Chúng tôi đến triển lãm độ bốn, năm giờ chiều và sớm đã thấy ngợp với 36 tác phẩm sơn mài được trưng bày chỉn chu trong tòa nhà ba tầng. Dọc bước lên những tầng cao hơn, ta dần nhận ra xu hướng giản lược các địa điểm cụ thể và sự phổ quát tăng dần trong nội hàm tác phẩm lẫn cách đặt tên. Nếu tầng một, tầng hai còn in dấu nhiều địa chỉ tường minh như Đền Kim Liên, Chùa Đại Bi hay Ráng vàng suối Yến thì ở tầng ba, trước mắt người thưởng lãm đã hoàn toàn là những lát cắt của thiên nhiên như Trăng xuân, Trăng lạnh và những chốn ảo huyền không thể gọi tên như Bến mơ. Lối sắp đặt này phần nào tái hiện hành trình sáng tạo mà Huysonmai đã đi qua trong nhiều thập kỷ: từ họa lại thực cảnh cho đến nắm bắt cái hồn, cái tình của cảnh.
Chị Hương, người đồng hành cùng Huysonmai để thực hiện triển lãm chia sẻ:
“Vượt qua cảnh sắc, anh ấy nắm bắt điệu hồn của thiên nhiên.”
Tác phẩm “Trăng xuân”
Trải qua những chuyến độc hành giữa đất trời, Huysonmai không còn vẽ một quang cảnh nơi anh đứng ngoài trông vào như khách thể. Thay vào đó, anh vẽ sự tương giao với thiên nhiên, vẽ về một khoảnh khắc mà thiên nhiên, tạo vật đã đón nhận anh, cho phép anh xâm lấn nó, bước vào và trở thành một phần của nó.
Chính cảm xúc đã tôn tạo kỹ thuật. Đứng trước tác phẩm Chùa Đại Bi và dõi theo tranh ở một khoảng cách thật gần – độ một gang tay, chúng tôi nhận ra mức độ kỹ càng và cực đoan trong bút pháp của Huysonmai. Anh đã vượt qua cản trở của chất liệu sơn mài vốn rất “bệt”, vượt qua lối sáng tác hãy còn mảng miếng của các thế hệ trước để đi sâu đào xới, khắc họa từng lớp lang tiểu tiết. Vẻ đẹp cuồn cuộn rêu phong của chùa là một ví dụ – người nghệ sĩ đã tính toán toàn hảo về vị trí khảm vàng hay cẩn trứng, tạo ra những viền gạch tế vi. Hay vòm cây rung rinh với sắc vàng ruộm thổi tràn hiệu ứng của ánh sáng. Quá trình sơn-mài tái lặp cứ thế tạo ra độ sâu hun hút cho tác phẩm. “Mỗi tiểu tiết đều chứa tình ở trong đấy, vô cùng kinh điển”, chị Hương tâm đắc.
Rêu phong và tán lá được khắc họa tinh xảo trong tác phẩm “Chùa Đại Bi”
Phóng tầm mắt qua tác phẩm kề bên, ta tiếp tục bắt gặp những trường năng lượng theo mùa của thiên nhiên: cái lạnh lẽo hoang vu của mùa đông, cái đỏ rực tràn trề của hoa gạo nở. Tên triển lãm “Aurora” chính là sự tôn cao những thời khắc thăng hoa khi nghệ sĩ đã nhập tâm, hòa làm một với thiên nhiên cả trong tranh lẫn trong đời.
Hoa gạo đỏ rực trong tác phẩm “Xuân rơi”
Trong những trường ngữ nghĩa khác, tên triển lãm “Aurora” ám gợi vầng sáng lóe lên khi tác phẩm thành hình, bởi:
“Làm sơn mài là mò mẫm trong đêm”.
“Đêm” của họa sĩ sơn mài là những đêm trường làm chất liệu, chuẩn bị vóc. Xuất thân từ gia đình có truyền thống sơn mài lâu năm, Huysonmai tự tay chuẩn bị sơn cho các tác phẩm của mình. Mỗi tối, anh cùng các cộng sự thu hoạch sơn ta – mỗi cây chỉ chiết được một thìa sơn nhỏ, tức cần thu hoạch 300 cây trong một tuần để có được 5 lít sơn. Anh nấu sơn, để sơn bốc hơi và lắng xuống trong một khoảng thời gian dài, sau mới bắt đầu sáng tạo.
“Aurora” cũng gợi liên tưởng về “bóng đêm” của hình sắc tranh. Màu sắc sơn mài vốn không cố định mà biến thiên sau mỗi lần mài, để khô, nên diện mạo của tranh không hiện lên toàn thiện từ ban đầu, đòi hỏi nghệ sĩ phải có kỹ thuật khống chế, làm chủ tác phẩm. Trước khi chắp tay thực hiện tác phẩm, Huysonmai cẩn thận phác thảo bố cục, tính toán những giai đoạn sơn-mài, cách thức phân lớp và xử lý những tiểu tiết trứng, vàng. Nói như chị Hương, anh ấy miệt mài “tách lớp trong não”. Tâm trí sáng rõ là thế, đến độ nửa năm sau anh mới trông thấy đứa con tinh thần của mình một cách trọn vẹn. Người vẽ tranh sơn mài cốt phải nuôi cảm xúc trong hàng năm trời, cũng là ngọn đuốc chỉ đường trong đêm.
Đã đi qua đêm tối của những ngày thu hoạch chất sơn, những chuỗi đợi chờ và những mảng tranh ẩn tàng chưa rõ sắc, với giới sơn mài, phút giây quyết định cũng rực rỡ, tường minh như kỳ quang “Aurora” giữa đêm đông. Giây phút ấy sẽ là cái thú mãi hoài của các họa sĩ, đôn đốc họ không ngừng sáng tạo để khai mở những miền không đoán trước.