Dấu tích về sự tồn tại của Tiêu Cát – Tơ Chuối ở Việt Nam chỉ còn trong những ghi chép rời rạc ít ỏi của sử sách nước nhà và của Trung Hoa. Nhưng rõ ràng khi tơ tằm chưa xuất hiện thì tơ chuối của người Giao Chỉ đã từng là thứ vải vóc quý hiếm bậc nhất, vừa là vật phẩm để cống nạp từ một nước chư hầu, cũng là mặt hàng thượng hạng được những thương lái xuyên lục địa săn lùng.
Thời Đông Hán (25 – 220), Dương Phu trong sách “Dị vật chí” có viết về loại vải tơ chuối đặc sản của Giao Chỉ: “Cây chuối, lá to như chiếu, thân như khoai, đem đun lên thì như tơ, có thể xe sợi dệt vải, phụ nữ dệt thành loại vải hy, khích, nay là vải cát Giao Chỉ”1.
Đến thế kỷ 15, trong sách “An Nam chí nguyên” của Cao Hùng Trưng, phần về thổ sản của An Nam có viết, “….họ rất thích thứ gai tế ma (tơ đay) và gai tiêu ma (tơ chuối), vì có thể kéo sợi dệt làm vải, mịn như là lượt, nhất là mặc vào mùa nực lại càng hợp lắm”2.
Tháng 11 năm 2019, tôi được mời tham dự một hội thảo thiết kế và bố phẩm (textile) quốc tế, tổ chức ở thành phố Yogyakarta, Indonesia. Tôi chăm chú lắng nghe ba bài trình bày về vải chuối của các nhà nghiên cứu và nghệ nhân đến từ Nhật Bản và Philippines. Tất cả các diễn giả đều đưa ra những thông tin quý giá về loại tơ thực vật kỳ diệu này, như lịch sử địa phương, giống cây, cách canh tác, cách sơ chế, cách dệt và cách chế tác trang phục từ tơ chuối. Người Nhật gọi vải sợi chuối là Bashōfu còn người Philippines thì gọi là T’nalak.
Bashōfu trong tiếng Nhật có nghĩa là vải chuối (fu là vải, bashō là chuối). Nghề dệt vải tơ chuối thủ công diễn ra ở làng Kijōka, tỉnh Ogimi, Okinawa. Giống như vải lanh, vải gai dầu, vải tầm ma và các loại sợi thực vật có xơ dài khác, vải tơ chuối không dính vào da khi thời tiết nóng ẩm, phù hợp với khí hậu Okinawa. Bashōfu được công nhận là một trong những di sản văn hóa phi vật thể quan trọng của Nhật Bản.
Nhưng nguồn gốc tơ chuối xuất phát từ đâu? Vẫn không một tài liệu nào nói rõ. Tôi càng trầm ngâm hơn với câu hỏi về tiểu sử của loại vải vóc cổ đại đã từng được gọi với cái tên Vải Giao Chỉ. Liệu nguồn gốc của nó có phải từ Đại Việt – Việt Nam không?
Trong suốt hành trình tìm kiếm dấu vết giống chuối dại abacá trên miền núi Bắc Việt vào tháng 9 năm 2019, Kaori Endo – một nghệ sĩ bố phẩm đến từ Osaka – đã chia sẻ với tôi về một cộng đồng thiểu số người Việt trên đảo Okinawa, tự xưng là người An Nam. Bên cạnh các nghi thức lễ hội truyền thống riêng, người ta cũng tìm thấy những di vật cổ như đồ gốm, sứ có dấu triện An Nam trong một số miếu hay đền thờ của họ.
Thông tin này sẽ chẳng khiến tôi bận tâm, nếu như tơ chuối không chỉ tồn tại ở mỗi Okinawa, quần đảo duy nhất của Nhật Bản có khí hậu nhiệt đới tương tự như Việt Nam. Liệu phục trang tơ chuối đã từng phổ biến như thế nào với người dân thuộc triều đại Ryūkyū – quần đảo Okinawa ngày nay? Mối quan hệ giao thương giữa các nước Đông Nam Á, trong đó có Đại Việt, với triều đại Ryūkyū từng diễn ra thế nào? Liệu có sự kết nối nào đó không giữa Tiêu Cát của người Giao Chỉ và Bashōfu của người Okinawa? Có thể không: người Giao Chỉ đã mang theo một nghề chế tác chất liệu từ quê cha đất tổ đến Okinawa?
Ngày 14 tháng 9 năm 2019, tôi bắt đầu hành trình năm ngày đi tìm giống cây chuối rừng abacá cùng với một nhóm nghệ nhân tơ chuối, nghệ sĩ bố phẩm, và nhà làm phim đến từ Nhật Bản tại vùng núi Cao Bằng trong một dự án trao đổi văn hoá. Ba ngày liên tục hỏi han những người dân địa phương với hai bản đồ tiếng Nhật vẽ tay và một ít tư liệu hình ảnh thu lượm được qua sách báo và internet, chúng tôi vẫn không tìm thấy tín hiệu khả thi nào về sự tồn tại của loài chuối hoang kia.
Bộ dụng cụ chiết xuất sợi chuối.
Ngày cuối cùng, tia hy vọng của chúng tôi lóe lên khi con rể một nghệ nhân dệt vải người Nùng An cam đoan là em ấy từng nhìn thấy loài chuối này trong rừng khi đi kiếm củi. Và em ấy đã đúng: sau hơn bốn tiếng trèo đèo lội suối, đoàn chúng tôi đã chạm chân vào thánh địa của loài chuối abacá tưởng đã tuyệt chủng tại Việt Nam. Nghệ nhân cao tuổi Yasuhiro Fukushima không giấu nổi niềm phấn khích, luôn miệng thốt lên: Nó đây rồi! khi bẻ làm đôi một quả chuối, để lộ ra lớp hạt đen như con ngươi, trong khi tôi và các thành viên còn lại vỡ oà vì sung sướng, miệng không ngớt cảm ơn nhau.
Công việc chế tác vải tơ chuối của chúng tôi bắt đầu từ việc chọn lựa những cây đủ tuổi, thường là phải ba năm trở lên. Chúng tôi tách những lớp bẹ chuối ngoài và bó lại thành từng bó, còn phần lõi thì cắt ra làm những đoạn nhỏ để tiện vác về cho trâu bò ăn. Bẹ chuối sau đó được tước ra lấy lớp vỏ; lớp xốp bên trong được giữ lại để làm giấy. Tất cả được luộc sôi với nước tro bếp để chiết xuất sợi. Bộ dụng cụ cho sơ chế sợi bao gồm dao khoắm và dao con. Kẹp để tuốt sợi, chúng tôi được ông Fukushima hướng dẫn tự làm từ cật tre.
Chu trình chế tác Tiêu Cát rất lê thê và hoàn toàn thủ công. Chỉ riêng công đoạn làm sợi đã bao gồm đến 8 bước: tách, tước, lọc nước, luộc, chiết sợi, nối sợi, xe sợi, cuộn sợi; đó là chưa tính đến công đoạn dệt (20 bước), nhuộm, và hoàn thiện (10 bước). Màu tự nhiên của tơ chuối có ánh vàng, hơi óng nhưng trong suốt nên hấp thụ ánh sáng tốt. Vải dệt ra nhẹ và thoáng khí, phù hợp với các trang phục cho khí hậu nóng ẩm.
Vải vóc là một trong những dạng văn bản sớm và sinh động nhất, ghi nhận sự tồn tại của loài người. Nó phản ánh chân thực sự đa dạng sinh thái, đời sống văn hóa, trình độ thẩm mỹ, và kỹ nghệ chế tác của mỗi nền văn minh. Hành trình tìm lại vải vóc tiền bối của chúng tôi vẫn còn dài. Có thể nguồn gốc của Tiêu Cát mãi mãi sẽ là một bí ẩn, nhưng việc được nhìn thấy Tiêu Cát từ từ hồi sinh ngay trên mảnh đất mà nó đã từng tồn tại sau nhiều thế kỷ vắng bóng làm tôi không nén nổi xúc động.
Một thiết kế áo dài tơ chuối của thương hiệu Kilomet109. Ảnh: Benjamin Reich.
Bài & ảnh: Vũ Thảo
(Bài viết đăng lần đầu trong ấn phẩm Art Republik kỳ 4)
_____
1 Dương Phu, “Dị vật chí”, dẫn lại theo “Tề dân yếu thuật”, Cổ Tư Hiệp, trích từ bản in trong “Càn Long ngự lãm Tứ Khố Toàn Thư hội yếu”, quyển 10, Thư viện Đại học Chiết Giang (ctext.org).
2 Cao Hùng Trưng – Khuyết danh, “An Nam chí nguyên” (2017), Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm; dẫn lại theo “Tây việt ngoại kỷ”.
1. Ryuto Shimada, Phó Giáo sư, Khoa Lịch sử Phương Đông, Khoa Văn thư, Đại học Tokyo, “Vượt trên cả ngoại giao, mối quan hệ Nhật Bản và Việt Nam trong thế kỷ 17 và 18”.
2.“Nguồn gốc của vải sợi chuối ở Ryukyus, Nhật Bản” – tác giả Katrien Hendrickx.
3. “Khoa Học và Văn Minh ở Trung Hoa” (Science and Civilisation in China) – của nhà sử học lỗi lạc Joseph Needham.