Storm King Art Center: Chiêm ngưỡng những tuyệt tác kiến trúc tại công viên điêu khắc hàng đầu thế giới

Storm King Art Center, vốn là một trong những bí mật được giữ kín của giới nghệ thuật New York, nhưng giờ đây nó đã trở thành một hiện tượng với bộ sưu tập điêu khắc ngoài trời nổi tiếng nhất ở Mỹ. 

Trung tâm Nghệ thuật Storm King là một công viên điêu khắc trải rộng 500 mẫu Anh được thành lập vào năm 1960, nằm ở Mountainville, New York. Ban đầu, nơi đây được tạo dựng để trưng bày những tác phẩm thuộc trường phái Hudson River. Song, sau khi mua lại 13 tác phẩm điêu khắc lớn từ nghệ sĩ David Smith vào năm 1966, trung tâm bắt đầu tập trung vào nghệ thuật điêu khắc ngoài trời. 

Với hơn 100 tác phẩm trải rộng trên 500 mẫu đất, nơi đây quy tụ các nghệ sĩ như Richard Serra, Alexander Calder, Louise Bourgeois, và Maya Lin. Sự kết hợp giữa nghệ thuật và thiên nhiên, cùng với việc bảo tồn cẩn thận, đã thu hút đông đảo khách tham quan và tạo nên dấu ấn độc đáo cho Storm King.

Sarah Sze, “Fallen Sky” (2021). Storm King Art Center, Mountainville, NY. © Sarah Sze. Photo: Nicholas Knight. Courtesy of Sarah Sze Studio.

Chủ tịch của Storm King, John Stern chia sẻ về sự tăng vọt của lượng khách ghé thăm công viên: “Storm King là một nơi mà nếu bạn từng đặt chân đến, bạn sẽ yêu thích nó”. Đó là lời mà ông chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn. “Trong những năm qua, chúng tôi đã không ngừng tổ chức nhiều buổi triển lãm và chương trình nghệ thuật, hẳn đó cũng chính là lý do mà ngày càng nhiều người nhận ra nó không giống với bất kỳ nơi nào họ từng thấy”. 

Nora Lawrence Giám đốc nghệ thuật kiêm giám tuyển của công viên điêu khắc cũng đồng tình rằng:

“Sự kết hợp giữa nghệ thuật và thiên nhiên tại Storm King là điều khác thường và tràn đầy sức sống”.

Tại đây, bà đảm nhiệm việc hợp tác trực tiếp với các nghệ sĩ để phác thảo và triển khai những ý tưởng nghệ thuật đầy mới lạ của họ. Song, bà cũng thường xuyên định hình cảnh quan sao cho phù hợp nhất với tác phẩm. 

“Địa điểm của chúng tôi không phải một nơi trung tính hay trống rỗng – nó là một phần ‘tích cực’ đối với bất kỳ tác phẩm nào được trưng bày,” – bà nói. “Chúng tôi phát triển mạnh nhờ việc hợp tác với những nghệ sĩ đặc biệt muốn tác phẩm của họ được đặt tại nơi đây – Storm King”. 

Một trong những nghệ sĩ đó là Arlene Shechet – người đã mở màn mùa hè 2024 với sáu tác phẩm trừu tượng khổ lớn làm bằng tấm kim loại rực rỡ cùng các tác phẩm gốm nhỏ hơn được trưng bày trong các phòng triển lãm tại gia.

“Những tác phẩm điêu khắc được thiết kế để được ngắm nhìn từ khoảng cách xa của Storm King,” Lawrence nói. “Tất cả đều có thể được nhìn thấy với ít nhất một tác phẩm khác trong tầm mắt của bạn”.

Vào thời điểm Storm King bước vào mùa cao điểm của năm, hãy cùng chiêm ngưỡng những tuyệt tác kiến trúc được yêu thích nhất tại nơi đây.   

Tác phẩm The Arch (1975) của Alexander Calder

Alexander Calder, “The Arch” (1975). © 2021 Calder Foundation, New York/Artists Rights Society (ARS), New York. 

Được biết đến như “nhà điêu khắc không khí” nhờ những tác phẩm động tiên phong với các mô hình di động, Alexander Calder cũng nổi tiếng không kém với những tác phẩm “stabile” đồ sộ trong giai đoạn sự nghiệp cuối đời. “The Arch” là một trong những tác phẩm cuối cùng ông sáng tác trước khi qua đời vào năm 1976, mặc dù nó dựa trên một mô hình thu nhỏ mà ông đã thiết kế từ năm 1940.

“The Arch” kết hợp các hình thức sinh học và kiến trúc để tạo ra một điểm nhấn hoành tráng nhưng vẫn gần gũi và thân thiện, mời gọi du khách đi qua cổng của nó trên đường vào trung tâm. Điều này biến tác phẩm này thành một trong những điểm thu hút hàng đầu của Storm King.

 Tác phẩm Momo Taro (1977–1978) của Isamu Noguchi

Isamu Noguchi, “Momo Taro” (1977–78). © 2021 The Isamu Noguchi Foundation and Garden Museum, New York / Artists Rights Society (ARS), New York.

Một lợi thế lớn cho các nghệ sĩ làm việc với Storm King là họ được cung cấp toàn bộ thời gian và không gian cần thiết để thực hiện các dự án. Stern nhớ lại: “Khi cha tôi hợp tác với Isamu Noguchi về tác phẩm được ủy quyền, nghệ sĩ đã hỏi, ‘Khi nào ông cần nó?’ và cha tôi trả lời, ‘Khi nào hoàn thành thì mang đến.’”

Sau cuộc gặp đó, Noguchi trở về xưởng vẽ của mình ở Nhật Bản và bắt đầu với tác phẩm, sau này được gọi là Momo Taro. Tác phẩm lớn bằng đá granit 9 mảnh nặng 40 tấn, được tạo ra từ việc tách đôi một tảng đá mà trợ lý của ông tìm thấy trên một hòn đảo gần đó, nhưng quá lớn để di chuyển cả tảng. Bằng cách tách nó ra làm đôi, người trợ lý đã liên tưởng đến Momotaro, người anh hùng dân gian Nhật Bản, theo truyền thuyết, được sinh ra từ hạt đào khổng lồ.

Phần rỗng bên trong của Momo Taro, tức hạt đào, đã thu hút rất nhiều trẻ em trèo vào bên trong, đúng như như mong muốn của Noguchi. Stern cho biết những bức ảnh chụp sau đó đã biến tác phẩm này thành một trong những tác phẩm được chụp ảnh nhiều nhất tại Storm King.

Tác phẩm Schunnemunk Fork (1990–1991) của Richard Serra

Richard Serra, “Schunnemunk Fork” (1990–91). © 2021 Richard Serra / Artists Rights Society (ARS), New York. 

Sau khi tham khảo các bản đồ địa hình và thậm chí thuê người khảo sát để đánh giá cảnh quan của công viên, Richard Serra đã chọn một cánh đồng rộng mười mẫu Anh ở rìa cực nam làm địa điểm đặt tác phẩm “Schunnemunk Fork”. Tác phẩm nghệ thuật khổng lồ trên đất liền này đã trở thành biểu tượng của Storm King từ đó đến nay.

“Nó thật ngoạn mục,” Lawrence thốt lên. “Ông đã tạo ra tác phẩm quy mô lớn này bằng cách sử dụng bốn tấm thép chịu thời tiết để đạt hiệu ứng tuyệt vời”. Nghệ sĩ đã chọn chôn phần lớn các tấm thép, mỗi tấm dài tới 55 feet, xuống đất. Do đó, sự chú ý chuyển dần từ bức điêu khắc vào mối quan hệ của nó với đất, người xem, và khung cảnh dãy núi Schunnemunk ở phía xa. 

Tác phẩm Storm King Wall (1997–1998) của Andy Goldsworthy

Andy Goldsworthy, “Storm King Wall” (1997–98). © Andy Goldsworthy. Courtesy of Galerie Lelong & Co., New York. 

Nhà điêu khắc môi trường Andy Goldsworthy đã dành hai tuần lang thang khắp khuôn viên Storm King để tìm cảm hứng cho tác phẩm của mình. Cuối cùng, ông tình cờ nhìn thấy tàn tích của những bức tường trang trại thế kỷ 19 và nảy ra ý tưởng về một tác phẩm điêu khắc tường đá khổng lồ nằm trên đỉnh của nó, uốn lượn sắc nét qua những khu rừng để gợi lên việc thiên nhiên không thể bị giam hãm trong những đường thẳng. Tác phẩm được xây dựng trong hơn ba năm bởi một nhóm thợ xây người Anh sử dụng các kỹ thuật xây dựng đá truyền thống để ghép lại hơn 1.500 tấn đá đồng ruộng mà không cần vữa hoặc bê tông.

Goldsworthy ban đầu dự định bức tường dài 750 feet, nhưng ông đã kéo dài nó ra gấp đôi để nó uốn lượn đến mép của một cái ao và tiếp tục lên phía bên kia, trông như thể nó đang trồi lên từ mặt nước. Với tổng chiều dài hơn 2.000 feet, đây là tác phẩm cá nhân lớn nhất của nghệ sĩ và là một trong những điểm nhấn bền vững nhất của Storm King.

Maya Lin, Storm King Wavefield (2007–2008)

Maya Lin, “Storm King Wavefield” (2007–2008). © Maya Lin Studio. Courtesy of Pace Gallery. Photo: Jerry L. Thompson. Courtesy of Storm King Art Center.

Cánh đồng sóng nước cuộn trào được tạo trên đất và cỏ là một cảnh tượng siêu thực tại Trung tâm Nghệ thuật Storm King ở Upstate New York, với diện tích lên đến 500 mẫu Anh [khoảng 202 hecta] phía trên thung lũng sông Hudson thơ mộng, là để dành hoàn toàn cho đa chủng các công trình điêu khắc khổng lồ. 

Công trình này có liên quan tới hai trường sóng tương tự khác (tại Ann Arbor, Michigan và Miami, Florida), nhưng công trình này là lớn nhất, với bảy đợt sóng dài 400 feet [tương đương 122 mét] trải từ bên này sang bên kia, rồi nâng lên hạ xuống các đợt cao từ 10 đến 15 feet [3 – 4.5 mét]. Phải nói rằng cảm giác được bước đi giữa những đợt sóng – hay có thể nói là cưỡi sóng – thật kỳ vĩ.

“Ban đầu cô ấy giới thiệu cho chúng tôi một ý tưởng đầy tuyệt vời!” Stern nói. “Nhưng một thời gian sau, cô ấy quay lại với một ý tưởng hoàn toàn mới: Wavefield”. Quyết định chờ đợi của họ là đúng đắn; ý tưởng được cải tiến của Lin đã trở thành một tác phẩm nổi bật với những gò đất nhấp nhô, có nơi cao tới 15 feet, trải rộng trên diện tích 11 mẫu Anh. Tác phẩm tượng trưng cho sức mạnh không ngừng nghỉ của sóng biển trong bối cảnh của một tác phẩm nghệ thuật trên đất đang sống và phát triển.Hơn nữa, cô ấy đã chọn địa điểm này như một dự án tái tạo môi trường, biến một hố sỏi thành một tác phẩm bền vững với thảm cỏ tác động thấp và hệ thống thoát nước tự nhiên. Giống như Đài tưởng niệm Chiến sĩ Cựu chiến binh Việt Nam nổi tiếng của Lin tại Washington D.C., Wavefield mang đến cho người xem một sự hiểu biết sâu sắc về cảnh quan thiên nhiên.

Tác phẩm Fallen Sky (2021) của Sarah Sze

Sarah Sze, <em>Fallen Sky</em> (2021). Storm King Art Center, Mountainville, NY. © Sarah Sze. Photo: Nicholas Knight. Courtesy of Sarah Sze Studio.

Sarah Sze, Fallen Sky (2021). Storm King Art Center, Mountainville, NY. © Sarah Sze. Photo: Nicholas Knight. Courtesy of Sarah Sze Studio.

Sau tác phẩm Wavefield, hơn một thập kỷ trôi qua mới có tác phẩm được uỷ thác vĩnh viễn tiếp theo tại Storm King. Tác phẩm ấy như thể rơi từ thiên đường xuống, chính là “Fallen Sky” của Sarah Sze – nghệ sĩ từng đại diện cho Mỹ tại Venice Biennale.

Nghệ sĩ đã tạo ra một tác phẩm hình tròn với đường kính 36 feet, làm từ 132 tấm thép không gỉ riêng biệt được ép vào mặt đất. “Bề mặt thép được tráng gương, vì vậy những gì được nhìn thấy trong Fallen Sky là hình ảnh phản chiếu – và luôn thay đổi – của bầu trời phía trên,” Lawrence cho biết. Kích thước lớn và bề mặt lấp lánh của tác phẩm điêu khắc này cho phép nó được nhìn thấy cả từ khoảng cách cận cho đến xa trên những cánh đồng thoai thoải của Storm King. Thông điệp của Sze là sự biến đổi không ngừng, nơi sự suy tàn và tái sinh liên tục luân chuyển vì mọi thứ đều có vòng đời riêng – ngay cả những vật thể trông như chúng rơi xuống từ vũ trụ, cũng vậy. 

Tác phẩm Lookout (2023) của Martin Puryear

Martin Puryear, “Lookout” (2023). Storm King Art Center, Mountainville, NY. © Martin Puryear. Courtesy of Matthew Marks Gallery. 

Lawrence đề cập đến tác phẩm “Lookout” của Martin Puryear như một trong những bức điêu khắc đầy thử thách mà bà từng làm tại Storm King. Tác phẩm điêu khắc bằng gạch đầu tiên của Puryear có lối vào hình vòm để du khách vào từ một phía, uốn cong lên trên tạo thành mái vòm cao 20 feet ở phía bên kia. “Thông thường, gạch được sử dụng để tạo ra các cấu trúc với các đường ngang và dọc nghiêm ngặt, nhưng ở đây chúng được xếp theo cách mà chúng vươn ra phía sau của tác phẩm điêu khắc—một kỳ công kỹ thuật được tạo nên từ hơn 18.000 viên gạch,” Lawrence nói.

Nghệ sĩ lấy cảm hứng từ nghiên cứu về nghề xây truyền thống, bao gồm cả kỹ thuật xây hòm mộ Nubia mà ông thấy ở Mali và những lò nung gốm hình chai ở Stoke-on-Trent, Anh. Puryear đã chấm phá tác phẩm bằng 90 ô cửa sổ tròn nhỏ, hoặc cửa sổ tròn, để có thể nhìn ra cảnh quan từ bên trong. Chúng hữu ích trong lần nhật thực gần đây. “Những ô cửa sổ nhỏ nhất đã đóng vai trò như những máy ảnh lỗ kim, chiếu hình trăng lưỡi liềm lên bề mặt gạch.” – Lawrence chia sẻ. 

Nguồn: Artnet
Bài: Phương Uyên