“The Mute” – Tào Tuấn Linh và những nốt trầm không tĩnh

Một cuộc trò chuyện giữa Art Republik và họa sĩ Tào Tuấn Linh, nhân triển lãm “The Mute” của anh đang diễn ra tại Annam Gallery. 

Họa sĩ Tào Tuấn Linh sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng. Anh tốt nghiệp khoa Kiến trúc, Đại học Xây dựng vào năm 2005, sau đó anh tiếp tục theo học và tốt ngành Thiết kế Đồ họa chuyển động tại Trường Đại học UniTech, New Zealand. Ngoài ra anh còn từng là giảng viên khoa Mỹ thuật Công nghiệp tại Đại học Hòa Bình và Thiết kế Đồ hoạ và Ý tưởng tại FPT Arena. 

Triển lãm cá nhân đầu tiên của anh – “The Mute”, hiện đang diễn ra tại Annam Gallery (TP. HCM) và kéo dài đến 24 tháng 11 năm 2024. Đến với “The Mute”, người xem được làm quen với hoạ sĩ Tào Tuấn Linh qua những khoảng lặng thầm kín, những gam màu đối lập đan xen với các tạo hình méo mó của nhiều những suy tư, đấu tranh nội tâm khôn nguôi bên trong mỗi người giữa cuộc sống xô bồ, vần vũ hiện nay. 

Ba tác phẩm mang tên “The Mute” đều có chủ thể là các nhạc cụ. Âm nhạc có vai trò gì trong quá trình chiêm nghiệm về sự tĩnh lặng của anh?

Tôi thích âm nhạc, có thể nói là thích hơn cả hội họa. Tuy nhiên, tôi cũng tự thấy mình chưa đủ khả năng làm chủ âm nhạc. Chính vì thế ba bức “The Mute” là lời tự thú rằng với âm nhạc tôi bị bất lực khi muốn chinh phục. Tất cả những gì tôi làm được với các nhạc cụ là những âm thanh méo mó, lộn xộn. Chiếc đàn piano nằm đó như một con quái vật, tôi chỉ có thể nhìn nó mà không thể điều khiển nổi nó. Có lẽ tốt nhất là cả nó và tôi đừng đứa nào phát ra tiếng động. 

 Tào Tuấn Linh, “The Mute 03” (2024), 50 x 70 cm, sơn mài truyền thống.

“Bên trong khoảng câm đó, những tiếng gào thét thật sự mới bắt đầu”. Những hình hài méo mó và các gam màu đan xen đối lập mang sự giằng xé trong tranh, phản ánh quá trình xử lý/đối diện cảm xúc của họa sĩ với cuộc đời như thế nào?

Nói thật là cụm từ “cảm xúc của hoạ sĩ với cuộc đời” khiến tôi sợ. Có một thời gian rất dài tôi thường né tránh để phát sinh cảm xúc giằng xé trong lòng bởi khi phải đối diện, tôi thường sẽ chọn cách xử lý rất tiêu cực. Sau này khi nhiều lần gặp rắc rối với những điều đó, thì tôi đã thực hành một phương pháp: đó là không bao giờ manh động theo những thứ gào thét bên trong mình nữa. Thay vào đó tôi ấn nút “mute” – tắt âm thanh đi – dùng lý trí, suy nghĩ để xử lý sao cho cuộc đời của mình bớt thiệt hại nhất có thể. Nhưng chính ở khoảng câm ấy của chính mình, mọi sự vẫn tiếp diễn theo chiều hướng đã được định sẵn của nó. Tôi im lặng thừa nhận nó, thừa nhận bản thân mình và lại sống tiếp. Vẽ cái gì ra chính là thừa nhận vậy.

Theo anh, con người nên đối diện với nỗi buồn, nốt trầm của cuộc sống bằng sự bình thản hay bằng một niềm cảm xúc mãnh liệt nào khác?

Đầu tiên, việc vẽ giúp tôi nương náu để tháo gỡ các cảm xúc trong lòng. Thứ đến, làm sao tôi dám hợm hĩnh để phát biểu rằng con người nên như thế nào. Tôi cũng chẳng muốn cho ai bất cứ lời khuyên nào. Nhưng với tôi, trước nỗi buồn, tôi chọn việc vẽ. Có thể là tạo ra một bức vẽ bình thản, có thể là tạo ra một bức vẽ giận dữ méo mó. Nhưng ít ra tốt hơn việc bạn hét vào mặt một người vì những vấn đề của bản thân. Đối với con người mà nói thì cần phải cẩn trọng, nhất là với những người thân cận bên mình.

Đối với nhiều người, họ sử dụng sự im lặng như một cách trốn chạy, đối phó với cuộc sống và cảm xúc. Với anh, sự khác biệt trong sử dụng khoảng lặng để trốn chạy và chiêm nghiệm hay đối diện, nằm ở đâu?

Nói thật lòng, tôi không giỏi việc đối phó với các cảm xúc của mình nhưng tính tôi thì thích đối diện và tìm cách tháo gỡ. Nhưng im lặng để trốn chạy hoàn toàn khác với im lặng để đối diện, khi bạn đã dám đối diện với các vấn đề rồi thì sự im lặng lúc đó chính là lý trí của bạn. Nói cách khác là “Come here baby, whatever it takes!” (Cứ đến đây, sao cũng được hết!). Nhưng, nói thế không có nghĩa là các vấn đề sẽ được tháo gỡ.

Các gam màu đối lập đan xen trong tranh của hoạ sĩ được dùng để thể hiện sự giằng xé nội tâm của con người – và màu đỏ là một màu được anh sử dụng khá nhiều trong loạt tranh này. Màu đỏ đối với hoạ sĩ đại diện cho điều gì, cảm xúc gì, vì sao lại được sử dụng nhiều như vậy?

Tôi thường hay cực đoan trong mọi hình thái của cảm xúc. Việc sử dụng các màu tương phản đan xen trong tranh chính là biểu hiện của tính cách đó. Khi vẽ, tôi luôn tâm niệm rằng phải hạn chế bảng màu, nhưng cuối cùng thường sẽ vẫn là xanh đỏ tím vàng lòe loẹt. Chỉ có vậy tôi mới cảm thấy thỏa mãn. 

Màu đỏ là một màu để diễn tả cảm xúc mạnh trong hội họa, và son đỏ chính là một chất liệu đặc trưng của sơn mài, nhưng tranh sơn mài của tôi không chỉ dùng mỗi son để lấy sắc đỏ. Ít nhất tôi có tám hay chín màu đỏ khác nhau ngoài son để dùng. Từ màu tổng hợp, phẩm, bột camay, màu thực phẩm, v.v.. Và kết quả là chúng ta có các màu đỏ trong, phủ mỏng lên vàng để tả da thịt như trong bức “The Thorn Bird” (phẩm hồng phản quang pha với sơn cánh gián).

Tào Tuấn Linh, “The Thorn Bird” (2024), 40 x 60 cm, sơn mài truyền thống. 

Màu đỏ bầm của một “vũng nỗi đau” trần trụi trong bức “The Muse” (các màu đỏ tổng hợp được dùng đan xen với vàng lá, ấn vào trong lúc bãi màu chưa khô). Một vài màu đỏ dạng bán đục khác trên nền chất liệu trong vài bức chân dung để tả sự cào cấu của nội tâm, nhưng cũng có khi là sự xanh đỏ tím vàng rất ngây thơ như trong bức “Con rắn” (son và bột camay đỏ). 

Tôi muốn thử nghiệm các trạng thái biểu đạt khác nhau của một màu thông qua việc mở rộng biên độ vật liệu cấu thành chất liệu.

Bàn tay là một hình ảnh xuất hiện xuyên suốt trong chuỗi tác phẩm lần này. Hình ảnh được đặc tả kỹ, và nằm ở vị trí tiền cảnh của nhiều tác phẩm. Điều gì ở hình ảnh bàn tay và tạo hình tay ôm mặt có liên kết với sự tĩnh lặng để hoạ sĩ cho hình ảnh ấy xuất hiện xuyên suốt loạt tranh?

Rất cảm ơn vì câu hỏi này. Suýt nữa thì triển lãm đã mang tên là “The Hand” chứ không phải “The Mute”. Việc bạn phát hiện ra tranh tôi hay vẽ bàn tay cũng giống như việc tôi thấy bàn tay của một người đôi khi làm sáng tỏ rất nhiều về tâm trạng của người ấy. Và khi bạn bất lực, bạn sẽ có xu hướng che dấu khuôn mặt bằng bàn tay của mình. Nhưng cuối cùng thì chính bàn tay ấy vẫn chẳng có chỗ nào để giấu đi cả. Nó là một sự tuyệt vọng! Xin được trích dẫn vài câu thơ:

“Ta hoang mang gõ nhịp
Ngày cạn sáng lâu rồi
Nay là bóng tối mùa trăng
Còn lạnh buốt trên từng ô cửa…”
(Trích thơ Tào Tuấn Linh, 2006)

Tào Tuấn Linh, “The One Who Doubts” (2024), 30 x 40 cm, sơn mài truyền thống.

Chủ nghĩa hiện sinh cũng là một chủ đề khác của “The Mute”. Chủ nghĩa và cuộc đấu tranh hiện sinh làm nền và tô đậm cho sự câm lặng của “The Mute” ra sao?

Tính chân thực là tiêu chuẩn đạo đức của chủ nghĩa hiện sinh. Chính chúng ta – không phải xã hội hoặc tôn giáo hay tổ chức đoàn thể – chịu trách nhiệm cho việc tự mình mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và sống nó một cách chân thành say mê, hay đích thực. Chính vì thế chúng ta phải đứng lên đấu tranh cho việc mình tạo dựng ý nghĩa cuộc sống của mình, đôi khi chính là với xã hội, tôn giáo hoặc đoàn thể. Và sự đấu tranh thì có vô vàn hình thức. Người ta có thể tuyệt thực để đấu tranh đòi quyền được sống; như tôi cũng có thể dùng sự im lặng có chủ đích để biểu đạt những buồn thẳm dữ dội và khát khao bên trong của mình. Bởi vì như đã nói ở trên, không phải lúc nào các vấn đề đều có thể tháo gỡ trong thế giới phi lý này, bạn chỉ có thể im lặng và nhìn vào nó mà thôi. 

Đối với anh, chủ nghĩa hiện sinh được chất vấn và chiêm nghiệm rõ nhất khi nào?

Đôi khi bạn ở trong một cái hố quá lâu đến mức bạn quên mất mình là ai. Có thể một biến cố hoặc một phút giây thức tỉnh nào đó khiến bạn phải nhìn lại cái hố của mình. Khi đó bạn sẽ phải đối diện với chính bản thể của mình trước đây để trả lời cho tất cả những “Where? When? Why? What?” (Ở đâu? Lúc nào? Vì sao? Cái gì?) nhảy múa trong tâm trí bạn. 

Đối với anh, hiện sinh (nghĩa) là gì?

Tôi sinh ra ở Hải Phòng, cũng là nơi tôi sống mười ba năm ấu thơ đầu đời, mảnh đất ấy có nhiều anh hùng hảo hán ai nấy đều thẳng thắn, đàn ông lẫn đàn bà. Với tôi mà nói, hiện sinh là hãy sống và thành thật với chính mình.

Không gian triển lãm “The Mute” đang diễn ra tại Annam Gallery. 

Định hướng và các dự định tương lai của anh sau triển lãm “The Mute”?

Sau “The Mute”, tôi sắp có một cuộc trưng bày vào ngày 8 tháng 12 năm 2024; bốn bức xuân họa (không được đưa vào triển lãm lần này); một triển lãm nhóm vào tháng 3 năm sau ở Hà Nội; một bức phóng tác tranh Phật giáo Tây Tạng – Văn thù Bồ tát và vệ nữ Apsara.

Tôi vẫn sẽ vẽ sơn mài, khám phá tiếp về nó, đưa các loại chất liệu không phổ biến trong kỹ thuật sơn mài vào sơn mài để thử nghiệm. Có thể là sẽ phải tiết chế lại bảng màu. Tiếp tục thực hành mài tranh phẳng bởi vì mài được phẳng thì cái vi tế và lộng lẫy của sơn mài mới được phát huy hết mức. Tiếp tục con đường làm mới và tôn vinh chất liệu. 

Cảm ơn Tào Tuấn Linh đã dành thời gian chia sẻ với Art Republik và chúc anh có nhiều khám phá mới trong thực hành nghệ thuật của bản thân!

Khuê Nguyễn