– Triển lãm hội họa “Vòng Sinh Tử” của họa sỹ Phạm Trần Việt Nam
– Biểu diễn âm nhạc “Qua cầu gió bay” của ba nghệ sỹ world-music nổi tiếng: Hương Thanh, Nguyên Lê và Mieko Miyazaki
Thành phố Huế, ngày 02/05/2025
Sự kiện Chảy Concept sẽ khởi đầu bằng Lễ khai mạc triển lãm cá nhân lần thứ 07 của họa sỹ Phạm Trần Việt Nam với tên gọi “Vòng Sinh Tử”. Triển lãm cũng sẽ chính thức mở cửa chào đón khách tham quan, từ ngày 11/05/2025 đến ngày 08/06/2025 tại Không gian Lưu niệm Lê Bá Đảng.
Vào ngày 10/05/2025, với sự tham gia giám tuyển của nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi, 22 tác phẩm của hoạ sỹ Phạm Trần Việt Nam được giới thiệu trong triển lãm lần này mời gọi chúng ta bước vào một không gian siêu hình, nơi sinh-tử hòa quyện vào nhau trong một chu kỳ tiếp nối vĩnh cửu. “Vòng Sinh Tử” là một vọng gác siêu hình, ở đó họa sỹ trở thành chứng nhân của những hình hài và mảnh vỡ hiện lên ám ảnh từ những “Hư không”, “Trầm tích”, “Trong vòng sinh tử”, “Vọng chúng sinh”, “Nhân danh ai”, “Babel”, “Hang ổ”, v.v.. Tranh của Phạm Trần Việt Nam luôn hằn sâu những trăn trở hiện sinh: những linh hồn lưu lạc, những ký ức chưa được gọi tên và những vết thương chưa khép miệng hiện lên qua những lát cắt dán chồng chất và khuôn mặt ám ảnh, như một lời gọi hồn.
Là họa sỹ trẻ đầu tiên được Không gian Lưu niệm Lê Bá Đảng tuyển chọn triển lãm tại đây bởi sự độc đáo trong sáng tác nghệ thuật và những đồng điệu với tư duy nghệ thuật của cố họa sỹ Lê Bá Đảng, Phạm Trần Việt Nam chia sẻ về “Vòng Sinh Tử”: “Tôi vẽ bộ tranh này như một kẻ mộng du. Ở trạng thái đó cảm xúc và năng lượng tuôn ra một cách tự nhiên. Việc vẽ giống như sự diễn dịch tinh thần và ngôn ngữ từ một tồn tại khác. Dần dần, qua quá trình làm việc liên tục, tôi bắt đầu hiểu sâu hơn tinh thần và ngôn ngữ của những hình mình vẽ ra. Đã đồng cảm và hoà nhập một cách tự nhiên với cái tồn tại khác kia…”
Họa sỹ Phạm Trần Việt Nam là một nghệ sỹ thị giác đương đại hiện sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp chuyên ngành Điêu khắc tại Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh vào năm 2010, nhưng anh lại chọn hội họa, đặc biệt là tranh sơn dầu, làm phương tiện biểu đạt chính trong hành trình sáng tác nghệ thuật của mình. Các tác phẩm của anh chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa biểu hiện, siêu thực, và mỹ học của nhạc rock, phản ánh những giằng xé nội tâm, ám ảnh về ký ức, cái chết và tính chất mong manh của tồn tại. Họa sỹ thường xuyên tái cấu trúc lại những tác phẩm cũ, như một hành vi biểu tượng của phá hủy và tái sinh, quá trình sáng tạo vừa vật chất vừa tinh thần.
Gần đây, hoạ sỹ Phạm Trần Việt Nam bắt đầu định hình một phong cách riêng mà anh gọi là “siêu trực giác”, một trạng thái sáng tạo vượt qua logic và hình tướng, nơi hình ảnh được kiến tạo không theo quy tắc thị giác thông thường, mà như được triệu hồi từ một dòng chảy vô thức sâu thẳm. Với “siêu trực giác”, Phạm Trần Việt Nam không đơn thuần tái hiện thực tại, mà để nghệ thuật trở thành cánh cổng mở ra vùng mờ của cảm thức và linh cảm, nơi cái đẹp và cái u uất cùng tồn tại trong một cấu trúc đa tầng và luôn biến động.
Ngoài ra, anh còn là chủ nhân của giải thưởng “APB Foundation Signature Art Prize 2018” do Bảo tàng Quốc gia Singapore tổ chức, và giành Giải Vàng (Gold Award) cuộc thi UOB Painting of the Year Vietnam năm 2023, một trong những giải thưởng uy tín nhất trong giới hội họa khu vực. Nhiều tác phẩm của anh có mặt trong các bộ sưu tập nghệ thuật cá nhân và tổ chức, bao gồm: Le Thai Son Collection, Lavelle Collection, The Outpost Art Collection, và The UOB Art Collection.
Giám tuyển Ngô Kim Khôi sinh năm 1959. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm, con gái thứ ba của họa sỹ Nam Sơn. Định cư tại Pháp từ 1985, chuyên môn của ông là tạo mẫu thời trang (modeliste), đã làm việc cho các nhà Hermès, Christian Dior, Givenchy, Scherrer, Balenciaga, v.v.. Ông tự học vẽ, học đàn và học hát. Bên cạnh đó, ông có hơn 30 năm làm chuyên gia Lịch sử Hội họa Việt-Nam (Chercheur en Art et Historien de l’Art du Vietnam), đã cộng tác với tòa Thị Chính Paris (1998), bảo tàng Cernuschi Paris (2012-2013), viện Hàn Lâm Hải Ngoại Pháp (2015), v.v. và các nhà đấu giá tại Paris (Aguttes, Art Valorem, Lynda Trouvé, Asium, Millon, Bonhams, Art Research Paris, v.v.) cùng rất nhiều báo chí trong và ngoài nước. Ông là tác giả quyển sách “Thang Trần Phềnh” (NXB Mỹ Thuật 2018), Giám đốc Nghệ thuật của triển lãm “Lê Văn Xương, điều kỳ diệu” (2018, Park Hyatt, Sài Gòn), và giám tuyển cho nhiều triển lãm cá nhân những năm 2020 – 2025. Ngoài ra, ông còn là giáo sư Thái cực quyền (Dương gia bí truyền).
Sau sự kiện, Ban tổ chức sẽ trích 5% doanh thu bán tranh trong triển lãm Vòng Sinh Tử để trao tặng cho Quỹ sáng tạo Lê Bá Đảng để tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động nghệ thuật, hướng đến sinh viên nghệ thuật, ươm mầm tài năng các hoạ sỹ trẻ.
Vào ngày hôm sau – ngày 11/05/2025, người yêu nhạc sẽ dự phần vào cuộc gặp gỡ mang tên “Qua cầu gió bay” của ba nghệ sỹ nổi tiếng Hương Thanh, Nguyên Lê, và Mieko Miyazaki, trong sự sự giao thoa giữa âm nhạc truyền thống Việt Nam và Jazz, cũng như các không gian văn hóa khác nhau.
Ca sỹ-nghệ sỹ Hương Thanh là một biểu tượng của âm nhạc dân gian Việt Nam, với giải thưởng Prix Musiques du Monde (Giải thưởng Âm nhạc Thế giới) của đài phát thanh Pháp France Musique vào năm 2007. Cô đã ghi dấu ấn của mình qua nhiều sản phẩm và cộng tác âm nhạc thành công với các nghệ sỹ quốc tế. Giọng hát của Hương Thanh sẽ đưa khán giả vào một không gian-thời gian vô tuyến tính, nơi những làn điệu dân gian tưởng như đã quen được tái hiện một cách mới mẻ mê hoặc. “Người phụ nữ này có một giọng hát làm tan chảy giá băng và làm sa mạc nở rộ những đoá hồng. Bạn sẽ được thưởng thức một thứ âm nhạc hay nhất trong cái thế giới đang thu hẹp ngày nay: hoàn toàn gắn kết nguồn cội nhưng lại hiện đại nhất có thể.” (Ian Anderson, fRoots)
Nguyên Lê, nhạc sỹ và nghệ sỹ guitar nổi tiếng trong làng nhạc Jazz Pháp, đã đồng hành với Hương Thanh trong rất nhiều album và chương trình biểu diễn âm nhạc. Nói không ngoa thì họ chính là những nghệ sỹ gốc Việt tiên phong về World Music dựa trên các làn điệu dân ca Việt. Nguyên Lê là người thổi hồn Jazz hiện đại vào những làn điệu ấy, mang lại những âm sắc độc đáo có lúc như lên đồng. Tờ báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung viết về anh như sau: “Không ai chơi guitar như anh ấy. (…) Nguyên Lê là một trong những nghệ sỹ guitar đa năng và độc lập nhất thế giới, vượt xa ranh giới của nhạc Jazz và được định hình bởi nhiều ảnh hưởng khác nhau như nhạc châu Á, nhạc Jazz hiện đại, nhạc Fusion và nhạc Rock cổ điển.”
Sự xuất hiện của Mieko Miyazaki, nghệ sỹ chơi đàn Koto (đàn tranh Nhật), sẽ tạo thành một trio mới lạ. Cô là một sứ giả của âm nhạc truyền thống Nhật Bản ngay giữa trung tâm Âu châu, khi giảng dạy về Koto tại Pháp cũng như tham gia các chương trình của kênh TF1 hay France 2 của Pháp. Cô từng cộng tác với Nguyên Lê trong album nhạc đầy chất Jazz “Saiyuki”, đồng thời thực hiện album “Variations Golberg” do cô chuyển thể một cách tinh tế cho đàn Koto từ tác phẩm trứ danh của Bach sau nhiều năm nghiên cứu.
Cùng với các nghệ sỹ của đêm nhạc “Qua cầu gió bay”, khán giả sẽ rong ruổi qua các vùng miền, xuôi ngược từ Bắc vô Nam, với các ca khúc được Hương Thanh tuyển chọn từ nhiều album nổi tiếng của cô.
“Qua Cầu…” nhưng chắc hẳn gió sẽ không bay. Với sự kết hợp độc đáo giữa triển lãm tranh và biểu diễn âm nhạc, sự kiện Chảy Concept chắc hẳn sẽ đọng lại trong lòng khách tham quan những xúc cảm sâu đậm về một bức tranh nghệ thuật đa sắc và đa cung bậc.
“Chảy” chính là dòng nội tâm nhắc nhở chúng ta về sự tĩnh lặng vượt qua những ồn ào đời sống, thời cuộc, kết nối lại với bản ngã của mình thông qua nghệ thuật; là dòng thời gian liên kết những đời người, tư tưởng và nghệ thuật; là hợp lưu của những dòng chảy nghệ thuật, giao thoa và tương tác, lan tỏa giá trị cũng như đam mê sáng tạo của người nghệ sỹ qua nhiều chiều kích không gian và thời gian.
Mỗi sự kiện của Chảy Concept sẽ là các hoạt động giao thoa, tương tác giữa các loại hình nghệ thuật khác nhau, giới thiệu những nghệ sỹ sáng tạo mang cá tính riêng và độc đáo trong thực hành nghệ thuật, đồng thời mang đến không gian trải nghiệm phong phú và đa chiều cho công chúng yêu nghệ thuật. Và xa hơn, đó là tinh thần nghệ thuật của dân tộc được thể hiện bằng ngôn ngữ sáng tạo hiện đại, nhằm kế thừa, tiếp nối và phát triển nghệ thuật trong tương lai.
Ngày 21/4/2019, giấc mơ của họa sỹ Lê Bá Đảng đã thành hiện thực với sự ra đời của Không gian Lưu niệm Lebadang (Lebadang Memory Space) tại thôn Kim Sơn, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Không gian Lưu niệm Lebadang hiện là nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật được bà Myshu trao tặng, cùng những tác phẩm họa sỹ ủy thác cho bà Lê Cẩm Tế (người đã từng được làm việc với họa sỹ Lê Bá Đảng trong suốt hơn một thập kỷ) từ năm 2009 đến 2012 và những kỉ vật họa sỹ đã tặng trong suốt hơn 10 năm làm việc với ông. Đây cũng là không gian gặp gỡ, trao đổi của những người yêu nghệ thuật trong và ngoài nước cũng như tổ chức các sự kiện trong tương lai.
Sinh thời, những lúc trở về Việt Nam, họa sỹ Lê Bá Đảng thường dành nhiều thời gian cho những cuộc gặp gỡ các bạn trẻ, để chia sẻ câu chuyện nghệ thuật và trao đổi khích lệ các thế hệ sinh viên nghệ thuật. Ông luôn mong muốn và động viên họ tìm thấy những lối đi sáng tạo riêng biệt, không chỉ làm nổi bật giá trị văn hóa Việt Nam mà còn tạo nên dấu ấn độc đáo, khác biệt so với những gì thế giới đã biết. Nguồn cảm hứng và lòng dũng cảm theo đuổi con đường riêng mà ông truyền lại vẫn luôn là động lực mạnh mẽ cho các nghệ sỹ trẻ.
Tiếp nối tinh thần đó, Lebadang Memory Space mong muốn trở thành một điểm giao lưu nghệ thuật ý nghĩa giữa di sản của họa sỹ Lê Bá Đảng và các họa sỹ trẻ tài năng của Việt Nam. Và Phạm Trần Việt Nam là hoạ sỹ trẻ đầu tiên được Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng chọn triển lãm tại đây với sự đồng điệu sâu sắc trong những sáng tác của anh với tư duy nghệ thuật của cố họa sỹ Lê Bá Đảng.
Ms Tạ Phương Thuỳ, Bộ phận Truyền thông ĐT: 0902 433 258Email: thuy.ta@themoco.vn | Ms. Phạm Lê Ái Thương ĐT: 0903 808 913 Email: ciaothuong@gmail.com |