Là một trong những quốc gia có mật độ dân số cao nhất trên thế giới, Đảo quốc Singapore đã thường được nhắc đến trong các học thuyết, nghiên cứu về chủ nghĩa đô thị. Dẫu vậy, nghệ sĩ Robert Zhao Renhui lại xem xét mặt trái của vấn đề.
Năm 2024, tác phẩm Seeing Forest của Zhao được chọn để đại diện cho Singapore tại triển lãm nghệ thuật Venice Biennale, kéo dài từ ngày 20 tháng 4 đến ngày 24 tháng 11. Tác phẩm là một nỗ lực đào xới, khám phá những khu rừng thứ sinh của Singapore – những vùng đất từng phát triển song đã bị thiên nhiên xâm chiếm trở lại. Rừng thứ sinh chiếm khoảng 4% diện tích đất của Singapore. Tuy nhiên, trái với rừng nguyên sinh, rừng thứ sinh không nhận được sự bảo vệ bền vững từ chính phủ và thường bị chặt phá để kiến thiết không gian đô thị.
Trong rừng thứ sinh, hệ thực vật và động vật phát triển vô cùng mạnh mẽ. Sự xuất hiện của một số loài vốn dĩ không có nguồn gốc từ Singapore đã biến chúng trở nên đặc sắc và trở thành nhân vật chính trong các tác phẩm đa phương tiện của Zhao. Trong không gian sắp đặt video hai kênh gồm các tác phẩm The Owl, The Travellers và The Cement Drain (2024), Zhao dẫn dắt người xem qua nhiều loài cú vọ, đại bàng, lợn rừng và thằn lằn. Video trần thuật câu chuyện về hai nhân vật chính cùng nhau khám phá chốn hoang sơ, nhưng ấy chỉ là trên danh nghĩa. Thực tế, họ phát hiện những mảnh vụn tàn sót của con người và văn minh nhân loại đã từng xây đắp mảnh đất này: những chiếc lều hoang, những chai rượu có tuổi đời hàng thế kỷ, những chiếc cốc mục cũ từ thuở mà hầu hết các mảnh đất ở Singapore vẫn còn được bao phủ bởi đồn điền cao su.
Trong Trash Stratum (2024), một tác phẩm song hành cùng The Owl, The Travellers and The Cement Drain, mười hai màn hình đã được đặt lồng ghép trong những chiếc khung như khiêu khích sự tò mò – những chiếc khung đã bị giải cấu trúc. Chúng trình hiện những loài vật vô âu di chuyển, để rồi tìm đến một chiếc thùng rác mà theo Zhao là đã bị bỏ lại tại khu rừng thứ sinh từ rất lâu về trước. Có những cảnh quay in dấu nhiều ấn tượng: những chú ếch trôi nổi trong thùng chứa đầy nước mưa—một tiểu hệ sinh thái trong hệ sinh thái, một kho báu mà chúng phát hiện từ thùng rác bỏ đi của loài người.
Hình ảnh ấy như một lời tuyên ngôn hùng hồn cho những thực hành của Zhao. Trong hơn một thập kỷ, Zhao, 41 tuổi, đã nỗ lực vượt thoát khỏi sự phân tách quá thể đơn giản giữa cái gọi là “hoang dã” và “phát triển” – một hệ nhị nguyên tồn tại chủ yếu trong tâm trí khu biệt của con người hơn là bất cứ nơi đâu khác.
Zhao chia sẻ: “Nơi tôi sống tồn tại một ranh giới giữa thành phố và thiên nhiên, giữa các thành phố đô thị hóa và những khu rừng thứ sinh hoang dại. Tôi mong những phạm trù này rồi sẽ phải sụp đổ. Chúng vận vào ta lối tư duy bảo thủ—và sai lầm—rằng phải ưu tiên những thứ ‘hoang dã’ và ‘trinh nguyên’ toàn triệt hơn là một ngôi làng hoang bị xâm lấn bởi rừng cây tầm thường không hiếm quý.”
Rừng thứ sinh là mối quan tâm sinh thái “lâu dài và bền bỉ nhất” của Zhao. Trong bảy năm qua, anh miệt mài quay phim và chụp ảnh rừng thứ sinh, thế nhưng nguồn gốc của See Forest bắt nguồn từ năm 2008, khi Zhao thành lập Viện Nghiên cứu Động vật học Phê bình (Institute of Critical Zoologists). Dẫu khởi điểm của tên Viện là sự giễu nhại các tổ chức nghiên cứu cao cả hiện hành, Zhao vẫn nỗ lực dẫn dắt dự án diễn ra nghiêm túc hệt như cái tên. Dưới danh nghĩa của một thể chế hư cấu, anh nghiên cứu cá thể bò hoang cuối cùng của Singapore — đã chết vào năm 2016; mô hình di cư của các cá thể chim gần biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên; và ảnh hưởng của các làn sóng định cư đến Đảo Christmas dưới sự kiểm soát của chính phủ Singapore cho đến năm 1958.
Zhao nhận định: “Bằng cách tập trung vào những thành tố có xu hướng bị bỏ qua trong nghiên cứu động vật học, tôi khám phá sự tương tác giữa con người và thế giới tự nhiên”.
Singapore, Very Old Tree (2015), một triển lãm thường trực khác của Zhao tại Bảo tàng Quốc gia Singapore là một tác phẩm khác minh chứng cho niềm đam mê này. Zhao chụp lại 17 cái cây ở Singapore, kết hợp với những câu chuyện truyền miệng mà anh góp nhặt được từ cư dân địa phương. Hay Trying to Remember A River (2022), một tác phẩm của anh vừa được trình chiếu tại Gwangju Biennale 2023, là tiền thân gần gũi hơn với See Forest: những chiếc máy ảnh chuyển động theo cảm biến đã ghi lại các loài động vật hoang dã sống nhờ vào một con sông bị “lãng quên” trong khu Rừng Gillman ở Singapore, gần với khu vực nghiên cứu của tổ chức mà Zhao đang vận hành.
“Singapore thường được mô tả là một thành phố xanh. Thế nhưng tôi cảm thấy hình tượng thiên nhiên ở đây thật vô danh và trống trải. Khám phá lịch sử thành phố qua góc nhìn động vật học có chăng chính là một cách tiếp cận quyến rũ và đa tầng để kết nối người Singapore lại với nhau bằng những câu chuyện kể của riêng họ.
– Robert Zhao Renhui –
Cùng với Trash Stratum và The Owl, The Travellers and The Cement Drain, không gian trưng bày còn trình hiện Buffy (2024), một bản in điện tử của loài cú dù dì hay còn gọi là cú đại bàng có nguồn gốc từ Đông Nam Á và bản đồ của một khu rừng hư cấu không tên. Du khách khi bước qua những tác phẩm của Zhao sẽ có dịp đắm chìm vào một vùng tưởng tượng của chính mình.
“Sắp đặt của tôi ở Venice nhằm mang đến một xúc cảm trong rừng — bạn được bao bọc bởi các hình ảnh, nhịp đập, năng lượng và những sinh vật khác mà bản thân không cần nỗ lực truy xuất một tuyên bố, sự thật hay quan điểm lý tính nào”, Zhao chia sẻ.
Triển lãm See Forest của Robert Zhao Renhui do Haeju Kim giám tuyển, được ủy quyền bởi Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia của Singapore và do Bảo tàng Nghệ thuật Singapore tổ chức. Triển lãm diễn ra tại Singapore Pavilion trên tầng hai của tòa nhà Arsenale’s Sale d’Armi từ ngày 20 tháng 4 đến 24 tháng 11 năm 2024.