Những bức thêu thời Đông Dương mang vẻ khiêm nhường trầm mặc. Nhìn sâu vào những đường tơ còn ánh nét duyên thầm ấy là biết bao câu chuyện đẹp đẽ về một thời “tơ thanh, sợi óng, chỉ màu”.
Thêu tay đã xuất hiện sớm trong lịch sử văn hoá vật thể của dân tộc Việt Nam nói riêng và ở khu vực Đông Á nói chung. Ở đây, tôi xin mạn phép giới hạn trong một nhánh của dòng chảy lâu đời này: những bức tranh thêu mỹ thuật thời Đông Dương, phổ biến trước những năm 1954; với đối tượng nghiên cứu là các hiện vật được tìm thấy và lưu trữ tại Việt Nam hoặc nước ngoài. Tranh thêu thời Đông Dương mang đặc trưng dễ nhận thấy nhất khi so sánh với tranh thêu hiện đại, đó chính là chất liệu giàu tính bản địa. Những tấm lụa, sợi tơ từ làng nghề tằm tang trong vùng châu thổ, bảng màu nhuộm được chế tác từ lá, củ, rễ, v.v. của cây cỏ địa phương cùng các bài nhuộm dân gian, lối hòa sắc, bố cục đi từ tâm thức và tính thẩm mỹ bồi đắp qua bao đời các thế hệ nghệ nhân làng nghề, đã thêu nên hồn Việt đậm đà trên những tấm tranh.
Khác với dòng thêu truyền thống, như hoàng bào, bổ tử, phải nghiêm cẩn theo khuôn mẫu, dòng tranh thêu mỹ thuật lại mở ra một cánh cửa cho sự sáng tạo, đổi mới và tính cá nhân. Thấy tranh, như thấy hồn người của một thời đẹp đẽ trong quá khứ.
Khách mua tranh là những nhà khá giả, hoặc người phương Tây muốn đem về nước kỷ vật xứ Bắc kỳ. Các hiệu buôn trên phố đóng vai trò kết nối nhu cầu này với làng nghề. Về mẫu mã, họ thậm chí in sẵn catalogue: các mẫu ước lệ mang đậm tính Á Đông; các chủ đề dân gian như ngư tiều canh mục, vinh quy bái tổ (vinh quang trở về lạy tạ tổ tiên), các điển tích cổ như Bát Tiên (nhóm tám vị thần trong Đạo giáo), “Nhị thập tứ hiếu”, v.v.. Có lẽ ở thời kỳ này, những đơn đặt hàng tranh thêu dùng cho mục đích biếu tặng, trang trí, xuất khẩu khiến cho tính quy tắc gò bó giảm đi, sự sáng tạo được khích lệ và vì thế tài năng, nhiệt huyết và góc nhìn cuộc sống của người thợ thủ công được tiếp thêm sức mạnh vươn lên một tầm giá trị mới. Ở buổi đầu giao thoa văn hóa, một vài nét cách tân đã xuất hiện: những bức thêu phong cảnh với bố cục xa gần của mỹ thuật phương Tây, con trâu ở tiền cảnh được dựng hình chắc tay, vờn bóng tạo khối, lũy tre, bụi chuối ở đằng xa với nhiều nét giống trong tranh sơn mài (một sinh viên Trường Mỹ Thuật Đông Dương có thể đã chia sẻ tập phác thảo của mình chăng?); những bức thêu kín mặt vải phong cách tả thực dựa theo ảnh chụp; thêu như vẽ theo lối Hồ Nam, Tứ Xuyên; hay thêu một đồ án trang trí dây hoa hồng của Pháp.
Trong “Bó hoa Bắc Việt”, Toan Ánh viết: “Với hai công việc khác nhau, họ sống giữa hai khung cảnh khác biệt. Nếu lúc thêu, họ ở trong nhà với bầu không khí thân mật của gia đình, thì khi đi làm đồng, lại được gần gũi thiên nhiên hơn: đồng rộng, gió mát, trời cao với muôn vàn sắc mây vần vụ, với hương thơm của sương sớm, với nước róc rách chảy bên mương”. Làng xóm bình yên nguyên vẹn nghĩa tình, thiên nhiên giàu có nuôi dưỡng thân và tâm mỗi người thuở ấy. Tất cả được chắt lọc vào đáy mắt, trong tim, trong óc thẩm mỹ, và truyền tới đôi tay người thợ, làm nên những tấm thêu đậm dấu ấn người Việt. Dù là thêu theo mẫu nước ngoài, hồn Việt vẫn thấm trong từng chi tiết nhỏ: hình dáng hoa lá bản địa thân thuộc, cách các loài cây cỏ đan xen tầng tầng lớp lớp phong vị nhiệt đới gió mùa; chàng gà Ri thân mình vàng tía, bộ lông đuôi ngả từ đỏ đồng sang nâu đen; cô gà mái mơ dẫn bày con len lỏi bóng mát vườn nhà, sinh động của bầy diệc xám trong đầm sen giữa bát ngát đồng xanh, v.v.. Đặc biệt là ánh mắt, những con công, con trĩ, bầy chim đậu trên cành tre cong, vì là những người bạn hàng ngày nên người thợ Việt đã “điểm nhãn” đầy tinh tế, đem lại sức sống cho muông thú; bức tranh trở nên có hồn, thanh bình và gần gũi.
Dù đã trải qua thời gian tới gần trăm năm, tranh thêu vẫn còn nét óng ả duyên dáng, đó là nhờ chất tơ.
Vải nền là lụa tơ tằm với độ bóng êm mắt của chất liệu tự nhiên cùng bảng màu nhuộm phong phú: đỏ điều, đỏ tươi, vàng thư, vàng đồng, xanh trứng sáo, màu tía, màu ngà, màu đen, v.v.. Nền và viền bức thêu có thể tiệp màu, lại có khi “chơi chỏi”[*] như nền vàng viền hồng điều, nền đỏ cờ viền xanh lá cây. Chỏi đấy mà tinh tế đấy, có lúc chính nền vải viền được kéo rộng ra, trở thành một phần của tranh: những hình thêu Bát Tiên, mây hay đính gương thủy tinh vừa cân bằng bố cục màu, vừa tạo nhịp điệu, tôn lên những dòng chữ quý giá được thêu chỉ vàng. Có khi bức thêu không cần viền vải, người thợ đi một đường hoa, dây mướp, vậy là thành khung… Có khi, người ta lại đóng khung gỗ với đường chỉ chạm khắc cầu kỳ, tiệp với nội thất của gia chủ. Một số bức có hai lớp vải, phần vải bông ở dưới lớp lụa làm bức tranh dày dặn, bền hơn và các mũi kim tránh được xô lệch.
Chỉ thêu là tơ tằm được ươm và se từ thức tơ cao cấp, dành riêng cho việc thêu nên bền và óng hơn cả. Tùy vào chủ đề, nội dung của tranh mà người thợ để “tơ nát” hoặc se chập, với độ dày mỏng của sợi chỉ khác nhau. Có bức tranh sống động do được kết hợp nhiều quy cách chỉ thêu, làm cho ta hình dung rõ câu hát Quan họ quen thuộc “se chỉ luồn kim”: người thợ chủ động se sợi làm nên độ dày mỏng của đường kim giống như cách một hoạ sỹ chọn cỡ bút, vẽ nét thanh, nét đậm vậy.
Người thợ thêu nào trên đời hẳn cũng mong chỉ thêu đa màu đa sắc nhất có thể, để sự sáng tạo được trải dài đầy hứng khởi lên những bảng màu. Tác giả Gabrielle Dain, trong cuốn “Nghề thêu Annam” năm 1939 viết: “Thật ngạc nhiên khi thấy những cuộn tơ sống vốn màu vàng, mà nhuộm ra màu đồng vỏ cua, xanh lục cổ đồng và vàng non. Từ xám bụi đến xám chì, từ xanh thiên thanh đến màu tro, từ màu điều nho tới màu đỏ phong lữ, vô số sắc thái bất ngờ được tạo ra từ những nồi nhuộm nâu nâu tưởng như dơ dáy mà người thợ thêu đã chuẩn bị…”
Hòa sắc trong tranh thêu thể hiện mỹ cảm dân tộc Việt Nam. Đây là một trong những điều có thể nhận thấy bằng lý tính cũng như cảm nhận để phân biệt “thêu ta” với những bức cùng chủ đề được thực hiện tại Trung Quốc, Nhật Bản cùng thời. Đối với tranh phong cảnh, thiên nhiên được diễn tả với những mảng màu êm, chuyển màu tinh tế, đem lại cảm giác sang trọng, không phô trương. Ngược lại đối với dòng tranh điển tích hoặc thư pháp, bảng màu vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của tinh thần “ngũ sắc” cổ truyền, các màu cơ bản được đẩy lên rực rỡ; đôi khi hòa sắc cùng những màu bổ trợ tạo thành tổng thể, bức tranh thêu càng nhìn càng cuốn hút, vừa nổi bật lại vừa nhã nhặn, nhất là khi được đặt trong không gian nội thất thâm trầm của Bắc bộ.
Chất liệu sợi tơ tằm đòi hỏi nhiều giờ rèn luyện của đôi tay, mắt nhìn và cả dáng ngồi, bởi chỉ cần một đường kim sai hướng, một nét đâm xô chệch choạc, là sự thiếu nghiêm cẩn hiển hiện lên mặt tranh. Canh chỉ của thêu tay Việt Nam, nhất là với những mảng lớn thêu đâm xô, có sự uyển chuyển, sinh động. Nét đặc trưng này có được do hướng đi của kim cùng với kỹ thuật gài kim xuống mặt thêu, đem lại bề mặt mịn màng, sự nối tiếp uyển chuyển giữa các màu pha, và lại lần nữa, thể hiện bản tính khéo léo, óc quan sát và thẩm mỹ của người thợ thủ công đất Việt.
Điều đáng tự hào về di sản thêu Đông Dương là những đồ án thêu người – đây là điểm nổi bật không chỉ so với ba nước đồng văn mà cả với dòng tranh có hình ảnh con người ở những nền văn minh khác trên thế giới: bức “Bayeux Tapestry” trứ danh thời trung cổ ở châu Âu, thêu kantha của Ấn Độ, thêu kể chuyện của người Mông, v.v.. Nhiều nhân vật trên tranh thêu Đông Dương được thể hiện tự nhiên, từ hình dạng tới tính cách: sự trau chuốt tỉ mỉ trong từng đường kim vẽ lên khuôn mặt kích cỡ chỉ 10 – 15 ly: gò má, sống mũi được độn hơi cao lên, đôi mắt điểm nhãn khi thì tinh anh, khi hiền dịu, cái trán nhăn, đôi môi già nua hay xuân thì, v.v.. Những bàn tay, cẳng chân, bàn chân thành hình nhờ đường chỉ thêu mà như nổi rõ khối 3D, đã góp phần khắc hoạ nên nhân tướng, tính cách từng người.
Vẻ đẹp và giá trị của dòng tranh thêu mỹ thuật thời Đông Dương, theo tôi, được đúc kết từ những yếu tố sau:
Giàu tính bản địa: Những làng nghề trồng dâu nuôi tằm, xe tơ dệt vải vẫn nhộn nhịp giao thương đảm bảo cho nguồn nguyên liệu thêu dồi dào, chất lượng. Các yếu tố ngoại lai như phẩm nhuộm công nghiệp, sợi nhân tạo chưa áp đảo nên tác phẩm còn nguyên độ rung động của vật liệu truyền thống, mang vẻ đẹp sâu sắc và khó thay thế. Cơ cấu làng xã nguyên bản hàng ngàn năm chưa có nhiều xáo trộn, thiên nhiên bao bọc con người khiến tâm thế, nhận thức và thẩm mỹ của người thêu còn thuần khiết và đậm đặc tính truyền thống.
Giao lưu, thông thương quốc tế: Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 là thời kỳ hưng thịnh khi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam được người Pháp khai thác và đưa ra quốc tế. Phường thợ với những nhà buôn trên phố giao thương nhịp nhàng, thêu tay mỹ thuật Việt Nam được thị trường ưa chuộng đã tạo nên dòng chảy cho những tác phẩm đi tới muôn nơi, tạo điều kiện cho nghề thêu phát triển, mở rộng và nhờ vậy, để lại số lượng hiện vật dồi dào.
Trọng nghề và yêu nghề: Cũng như nhiều ngành thủ công khác, nghề thêu được lưu giữ vào trao truyền một cách nghiêm cẩn. Người thợ dành toàn tâm toàn ý cho thêu, thêu là nghề nghiệp, không phải sở thích. Nét thêu là người, cũng giống như chữ viết là người. Nhìn vào “thủ bút” cũng có thể cảm nhận tinh thần sáng tạo, thế giới quan trung thực và lòng tự trọng, kính nghiệp của thế hệ nghệ nhân thời kỳ vàng son.
Cứ như vậy, hành trình học hỏi vốn cổ quý giá từ di sản tranh thêu thời Đông Dương chưa thể dừng lại. Càng nghiên cứu và thực hành, tôi càng cảm thấy một hậu duệ như mình cần rèn luyện hơn nữa tính nghiêm cẩn, cần cù, hiểu nhiều hơn nữa về tri thức vật liệu của ông cha, và hơn cả là giữ cái tâm trong trẻo, biết rung động với những vẻ đẹp bình dị mang hồn đất Việt.
Chú thích:
[*] “Chơi chỏi”, hay “chơi màu chỏi”: thuật ngữ dùng trong hội họa, chỉ một bức tranh hay đối tượng tạo hình mà trong đó các màu sắc đối lập, thậm chí những màu rợ, chói… được đưa vào bố cục một cách duyên dáng và tự nhiên như chơi, do đó tạo cảm giác thú vị thay vì nghịch mắt.
Bài & ảnh: Phạm Ngọc Trâm
Phạm Ngọc Trâm tốt nghiệp trường Đại học Mỹ Thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) năm 2006. Chị có nhiều năm thực hành nghệ thuật thêu tay, lấy cảm hứng từ các kỹ thuật, chất liệu truyền thống và thiên nhiên bản địa. Từ năm 2020, chị bắt đầu nghiên cứu tranh thêu thời Đông Dương, thực hành nghệ thuật với chất liệu tơ tằm và tìm tòi bảng màu từ các vật liệu nhuộm tự nhiên.