Hai ngày trước, cả hội thảo giám tuyển đã dành một phút cúi đầu để mặc niệm sự ra đi của nghệ sĩ Đỉnh Q. Lê. Tôi nghe họ nhắc lại về cuộc gặp gỡ cuối cùng với Đỉnh Q. Lê, hay là nói về tác phẩm của ông, chia sẻ những ký ức về ông, và không biết liệu mình có thể đóng góp thêm bất cứ điều gì trong công cuộc tiễn đưa này…
Dẫu chưa từng được gặp ông ngoài đời, như nhiều sinh viên hiện đang cũng theo đuổi nghệ thuật khác, tôi chỉ biết ông qua những tác phẩm thinh lặng trong không gian trưng bày hay những lời giảng, trang viết. Nhưng hôm nay, tôi quyết định viết, dù vẫn đôi phần lo sợ không hiểu hết tầm vóc thực hành của ông, như một cách để góp chút hơi ấm nhỏ nhoi trong những ngày nặng trĩu này.
Tôi vẫn nhớ lần đầu thấy tác phẩm của Đỉnh Q. Lê là gần 3 năm trước tại triển lãm Con người, Vinh quang, và Cuộc sống sau chiến tranh ở Nguyễn Art Foundation. Gần 3 năm trước, tôi nhớ mình đã chôn chân một hồi lâu trước khung cửa của phòng trưng bày tác phẩm Trôi trong Đêm đen (2017), ngắm các khối đá trôi nổi lặng lẽ trong tù mù ánh sáng của một phòng trắng biệt lập. Khi đó, là một người chỉ vừa mới chập chững bước vào con đường học nghệ thuật, tôi vẫn còn nhiều lăn tăn và không có niềm tin. Đôi khi nghệ thuật hiện ra thật phù phiếm, làm sao người ta có thể phí hơi nói dài đến thế về cách một bức tranh “thay đổi” một đời người, hay làm sao mà những thứ không ăn được, không giải quyết được điều gì trên đời lại đáng giá hàng triệu đô, như thể là tại sao không dùng tiền đó xây trường hay từ thiện?! Những suy nghĩ, lo âu này đã luôn đeo bám làm cho tôi mãi tần ngần trước quyết định theo ngành dẫu từ 14 tuổi đã ôm máy ảnh mà lăn lóc trên sân trường. Vào đại học, tôi vẫn tiếp tục ôm máy ảnh, như một thói quen, một cái nghiệp, một cái duyên, năm ấy, tôi không bao giờ dám cho rằng đây là lựa chọn của mình vì tôi thấy điều đó thật dại khờ, ngô nghê, và ích kỷ, đến giờ tôi rất tiếc rằng tôi vẫn chưa ngừng tự trách vì đã đi theo con đường này…
Nhưng khi tôi thấy Trôi nổi trong đêm đen (2017) lần đầu tiên, tôi đã hiểu vì sao người ta có thể sống chết mà theo đuổi thực hành giám tuyển, sáng tác, nghiên cứu về nghệ thuật dẫu với hệ thống đang có, thật khó để ta có thể suôn sẻ làm nghề, hay sống được với nghề. Trong Trôi nổi trong đêm đen, những phận người di cư trôi dạt li ti trong hình ảnh của những màn hình phẳng mà thường người ta chỉ nhìn vài phút rồi lướt đi, giờ đã bện chặt thành những khối đá khổng lồ lửng lờ bóng đổ, buộc người nhìn phải chăm chú mà rõ rằng có vô vàn gương mặt đang lênh đênh lạc trôi trong công cuộc tìm một nơi an toàn cho họ và gia đình, rằng ta có lẽ mãi mãi chẳng biết liệu họ có đến được đâu hay chăng, có trở về được hay không. Có thể vì vậy, mà Đỉnh Q. Lê tâm sự rằng: “Có lẽ chúng ta đều đang ngồi trên những tảng đá trôi nổi hư vô trong vũ trụ đen tối này”. Qua tác phẩm, ta buộc phải tự vấn rằng, kể cả khi ta có quyền tức giận trước những người khách không mời mà thâm nhập bờ cõi của mình, liệu lương tâm ta có yên được khi biết họ sẽ trôi dạt, rằng có lẽ trên cả tức giận và ghét bỏ chúng ta cần lùi lại một bước để xem chúng ta đang ở đâu…
Tôi không thể nói thay những người khác, nhưng tôi mong tác giả có thể biết rằng ngày hôm đó, một người ở tuổi 20 đã thật sự lùi một bước và đứng lại rất lâu. Từ hôm đó, tôi cũng bắt đầu suy nghĩ về cách tác phẩm nghệ thuật có thể vận hành như một lối phiên dịch, giúp ta “dịch” những điều không thể nói hay viết ra bằng từ ngữ – biến chúng thành những tạo tác với hình thù, cảm giác khi thì dị biệt đau đớn, khi thì đầy mỹ cảm, để qua đó kết nối với nhau như người với người, để ta có thể bao dung, vượt lên trên giới hạn thiên kiến của bất cứ hệ thống nào. Qua Trôi trong đêm đen, sức trì, sự vô định nơm nớp thường mất đi trong lối trình hiện của màn hình phẳng đã vô tình biến tiếc thương thành hời hợt, giờ được cô đọng lại thành những khối đá đồ sộ treo lên chỉ bởi những sợi cước mảnh dẻ, dường sẽ lập tức rơi vỡ, méo dạng chỉ với một cú chạm.
Từ hôm đó, sau khi nhìn trân trân lo lắng vào cái móc nhỏ tí teo níu giữ các khối đá to sụ, kết nên bởi những phận người bện chặt vào nhau và suy nghĩ về cách nhiếp ảnh chuyển mình thành những tạo vật thân mật qua kết cấu tre đan quen thuộc, một niềm tin vào khả năng thay đổi con người và thế giới của các trình hiện nghệ thuật nảy mầm trong tôi. Giờ đây, gần 3 năm sau, tôi đã chính thức dấn bước vào nghệ thuật, ôm máy ảnh, ôm viết, ôm bàn phím, để mà nhiều lần lùi một bước trước các tác phẩm, như lúc đó đã lùi một bước trước tác phẩm của Đỉnh Q. Lê.
Và với một người trẻ vừa bước vào thế giới nghệ thuật sắc sảo, khắc nghiệt, tôi cảm thấy đôi khi việc tin vào con người trong thế giới này chính là một thách thức to lớn, kể cả khi tôi đã luôn tin vào sức mạnh của tác phẩm. Người đầu tiên tôi kì vọng sẽ truyền nghề cho tôi đã bắt tôi còng lưng nhặt lá bằng tay không suốt nhiều tiếng đồng hồ giữa trưa nắng và ở công việc thứ hai trong thế giới hộp trắng, tôi đã bị phê phán rằng sẽ chẳng bao giờ làm được gì trong đời do tôi không biết đọc hay viết; và số nơi, số người tôi đã chấp nhận làm việc không công cho, tôi không còn đếm nữa. Ai đúng, ai sai trong những câu chuyện này, tôi xin phép không bàn tới, nhưng với tôi và những người bạn đồng học đang cố gắng bắt đầu hành trình nghệ thuật, đây là những chuyện diễn ra thường ngày, và có những ngày ta sẽ cảm thấy thật khó để tin vào những người đi trước. Dường như có quá nhiều đoàn tàu đã lướt qua, bỏ lại những người trẻ, người mới trôi dạt trong biển đêm vô vọng.
Cơ mà có những tia sáng le lói thôi, giúp người ta tìm lại và neo được bên bờ…
Tôi vẫn nhớ rằng một ngày kia cùng bạn của mình đi dạo bờ hồ, lúc đó, bạn mới vừa nhận được suất thực tập ở một tổ chức tử tế với bạn và bạn hào hứng kể rằng ở đó mình đã gặp bác, bảo rằng bác vui lắm, đi gặp nhà sưu tập mà bác bận mỗi chiếc quần cộc và đi dép lào, lại hay cười hì hì. Đứa khác thì đi du học rồi lại kêu rằng hồi xưa làm ở Sàn Art, bác chả biết mình là ai xong cứ ngoắc mình lại bằng được để cho mình ăn, nhờ đó mà biết phô mai xanh thúi cỡ nào. Rồi gần 3 năm sau, đứng dựa đầu vào cột trong không gian hội thảo đương chùng xuống mệt nhoài sau gần 5 tiếng liên tục diễn thuyết, tranh luận với tư cách là một cây viết mới, tôi nghe khán phòng tươi vui trong một khoảnh khắc hiếm hoi vì giám tuyển Vân Đỗ bảo rằng mãi mà bác không trả lời email về ý tưởng giám tuyển chỉ đơn giản vì bác thấy ánh sáng đèn quét cứ sợ sợ, và mọi người cười ồ lên. Trong tất cả những điều nhỏ nhặt mà có lẽ nhiều người đã quên bẵng đi, tôi đã tìm được một chút hi vọng vào một sự đối xử tử tế, thấy rằng người “lớn” cũng biết “sợ”, rằng sẽ có những người tốt ở đâu đó dẫn dắt và bao dung với những đứa trẻ bướng bỉnh ôm lấy giấc mơ bỏng rát này…
Sáng thứ Tư này, ta sẽ chính thức đưa người nghệ sĩ này trở về với đất trời… Dẫu chưa từng quen biết, tôi vẫn muốn tri ân ông vì hết lần này đến lần khác, đã giúp những người trẻ gìn giữ niềm tin vào sức mạnh của sáng tác và vào người tốt trong thế giới nghệ thuật bén ngọt này. Tôi tin rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều người trẻ nữa lùi một bước để đứng thật lâu trước sáng tác của ông… Và có lẽ sau đó mọi sự sẽ nhẹ nhàng hơn.
Như vậy, Đỉnh Q. Lê, ông cũng hãy ra đi nhẹ nhàng nhé.
Người viết: An Tử