Toàn cảnh sự kiện #HUBERTFAKE: Ai là người tổn thương sau cùng?

Những ngày đầu tháng 4 đáng ra nên đẹp như cách hoa loa kèn nở trong tác phẩm Thiếu nữ bên hoa huệ của danh họa Tô Ngọc Vân, thì lại toàn những điều xáo động trong không gian mỹ thuật. Tôi cứ hóm hỉnh nghĩ rằng, không hiểu hồi mới ra Tết, ai “mở bát” mà tưng bừng đến vậy? Nhưng tại sự kiện mang tên #HubertFake này, trong cuộc ồn ào Tây – Ta này, một lần nữa trả lời cho câu hỏi: “Ai là người tổn thương?” – “Chính là nền mỹ thuật Việt Nam!”

Bên trái là bức tranh “The Young Beggar” của hoạ sỹ Tây Ban Nha ở thế kỷ XVII, Bartolome Esteban Murillo. Bên phải là bức “Dream of the following day”, được giới thiệu là tranh sơn dầu của hoạ sỹ Tô Ngọc Vân trên sàn đấu giá Christie’s Hồng Kông ngày 28.05.2017
Ngày 10 tháng 7 năm 2016

Đầu tiên, chúng ta cùng quay ngược về Thành phố Hồ Chí Minh vào một ngày mùa hè năm 2016, thời điểm mà Art Republik Vietnam cho rằng nó là điểm nổ đầu tiên của sự kiện #HurbertFake. Trong triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, 17 bức tranh (ông Vũ Xuân Chung sở hữu) của bộ tứ huyền thoại làng hội họa Việt Nam Nghiêm – Liên – Sáng – Phái (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái) cùng các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương nổi tiếng khác như Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Sỹ Ngọc, Tạ Tỵ hân hoan ra mắt công chúng.

Thế nhưng, trái ngược với sự kỳ vọng về niềm vui trở về cố hương, ngay từ buổi khai mạc, các tác phẩm đã được giới chuyên môn cho rằng… toàn là giả! Đặc biệt, họa sĩ Thành Chương đã lên tiếng tố cáo bức tranh mang tên Trừu Tượng đang được ký tên Tạ Tỵ, thực chất là sáng tác của ông theo phong cách lập thể.

Họa sĩ Thành Chương trả lời báo giới bên cạnh bức tranh của ông, nhưng được ký tên Tạ Tỵ, năm 2016

Ngay lập tức, 17 bức tranh đó đã được tạm giữ để điều tra. Ngày 19/7, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thẩm định với các nhà quản lý, các chuyên gia mỹ thuật… Ông Vũ Xuân Chung khai rằng, ông đã mua 17 bức tranh này từ ông Jean-François Hubert, vốn là một chuyên gia cao cấp về nghệ thuật Việt Nam và châu Á của Hãng đấu giá Christie’s Hong Kong. Ông Jean-François Hubert cũng là người đã cấp giấy chứng thực cho 17 bức tranh này. Khi vụ án tranh giả đó trở nên rúng động, Jean-François Hubert vẫn khẳng định: “Tất cả bức tranh tại triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu đều là tranh thật”. Ông này đưa ra một loạt bằng chứng, với hình ảnh dạng tư liệu, nhằm xác tín thông tin với tư cách là một chuyên gia đích thực.

Bức tranh Ba Cô Gái được để tên Dương Bích Liên
Bức tranh giả ký tên Nguyễn Tư Nghiêm

Thế nhưng, chiều tối ngày 19/7, kết quả được công bố, cụ thể như sau: 15 bức tranh thuộc bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung đang triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM là không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện (tức tranh giả). Hai bức tranh trong bộ sưu tập này là mạo danh chữ ký tác giả (họa sĩ Tạ Tỵ và họa sĩ Sỹ Ngọc). Và những bức hình tư liệu mà Jean-François Hubert đưa ra toàn là ngụy tạo một cách ngô nghê.

Ảnh gốc và ảnh ghép mà Hubert đưa ra để chứng minh là tranh Tạ Tỵ

Ở thời điểm đó, họa sĩ Thành Chương đề nghị truy tố hình sự với vụ án này. Không biết tình hình cụ thể sau đó ra sao, nhưng tất cả đã lắng xuống. Chỉ có nỗi buồn và ánh nhìn nghi hoặc với tranh Việt Nam còn ở lại.

Ngày 8 tháng 8 năm 2021

Đây là thời điểm bài viết mang tên Tư cách học thuật của Jean-François Hubert hay “con vẹt đến từ phương Tây” của Giám tuyển Ace Lê lên sóng. Giới thiệu sâu hơn một chút, Ace Lê là Thạc sỹ về Nghiên cứu Bảo tàng và Thực hành Giám tuyển tại Nanyang Technological University. Anh là đồng sáng lập của nhóm giám tuyển độc lập Of Limits, đơn vị được trao giải 2020 Platform Projects Curatorial Award bởi NTU CCA Singapore. Hiện anh đang là Giám đốc Điều hành cho thị trường Việt Nam của nhà đấu giá Sotheby’s.

“Le thé” (1930) của Vũ Cao Đàm

Trở lại với tháng 8 năm 2021, lại là một mùa hè, không lâu sau khi bức tranh “Chân dung cô Phượng” (Portrait of Mademoiselle Phuong) của danh họa Mai Trung Thứ đạt kỷ lục với mức giá 3,1 triệu USD. Sự kiện này cho thấy, bối cảnh tranh Đông Dương nói riêng và mỹ thuật Việt Nam nói chung đang dần được thế giới quan tâm. Một lần nữa, các vấn đề học thuật, hoạt động nghiên cứu về lịch sử mỹ thuật và câu chuyện tranh giả đầy nhức nhối, như nước được tát theo mưa mà sôi nổi trở lại. Bài viết là một cuộc tổng hợp những quan sát của Ace Lê, đề cập đến “sự cẩu thả tột độ” (chữ của Ace Lê) trong những bài viết trên website cá nhân của Hubert, với tổng cộng 8 trường hợp.

Trong khuôn khổ của bài lược sử này, Art Republik Vietnam không đăng tải nguyên văn nội dung bài viết của Giám tuyển Ace Lê, chỉ tổng hợp một cách ngắn gọn, với phần tiêu đề từng mục cũng là tiêu đề chính xác được trích từ bài viết:

Trò chơi dân gian “liễu” và “sự phong lưu” của Vũ Cao Đàm?
Đề cập đến kiến thức sai lệch, nguỵ tạo và lủng củng của Hubert khi viết về bức tranh “Le Thé” (c. 1930) của Vũ Cao Đàm.

Nguyễn Phan Chánh chỉ có 03 bức đề thơ?
Hubert cho rằng danh họa Nguyễn Phan Chánh rất hiếm khi đề thơ trong tranh của mình, nhưng thực tế không đúng, và đây chỉ là chiêu trò làm tăng độ hiếm cho tranh.

“Hộp trà bánh” trong tranh Lê Phổ?
Trong bức La Femme au panier (c. 1938) của danh họa Lê Phổ, Hurbert cho rằng người phụ nữ đang cầm hộp trà bánh, nhưng thực tế là vàng mã.

Sự “háo hức” của Thế Lữ và “niềm biết ơn” của Cao Bá Nhạ?
Hurbert liên tục dùng thơ của Thế Lữ và Cao Bá Nhạ để minh họa cho các tác phẩm của Lê Phổ, nhưng trên thực tế, chúng vừa không liên quan và rất sai lệch khi gán ghép với nhau.

Houang Tao P’o là bà tổ nghề dệt, nhuộm bông Việt?
Trong bài luận bức “Les Teinturières” (c. 1945) của Lê Phổ, Hubert tuyên bố về một bà tổ nào đó của nghề dệt và nhuộm, nhưng người Việt thì chả ai biết bà ấy là ai.

Con vẹt đến từ phương Tây?
Một lần nữa, Hubert mô tả nội dung bức tranh một cách quá đà và chủ quan, thiếu kiến thức.

Bảng xếp hạng họa sĩ Đông Dương?
Jean-François Hubert tự đưa ra bảng xếp hạng các danh họa Việt Nam theo 4 tiêu chí. Buồn cười là, trong đó có cả tiêu chí về “đạo đức người thừa kế”. Điều này khiến tác giả Ace Lê cảm thấy nực cười, nhất là khi Hubert đã thiếu đạo đức với mỹ thuật Việt Nam sau vụ 17 bức tranh giả năm 2016.

Mối quan hệ với biệt phủ Bội Trân?
Nội dung đề cập sơ lược tới quan hệ của ông Hubert và bà Bội Trân, cùng với đó là sự đề cao lẫn nhau với mỹ từ “profound originality” (tính nguyên gốc/độc đáo sâu sắc) trong khi tranh Bội Trân quá giống danh họa Nguyễn Trung.

La femme au panier” (1938) của Lê Phổ
Một bài thơ ông Hubert viết về bà Bội Trân trên website Bội Trân

Và sau tất cả, bài viết của Ace Lê dấy lên thông điệp về việc Mỹ thuật Việt Nam và giới nghiên cứu mỹ thuật trong nước đã để cho người ngoài phát kiến khái niệm văn hóa nghệ thuật của chúng ta, như thế một dạng “thực dân kiểu mới” (chữ của Ace Lê).

Ngày 6 tháng 4 năm 2023

Bẵng đi một khoảng thời gian, ngày 6 tháng 4 vừa qua, tài khoản facebook mang tên Tran Dinh Thuc Doan đăng tải bài viết của Jean-François Hubert sau khi đã chuyển ngữ sang tiếng Việt. Bài viết có tựa đề khá dài: The good man, the bad man and the ugly. Or a compromise of the soul with the instinct: a 2023 point of view on the vietnamese painting. (Thục Đoan dịch: Người tốt, kẻ xấu và tên kệch cỡm. Hay thỏa hiệp của tâm hồn với bản năng: Một góc nhìn về hội họa Việt Nam năm 2023).

Trên thực tế, bài viết này đã được ông Hubert đăng tải trên website cá nhân từ ngày 7/3. Nhưng tất cả chỉ phát nổ, người trong cuộc đã không thể mặc kệ, khi bài viết tiếng Việt xuất hiện trên mạng xã hội, đặc biệt nó còn được… chạy quảng cáo như một nỗ lực có tính tuyên truyền. Nội dung bài viết của Jean-François Hubert khẳng định vị thế của ông là một chuyên gia về mỹ thuật Việt Nam, với 30 năm kinh nghiệm và luôn nỗ lực đấu tranh chống lại sự xấu xa đồi bại cho thị trường nghệ thuật này.

Hình ảnh mà Hubert sử dụng trong bài viết của mình

Bài viết của Jean-François Hubert rất dài, nhưng yếu tố chính đọng lại trong tâm trí độc giả không phải là sự đề cao chính nghĩa, mà là cuộc nhắc tên hàng loạt nhân vật trong giới mỹ thuật, từ trong nước tới nước ngoài, như một mạng lưới làm tranh giả. Trong đó, 3 người bị Jean-François Hubert cho là đứng đầu: Giám tuyển Ace Lê (người đứng đầu mạng lưới – Hubert), nhà nghiên cứu Kevin Vương (người được thuê làm việc vặt và là bạn thân – Hubert) và họa sĩ Thành Chương (một nghệ sĩ rởm thất bại tự cho mình là Tạ Tỵ – Hubert). Bên cạnh đó, còn có những nhân vật phụ trợ cho “hệ thống phi pháp” là Đỗ Viết Tuấn (founder Rei Artspace), các nhà nghiên cứu, giám tuyển mỹ thuật tại nước ngoài Ngô Kim-Khôi, Alain Trương, Philippe Trương, Loan Sicre…

Hình ảnh mà Hubert sử dụng trong bài viết của mình

Bên cạnh đó, Hubert chỉ trích sự yếu kém trong chuyên môn của cộng đồng nghiên cứu trong và ngoài nước. Cuốn sách Họa sỹ trường Mỹ thuật Đông Dương (1993) của Nguyễn Quang Phòng, Nguyễn Quang Việt và Lê Thanh Đức bị cho là có “ngôn ngữ pha tạp vô nghĩa”, “trái ngược với kiến thức lịch sử”; và họa sỹ Quang Phòng đã xấu hổ đến mức khi qua Pháp đã phải đến gặp Jean Volang và “bật khóc và xin lỗi về những bài viết của mình.

Thế là sự kiện gây xao động giới mỹ thuật Việt Nam trong thời gian vừa qua bắt đầu bùng nổ từ đây!

Ngày 9 tháng 4 năm 2023

Người sáng lập Rei Artspace Đỗ Viết Tuấn, một trong những nhân vật đã bị gọi tên trong bài viết của Jean-François Hubert đã chính thức lên tiếng. Trong bài viết của mình, Đỗ Viết Tuấn đã đưa ra loạt nội dung phản biện, cùng việc chỉ ra những chi tiết cho thấy cáo buộc của Jean-François Hubert đầy ngô nghê và vô căn cứ.

Hình ảnh những nhân vật trong mạng lưới Hubert mà founder Rei Artspace Đỗ Viết Tuấn sử dụng minh họa trong bài viết của mình

Art Republik Vietnam trích dẫn một đoạn bài viết của anh Đỗ Viết Tuấn để độc giả có thể nắm thông tin một cách gọn gàng nhất.

“Thứ nhất, hành động này rất nhất quán và giống với hành vi của Hubert khi bị vạch mặt năm 2016, đó là đổ lỗi ngược lại cho nạn nhân/người cáo buộc. Giờ đây, khi đối mặt với dấu chấm hết trong sự nghiệp khi bị nhà Christie’s sa thải, đây là một nỗ lực cuối cùng để ông ta níu giữ lấy chút uy tín khi làm việc với những khách hàng hiếm hoi còn lại.

Thứ hai, Hubert muốn đào tạo, trau dồi người kế cận để đi theo con đường của mình, đó là Thục Đoan. Cô ta là cháu của Bội Trân, gọi cô này là mẹ. Mối quan hệ giữa Bội Trân và Hubert trong giới này ai cũng biết rõ. Việc cô ta hỗ trợ “dịch” bài tố cáo này sang tiếng Việt cũng là một điều dễ hiểu và “phải làm” vì giờ người “đỡ đầu cho nền tảng mỹ thuật rởm” của cô ta đã “rớt đài” thì chung thuyền nên phải cố vớt chứ?!.

Được biết, Thục Đoan không phải là nhân viên của Christie’s, nhưng vẫn tự xưng là “Art Advisor, Translator & Intepreter” tại Christie’s. Cô ta không có lý lịch về nghiên cứu mỹ thuật, không có một thông báo, cơ sở dữ liệu nào từ cô ta hay nhà đấu giá Christie’s chứng minh rằng cô đang làm việc tại nhà đấu giá trên, bản thân cô ta xuất thân từ vị trí trợ lý cho một công ty du lịch, nhưng vẫn tự xưng là “có chuyên môn về việc cố vấn, giám tuyển và cung cấp thông tin thị trường mỹ thuật Việt Nam” (lý lịch của Thục Đoan trên website ở phần bình luận).

[….]

Như vậy, việc sử dụng một gallery nội địa (Biệt phủ Bội Trân) và một người kế thừa (Thục Đoan), Jean Francois Hubert vẫn đang có tham vọng muốn tẩy trắng tất cả những lỗi lầm và yếu kém của mình, và nuôi dưỡng một thế hệ kế cận…”

Ngay sau động thái này của founder Rei Artspace Đỗ Viết Tuấn, Trần Đình Thục Đoan đã gỡ phấn đính bài viết lên đầu trang facebook, khoá bình luận trên trang cá nhân, nhưng vẫn để nguyên bài viết. Trong khi đó, tất cả các nhân vật còn lại đều giữ im lặng. Giám tuyển Ace Lê chỉ đưa ra đôi lời ngắn gọn: “Xin thông cáo: những cáo buộc về tôi trong bài viết của Jean Francois Hubert là phi lý và vô căn cứ. Tôi xin phép để cộng đồng tự đọc rồi đưa ra kết luận, và sẽ không dành thêm thời gian cho chúng”.

Ngày 12 tháng 4 năm 2023

Với tinh thần “đã làm phải làm cho đủ và bài bản”, trên trang facebook cá nhân của Đỗ Viết Tuấn tiếp tục đăng tải bài phân tích mang tên Mạng lưới của Hubert: “Gái già lắm chiêu” đời thực. Tại đây, anh đưa ra chi tiết về các nhân vật trong hệ thống, với sự đứng đầu Jean-François Hubert, sau đó là bà Bội Trân (Biệt phủ Bội Trân, Huế), Lê Minh Châu (con ruột bà Bội Trân), Trần Đình Thục Đoan (cháu gái bà Bội Trân), Wang Zineng (đối tác, người được cho là đã giúp Hubert thẩm định 17 bức tranh giả năm 2016) và Bảo Nam (đối tác). Bài viết phân tích công việc của từng nhân vật, với những sai phạm đạo đức nghề nghiệp của họ, mà theo lời của Đỗ Viết Tuấn là “tội đồ của nghệ thuật Việt Nam”, đã được nhiều bên chứng minh và khẳng định.

Ông Hubert đã từng làm giả tượng Champa trong cuốn sách Art of Champa

Trong cùng ngày, ông Jean-François Hubert đã có động thái phúc đáp đầu tiên. Ông cảm ơn 9000 độc giả và 467 tin nhắn ủng hộ. Trong bài viết phúc đáp này, Hubert quy chụp họa sĩ Thành Chương là “kẻ làm giả đỉnh cao nhất” và đưa ra nhận định rằng bài viết của Đỗ Viết Tuấn gọi Trần Đình Thục Đoan là “con đ*”, kèm theo đó là lời hăm dọa hãm hiếp. Tuy nhiên, cách phúc đáp này của Hubert không thể hiện động thái phản biện có tính lý luận hay dẫn chứng sắc bén, bởi một người đọc bình thường cũng thấy rằng, không hề có những lời hăm dọa như vậy.

Bài viết của Jean-François Hubert được Trần Đình Thục Đoan chuyển ngữ sang tiếng Việt và chạy quảng cáo trên Instagram. Ảnh: Đỗ Viết Tuấn.
Ngày 15 tháng 4 năm 2023

Và gần nhất, gương mặt trong mạng lưới Hubert được nhắc tên trong bài viết của anh Đỗ Viết Tuấn là Bảo Nam đã trở thành nhân vật tiếp theo “tham chiến”. Nội dung của bài viết trên facebook cá nhân của nhân vật này hầu hết là đính chính thông tin, cho rằng mình không liên quan gì đến mạng lưới này và khẳng định mình đang chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, lập vi bằng để khởi kiện tội vu khống. Không biết Bảo Nam sẽ có động thái kế tiếp ra sao để giữ gìn thanh danh của mình, nhưng Bảo Nam cũng đã không ít lần bị báo chí và giới chuyên môn lên án vì đạo nhái tác phẩm trong các triển lãm cá nhân cách đây 2 năm. Chính Bảo Nam cũng đã từng phải lên tiếng xin lỗi.

Tạm kết

Khi đọc đến đây, xin quý độc giả thứ lỗi rằng, một sự kiện kịch tính như vậy, mà sao bây giờ Art Republik Vietnam mới đề cập. Trên thực tế, người viết tin rằng, diễn trình #HubertFake chưa kết thúc. Như tên gọi của bài viết, một phần mục đích nội dung là tóm tắt sơ lược sự kiện ồn ào, nhưng trên tất cả, Art Republik Vietnam thấy rằng, nền mỹ thuật nước nhà mới là nhân vật bị tổn thương nhiều nhất. Người viết vẫn thường nói vui với bạn bè trong giới nghệ sĩ rằng: “Thị trường nghệ thuật nước ta ‘bình minh’ quá, không biết đã đến 6 giờ sáng hay chưa? Vậy mà mặt trời mới he hé đã toàn thấy mây đen kéo về”. Thế thì, có gì vui đâu để mà nói đây, những người bị lôi vào cuộc cũng không vui, người yêu nghệ thuật Việt Nam càng không vui. Art Republik Vietnam không chọn cách vào cuộc, mà xin đóng vai trò tổng hợp, với hy vọng độc giả nhìn toàn cảnh những tổn thương, và mong rằng, sau cùng, không ai bị tổn thương thêm nữa.

Nam Thi