Từ trước đến nay, cụm từ “sợi chỉ đỏ” mang nghĩa ẩn dụ về một tư tưởng thống nhất và quán triệt. Sợi chỉ đỏ vừa mang tính năng xâu chuỗi, kết nối, vừa mang hình hài tựa mạch máu luân chuyển và làm nên sự sống của con người. Chọn cách hiểu trên làm nền tảng, nghệ sỹ Rima Day đã ứng dụng sợi chỉ đỏ vào các tác phẩm đa chất liệu, qua đó khám phá mối liên kết giữa con người và thế giới tự nhiên.
Xuất thân là một nhà thiết kế thời trang được đào tạo ở quê nhà Tokyo, Nhật Bản, sau đó chuyển đến học tập và công tác tại kinh đô thời trang New York, Rima Day khát khao giải phóng suy niệm của bản thân bằng ngôn ngữ thiết kế và chất liệu kim, chỉ.
“Tôi đã có nhiều năm thiết kế, do đó xem sợi chỉ như một phương tiện kết nối các bộ phận riêng lẻ. Chỉ đỏ như màu máu, gợi tôi nhớ đến sức sống, tình yêu, cũng là sự kết nối giữa tôi và văn hoá Nhật Bản ở phương xa.
Nguồn cơn của phong cách sáng tạo này ập đến với Rima Day một cách tình cờ. Năm 2020, trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19, triển lãm váy Rococo do Rima thiết kế bị hoãn lại. Trong cơn chán nản, cô thử nghiệm với các chất liệu, thông qua đó tìm lại sự kết nối với chính mình và cho ra đời series “To wish by stiching” (2020). Hiện diện trong chuỗi tác phẩm là mạnh lưới chỉ đỏ tinh vi mô phỏng trái tim của con người, bởi lúc này, Rima đang miệt mài kiếm tìm lẽ sống và ngưỡng vọng về mảnh đất Viễn Đông.
Dễ bắt gặp trong tác phẩm của Rima Day là một mê cung rễ nhấp nhô và những đường gân ngoằn ngoèo. “Giống như rễ cây hay mạch máu, những sợi chỉ của tôi rẽ nhánh để hấp thụ hoặc phân phối dinh dưỡng”, Rima chia sẻ. Một mặt, những đường rẽ này mô phỏng lại mao mạch và hệ thống tuần hoàn. Mặt khác, chúng ám gợi mối quan hệ vi mô giữa dòng chảy trong cơ thể ta và những cảm xúc được cấu thành.
Vì thế, khám phá nghệ thuật của Rima cũng chính là bước chân vào thế giới nội tâm của cô. Chuỗi tác phẩm Hidden Desires (2022) lấy cảm hứng từ những y phục khuôn phép của nữ giới trong nhiều thế kỷ XVII-XIX. Thông qua những sợi chỉ đỏ dưới lớp găng tay hay vải áo corset, Rima Day nhìn nhận lại đam mê, khát khao của người phụ nữ bị kìm kẹp bởi định kiến và trọng trách xã hội.
Với vốn kinh nghiệm của một nhà thiết kế thời trang, Rima Day vô cùng thận trọng trong việc lựa kim. Cô sử dụng cây kim của Misuya Needles ở Kyoto, Nhật Bản. Theo Rima, cửa hàng đã hoạt động trong bốn thế kỷ, do đó có thể chế tác nên những cây kim sắc bén hơn bất kỳ nơi đâu khác, giúp đường khâu trở nên tinh tế, thanh thoát hơn.
Hình tượng cây kim cũng là nguồn cảm hứng để Rima Day thử nghiệm ý tưởng mới. Thời gian trở lại đây, cô nhìn nhận chiếc kim của mình giống như cây bút của một nhà văn. Thay vì diễn đạt bằng lời nói, Rima thương thảo với ý tưởng bằng kim chỉ. Mạng lưới chỉ khâu càng dày đặc, suy nghĩ cũng ngày một nối dài, miên trải trên mặt phẳng. Chuỗi tác phẩm Scripta ra đời trên nền tảng đó, nơi Rima Day gửi gắm những ý niệm, tâm nguyện bằng sợi chỉ lên lớp vải.
Sợi chỉ đỏ của Rima Day gợi ta nhớ đến những sắp đặt của Chiharu Shiota, nơi những vật phẩm thường nhật như chiếc ghế, chiếc giường hay váy áo bị nhấn chìm trong kết cấu chỉ thêu quy mô lớn. Tác phẩm của Chiharu khám phá bản chất của “sự hiện diện trong vắng lặng” và cho phép bản thân kết nối với vũ trụ ở một chiều kích phổ quát hơn. Sự kết nối là chủ điểm mà cả hai nghệ sỹ lưu tâm khai thác. Dẫu vậy, cách tiếp cận của Rima có phần vi mô hơn, đi sâu vào tiểu tiết như một dạng vi kết nối bên trong cơ thể người, trái với những liên kết vĩ mô giữa con người và không gian vũ trụ trong nghệ thuật của Chiharu.