn ngắm thiên nhiên, Ivan lại bị lay động bởi những con đường quanh co, những ngọn đồi cong cong uốn lượn – mảnh ghép để tạo nên vẻ đẹp đất trời ngẫu nhiên, phi tính toán. “Đôi lúc, tôi nhìn một đám hoa cỏ và mê mẩn cách chúng tự mình uốn lượn, men theo mõm đá. Con người luôn khát khao những gì nề nếp và hoàn hảo. Nhưng nhìn thiên nhiên mà xem, đó là vẻ đẹp nguyên sơ và thành thật.”
Vẽ tranh khổ lớn cho phép tôi bước vào một hành trình dài hơi, đối diện với vùng xám vô thức bên trong mình. Những phóng dật bản năng đầy bất định thực chất cũng trác tuyệt như sự uốn lượn của thế giới tự nhiên. – Ivan Shenevsky –
Đến đây, tôi nghĩ nghệ thuật của anh như một dấu gạch nối đẹp đẽ, đã chuyển hoá từ cảm hứng bản địa thành một ngôn ngữ trừu tượng, phi biểu hình, trao cho người tiếp nhận một không gian rộng mở để diễn dịch và thụ cảm. Phát biểu tại triển lãm, Tổng Lãnh sự Nga Sadykov Timur Sirozhevich cho rằng: “Nghệ thuật là ngôn ngữ toàn cầu. Những đường cọ phóng khoáng của Ivan Shenevsky có thể được đọc theo nhiều cách, tuyệt nhiên chẳng có chuẩn mực nào. Triển lãm là một minh chứng sống rằng không chỉ dừng lại ở văn học, hội hoạ Nga đã lay động được trái tim người Việt. Nghệ thuật đang kéo chúng ta xích lại gần nhau hơn bao giờ hết”.
Từ trái sang phải: Hoạ sỹ Ivan Shenevsky, Tổng Lãnh sự Nga Sadykov Timur Sirozhevich, ông Nguyễn Cao Cường – Founder Mimosa Gallery
Ivan Shenesvky, “Fragment #2151119” (2024), 170 x 160 cmIvan Shenesvky, “Fragment #2151129” (2024), 155 x 100 cm
Triển lãm là một minh chứng sống rằng không chỉ dừng lại ở văn học, hội hoạ Nga đã lay động được trái tim người Việt. Nghệ thuật đang kéo chúng ta xích lại gần nhau hơn bao giờ hết”. – Tổng Lãnh sự Nga Sadykov Timur Sirozhevich –
Bên cạnh đó, tính phổ quát trong nghệ thuật của Ivan Shenevsky còn được biểu hiện bởi một nét cọ trắng chảy trôi xuyên suốt từ bức hoạ này sang bức hoạ khác trong loạt tranh Chống Phân Mảnh. Dễ thấy rằng hoạ sỹ đã tạo tác nét cọ này vào phút cuối, khi toàn bộ 20 mét tranh đã hoàn thành và được anh trải ra trước mắt. Không phân biệt đường biên và ranh giới, thời gian vốn dĩ là chủ thể bao trùm vạn vật, xâu chuỗi ý thức với vô thức, xâu chuỗi bản năng lẫn hành xử của mỗi chúng ta.
Triển lãm vẫn kéo dài đến ngày 22 tháng 7 năm 2024 tại Mimosa Gallery, Đà Lạt. Mời bạn ghé thăm để thương thảo với vùng xám vô thức của Ivan Shenevsky, đồng thời cho phép những suy nghiệm riêng của mình được cất tiếng.
—
THÔNG TIN TRIỂN LÃM “CHỐNG PHÂN MẢNH”:
Thời gian: từ ngày 22 tháng 6 đến 22 tháng 7 năm 2024.
Địa điểm: Mimosa Gallery, số 15-17 Phù Đổng Thiên Vương, Phường 8, TP. Đà Lạt.
Để tìm hiểu nhiều hơn về hoạ sỹ Ivan Shenevsky, vui lòng truy cập tài khoản Instagram: @ivan_shenevsky