Tháng phim Đặng Nhật Minh và nhìn lại 10 tác phẩm kinh điển

Đặng Nhật Minh là đạo diễn có sự nghiệp điện ảnh ấn tượng với nhiều tác phẩm có tư duy sáng tạo mới lạ, khai thác những vấn đề con người và mang đậm hơi thở thời đại. Tháng 10 này, chương trình “Tháng phim Đặng Nhật Minh: Bây giờ đã đến tháng mười” sẽ lần lượt trình chiếu 10 tác phẩm điện ảnh, tài liệu của ông. 

Bộ phim “Bao giờ cho đến Tháng Mười”

Ra mắt vào năm 1984, 2 năm trước khi nước ta bước vào thời kỳ Đổi Mới, bộ phim Bao Giờ Cho Đến Tháng Mười manh nha mở ra một thời kỳ mới cho điện ảnh Việt Nam và cả sự nghiệp điện ảnh đồ sộ của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Tại sao nói bộ phim mở ra một thời kỳ mới cho điện ảnh Việt Nam? Vào thời điểm ra mắt bộ phim, đất nước ta chỉ mới được giải phóng (14 năm). Những câu chuyện được đem lên màn ảnh rộng vẫn còn xoay quanh người lính trên chiến trường, bó buộc trong thể loại phim chiến tranh. 

Mặt khác, cách Việt Nam được khắc họa trên điện ảnh thế giới chỉ dừng lại ở những tư tưởng chính trị đối lập, là kẻ thù của những quốc gia tham chiến trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ. Vậy còn những người mẹ, người con ở hậu phương miền Bắc Việt Nam mòn mỏi chờ đợi con mình trở về từ chiến trường thì sao? Vậy còn lý tưởng thống nhất đất nước, mang lại hòa bình và chấm dứt chiến tranh của người thanh niên Việt Nam thì sao? Nếu như người Việt ta không có một câu chuyện, một góc nhìn, một phiên bản khác của chiến tranh, thế giới sẽ chỉ nhìn vào câu chuyện của quyền lực phương Tây và cho rằng đó là sự thật. Đặng Nhật Minh chính là người đã đưa được tiếng nói của người Việt ra quốc tế và phá vỡ định kiến của phương Tây. 

Cảnh trong phim “Mùa ổi”

Phim của Đặng Nhật Minh khai thác và mở rộng đề tài sáng tác, giúp nâng tầm điện ảnh Việt Nam và hướng đến những giá trị nhân văn. Những câu chuyện trong phim kể về những người nằm ở hậu phương, trải qua sự chịu đựng của chiến tranh với những nỗi đau chưa kể. 

Phim “Bao giờ cho đến tháng mười”

Trong Bao Giờ Cho Đến Tháng Mười, bộ phim mở đầu của tháng phim tri ân đạo diễn, nhân vật Duyên vừa mang trong mình nỗi đau mất chồng do chiến tranh, vừa phải ngậm đắng nuốt cay che giấu sự thật ấy với gia đình chồng và với họ hàng làng xóm chỉ vì không muốn mọi người nhụt chí củng cố hậu phương. Hay nhân vật thầy giáo Khang, người duy nhất có thể cảm thông với chị Duyên và chấp nhận bị hiểu nhầm để đồng hành với nỗi đau thầm lặng của chị. Không ai sai và cũng chẳng ai đúng trong phim của Đặng Nhật Minh: mọi chi tiết đều diễn ra hợp lý, hợp tình đến mức ta không thể và không nên phán xét. Phải là một trái tim rất tinh tế mới có thể kể được câu chuyện của người vợ bị dằn vặt bằng lời nói dối rất đỗi thiện chí. 

Đặng Nhật Minh

Trong buổi chiếu phim khai mạc tháng phim, đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ qua cuộc gọi trực tuyến với khán giả: “Sự xuất hiện của Duyên đã đánh tan định kiến về người Việt Nam trong hàng chục phim Hollywood làm về người Việt trước đó, khiến cho khán giả quốc tế xem xong thấy yêu và gần gũi với người Việt hơn”. Đạo diễn đã nhạy cảm với những tiếng nói dễ bị lãng quên và bỏ qua trong lịch sử, mang họ đến gần hơn với khán giả. Bởi lẽ những câu chuyện này đều xuất phát từ khán giả, do khán giả, và vì khán giả.

Nhớ về phim của Đặng Nhật Minh và tầm nhìn nghệ thuật của ông là cách để chúng ta không lãng quên lịch sử và cụ thể hơn là lịch sử điện ảnh Việt Nam. Nếu như không có tinh thần thoát khỏi những khuôn khổ cố định trong tư duy nghệ thuật điện ảnh bấy giờ, sẽ khó có những bước tiếp nối mạnh mẽ hơn sau này. Một ví dụ điển hình đó là đạo diễn Lê Hoàng với bộ phim Gái Nhảy (2001) và sự nở rộ của điện ảnh bom tấn với những câu chuyện kể về những nhóm người dễ bị xã hội lãng quên. Thật may, trong buổi chiếu phim khai mạc, đông đảo khán giả trẻ và các bạn sinh viên đã vây kín không gian rạp nhỏ ấm cúng để cùng nghe đạo diễn chia sẻ trực tuyến qua màn hình về những kỉ niệm làm phim và một tình yêu với điện ảnh của người Việt. Với tầm nhìn nghệ thuật của ban tổ chức thông qua tháng phim phi lợi nhuận, chúng ta có thể tin rằng những Chân – Thiện – Mỹ trong nền điện ảnh nước nhà sẽ không mất đi mà sẽ mãi được tiếp nối qua nhiều thế hệ. 

Tháng phim Đặng Nhật Minh vẫn đang diễn ra cho đến hết tháng 10, với tổng cộng 10 phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh được công chiếu. Các bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin và đăng ký tham dự tháng phim trên fanpage CLB Sân Khấu & Điện Ảnh. 

Đặc biệt, tháng phim này cũng là lần đầu tiên bộ phim Hoa Nhài (2022), bộ phim cuối cùng trong sự nghiệp của Đặng Nhật Minh được công chiếu tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội vô cùng quý báu để chúng ta có dịp đón xem sự phát triển trong nghệ thuật kể chuyện của Đặng Nhật Minh qua nhiều thập kỷ, và cũng là dấu mốc vàng son của một tài năng nghệ thuật Việt.

Bài: Đỗ Nguyễn