An-My Lê là một nghệ sĩ đương đại người Việt, sinh năm 1960 tại Sài Gòn. Những tác phẩm của bà phần lớn thuộc địa hạt nhiếp ảnh, nổi danh với đề tài hiện thực hậu chiến của con người tại Việt Nam.
Một trong số những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm lần này là hai bức ảnh thuộc tập san Việt Nam (1994-98), được nghệ sĩ chụp tại tỉnh Nam Hà (nay là Hà Nam và Nam Định), lần đầu tiên An-My Lê trở về Việt Nam sau khi lệnh cấm vận của Mỹ được dỡ bỏ.
Theo giám tuyển Roxana Marcoci, giám tuyển của triển lãm Giữa Hai Dòng Sông sắp tới tại MoMA, đồng thời là soạn giả của tập ảnh cùng tên, hai bức ảnh được chụp bởi An-My Lê đã tiết lộ một hiện thực mới của những người Việt.
Hình ảnh bé gái trong mùa gặt, một tấm gần gũi thân mật, một tấm xa cách phanh phui, với đôi bàn tay chai sần gợi cho soạn giả về việc dùng máu thịt của quá khứ thực dân để gieo trồng tương lai. Soạn giả Marcoci đã trích dẫn một nghiên cứu gốc ngữ của từ “kiều cư” (diaspora) và diễn giải rằng nó còn có nghĩa rải các hạt giống đi muôn nơi.
Vì vậy, qua hai tấm ảnh, thân phận của tác giả (An-My Lê) giờ đây vừa cũ, vừa mới: cũ trên cuộc hành trình tìm kiếm gốc gác của mình sau bao năm tha phương, mới vì giờ đây danh xưng “Việt kiều” mãi mãi tách biệt tác giả với cô bé trong ảnh. Dù rằng, An-My Lê sống tại Việt Nam đến năm 15 tuổi, tức tại thời điểm chụp tấm ảnh Nam Hà, một nửa cuộc đời của bà đã dành cho mảnh đất Việt.
Thông qua bài phỏng vấn với nghệ sĩ, cùng với nghiên cứu nhân học về kiều cư, soạn giả đã tinh ý nhận ra một mối tương quan phức tạp của thân phận những người Việt. Khúc văn mà bài viết này diễn dịch ở trên, được trích từ bài tiểu luận của Marcoci trong tập ảnh, đặt ra câu hỏi: thế nào là người Việt? Thế nào là ‘Việt kiều’?
Những năm gần đây, thế hệ nghệ sĩ tiếp nối người Việt, cả tại Việt Nam và ở nước ngoài, ngày càng được giới mộ điệu nghệ thuật thế giới đón nhận. Ocean Vuong, thi sĩ của những giải thưởng văn thơ danh giá và Thy Phu, tiến sĩ và học giả của địa hạt nhân chủng, kiều cư, và mỹ quyền (visual justice), đều là cộng tác viên trong dự án lần này của An-My Lê. Dinh Q. Le, một nghệ sĩ đương đại đa phương tiện gốc Hà Tiên, cũng đã từng nhiều lần triển lãm tại MoMA và các bảo tàng lớn khác trên thế giới.
Với sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam những năm qua, chúng ta rất cần những tiếng nói nội địa để làm phong phú hơn những diễn ngôn về người Việt và của người Việt. Người Việt tại nước ngoài đã thách thức thị quan phương Tây bằng tiếng nói và trải nghiệm của họ với thân phận “Việt kiều” thiểu số. Những năm tiếp theo sẽ là lúc tiếng nói của người Việt muôn nơi, trong hay ngoài, cùng được cất lên để làm đa dạng nghệ thuật mang ảnh hưởng Việt Nam.