Trong triển lãm Tạp âm trắng, giám tuyển bởi Vân Đỗ tại Nguyen Art Foundation, kéo dài đến hết tháng 1 năm 2024, thực hành giám tuyển đã trở thành sáng tác nghệ thuật với thể nghiệm thành công về ánh sáng trưng bày. Lối chiếu sáng đặc biệt trở thành khung ý niệm giúp khơi gợi những cách diễn giải sáng tạo nhưng vẫn bảo toàn được tinh thần của mỗi tác phẩm. Trong Tạp âm trắng, giám tuyển dẫn dắt người xem nhìn nhận nghệ thuật như một phương thức giao tiếp không hoàn toàn tường minh bên cạnh cách truyền đạt bằng lời nói hay văn bản mồn một ý tứ. Như vậy, triển lãm giúp người xem có thể tiếp nhận nỗi đau của người khác – một điều dường luôn nằm ngoài tầm với của tri nhận cá nhân. Chơi đùa với tiềm năng diễn giải vô tận của nghệ thuật, Tạp âm trắng biểu đạt một sự thấu cảm đầy tính phản tư. Những tác phẩm cùng lối giám tuyển thể nghiệm của triển lãm đã giúp “phiên dịch” niềm đau cá thể sang ngôn ngữ của tạo hình – ngôn ngữ mà bất cứ ai cũng có thể diễn giải. Từ đây, sự thấu cảm vượt thoát giới hạn của ngôn từ và lý trí nảy sinh, kết nối con người trên bình diện cảm xúc và tưởng tượng.
Bao gồm một nhóm đa dạng các nghệ sĩ từ Việt Nam và Hàn Quốc, các tác phẩm của Tạp âm trắng dường mang trên mình cùng một nghĩa vụ là biểu trưng cho những nỗi đau không thể diễn tả hết bằng lời: từ bất an lo âu thời chiến, nỗi sợ mất đi ký ức khi về già, nỗi đau về những khiếm khuyết cơ thể, cho đến căng thẳng trước công kích phê phán, và nỗi bất lực trước sự chuyển mình của nền kinh tế. Thay vì sử dụng các ghi chú triển lãm dán tường mô phạm cho từng tác phẩm, Tạp âm trắng mời gọi diễn dịch bằng một cuốn sách nhỏ chia sẻ về thực hành của nghệ sĩ, giám tuyển cùng bìa sơ mi chứa đầy ảnh chụp, thư tín, phác thảo và đối thoại. Có thể nói, các văn bản trong Tạp âm trắng cho người xem một cái nhìn thấu thị. Từng dòng trần thuật cá nhân nhaỵ cảm về hành trình của mỗi tác phẩm vốn vô hình trong những biện giải giám tuyển sắc sảo, khách quan thường thấy giờ hiển lộ. Người xem như thế có thể soi chiếu trong dòng chảy tự sự riêng tư để rồi đồng điệu với nỗi đau mà có lẽ họ chưa từng trải qua.
Ấn tượng đầu tiên về Tạp âm trắng sẽ luôn là hình thức chiếu sáng dị biệt. Thay vì để cho không gian hộp trắng được chiếu sáng trọn vẹn với những ngọn đèn được điều hướng có chủ đích cho từng tác phẩm, cả triển lãm Tạp âm trắng được chiếu sáng bởi một bóng đèn huỳnh quang duy nhất bắc ngang chiều rộng phòng. Với động cơ được thiết kế riêng, chiếc đèn huỳnh quang này quét từ đầu này đến đầu kia của không gian triển lãm như đèn quét trong máy chụp MRI, soi sáng lần lượt từng tác phẩm một. Đèn sẽ cứ quét tới hết phòng rồi quay lại, tuần hoàn không dứt. Khi ánh sáng rút đi, bóng tối phủ trùm lên tác phẩm, ngăn không cho người ta tiếp tục chiêm nghiệm hình thái của nó. Thời gian chiếu sáng giới hạn buộc người xem phải không ngừng thăm lại một tác phẩm để có thể thấy được những tiểu tiết tinh tế và củng cố cách hiểu của họ về tác phẩm. Và bởi vì mỗi lần ánh sáng trở lại chúng ta lại nhìn ra những chi tiết mới, một người tưởng chừng sẽ không bao giờ thật sự thấy hay tường tận bất kỳ một tác phẩm nào trong triển lãm này.
Lối chiếu sáng khiêu khích này biến triển lãm thành một quá trình suy ngẫm – tư lự và thách thức. Trong giới hạn về tầm nhìn và thời gian, sự thấu cảm có tính phản tư dần hiển hiện. Bằng lối chiếu sáng luân lưu, ý niệm khoác lên dáng dấp của một đối thoại ẩn hiện trong những tạp âm và lao xao tiếng nói. Ánh sáng trong không gian hộp trắng giờ phải nhường chỗ cho bóng tối làm chủ đạo, không gian trắng tinh tĩnh tại bị khuấy động bởi bóng đổ xoay vần, dò xét và tuần tra. Sự phủ trùm có chủ đích của bóng tối là một chỉ dấu cho những điều không-biết bên cạnh những điều đã-hiểu đang le lói, tựa hồ một lời khẳng định rằng một người không bao giờ thật sự có thể hiểu thấu được nỗi đau của ai khác. Dù vậy, cũng như chúng ta kiên định mà đuổi theo ánh sáng, con người vẫn không ngừng tìm vòng tay nhau trong chới với đêm đen để mà được xoa dịu và dung thứ trong tri nhận chung. Các tác phẩm của Trần Tuấn, Jeamin Cha, Cam Xanh và Lại Diệu Hà là những đại diện cho thực hành này.
Nổi bật ở trung tâm là tác phẩm Ngón tay trỏ (2021) của Trần Tuấn – một ngón tay trỏ bằng kim loại khổng lồ. Thân của ngón tay được phủ bởi những thẻ bài quân nhân kim loại, là loại thẻ định danh cho binh lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam sau đó được thu thập lại bởi nghệ sĩ Nguyễn Văn Hè để thể hiện sự trân trọng với tính mạng mất đi trong chiến tranh. Còn hình ảnh ngón tay trỏ đứt lìa khỏi bàn ban đầu là ý tưởng cho một tác phẩm trước đây của nghệ sĩ Trần Tuấn mà như anh chia sẻ trong tài liệu của triển lãm là “làm ra một thứ vừa giống nội thất xa hoa, vừa trông như xác động vật. Ngón trỏ vì thế cũng là biểu tượng của quyền lực và giết chóc”. Kết hợp hai dòng tự sự này, tác phẩm Ngón tay trỏ cho người xem chiêm nghiệm cùng lúc hai góc nhìn về thời chiến – một là cái nhìn trực tiếp của những người đã trải qua sự bạo tàn chiến tranh, một là góc nhìn viễn vọng từ hiện tại của những người sinh ra sau chiến tranh, những người đương mò mẫm thu nhặt những tàn dư để mà hiểu, mà thấu một lịch sử tang thương đằng đẵng nhưng vô hình trước họ. Ngón tay trỏ, như vậy, đại diện cho quá trình xử lý nỗi đau phức tạp khi những ký ức thương tổn của lịch sử loang dần trong mạch ngầm của cuộc sống hiện tại.
Trăn trở với một niềm đau cá nhân hơn, tác phẩm Bài tập về thời gian (2020) của Jeamin Cha là một chuỗi các hình vẽ đồng hồ của các bệnh nhân sa sút trí tuệ tìm được trên Internet và sao chép lại lên A4 sử dụng giấy than. Vẽ đồng hồ là một biện pháp để kiểm tra năng lực nhận thức được sử dụng ở các viện dưỡng lão hoặc các bệnh viện để kiểm tra chứng mất trí đơn giản tại Hàn Quốc. Việc sao chép lại những bức vẽ này chính là nỗ lực của Jeamin Cha trong việc thấu hiểu chứng bệnh tâm thần không thể chẩn đoán được của mẹ cô. Trong quá trình chăm sóc và vật lộn với nỗi đau, Jeamin Cha đã tìm được sự an ủi trong việc vẽ (lại) những hình ảnh này. Dẫu cho chính cả nghệ sĩ không bao giờ thật sự có thể hình dung được nỗi đau của mẹ mình, cả thực hành sáng tác lẫn giám tuyển đều khẳng định rằng cái-ta-cùng-chẳng-thể-hiểu không phải là lý do để ngưng nỗ lực đồng cảm. Điều này được biểu hiện rõ ràng nhất trong cách giám tuyển thể hiện tác phẩm. Một chuỗi các bức tranh nhỏ, nom nguệch ngoạc với những chiếc đồng hồ méo dạng, được treo trên một mảng tường sơn vàng duy nhất nằm giữa hai mảng tường trắng trơn làm cho chuỗi tranh này trông như một bức tranh tường thống nhất. Đây cũng là tác phẩm duy nhất được chiếu sáng xuyên suốt trong một căn phòng riêng, tách biệt khỏi không gian có đèn quét. To lớn, độc nhất, toả rạng và không bị quấy nhiễu bởi bóng tối quẩn quanh, tác phẩm mang lại những rung cảm thiêng liêng. Không thể được bán hay lưu trữ, và phải bị phá huỷ sau khi triển lãm, sự tồn tại của tác phẩm này được cống hiến hoàn toàn cho công cuộc tìm kiếm sự thấu hiểu hoang hoải.
Nhỏ bé và tối giản, chúng ta rất dễ lướt qua tác phẩm Cùng mù #1 (2018) của Cam Xanh trong triển lãm. Dù cho tác phẩm có một vẻ ngoài khiêm nhường, những chấm trắng trong kính vuông này không ngừng làm cho người xem phải suy nghĩ. Cùng mù #1 thể hiện trải nghiệm khiếm thị và tô đậm sự không hiểu như một phần của quá trình tạo nghĩa, giải nghĩa trong tiếp nhận nghệ thuật. Cam Xanh tạo ra tác phẩm bằng cách đục lỗ trên mica, tô trắng những lỗ tròn này, rồi lấp chúng lại bằng những mặt kính nhẵn bóng. Các chấm tròn gợi lên hình ảnh của bảng chữ cái Braille nhưng vì chúng nằm dưới mặt kính không ai có thể chạm vào được, chúng cũng mất đi khả năng truyền đạt của mình. Lời lẽ giờ đã thành những dáng hình thanh âm vô nghĩa. Bạn không thể thấy. Tôi chẳng thể thấy. Bạn không thể thấy điều tôi không thể thấy hay muốn-thấy. Nâng cao sự căng thẳng trong đối kháng giữa tính khó hiểu của những hình thái trừu tượng và mong muốn thấu hiểu của người xem, Cùng mù #1 mang đến sự đồng cảm trong cái-ta-cùng-không-hiểu, từ đó thiết lập những kết nối vượt trên những giới hạn của ngôn ngữ và cơ thể vật lý.
Xem tác phẩm Đau ở đây (2011) của Lại Diệu Hà – một sắp đặt với bóng bì phơi khô trong hộp mica, tôi cảm thấy bồn chồn trong dạ nhưng không thể dứt mắt khỏi tác phẩm. Như nhiều tác phẩm khác của cô, Đau ở đây mang lại một nỗi đau canh cánh, bạo lực, đầy sức lan toả. Trong tác phẩm cô đã “dịch” nỗi đau trong tâm trí – áp lực nặng nề mà cô cảm nhận khi đối diện với không ít những công kích và phê phán cho thực hành của mình thành những xung cảm trên cơ thể vật lý – nỗi đau và cũng chính là một ngôn ngữ mà bất kỳ ai cũng có thể hiểu được. Để làm tác phẩm, nghệ sĩ đã dùng bàn là ủi phẳng những tấm da lợn và ủi rộp tay mình rồi ngâm chúng vào nước như một cách tự xoa dịu. Sau đó cô bóc những mảng da phồng rộp, nong nước khỏi tay mình và đặt chúng vào trong những mảnh bì lợn đã được ủi phẳng, rồi gấp chúng lại như thể cô đang gói một món quà mà giờ đây đã được đóng hộp cho chúng ta tại triển lãm. Xung quanh lớp lớp bóng bì đã nổi mốc xanh, da người rơi lẻ tẻ. Từ trong ánh nhìn, cơn đau vọng vào cơ thể qua sự khuếch đại của tưởng tượng. Nỗi đau giờ đã kết tinh thành một vật thể để trao đi – một tác phẩm mà người ta có thể lưu trữ rồi tiếp tục “kí gửi”. Trong quá trình này, nỗi đau cá thể được xoa dịu trong sự chấp nhận và bao dung của những người khác.
Các tác phẩm khác của Đỉnh Q. Lê, Đào Tùng, Nguyễn Trần Nam, Nguyễn Phương Linh, Nguyễn Huy An, và Nguyễn Trung cũng là những nỗ lực để phiên dịch niềm đau cá thể vào ngôn ngữ đại đồng của tạo hình, nơi bất kỳ ai cũng có thể tìm được ý nghĩa và diễn giải cho các hiện tượng tri nhận được. Tuy nhiên, bằng cách giới hạn tầm nhìn với những vùng tối luân chuyển, triển lãm không cho ta thoả mãn với sự hiểu của mình, từ đó khơi ngợi một sự thấu cảm đầy tính phản tư bắt rễ từ nhận thức sâu sắc về giới hạn của mỗi người. Tổng kết lại, Tạp âm trắng là một nỗ lực đáng nể để thấu cảm với niềm đau của người khác và là một minh chứng mạnh mẽ cho sức mạnh kết nối vượt trên những đường biên duy lý của nghệ thuật.
Hình ảnh: An Tử