Pop-up “CON”: Cắt xẻ áo như một cách cắt nghĩa sáng tạo

Trôi chảy trong không gian pop-up “CON” là nguồn năng lượng liều lĩnh của hành vi cắt xẻ. Hành vi ấy lặp lại xuyên suốt buổi pop-up ở nhiều dạng thức, khiến thực hành sáng tạo cũng được cắt nghĩa đa chiều, đa tầng.

“CON” là sân chơi dành cho cộng đồng sáng tạo trẻ do nghệ sĩ thị giác Cao Hoàng Long sáng lập năm 2015. Lấy cảm hứng từ hình ảnh chú bé ôm gà trống trong bức tranh dân gian Đông Hồ Vinh Hoa, CON khắc hoạ khuôn mặt của một cậu bé không rõ nhân diện, qua đó biểu trưng cho bản năng sáng tạo nguyên thuỷ của mỗi người.

Tôi đến Pop-up “CON” từ rất sớm, vinh dự là người đầu tiên trải nghiệm những tác phẩm mới nhất của nghệ sĩ thị giác Cao Hoàng Long và các cộng sự. Pop-up trưng bày hàng chục mẫu áo lấy cảm hứng từ khuôn mặt CON và cho phép khách tham quan tự do cắt xẻ, tô vẽ, thêu hay đính lên áo, từ đó hoàn thiện tác phẩm của riêng mình. Men theo lối vào pop-up, nhiều vị khách đã dừng lại chiêm ngưỡng tác phẩm “thí điểm” của Chú Môi và Hươu Anh. Những chiếc áo trắng qua bàn tay của hai nghệ sĩ như khoác lên một diện mạo mới, phần nào làm hiển lộ cá tính của người mặc.

Một vị khách nán lại ngắm nhìn chiếc áo do Hươu Anh sáng tạo

Nếu những khuôn mặt tròn trĩnh của CON “đổ bộ” toàn thể không gian thì thực hành cắt xẻ lại ngấm ngầm hiện hữu ở các quy mô, dạng thức khác nhau. Vượt lên ranh giới vật lý như thể cắt một chiếc áo, nghệ sĩ Cao Hoàng Long “cắt” giọng nói của mình – một chủ thể phi biểu hình – để tích hợp vào âm giai chiếc đàn piano trong tác phẩm Gọi con. Mỗi phím đàn vang lên mang theo những cao độ biến thiên của tiếng gọi “Con ơi”, khiến tôi cảm tưởng giọng nói của anh đã được phân mảnh để tạo thành một cuộc chiêu mộ CON đầy kỳ thú. Hay trong tác phẩm Joy with me, nghệ sĩ cắt xé thông điệp của CON thành từng mảnh nhỏ dưới dạng mã Morse, mời gọi mọi người cùng tham gia giải mã.

Tác phẩm “Joy with me”: nghệ sĩ cắt xé thông điệp của CON dưới dạng mã Morse

Trái với bản chất phá bỏ và giải cấu trúc, hoạt động cắt xẻ giờ đây hiện diện với cả tính chất hợp tác, đồng sáng tạo. Theo Cao Hoàng Long:

“Nhiều người nói làm nghệ thuật thì phải ‘phát xít’. Tôi không nghĩ thế. Tôi thích tụ tập mọi người lại để cùng nhau sáng tạo. Nhiều người cũng có thể làm ra những tác phẩm hay ho”.

Tích cực hưởng ứng thông điệp trên, nhiều vị khách đã ghé thăm pop-up, cùng ngồi lại cắt xẻ, khâu may để làm nên những chiếc áo xinh xắn theo cách riêng. Hoặc chăng, tôi trộm nghĩ mái tóc mới của nghệ sĩ Cao Hoàng Long với gam màu xanh-đỏ nổi loạn cũng là một tác phẩm đáng gờm của thợ làm tóc – tạo ra một CON có hình hài, sắc màu và hiện hữu.

Những vị khách tham gia pop-up và thiết kế mẫu áo cho riêng mình

Khi được hỏi về nguồn gốc ý tưởng cắt xẻ áo, nghệ sĩ Cao Hoàng Long dẫn nhập tác phẩm trình diễn Rhythm 0 của Marina Abramović năm 1974. Trong tác phẩm, Marina Abramović đứng yên trong vòng 6 giờ đồng hồ và cho phép khán giả tương tác với cơ thể của cô – dẫu tích cực hay tiêu cực – bằng 72 món đồ trên chiếc bàn, gồm hoa hồng, lông vũ, con dao hay khẩu súng lục. Cảm xúc của Marina đi qua nhiều biến động, khởi đầu từ sự khoan khoái dễ chịu cho đến khi người xem cắm dao vào giữa hai chân cô và làm Marina tổn thương, đứt xướt.

Từ tác phẩm trên, dễ thấy rằng hành vi cắt xẻ kích động những cực điểm tính cách của con người. Theo nghệ sĩ Cao Hoàng Long, “cắt xẻ chiếc áo là hành động bình thường với người làm sáng tạo, thế nhưng lại liều lĩnh đối với đám đông”. Đến với CON, khán giả được lắng nghe bản năng mình cất tiếng, mượn một hành động in đậm tính phá bỏ để khai mở những tính cách thú vị của bản thể ẩn sâu dưới lớp sống thường nhật.

Marina Abramović, “Rhythm” 0 (1974)

“Nhiều người cho rằng nghệ thuật gắn liền với tính tiêu dùng thì không còn là nghệ thuật. Sáng tạo trên một chiếc áo liệu có còn khiến nó là tác phẩm không”, tôi hỏi. Chia sẻ với tôi, anh Long cho rằng nghệ thuật thực chất dành cho mọi người.

“Chúng ta ai cũng từng là nghệ sĩ thời thơ ấu. Vậy thì, những danh vị như ‘nghệ sĩ’, ‘tác phẩm’ đôi khi không quan trọng đến thế. Quan trọng là mọi người trải nghiệm và trưởng thành từ những trải nghiệm mà thôi”.

Tôi ít nhiều tin vào điều anh nói. Có thể cả hai chúng tôi đang cùng giải thiêng danh hiệu “nghệ sĩ” bởi tin rằng, hơn bất cứ yếu tố nào khác, cốt lõi của nghệ thuật là tinh thần sáng tạo nguyên thuỷ mà một người nắm bắt trong một khoảnh khắc. Trong giây phút ấy, mọi tính tiêu dùng rồi cũng tản mác đi thôi.

Thế là CON đã đi qua một chặng đường 9 năm, khởi đầu là những dự án cá nhân của nghệ sĩ thị giác Cao Hoàng Long cho đến giờ đây khi anh mang CON ra giới thiệu trước công chúng. Tôi tự hỏi năm, bảy năm nữa, CON có giới hạn những chủ điểm sáng tạo của anh không? Nhưng Cao Hoàng Long không băn khoăn nhiều về lẽ ấy.

“Ngay từ khi sáng lập, CON đã có một tầm nhìn mở. Không nhất thiết phải là con người, CON cũng có thể là con vật, ‘con chó’, ‘con mèo’, hay ‘conversation’, contemporary’. Đó là điểm xuất phát để tôi quan sát bối cảnh của thời đại và trình hiện những tri nhận riêng của mình”.

Câu kết ấy là đủ cho cuộc hội thoại của chúng tôi, để thấy rằng hành trình sắp tới của CON hãy còn nhiều điểm giao và những cuộc chơi đầy hứa hẹn. Cũng để thấy, bản năng sáng tạo của anh, của CON và của chúng ta cởi mở đến vô biên.

Nghệ sĩ thị giác Cao Hoàng Long, Founder “CON”, trên chiếc thảm CON do anh sáng tạo.