Săn tìm tính thiêng trong thực hành rửa chén

Buổi pop-up “Để chị rửa chén cho” như mở ra một chiều kích lịch sử song song, nơi hành vi rửa chén thường nhật và giản tiện nay được truy vấn qua lăng kính của thực hành lưu trữ. Buổi pop-up châm ngòi cho những kiến giải mới về tính trình diễn, tính thiêng lẫn hành trình hoang hoá của hành vi mà ban tổ chức xem như là di sản này.

TẤM THIỆP “RỦ RÊ”, TẤM VÉ VÀO CỔNG

Buổi pop-up dự kiến khai màn lúc năm giờ chiều, thế nhưng đã mở cửa từ độ bốn giờ để khách tham quan thư thả dạo quanh. Theo lời tấm thiệp “rủ rê”, chúng tôi khoác lên mình những bộ đồ ngủ thoải mái với hoạ tiết sặc sỡ, lại mang theo vé vào cổng gồm một cái chén, đũa và muỗng. Sự tương đồng của y phục âm thầm kéo người tham gia về cùng một vai vế và trách nhiệm gia đình. Không có đường biên thể chế giữa ban tổ chức, nghệ sĩ và khách tham quan, càng không có sự phân tầng giữa người sáng tạo và người tiếp nhận. Chúng tôi ai nấy đều “tự nhiên như ở nhà”, hăng hái hoà vào buổi trình diễn của những tiểu trình diễn này.

Người tham gia trong dresscode “đồ bộ”

Bước vào buổi pop-up, tôi sớm lấy làm lạ trước sự biến mất hoàn toàn của danh xưng “nghệ sĩ” trong một buổi trưng bày đa chất liệu. Thay vào đó, ban tổ chức gồm CAB Hoian, TheaFter và LỘ dùng từ “thợ săn” để gọi những cá nhân đóng góp tác phẩm, ám hiệu một nỗ lực giải thiêng vị thế độc tôn của người nghệ sĩ. Đồng thời, cách gọi nhập vai đã làm hiển lộ tính trò chơi của buổi pop-up nói riêng và dự án tư liệu hoá tập thể (community documentary art) “Hunting Treasure” nói chung.

“Hunting Treasure” được sáng lập năm 2022. Hằng năm, cứ vào dịp Tết, dự án lại chiêu mộ các “thợ săn” cùng tham gia trưng bày những “vật phẩm” hàm ẩn tính thiêng mà họ đã săn lùng được thông qua các loại hình nghệ thuật như văn học, nhiếp ảnh, trình diễn, digital art, internet art. Năm nay, “rửa chén” được chọn làm chủ đề trung tâm, đẩy cộng đồng sáng tạo vào một công cuộc truy vấn đậm chất đương đại:

Liệu có phẩm chất thiêng liêng nào đang suy tàn trong thực hành rửa chén thường nhật và trần tục?

Trong hàng thế kỷ, công việc rửa chén đã trở nên quen thuộc đến mức bị đẩy lùi về điểm mù lịch sử. Ta dần bẵng quên những ý niệm về đời sống, giới tính, quan hệ gia đình, phân chia lao động, cấu trúc xã hội…, tất thảy im lìm tàng ẩn sau những chồng chén bát quen thân, đợi chờ “thợ săn” đến đánh thức và tái trình hiện trước công chúng.

Thực hành sắp đặt, một phần trong tác phẩm “Gã theo vết xà phòng” của Alek Phước Chương

RỬA CHÉN: MỘT TRÌNH DIỄN CẦN ĐƯỢC LƯU TRỮ

Giữa vòng tròn khởi động ấm cúng, giám tuyển Chinh Ba thân mật chia sẻ về gốc rễ của ý tưởng lần này. Trong một dịp ghé thăm nghệ sĩ Richard Streitmatter-Tran ở Sài Gòn, anh và các cộng sự đã nghe kể về một chị giúp việc của gia đình thường xuyên livestream TikTok và hát cải lương trong lúc rửa chén. Một cuộc ngẫu phối thú vị. Hành vi rửa chén kéo dài hàng thế kỷ nay bước vào cuộc giao thoa với thời đại số, để rồi dần cởi bỏ bản tính “hậu trường” vừa sau cuối, vừa riêng tư và khép kín của nó. Chính trong giây phút câu hát cải lương của chị giúp việc lan toả trong không gian bếp và vọng đến khán giả ở bên kia màn hình, hình tượng căn bếp như một “sân khấu” và tính “trình diễn” của việc rửa chén dần hiển lộ. Những đại tự sự về căn bếp bị lung lay.

Giám tuyển Chinh Ba chia sẻ về dự án

Nghệ thuật lưu trữ trở nên quan trọng trong tình huống ấy.

Theo Hal Foster trong tiểu luận An Archival Impusle (2004) (tạm dịch: Một thúc đẩy lưu trữ), lưu trữ cốt là để tìm lại và làm hồi sinh những thông tin đã bị đánh mất hoặc di dời – những mảnh vỡ của lịch sử. Suốt 11 ngày Tết Giáp Thìn, các “thợ săn” của dự án lưu trữ trải dài khắp Việt Nam và cả ở những châu lục khác đã tỉ mẩn nhặt nhạnh những ký hiệu biên lề xoay quanh thực hành rửa chén, để rồi chuyển hoá thành ngôn ngữ nghệ thuật và tạo cho chúng một bối cảnh trưng bày mới. “Những nghĩa cử về việc rửa chén được ghi chép và nhặt nhạnh, dù đứt gãy, cốt là để làm hiển hiện lên những giá trị thuộc về lịch sử của nó và những quan hệ, cấu trúc xã hội được trình hiện trong hành vi lưu trữ” (phỏng theo “thợ săn” Linh Phạm). Tất thảy rồi sẽ góp phần đánh thức tính thiêng của thực hành rửa chén, vốn đã say ngủ trong tâm trí nhiều người.

Đỗ Hà Hoài, “Đại hồng thuỷ dị ứng” (2017-2024)

Song song với triển lãm trừu tượng vẫn đang diễn ra tại Ô Art Bar, tác phẩm của các “thợ săn” được sắp đặt với những tính toán nhất định về mặt không gian. Lộ trình tham quan của chúng tôi bắt đầu từ trong nhà – “Hạ ngươn”, sau đó bước ra bể bơi và choáng ngợp trước một trận “Đại hồng thuỷ”, cuối cùng dừng lại ở khu vực ngoài trời, cũng là “Thượng ngươn” của buổi pop-up.

HẠ NGƯƠN

Ngày xửa ngày xưa

“Hạ ngươn” là gì? Những vị khách nhìn nhau bối rối.

“Hạ ngươn – Đại hồng thuỷ – Thượng ngươn” là concept chủ đạo của buổi pop-up, gắn liền với niềm tin tâm linh của một bộ phận người Việt về sự xoay vần của cõi trời đất. Cách đây chừng một thế kỷ, một ông đạo kỳ lạ đã đi khắp miền Nam Việt Nam để truyền những lời sấm về cõi “Thượng ngươn” đang đến. Theo lời ông, “Thượng ngươn” là chốn lý tưởng của vô tận diệu kỳ mà trước khi chạm đến, ắt sẽ xảy ra một trận đại hồng thuỷ kinh hoàng vùi lấp cõi “Hạ ngươn” đen tối và xấu xa, đẩy loài người vào ngày tận thế.

Chúng tôi đã khởi đầu như thế. “Hạ ngươn” chập choạng là quá khứ mập mờ tranh sáng tranh tối của các “thợ săn”, của con người.

Hạ ngươn

Dạo quanh không gian “Hạ ngươn” của việc rửa chén, chúng tôi bắt gặp đôi bàn tay như một ký hiệu đa nghĩa được nhiều “thợ săn” lưu tâm khai thác. Bởi lẽ bàn tay là não bộ lưu trữ của hành vi, là chỉ dấu những điều ta đã làm.

Mượn hình ảnh đôi bàn tay trong tác phẩm diptych video Đừng ra ao, Quế tái cấu trúc ký ức ngày mồng một Tết, rằng khi Quế đang xung phong rửa bát, chị gái cô đã chủ động giành rửa vì đôi chuyện căng thẳng trước đó. Mảnh ký ức nhỏ phần nào tái hiện bức tranh về xã hội Việt Nam trọng tính tập thể và sự nhún ngường, rằng hành động xung phong rửa chén đã trở thành nét ứng xử đặc trưng để biểu thị tinh thần san sẻ, đùm bọc và “dĩ hoà vi quý” của người Việt. Cũng trong tác phẩm, Quế tạo hình vầng trăng in bóng trên mặt nước vào ngày mồng một Tết – một diễn biến phi lý, ám chỉ rằng những ký ức về chị hãy còn mập mờ, trái sai, nhiều quấy nhiễu.

Quế, “Đừng ra ao” (2024)

Tiếp đó là tác phẩm tư liệu của Quỳnh Đông, Tốt hơn là mình gặp nhau. Trong tiết tháng 2 lạnh căm ở Zurich, Thuỵ Sỹ, khi mọi người đều đã sử dụng máy rửa chén, Quỳnh Đông lại nhúng tay vào nước lạnh để vừa rửa chén bát, vừa phản tư về đời sống vợ chồng mình. Hay như trong digital video Rửa bát, Tống Khánh Hà nhớ về những cảm xúc vừa ngần ngại, ám ảnh, cũng vừa dửng dưng khó hiểu khi gặp lại những người họ hàng xưa tranh nhau dọn rửa trong dịp Tết vừa qua ở Hamburg, Đức. Lần lượt đi qua các tác phẩm, chúng tôi nhận ra bàn tay không còn thuần đơn là một chủ thể của hành động. Thẳm sâu trong đôi bàn tay là những cảm xúc, ký ức cá nhân mà các “thợ săn” đã can đảm đối diện khi nghĩ về rửa chén và xa hơn là mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.

Một góc các tác phẩm ở “Hạ ngươn”, tri nhận từ nhiều nơi trên thế giới

ĐẠI HỒNG THUỶ

Và rồi, trải qua những ký ức suy tàn:

Sấm truyền trời đất thanh tẩy nhân gian bằng
những trận đại hồng thuỷ

Thanh tẩy không phải là một khái niệm xa lạ trong văn hoá Việt Nam mà đã hiện diện khá sớm trong mạch ngầm văn hoá dân tộc. Ví như trong sự tích Hồ Ba Bể, Giao Long từng phun những cột nước từ sâu dưới lòng đất để nhấn chìm toàn bộ ngôi làng nơi những người ích kỷ đã ngược đãi hoá thân của Giao Long. Đó là một phiên bản nguyên sơ về sự thanh tẩy nhân cách con người. Ngày nay, người Việt vẫn tin vào tập tục thanh tẩy mỗi dịp năm mới đến: ta lau chùi đồ đạc, vứt bỏ vật dụng cũ, nấu nước thơm rửa mình.

Trong buổi pop-up, chúng tôi cũng đón một cơn đại hồng thuỷ đổ bộ: tác phẩm của Đỗ Hà Hoài.

Bước ra ngoài trời, chúng tôi bắt gặp một bể bơi đã rút lưng nửa nước mà thả trôi trên đó là những tác phẩm “dị ứng” quen thuộc của Đỗ Hà Hoài trên chất liệu formex đặc trưng, gắn liền với ẩn ức thể chất và tinh thần của anh. Đại hồng thuỷ dị ứng tập hợp một số tác phẩm Hoài thực hiện từ năm 2017 đến năm 2024. Những chủ thể hỗn độn, độc địa, thậm chí làm ta sởn gai óc nằm rải rác trên mặt hồ bơi và lan cả trên đất cỏ như một nguồn cơn kinh hoàng càn quét. Dịch chuyển chúng đến Ô Art Bar hẳn cũng là một trận đại hồng thuỷ. Tôi chỉ nghe bảo, có lẽ Đỗ Hà Hoài cũng đang mong một “thượng ngươn” cho chính mình.

Đỗ Hà Hoài, “Đại hồng thuỷ dị ứng” (2017-2024)

Rửa chén ở Đức Huệ là một tác phẩm thú vị khác trong bối cảnh “Đại hồng thuỷ”. Như cách Dande Lan đặt tên tác phẩm, cô xem xét hành vi rửa chén cả trong không gian địa lý, cụ thể là ở Đức Huệ, một huyện nhỏ thuộc tỉnh Long An, “nơi mà không rửa nhanh thì nước lên không có chỗ rửa”. Thế là, ta thấy một chu kỳ thanh tẩy hai lần ập đến và chồng đắp lẫn nhau: khởi đầu, những người phụ nữ dọn rửa đang thanh tẩy chu kỳ ẩm thực nửa ngày của gia đình, sau là thiên nhiên (con nước lên) thanh tẩy mọi vết tích của hành vi rửa chén.

Dande Lam, “Rửa chén ở Đức Huệ” (2024)

Trên khoảng tường rộng cạnh hồ bơi “dị ứng”, bản in tư liệu hoá tác phẩm Intermediate Object (vật thể trung gian) của Chinbo Collective được treo cao thật chỉn chu. Đây cũng là một tác phẩm mượn nước làm liều thuốc “thanh tẩy”. Bước đầu thực hiện, Chin và Khôi dùng bút lông để viết lên bồn rửa những từ ngữ, chủ đề mà mọi người vẫn thường thảo luận khi rửa chén: “thời sự”, “tiền lương”, “showbiz”, “làm đẹp” và “nói xấu”, v.v. Trải qua 11 ngày rửa chén, Chin và Khôi đã chụp lại được 9 tấm ảnh, dõi theo quá trình những con chữ nhoè đi cho đến khi mất hẳn. Chính ở đây, ta thấy một quy trình lưu trữ ngược của ký ức – con chữ càng xoá mờ, ký ức càng in nét theo thời gian. Ký ức được lưu trữ dựa trên sự bôi xoá và mất đi ấy, làm nên nét đặc biệt cho tác phẩm thuần tư liệu hoá duy nhất của buổi trưng bày.

Chinbo Collective, “Intermediate Object (vật thể trung gian) (2024)

THƯỢNG NGƯƠN

Những con nước dâng lên và hạ xuống. Cơn đại hồng thuỷ qua đi, còn lại gì những suy tư về rửa chén, về giới, văn hoá, lễ nghi và con người?

Rửa chén đang-diễn(-ra)

Chúng tôi vừa quan sát các tác phẩm ở không gian mở “Thượng ngươn”, mặc khác cũng nơm nớp trông mong những tác phẩm trình diễn.

Ngay giữa chốn “Thượng ngươn” là một tác phẩm sắp đặt có ánh bạc, dễ gây chú ý. Mặt gương hình chữ nhật được người thợ săn cẩn mật sắp lên những vật dụng thường dùng trong gian bếp như bao tay, chảo nấu, chiếc ghế đẩu, v.v, tất thảy đều làm bằng aluminum foil. Nhiều người trong số chúng tôi đã đến soi mình trong gương và thoáng hiểu rằng một ý niệm phản tư đang được gửi gắm. Nhưng bởi không có nhãn tên, không ai biết rằng tác phẩm là của Alek Phước Chương cho đến khi anh xuất hiện và bắt đầu phần trình diễn.

Alek Phước Chương, phần sắp đặt trong tác phẩm “Gã theo vết xà phòng” (2024)

Alek tiến đến trung tâm trong trang phục chỉnh tề – áo sơ mi sọc trắng-xanh, quần tây trắng, tay kéo theo một bánh xe tròn chuẩn bị sẵn. Hỗ trợ anh là một người phụ nữ liên tục cúi người, xịt xà phòng rửa chén thành những đường dài nối tiếp nhau trên mặt đất. Cũng trong lúc đó, Alek cuộn mình vào bên trong bánh xe và lăn bánh xe theo dấu xà phòng. Tác phẩm kéo dài khoảng hai mươi phút. Cơ thể cao ráo và thanh mảnh của Alek dĩ nhiên vẫn có phần khập khiễng trong khối tròn. Anh nhiều lần ngã nhoài, sau đó lại nhẫn nại bước vào bên trong vòng tròn và tiếp tục lăn hết một vòng hồ bơi.

Chất liệu của bánh xe gợi ta nhớ đến miếng bọt biển chà rửa vết bẩn – mà ở đây, chính xà phòng lại là thứ cần được chà rửa. Sự chuyển động liên tục tạo ra quán tính để Alek và bánh xe mãi quay, ám gợi một hành vi rửa chén đã được tất yếu hoá trong đời sống thường nhật. Mặt khác, khó hiểu và kỳ lạ thay, Alek khiến tôi nhớ đến bánh xe luân hồi và những lần cảm thấy tội lỗi vì đã chây lười để ông bà rửa chén suốt những ngày dài. Những tội lỗi lặp lại, những vòng tròn tiếp diễn.

Gã sẽ mặc trang phục formal
Góc mắt nhìn xuống như ở bồn rửa
Âm thanh phải thật thoả mãn
Hành động đó là trách nhiệm
dần thành quán tính

Alek Phước Chương

This image has an empty alt attribute; its file name is 3-pgsJZ17I5WQQc9yYPeHSsmJ9VVLgY8OteVlKbY_E44WzvcBRmMuzgLJbWFpBuZByuXRpfI4MfnDMhIRARejapNqp0KEZeAq5aG0XkvBQTomdcpG5pwBY8jm2MvaGxfKlO2GFRz6FOewhc0e8LHcYo
Alek Phước Chương, phần trình diễn “Gã theo vết xà phòng” (2024)

Có những tác phẩm trình diễn được hàng chục ánh mắt dõi theo, nhưng cũng có những phần trình diễn kín đáo và âm thầm. Trong lúc Alek di chuyển quanh hồ bơi, ít ai để ý rằng ở bên trong “Hạ ngươn” được ngăn bằng lớp kính, Tâm Đỗ cũng đã bắt đầu “Niệm chén”.

Cô ngồi bên một chiếc bàn, đối diện với những vật dụng rửa chén bày soạn sẵn: chén bát, găng tay, miếng bọt biển. Không gian trình diễn được sắp đặt theo hơi hướng thiền định, đi ngược lại với hình ảnh rửa chén giản dị và trần tục ta vẫn thường thấy, từ đó gợi lên một tinh thần nghi thức rõ nét. Trong khoảng nửa giờ đồng hồ, Tâm Đỗ miệt mài viết lên mặt chén những suy niệm trong dòng ý thức – nét mực hồng dần phủ đầy chén sứ trắng, sau đó được cô dùng găng tay chà xoá. Những nghĩa cử của cô, hoà cùng nét nhập tâm và nghiêm trang tự tại trên khuôn mặt gợi tôi nhớ đến bài học chánh niệm của thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Rửa bát để mà rửa bát”. Rõ ràng, Tâm Đỗ xem rửa bát như một không gian để lắng nghe dòng chảy của ý thức, tức là ý thức tâm, ý thức ý, để rồi đối thoại với bản ngã và làm chủ sự hiện diện, làm chủ chính mình. Cũng theo Tâm Đỗ, khi rửa chén trở thành một thực hành chánh niệm, giá trị chúng mang lại là bất phân giới tính, là vô biên.

Nếu nhìn kỹ, ta sẽ bắt gặp hình vẽ một bé gái bên trong mặt chén. Liên quan đến chi tiết này, ở nhà Tâm Đỗ cũng có một bộ chén bát phân rõ vai vế “bố”, “mẹ”, “con gái”, “con trai”. “Chúng khiến tôi suy ngẫm về vai trò mình phải đảm nhiệm trong cấu trúc xã hội – một vai trò rất mực mâu thuẫn với bản dạng giới đồng tính của tôi”, cô giãi bày.

Tâm Đỗ, “Niệm chén” (2024)

Như một sự tiếp nối đầy mạch lạc, tác phẩm trình diễn cuối cùng mang đến một góc nhìn tương đối tích cực để hoá giải định kiến giới xoay quanh hoạt động rửa chén. Khi chúng tôi kết thúc giải lao và trở lại “Thượng ngươn”, Whyfi đã ngồi sẵn sàng trên lưng một cậu trai. Trong mười lăm phút, cô vừa nghe nhạc và dùng điện thoại, vừa hí hoáy dùng chân để rửa chậu chén. Tác phẩm lấy cảm hứng từ một khoá tu Whyfi từng tham gia. “Đối với nhiều người, khoá tu ấy là lần đầu tiên họ có dịp tự lập. Tôi còn nhớ sau bữa ăn đầu tiên, tôi cầm chén mình trong tay và xếp hàng chờ đến lượt rửa. Nhiều chàng trai thấy vậy đã vui vẻ giúp chúng tôi. Họ còn cười đùa, vô tư chuyền chén cho nhau. Với một người thường xuyên phải đảm nhiệm việc rửa chén trong suốt nhiều năm liền như tôi, đó là một hình ảnh không ngờ”.

Whyfi trong tác phẩm trình diễn rửa chén bằng chân (2024)

Các tác phẩm trình diễn cứ thế nối tiếp nhau, đẩy chúng tôi vào trạng thái phân vân hư – thực, hoặc chúng tôi biết rằng khi rửa chén, chính chúng tôi cũng đã từng trưng ra một diện mạo “trình diễn” nào đó bên trong mình: rửa chén như một phương thức chứng tỏ sự đảm đang, chứng tỏ tính nữ, hoặc chứng tỏ phẩm cách. Khép lại buổi pop-up “Để chị rửa chén cho” là một phần thảo luận kéo dài độ nửa giờ đồng hồ. Người tham gia tiếp tục trao đổi thêm nhiều chủ đề, trải dài từ góc độ lao động, giới tính, quan hệ gia đình cho đến một câu hỏi bỏ ngỏ “Rửa chén nên chết và sẽ chết không?”.

__

Rửa chén là một “di sản” đang trên đà chuyển biến nhanh chóng – chuyển biến trong một xã hội hiện đại với nhiều quan điểm mới nảy sinh, thậm chí hoang hoá và tiêu biến dần dà với sự xuất hiện của máy rửa chén. Từ góc độ của nghệ thuật lưu trữ, điều cốt yếu là việc những vị khách và cả những người dõi theo “Để chị rửa chén cho” trên các nền tảng mạng xã hội đã tìm ra kiến giải mới, cách đọc mới cho hành vi rửa chén. Chỉ mong sao, rửa chén rồi sẽ cập bến “thượng ngươn” của riêng nó.

Lưu ý: Bài viết được thực hiện dựa trên quan điểm cá nhân của người viết kết hợp tham khảo lời tựa của Giám tuyển Chinh Ba.