Ngành tư vấn nghệ thuật đang ngày càng hướng đến thị trường Hồng Kông khi các nhà sưu tập châu Á ngày càng để lại dấu ấn và được thị trường quốc tế đón nhận nồng nhiệt. Đặc biệt với viễn cảnh ngày càng có nhiều nhân vật chủ chốt của các nhà đấu giá rời khỏi vị trí của mình, vai trò bí ẩn của những cố vấn nghệ thuật ngày càng trở nên rõ rệt và nổi bật hơn. Họ rời đi với mục đích sáng lập các công ty tư vấn của riêng mình, điển hình như trường hợp của Yuki Terase và Amy Cappellazzo khi rời Sotheby’s vào năm 2021 để đồng sáng lập công ty tư vấn có trụ sở tại Hồng Kông và New York có tên Art Intelligence Global (AIG). Sau đó, vào cuối năm ngoái, Patti Wong, một nhà đấu giá uy tín đặc biệt ở thị trường châu Á cũng rời Sotheby’s để thành lập doanh nghiệp tư vấn của riêng mình ở Hồng Kông.
Theo Terase, “Khái niệm tư vấn nghệ thuật vốn khá xa lạ với khách hàng châu Á trong một thời gian dài, nhưng những người trong cuộc bắt đầu hiểu rằng trên thực tế, họ có thể tiết kiệm một khoản đáng kể bằng việc chi trả cho sự tư vấn của chuyên gia.” Quan điểm của cô đã tóm tắt lý do tại sao các cố vấn nghệ thuật lại được trưng dụng như vậy. Với những rủi ro tiềm ẩn trong một thị trường gắn với món hàng hoá độc đáo như nghệ thuật, những yếu tố như giá trị thực của một tác phẩm hoặc nguồn gốc tác phẩm đòi hỏi khả năng tư vấn độc lập hơn bao giờ hết.
Nhưng những đầu việc của cố vấn nghệ thuật thực sự là gì? Theo Wong, về cơ bản, vai trò của cố vấn nghệ thuật là giúp thực hiện giao dịch (giới thiệu người mua với phòng trưng bày hoặc các nhà sưu tập tư nhân khác và thương lượng để khách hàng có thể mua với giá thấp và bán với giá cao). Nhưng cô cũng nhấn mạnh rằng đây không phải là mục đích kinh doanh mới của mình. “Ban đầu, hộp thư đến của tôi đầy những người hỏi: “Bạn có thể bán tác phẩm này giúp tôi không?” Và nếu tôi có thể bán chúng, thì tôi chắc chắn sẽ giúp họ. Nhưng mục đích thực sự của tôi là giúp mọi người cẩn thận và cân nhắc hơn với những giao dịch kiểu này,” cô nói.
Những cố vấn nghệ thuật này từ đó có thể nhận hoa hồng trả một lần với những giao dịch nghệ thuật trực tiếp, và nhận khoản trả trước với những khách hàng dài hạn. “Mối quan hệ của chúng tôi với khách hàng về cơ bản nằm ở việc chúng tôi có thể tư vấn cả về việc quản lý bộ sưu tập, bởi đó là nhu cầu có thật. Việc quản lý bộ sưu tập gồm những đầu việc như theo dõi vị trí của các tác phẩm (ví dụ: cho bảo tàng mượn tác phẩm), tài liệu hỗ trợ và định giá của chúng nhằm đảm bảo các tác phẩm này được bảo tồn đúng cách. Bên cạnh đó, cũng có những dịch vụ khác nữa,” Wang chia sẻ.
Khi định nghĩa về cố vấn nghệ thuật lần đầu tiên xuất hiện ở Mỹ và sau đó là châu Âu vào đầu những năm 2000, điều này đến cùng những rủi ro tiềm ẩn: hoặc cố vấn nghệ thuật có thể cản trở những thương vụ đáng giá, hoặc họ không có nhiều kinh nghiệm. Từ những vụ kiện tiết lộ về các giao dịch nội gián và các khoản hoa hồng trá hình, giới nghệ thuật có lý do để không tin tưởng vào loại hình dịch vụ này.
Nhưng theo thời gian, có vẻ những “tiếng xấu” này đang dần được xoá bỏ. Các chuyên gia nghệ thuật cao cấp dần trở thành cố vấn nghệ thuật, với ưu điểm là nhiều người trong số đó đã làm việc hàng chục năm tại các nhà đấu giá và phòng trưng bày trong những năm bùng nổ của thị trường nghệ thuật. Việc thu hút họ ra khỏi những doanh nghiệp nghệ thuật lớn này đến từ một thực tế là thế giới đấu giá đang ngày càng thu hút những nhà sưu tập trẻ tuổi với nguồn năng lượng lớn, cùng với sự hấp dẫn của việc kiếm tiền cho chính mình thay vì cho một doanh nghiệp nghệ thuật nào đó, nhất là khi họ đã có mạng lưới rộng rãi trong giới, Các tổ chức trong ngành như Hiệp hội Cố vấn Nghệ thuật Chuyên nghiệp của Mỹ đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục cả nhà sưu tập và nhà tư vấn.
Terase cũng đồng tình rằng thị trường châu Á hiện đang ở giai đoạn quan trọng khi vai trò cố vấn nghệ thuật ngày càng có chỗ đứng. “Nhiều nhà sưu tầm đã tích lũy khoảng 60, 70 tác phẩm trong thập kỷ qua. Đôi khi sở thích của họ đã thay đổi hay họ đang cất giữ các tác phẩm mình sở hữu, dù mục đích của họ là gì, những nhà sưu tầm này biết cách tốt nhất để định hình bộ sưu tập của mình,” cô nói. Cũng theo Wong, khách hàng của cô bao gồm những nhà sưu tập lâu năm nhưng đã trở nên “trầm lặng hơn”, vì thế, vai trò của cô là “năng lượng” vào các bộ sưu tập của họ thông qua việc việc tư vấn về cách cho các bảo tàng mượn tác phẩm hay chỉ cho họ cách có thể vay tiền từ với các tác phẩm nghệ thuật mình sở hữu.
Quá trình tài chính hóa nghệ thuật góp phần thúc đẩy sự phát triển của các cố vấn nghệ thuật (ngành đầu tư giờ phân loại họ là cố vấn quản lý tài sản). Terase với nền tảng tài chính ngân hàng tại M&A (Tokyo), cố cho rằng những cố vấn nghệ thuật muốn trở thành “nhà cung cấp giải pháp cho các nhà sưu tầm, họ có thể là một ngân hàng thương mại của thế giới nghệ thuật với các dịch vụ giao dịch, tài trợ và tư vấn”. Wong ít bận tâm hơn đến khía cạnh tài chính của kinh doanh nghệ thuật, nhưng để khẳng định tầm quan trọng của khía cạnh này với khách hàng của mình, cô đã kết hợp với các chuyên gia đầu tư nghệ thuật từ Fine Art Group (trụ sở chính ở London) các chuyên gia đầu tư nghệ thuật. Giám đốc điều hành Philip Hoffman của Fine Art Group (cũng là một chuyên gia trong thị trường rượu và đồ trang sức cao cấp) mô tả việc hợp tác với Wong là điều “hiển nhiên”, cùng với đó, Fine Art Group cũng mua cổ phần trong công ty mới của cô.
Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc mục đích duy nhất của dịch vụ này là biến nghệ thuật thành tiền. Terase hy vọng có thể chứng minh sức ảnh hưởng của mạng lưới AIG bằng cách tổ chức một cuộc triển lãm tại Hồng Kông với khoảng 10 bức tranh trong chuỗi “Abstraktes Bild” của Gerhard Richter được lấy từ các nhà sưu tập tư nhân từ ngày 18/3 đến cuối tháng 4. Đây cũng là thời điểm diễn ra Art Basel Hồng Kông. Sự kiện này xuất phát từ việc “chưa từng có màn trình diễn của Richter nào được thực hiện ở Hồng Kông,” theo Terase cũng như nhu cầu khai thác những tác phẩm của Richter. Tại Sotheby’s London hồi đầu tháng 3, tác phẩm “Abstraktes Bild” (năm 1986) của Richter được bán cho một người mua châu Á với giá 24,2 triệu bảng Anh bao gồm cả phí. Với con số này, Terase khẳng định “một số tác phẩm của Richer chắc chắn sẽ được mua” tại triển lãm AIG. Tuy nhiên, cô vẫn nhấn mạnh mục đích “mang tính giáo dục” của triển lãm này.
Không phải tất cả các cố vấn nghệ thuật mới của Hồng Kông đều tiếp cận thị trường như cách Terase và Wong đang làm. Whitney Ferrare, một cố vấn nghệ thuật người Canada gốc Hồng Kông cũng vừa bước ra khỏi thế giới phòng trưng bày sau sáu năm làm việc tại Gagosian Sinh. Ferrare tin rằng “bản chất của một cố vấn nghệ thuật giỏi là nắm bắt được nhịp đập của một thành phố”, đặc biệt là ở những nơi “phức tạp” như Hồng Kông.
Là một chuyên gia về bối cảnh đương đại, cô thừa nhận rằng “giai đoạn đại dịch và ý thức về bản sắc dẫn đến một khoảng thời gian cực kỳ khó khăn với thế giới nghệ thuật”, nhưng cô cũng nhấn mạnh “những khoảng thời gian căng thẳng tạo nên nền nghệ thuật có giá trị hơn, mang đến nhiều cơ hội tuyệt vời hơn.” Cô coi vai trò cố vấn nghệ thuật của mình nằm ở việc “đảm bảo các nhà sưu tầm thực sự hiểu khả năng được bảo trợ vượt xa việc mua một tác phẩm nghệ thuật”.
Wong và Terase cũng đồng tình với quan điểm của Ferrare về việc thị trường ở Hồng Kông đang sôi nổi và đầy cơ hội, nhất là ở thời điểm Art Basel diễn ra. Họ nhận thấy những cơ hội với công việc của mình, từ việc dẫn khách hàng đi vòng quanh hội chợ cho đến phát hiện xu hướng trong các gian hàng và nắm bắt bối cảnh. Theo Wong,“Có rất nhiều điều thú vị về những khu vực khác ở châu Á, và chắc chắn có nhiều thị trường hơn chỉ Hồng Kông. Nhưng đây vẫn sẽ là thị trường đầy tiềm năng với bối cảnh ngày càng có nhiều khách du lịch Trung Quốc và hệ thống thuế đầy thuận lợi với người mua.”