Trà dư tửu hậu: Xem kịch cà phê

Nhiều năm qua, sự đa dạng và cởi mở trong cách thức tổ chức biểu diễn và thực hành kịch nghệ khiến cho hoạt động sân khấu ở TP.HCM mang dáng vẻ sôi động và thân thiện hơn so với nhiều vùng, miền khác. Nếu IDECAF, Hoàng Thái Thanh, Thế Giới Trẻ, Trương Hùng Minh, 5B, Hồng Vân, v.v. thuộc dòng chảy chính thống đã ăn sâu vào tâm thức người sành kịch thì loại hình kịch cà phê có thể xem như một trong những thành tố “indie” đầu tiên của kịch trường Sài Gòn. 

Trà dư, tửu hậu, hay chuyện xem kịch cà phê

Tương tự cái cách mà người ta đến nhà hàng dùng bữa rồi được phục vụ nhạc sống đơn giản kèm theo, những hoạt động biểu diễn kịch nghiệp dư đầu tiên ở TP.HCM manh nha thành hình theo dạng thức “đính kèm” với dịch vụ chính là phục vụ ăn uống. Nôm na mà nói, “trà dư tửu hậu” rồi mới đến xem kịch. Đi theo xu hướng này, vào những năm 2010, mô hình kịch cà phê đã ngày càng nở rộ tại TP.HCM.

Kịch cà phê là một kiểu sân khấu “dã chiến” độc đáo của các bạn trẻ có đam mê sân khấu tại Sài Gòn. Nguồn: Fanpage nhóm kịch Up

Nương nhờ thói quen và văn hóa cà phê bất kể sáng đêm cố hữu trong đời sống người Sài Gòn, nhiều nhóm bạn trẻ có đam mê với kịch nói đã bắt tay với các quán cà phê để làm sân khấu. Họ thường là sinh viên ngành sân khấu – điện ảnh đang khao khát môi trường thực hành nghệ thuật. Họ cũng có thể là những người chưa hề qua đào tạo chính quy, nhưng lại có lòng mê kịch, nên tham gia cho vui. 

Do quy mô sân khấu cũng như nguồn lực hạn chế, các nhóm này thường biểu diễn các trích đoạn, tiểu phẩm nhiều hơn là kịch dài. Chủ đề thường hướng đến đời sống thường nhật dễ hiểu, dễ cảm. Vé bán ra dao động từ 50.000 – 150.000 đồng mỗi suất, đã bao gồm tiền nước. Họ có thể diễn cố định theo tuần hoặc tháng tại một quán cà phê hay quán nào gọi thì “khăn gói” sang diễn tại quán đó. Khoảng không gian được trưng dụng làm sân khấu chỉ rộng chừng 2 – 4 mét vuông, cảnh trí và đạo cụ tối giản, hầu như mang tính ước lệ. 

Các sân khấu kịch cà phê thường do các nhóm kịch tự phát chủ trì, tổ chức trong mối quan hệ cộng sinh cùng có lợi với các quán cà phê. Nguồn: Sân khấu Kịch Báo chí Nhân văn

Dần dà, với chất lượng bất ngờ mà các vở diễn mang lại, từ một giá trị thứ yếu, bản thân việc xem kịch trở thành giá trị chủ đạo mà khán giả quan tâm khi lui tới các địa điểm này. Vừa mới lạ, gần gũi lại có giá cả hợp túi tiền, kịch cà phê đã có thời gian thu hút đông đảo người xem, nhất là khán giả trẻ. Trong giai đoạn cao trào, những năm 2010 – 2015, TP.HCM có khoảng 20 nhóm kịch cà phê hoạt động, với một số cái tên đã tạo được tiếng vang như: Đời, Up, Xóm kịch, Tía Lia, Tikey (Rùa Con), Gánh nhỏ, Chuồn Chuồn Giấy, v.v.. Kịch cà phê thời đó cũng được báo chí ví von như “đặc sản mới của Sài Gòn”. 

Trong thời kỳ đỉnh cao, các nhóm kịch này có khả năng sáng đèn tận 4 – 5 suất/tuần, bất kể ngày thường hay cuối tuần. Họ còn được các chủ quán tin tưởng cho phép tung hoành sáng tạo, thử sức với các vở kinh dị, cổ trang đòi hỏi mức độ đầu tư lớn hơn, thay vì chỉ tấu hài hay quanh đi quẩn lại các vở học đường, tâm lý xã hội. Các suất diễn dễ dàng bán hết số lượng 50 – 90 vé. Nhờ vậy, mức cát-sê của các thành viên trong nhóm kịch cũng được cải thiện, từ 50.000 – 100.000 đồng tăng lên 150.000 – 200.000 đồng/đêm, đủ để họ trang trải phần nào.

Poster và các ấn phẩm truyền thông của các vở kịch cà phê những năm 2010 được thiết kế đơn giản. Nguồn: Fanpage nhóm kịch Chuồn Chuồn Giấy

Nhiều diễn viên thành danh ở thời điểm hiện tại cũng trưởng thành từ các sân khấu kịch cà phê, tiêu biểu có thể kể đến: Khả Như (từng là đào chính nhóm kịch Up), Huỳnh Lập, Quang Trung (từng là thành viên trụ cột nhóm Tía Lia), Huỳnh Phương (nhóm Tâm Ngọc), Quỳnh Lý (nhóm Tía Lia), Hồng Trang (sáng lập nhóm kịch Đời), biên kịch – đạo diễn Tùng Phi (nhóm Ví Dầu), v.v.. Kịch cà phê là nơi cho họ cơ hội được rèn luyện, gặp gỡ khán giả khi chỉ mới là những sinh viên nghệ thuật vô danh mới tập tễnh vào nghề. 

Nhưng rồi theo năm tháng, bên cạnh những người làm kịch tử tế, cũng có không ít nơi, từ khâu tổ chức đến chất lượng vở kịch đều không đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu. Tính thẩm mỹ và nhân văn của kịch cà phê từ đó bị hoài nghi không chỉ bởi giới chuyên nghiệp mà ngay cả công chúng cũng dần quay lưng đi. Vùng xám trong công tác xin giấy phép biểu diễn và phúc khảo cũng là một trong những nguyên nhân đưa loại hình kịch cà phê vào trạng thái bấp bênh.

Những năm 2010 – 2015 là khoảng thời gian kịch cà phê phát triển mạnh mẽ. Các nhóm kịch có show diễn mỗi tuần. Nguồn: Fanpage nhóm kịch Up

Kịch cà phê: Họ đã đi đâu? 

Đại dịch COVID-19 đánh dấu thời kỳ khủng hoảng chung của sân khấu. Trong tiếng thở dài của các nghệ sỹ kịch chuyên nghiệp trong việc nỗ lực duy trì các sân khấu lớn, người ta cũng nhận ra hàng loạt nhóm kịch cà phê đã biến mất. Hiện tại, số lượng nhóm kịch hoạt động dưới dạng này có lẽ chỉ đếm được vỏn vẹn trên năm đầu ngón tay. 

Đối với anh Nguyễn Bá Hưng, kịch cà phê và nhóm kịch Up là ký ức một thời tuổi trẻ mà anh và các đồng đội được tận hiến cho đam mê. Xuất thân là sinh viên trường sân khấu – điện ảnh, chuyên ngành thiết kế mỹ thuật, 13 năm về trước, Nguyễn Bá Hưng tham gia Up với tư cách một người quản lý và kiêm nhiệm nhiều vai trò: từ tìm quán, làm poster, đăng lịch diễn, quản lý fanpage cho đến chỉnh nhạc, âm thanh ánh sáng. Nhưng rồi sau 4 năm hoạt động sôi nổi, họ chọn dừng lại sau khi trải qua biến cố lớn: thành viên nòng cốt – “kép chính” của Up – cố nghệ sỹ Hoàng Bá Sơn đã qua đời vì bạo bệnh. 

Poster vở Chuyến Tàu Định Mệnh của nhóm kịch Up vào năm 2015. Nguồn: Fanpage nhóm kịch Up

“Đoạn đường đó cho chúng tôi nhiều thứ, nhưng quý giá nhất là được làm cái mình thích – không khuôn khổ, phá bỏ rào cản, để chính khán giả là những người đánh giá,” Nguyễn Bá Hưng chia sẻ. “Hơn nữa, nó còn tạo dựng nên bản lĩnh của từng thành viên sau này, dù họ có tiếp tục trụ lại với sân khấu hay rẽ sang nghề nghiệp khác. Nhóm kịch Up cũng là cái nôi nuôi dưỡng các diễn viên trẻ, tạo cơ hội cho họ trước khi thử sức ở những cơ hội lớn hơn. Một vài thành viên của chúng tôi sau này cũng sống được với nghề diễn như chị Khả Như, diễn viên Huỳnh Quý, diễn viên Nguyễn Anh Tú, v.v..”

Dù nhóm kịch tan rã nhưng cái tên Up không chết đi. Nó được tái sinh ở một hình hài khác – Up Design – đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ sản xuất đạo cụ và thiết kế bối cảnh, phục vụ cho các dự án quảng cáo thương mại lẫn phim điện ảnh do chính Nguyễn Bá Hưng thành lập.  

Kịch cà phê sắp trở thành một ký ức. Nguồn: Nguyễn Bá Hưng

Theo anh Nguyễn Bá Hưng, việc “sớm nở chóng tàn” cũng là số phận khó tránh khỏi cho các mô hình sân khấu nghiệp dư và bán chuyên, bởi nhiều lý do. Thứ nhất, đa phần những người lập nhóm là sinh viên học về diễn viên hay đạo diễn sân khấu. Nội tại của mỗi người là khác nhau và nội bộ giữa các bạn cũng rất dễ nảy sinh mâu thuẫn vì toàn “ngang hàng phải lứa”. Thứ hai, việc làm sân khấu không phải chỉ gói gọn trong việc dựng rồi diễn. Nó là một cỗ máy cần được vận hành bài bản, dung hòa giữa việc sáng tạo và thu lợi nhuận. Nhiều thành viên nếu có chuyên môn về nghề thì lại không có chuyên môn quản lý. Điều cuối cùng và cũng là điều hiển nhiên: cơm áo gạo tiền. Khi cơ hội lớn hơn ùa đến, bao nhiêu người vẫn ở lại và chọn gắn bó với sân khấu kịch cà phê trong vô vàn những hình thức hoạt động nghệ thuật, giải trí ngoài kia? Thế nên, việc cùng nhau tiến lên chuyên nghiệp gần như bất khả thi. 

Một trong những nhóm kịch kỳ cựu trong làng kịch cà phê – Chuồn Chuồn Giấy – từng rã nhóm vào năm 2017, sau đó tái ngộ và hoạt động đến tận giờ. Có thể nói đây là một trong những tập thể làm kịch bán chuyên hiếm hoi vẫn tồn tại và hoạt động sôi nổi nhờ duy trì được màu sắc kịch cổ trang độc đáo, nhanh nhạy trong việc nắm bắt thị hiếu khán giả trẻ và thành thạo công tác truyền thông mạng xã hội.

Hiện tại, Chuồn Chuồn Giấy vẫn hoạt động thời vụ, không có sân khấu cố định nhưng hiếm khi chọn quán cà phê làm nơi “dựng rạp” như xưa. Chuồn Chuồn Giấy tập trung nguồn lực cho các suất diễn hợp đồng được các trường đại học, lễ hội, chương trình giao lưu văn hóa đặt hàng, v.v.. “Tam trụ” của nhóm: Việt Trang và Đông Hải vẫn sống với nghề diễn, cộng tác trong các vai phụ ở các sân khấu lớn hoặc tham gia gameshow; còn Thái Duy kín tiếng hơn, anh làm công tác sư phạm, dạy kỹ năng giao tiếp cho thiếu nhi tại các trung tâm nghệ thuật.

Nhóm kịch Đời – tồn tại 15 năm nhưng giờ cũng đang hoạt động theo kiểu cầm chừng. Họ diễn vào thứ 4 của tuần cuối cùng mỗi tháng tại một không gian ở trung tâm thành phố. Thi thoảng sẽ có thêm suất diễn được đặt hàng từ giáo viên các trường THPT hoặc giảng viên đại học, phục vụ cho mục đích giảng dạy của nhà trường.

Nhóm kịch Đời hiện tại chỉ sáng đèn duy nhất thứ 4, tuần cuối cùng của mỗi tháng. Nguồn: Nghệ sỹ Hồng Trang

Nghệ sỹ Hồng Trang – “chủ xị” nhóm kịch Đời – cho biết rằng mô hình vận hành của nhóm kịch Đời phải ứng biến theo thời cuộc, nên hiện tại cũng không hẳn là kịch cà phê. Chỉ cần ở đâu có không gian phù hợp, họ sẽ tổ chức biểu diễn. 

“10 năm trước, kịch cà phê thịnh hành, chúng tôi không cần phải chủ động đi tìm kiếm khán giả hay truyền thông gì nhiều,” nghệ sỹ Hồng Trang cho biết. “Mọi người cứ kháo nhau mà đến hoặc là khách quen của quán cà phê nơi mình biểu diễn. Ngay cả ở thời sôi nổi nhất, làm kịch cà phê anh chị em nghệ sỹ cũng hiếm khi có lời. Giờ thì neo khán giả lắm, chủ yếu là khán giả quen, thương và đi theo nhóm từ trước. Bây giờ mọi người có quá nhiều sự lựa chọn, tôi cũng hiểu”.

Ngay từ đầu, chị Hồng Trang xác định việc duy trì nhóm kịch Đời thuần tuý là để thỏa đam mê, được thực hành nghệ thuật theo cách mình muốn chứ không hướng đến việc tạo ra lợi nhuận. Là một diễn viên chuyên nghiệp, chị phải chấp nhận những quy tắc và đòi hỏi công việc mà chị chỉ là một mắt xích. Còn ở Đời, chị được trao cơ hội cất lên tiếng nói của riêng mình, dù đôi khi khán giả bên dưới giờ chưa đến 20 người lắng nghe. Hơn 15 năm qua, chị thấy mình được nâng nghề, được đến gần hơn với khán giả nhờ khoảng cách chưa đến 2 mét giữa hàng ghế và “sân khấu”, nơi người diễn viên chỉ cần giậm chân một cái là ly cà phê của khách rung rung. 

Kịch cà phê thoái trào, nhưng không hẳn là biến mất mà chỉ đang chuyển biến thành những mô hình biểu diễn phù hợp hơn với thời cuộc. Đứng từ năm 2025 nhìn lại, ấy là một “kẻ lỗi thời”. Thế nhưng, mô hình sân khấu kịch nói này vẫn là một thành tố đặc sắc có không ít tác động tích cực đến bức tranh kịch trường thành thị đương đại. 

Như anh Nguyễn Bá Hưng có dẫn lời Hạ Tuyên – người sáng lập ra nhóm kịch Up – trong cuộc trò chuyện với tác giả bài viết:

“Trời thì cao và chúng ta chỉ mới bắt đầu.” 

Bài viết: Như Võ 

Ảnh: Nhân vật cung cấp, Tổng hợp