Lần đầu tiên kể từ khi quay lại Việt Nam làm việc, tôi có dịp được chia sẻ chính thức về hoạt động kiến trúc mà bản thân đang thực hiện thông qua bài viết nhỏ này.
Thực tế, làm việc kiến trúc đầy đủ sẽ lấy đi của kiến trúc sư khá nhiều thời gian. Bên cạnh các bản thiết kế hay tham gia quá trình xây dựng, họ còn thực hành đồ họa kiến trúc, viết, giảng dạy, thậm chí là lập trình hay sử dụng kiến trúc như một công cụ truyền tải nghệ thuật. Các công việc trên không phải là một hành động tài tử như “thú vui tay ngang” mà là sự tham dự vào các nhóm thực hành của kiến trúc nhằm phục vụ cho kiến trúc.
“Thực hành kiến trúc trong bối cảnh đương đại cũng đòi hỏi các tham chiếu lịch sử. Bài học từ quá khứ là những tham khảo quý giá, giúp gợi ý giải quyết các vấn đề đương đại gặp phải.”
Trong lịch sử hiện đại, có những kiến trúc sư thực hành kiến trúc theo cách đầy đủ nhất, nhưng cũng có những người chuyên tâm trong phần thực hành vật lý, tức là xây cất công trình.
Có một số nhà tiên phong cho rằng, thứ kiến trúc tối ưu nhất tồn tại trên “giấy”, nó nằm ở các đồ họa ý niệm, xuất hiện thuần khiết trước cả bản vẽ ý đồ, tháo bỏ mọi ràng buộc ngoài kiến trúc, như vật lý, kinh tế, chính trị, v.v. theo đuổi sự “không tưởng”.
Robin Evans (1944–1993, kiến trúc sư và sử gia về kiến trúc, người Anh) đã viết trong tiểu luận “Phép chiếu kiến trúc”: “Kiến trúc sư không tạo ra công trình trực tiếp, thứ anh ta làm ra là bản vẽ của công trình đó”. Ngài Peter Cook (kiến trúc sư của nhóm thiết kế tiên tiến Archigram, nhà giáo dục và tác giả của nhiều tiểu luận nghiên cứu kiến trúc) minh định rõ ràng: “Kiến trúc là bản vẽ”. Những nhân vật tiên phong này vẫn được nhìn nhận như kiến trúc sư với ý nghĩa nguyên vẹn của từ này.
Việc thực hiện đầy đủ các nhóm thực hành kiến trúc cần nhiều sự chuyên tâm và tập trung, là một loạt các hành động trong tiến trình phản tư và đào luyện của việc “làm” kiến trúc đủ đầy
Thuật ngữ “kiến trúc sư giấy” có nghĩa tích cực với môi trường tiến bộ, nhưng nếu tham chiếu với bối cảnh thực hành ở Việt Nam đương đại thì cách như vậy không được nhìn nhận là thực hành kiến trúc. Với suy nghĩ kiến trúc là bắt buộc phải được xây lên, hoạt động chuyên môn của kiến trúc sư phải song hành với hoạt động sản xuất và xây dựng. “Kiến trúc sư giấy” ở bối cảnh Việt Nam được nhìn nhận có tính giễu nhại, hàm nghĩa tiêu cực. Đặc biệt sau giai đoạn “mở cửa” với những chuyển mình về chính trị, kinh tế, nhu cầu và biểu hiện vật chất “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như chưa bao giờ được gửi gắm vào trong công việc xây dựng một cách hồ hởi đến vậy.
Thêm vào đó, thực hành kiến trúc trong bối cảnh đương đại cũng đòi hỏi các tham chiếu lịch sử. Bài học từ quá khứ là những tham khảo quý giá, giúp gợi ý giải quyết các vấn đề đương đại gặp phải. Khi tìm hiểu và nhận diện chủ thuyết kiến trúc Việt Nam hiện đại, một trong các tham chiếu quan trọng tôi muốn đề cập là mối liên hệ giữa kiến trúc và các ngành nghệ thuật thị giác đặt trong dòng chảy lịch sử. Sự đối chiếu này khá phổ biến trong lịch sử kiến trúc thế giới, thậm chí nhiều nhà nghiên cứu và học giả (từ Plato thời cổ đại đến các nhà phê bình và nghiên cứu đương đại như Carlos Jimenez), không ngừng hoài nghi về địa vị của kiến trúc trong mối so sánh đặc thù này (kiến trúc khó biểu đạt các vấn đề trừu tượng và chủ thuyết, do còn nhiều phụ thuộc trong quá trình khai triển như công nghệ, tài chính, dịch vụ, quan điểm người đầu tư, v.v.). Những so sánh này trước hết sẽ giúp giới kiến trúc tái nhìn nhận các vấn đề của mình xuyên suốt chiều dài lịch sử, thông qua một lăng kính có nhiều điểm gần gũi và tương đồng.
Còn nhiều các dữ liệu lịch sử khác cần được nhắc đến trong nghiên cứu kiến trúc đương đại. Tham chiếu như trên là một trong các gợi ý giúp tái nhìn nhận các vấn đề kiến trúc. Việc này không trực tiếp giải quyết các vấn đề kiến trúc nhưng tạo lập khả năng và cơ hội để giải quyết các nội dung nội tại đồng thời làm giàu ngữ nghĩa kiến trúc đương đại.
Các góc cạnh của tam giác liên hệ giữa kiến trúc sư <> chủ thuyết <> sản phẩm đồng hiện, vận động qua lại, có thể trùng lặp và bị làm “mờ” đi trong tiến trình hành động của một kiến trúc sư ở giai đoạn khá trẻ của tuổi nghề (35–45 tuổi). Tôi nhận thấy rằng việc thực hành/làm kiến trúc đầy đủ và không ngừng tham chiếu các phương diện khác về cả từ lý thuyết đến phương thức thực hành là những hoạt động tự nhiên. Những thực hành này, bên cạnh giúp ích trong việc tái nhìn nhận các vấn đề của kiến trúc, còn gợi ý cho các phản ứng thông qua kiến trúc.
Về ứng xử với truyền thống và bản địa có lẽ đã đến lúc vượt qua các tụng ca thường thấy, thậm chí cần một tinh thần “thô bạo” và “giải phẫu” nhiều hơn như một số đề xuất ở Nhật Bản hậu chiến. Việc thử lặp lại tham chiếu và truy vấn lịch sử nhiều lần cũng cho phép các giải pháp kiến trúc vượt qua “thơ tính” và “Á Đông tính” của truyền thống, biểu hiện qua thị giác bên ngoài, đồng thời tập trung khai thác tính phức hợp (của kiến trúc) bản địa.
Trong một số đồ án thực tế có bối cảnh lịch sử (hạng mục công cộng hoặc tôn giáo), tinh thần phê bình được văn phòng chúng tôi nghiên cứu và thử nghiệm đồng thời qua hệ thống những “họa đồ” đồng hiện, có tính trào phúng cùng với chính các công trình xây mới thực tế.
Một thực nghiệm cụ thể có thể đề cập đến gần đây là nhiệm vụ thiết kế một công trình mới nằm trong khuôn viên một thánh đường lâu đời, đồng thời cũng là một biểu tượng quan trọng của đô thị cổ Hà Nội. Bên cạnh các yêu cầu về tính khả dụng, bảo tồn cảnh quan đô thị, thích ứng về tài chính, chắc chắn sẽ xuất hiện một đối thoại giữa công trình hiện tồn và kiến trúc mới. Chúng tôi đã đề xuất phương thức vượt tách hẳn các thủ pháp đơn lẻ, đó là một hệ thống các cặp chủ thuyết tương phản được thể hiện qua thiết kế chính: cao-thấp, đặc-rỗng, nặng-nhẹ, cũ-mới, âm-dương, cố định-tiếp diễn, v.v.. Hệ thống đối lập này nằm trong một tổng thể hữu cơ bao gồm hai công trình không thể phân tách (hiện trạng và mới). Trong tương quan này, tính nhị nguyên của tôn giáo nguyên thủy được gợi nhắc lại, đồng thời cũng biểu đạt tinh thần phức hợp “cả-lẫn” nhập nhằng, không minh định. Thái độ “mờ” và ẩn hiện giữa nội tại công trình mới, giữa công trình mới với công trình hiện tồn và bối cảnh, ngược lại còn minh chứng rõ ràng về ý chí tồn tại của vật thể khối tích công trình.
Một đồ án công cộng khác hiện nay mà tôi tham gia thiết kế và xây dựng là một cơ sở nghệ thuật mới, dưới dạng như một bảo tàng tư nhân, có diện tích và ngân sách hạn chế. Đã có một tiến trình dài trong tiếp cận và thảo luận giữa kiến trúc sư, chủ đầu tư, giám tuyển nghệ thuật của dự án, nhiều tranh luận đồng thời gợi mở giúp làm giàu thêm hệ thống tham chiếu và phê phán bản địa trong bối cảnh đương đại. Kiến trúc ở đây xuất hiện như một nỗ lực triệt tiêu toàn bộ những ý chỉ biểu hiện thị giác đương đại bị tác động sâu sắc bởi bùng nổ và tiêu thụ thông tin gấp rút, vội vã.
“Đặc thù của công việc không trao cho kiến trúc sư quá nhiều “quyền” trong các thiết kế của mình, đặc biệt trong bối cảnh đương thời.”
Tiến trình dài thiết kế cũng là một hành trình ôn tập và nhắc nhở bản thân tôi không ngừng lại với nhận thức và cách giải quyết như vậy. Hình thái được “khô hóa” về tình trạng triệt để nhất có thể, kiến trúc được nổi bật lên thông qua “kịch bản” thay vì biểu hiện bên ngoài. Việc ứng phó với các điều kiện tài chính, hay quy định ngặt nghèo về quy hoạch và sử dụng đất, hoàn toàn được tính toán cho chương trình thiết kế này. Một công trình liên hoàn đa chức năng đúng nghĩa từ ban đầu, đi kèm với việc phải thiết kế mở rộng ngay khi chưa kết thúc thiết kế chính (do yêu cầu quy hoạch), giúp hình thành lên những trạng thái chồng lớp giao thoa về mặt không gian được toan tính kỹ lưỡng… cũng làm nổi bật lên tinh thần đương đại và đặc trưng của đồ án.
Đặc thù của công việc không trao cho kiến trúc sư quá nhiều “quyền” trong các thiết kế của mình, đặc biệt trong bối cảnh đương thời. Nhưng không có nghĩa họ không thể làm nổi bật được tính tự do trong các đồ án của mình. Chủ nghĩa Tân tư bản hiện thời, hay chủ nghĩa tiêu dùng, ngày càng co hẹp vùng phạm vi hoạt động của các văn phòng kiến trúc. Sự chiếm hữu của các “cá mập” kiến trúc (các tập đoàn thiết kế) trước các loại hình công trình đặc thù, hay tỷ lệ và quy mô từ trung đến lớn vẫn rõ ràng và phân hóa mạnh mẽ, dẫn đến các văn phòng quy mô vừa và nhỏ (với số lượng rất lớn, liên tục hình thành) gần như đóng khung trong các thể loại công trình vừa và nhỏ hoặc phải thực hành cả xây dựng. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là không nên phân loại loại hình đồ án hay tính chất công việc (thương mại, hay phi thương mại), mà là duy trì tinh thần và tâm thế thực hành và làm kiến trúc đầy đủ trong hoàn cảnh đương đại một cách tự nhiên và bình đẳng nhất.