Tranh trừu tượng của Zao Wou-Ki làm nên lịch sử tại Thế vận hội Olympic 1988

Nhân dịp poster chính thức của Olympic Paris 2024 vừa được công bố, ta cùng nhìn lại thật thấu đáo kiệt tác 04.10.85 của Zao Wou-ki và vai trò tác phẩm trong Thế vận hội Olympic Seoul 1988.

Zao Wou-ki (1920-2013) trong ảnh chụp thế kỷ XX

Thế vận hội Olympic và truyền thống poster nghệ thuật

Từ năm 1912, việc mời những nghệ sĩ danh tiếng sáng tác poster đã trở thành một thông lệ thường kỳ của Thế vận hội Olympic nhằm tôn vinh tinh thần của đại hội thể thao lớn nhất hành tinh. Cũng trong ngày 4 tháng 3 vừa qua, tại bảo tàng Musée d’Orsay, Uỷ ban Tổ chức Olympic và Paralympic Paris 2024 đã công bố poster chính thức của sự kiện do nghệ sĩ minh hoạ Ugo Gattoni thiết kế. Theo Tony Estanguet, Chủ tịch Uỷ ban Tổ chức Olympic Paris 2024: “Đây là thời khắc đặc biệt quan trọng của Olympic Paris 2024. Chúng tôi nỗ lực để trở nên khác biệt nên poster cũng phải truyền tải được tinh thần đó, phải bước qua ranh giới của những logo và lối minh hoạ thuần tuý”.

Trải qua hàng thế kỷ, nhiều nghệ sĩ quốc tế đã sáng tạo nên những poster Olympic kinh điển. Trong số đó có thể kể đến Robert Rauschenberg (Olympic Los Angeles 1984), Antoni Tàpies (Olympic Barcelona 1992), Beatriz Milhazes (Olympic Rio 2016), hay Rachel Whiteread, Bridget Riley và Chris Ofili (Olympic London 2012).

Poster chính thức của Olympic Paris 2024, Ugo Gattoni

Zao Wou-ki và tuyệt tác trong Thế vận hội Olympic Seoul 1988

Ngược dòng lịch sử, Thế vận hội Olympic Seoul 1988 được biết đến với khẩu hiệu “Hoà hợp và Tiến bộ”. Đây là cột mốc quan trọng mở ra bình minh mới cho Hàn Quốc, đồng thời cũng là thời điển then chốt trong lịch sử thế giới sau 35 năm kể từ Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và bên thềm kết thúc Chiến tranh Lạnh. Lúc bấy giờ, Zao Wou-Ki, một nghệ sĩ Trung Hoa đang ở trên đỉnh cao nghệ thuật đã được mời phóng tác, khắc hoạ tinh thần thống nhất của thời đại và hành trình nhân loại ngưỡng vọng một tương lai tươi sáng hơn. Tác phẩm của ông, Tree of Life (Tạm dịch: Cây cuộc đời), nhanh chóng được nhìn nhận tích cực bên cạnh poster của các nghệ sĩ khác như nghệ sĩ Nhật Bản, thành viên Hiệp hội Nghệ thuật Gutai Kazuo Shiraga, nghệ sĩ thị giác Hungary-Pháp Victor Vasarely, Nghệ sĩ Tân Biểu hiện người Đức A. R. Penck và sau cùng là Rufino Tamayo, một nghệ sĩ thực hành nghệ thuật dân gian người Mexico.

Zao Wou-ki, “Tree of Life” (1988), Thế vận hội Olympic Seoul 1988

Poster Tree of Life lấy cảm hứng từ 04.10.85, một tác phẩm Zao Wou-ki đã hoàn thiện trước đó ba năm, cũng là khoảng thời gian hoạ trình của ông chạm đến ngưỡng huyền thoại. Không còn là chàng trai vô định cập bến bờ biển nước Pháp năm 1948 để tìm kiếm ngôn ngữ nghệ thuật và bản sắc văn hoá của riêng mình, Zao đã trở thành “người khổng lồ” trong giới nghệ thuật với những tác phẩm dung hoà sự tiến bộ của Tây Phương và bản sắc truyền thống, văn hoá của Đông Phương, không ngừng hướng đến vẻ đẹp minh triết tổng hoà trong hội hoạ.

Những năm 1950, Zao Wou-ki từng chu du đến Paris, sau đó dành hai thập niên lang bạt khắp Châu Âu và Châu Mỹ. Ông vừa tìm tòi thử nghiệm giáp cốt văn – loại văn tự sơ khai nhất của Trung Quốc cổ đại, vừa miệt mài khám phá những tác phẩm huyền bí của Paul Klee trước khi chọn cống hiến hết mình cho nghệ thuật trừu tượng. Zao tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên năm 1981 tại Galeries Nationales du Grand Palais, Pháp. Sau đó, ông giới thiệu tác phẩm của mình ở các nước Châu Á như Nhật Bản, Hong Kong, Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc và nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của giới phê bình. Hành trình này đã cho Zao cơ hội trở về Trung Quốc đại lục sau nhiều năm xa cách. Ông được chào đón nồng nhiệt trên mảnh đất quê hương và nán lại nhiều nơi tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu và Tây An.

Năm 1983, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Trung Quốc mời Zao thực hiện triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh cũng như ở ngôi trường cũ tại Hàng Châu ông đã từng theo học, hiện là Học viện Nghệ thuật Trung Quốc. Năm 1985, Zao được mời giảng dạy tại trường cũ. Từ một chàng trai trẻ nhập cư đến Paris từng lo ngại những tác phẩm của mình sẽ “bị” xem là đậm chất Trung Quốc (“chisnoiserie”) nếu ứng dụng hoạ tiết và kỹ thuật truyền thống của đất mẹ, Zao giờ đây đã chấp nhận bản sắc của mình. Những bức hoạ trừu tượng của ông từ sau 1980 mang âm hưởng Trung Hoa rõ nét.

Với vùng sáng rung động được khắc hoạ trên mặt tranh, 04.10.85 đã chuyển hoá từ nguồn năng lượng điên cuồng trong thời kỳ giông tố của Zao để đạt đến một cái nhìn siêu phàm đầy chất thơ về vũ trụ, trong đó “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” (theo Bát Nhã Tâm Kinh, một kinh điển nổi danh được các đệ tử Phật giáo Đông Á nghiên cứu). Vẻ đẹp nguyên sơ và sâu sắc của sự sáng tạo tinh thần đã phủ lấy 04.10.85, mang lại cho tác phẩm sự quyến rũ phổ quát vượt thời gian, vượt lên mọi định danh văn hóa.

Zao Wou-ki, “04.10.85” (1985). Giá ước tính: 35,000,000 – 45,000,000 HKD

“Có lẽ lúc này tôi đã trưởng thành. Tôi hoạ cuộc đời mình, nhưng cũng muốn vẽ nên một không gian mà đôi mắt không thể nhìn thấy, một không gian của những giấc mơ”

– Zao Wou-ki –

“Là một họa sĩ, người ta không chỉ khéo léo sử dụng đường nét, màu sắc mà còn phải chôn giấu những cảm xúc chân trành trong sâu thẳm trái tim. Một bức tranh đẹp cần đạt đến sự thống nhất về cả hình thức lẫn nội dung. Làm họa sĩ chính là sử dụng đường nét và màu sắc để tái hiện cảm xúc bên trong của mình. ‘Vũ trụ’ mà anh ta tạo ra phải là của riêng anh ta, một vũ trụ ‘tiến hoá’ theo những biến chuyển cảm xúc thật riêng tư. Sự ‘tiến hóa’ ấy chính là sự ‘tái tạo’ không ngừng của bản thân nghệ sĩ”, Zao Wou-ki chia sẻ.

Nhìn lại quá khứ với độ lùi nhất định, ta hiểu rằng 04.10.85 đại diện cho một điều gì đó lớn lao hơn hành trình thú vị của người nghệ sĩ và bản thân tác phẩm. Bức tranh đánh dấu sự chuyển tiếp giữa trạng thái cũ và mới trong chiều kích lịch sử thế giới, đồng thời hoạ nên niềm hi vọng toàn cầu về một tương lai lạc quan, tốt đẹp hơn.

Một số tác phẩm khác của Zao Wou-ki:

Zao Wou-ki, “Idylle Champêtre” (Rural Idyll)(1950), 14.8 x 12.1 cm
Zao Wou-ki, Untitled (1961), 26 x 63 cm
Zao Wou-ki, “Le Temple des Han” (2005), triptyque, sơn dầu trên canvas, 195 x 324 cm
Zao Wou-ki, Untitled (2006), triptyque, 195 x 291 cm

Nguồn bài viết: Sotheby’s