Pop art – Không chỉ là công cụ thương mại vô cảm

“Tôi nên nên cảm thụ hội họa theo phương diện nào nhỉ? Bằng cảm xúc hay kỹ thuật của ông họa sĩ?”

Marilyn in the Sky bởi James Gill, 1999

Sự ra đời của Nghệ thuật đại chúng

Trở lại những năm 1950, một nhóm nghệ sĩ chán ngấy việc đến bảo tàng hội họa và không thể tìm sự đồng cảm qua những bức tranh, những tác phẩm thật “đời”, đại diện cho lối sống thường ngày của con người. Khi ấy, trào lưu Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng (Abstract Expressionism) phát triển mạnh ở Mỹ. Hầu hết các tác phẩm đều mang chiều sâu, đa nghĩa và được phủ bởi lớp “hung hăng” và “phẫn nộ” của tâm lý con người, vì sở dĩ, Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng khởi thủy từ châu Âu vào giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ 2 đầy tăm tối. 

Nhưng về sau, khi nền kinh tế Mỹ phát triển và những “cuồng nộ” dần mất đi sự đồng cảm, họ chẳng thể tìm được sự quen thuộc trong các tác phẩm nổi tiếng đương thời. Từ đó, Pop art (Popular Art – Nghệ thuật Đại chúng) ra đời với mong muốn khai thác đời sống con người, các yếu tố như văn hóa đại chúng, truyền hình hay quảng cáo thương mại, truyện tranh, thiết kế nội thất hay cả giới giải trí. Đây là một trường phái nghệ thuật mới đầy sống động, bão hòa, mỉa mai hay thậm chí hung hãn hơn. 

Campbell’s Soup Cans bởi Andy Warhol, 1962

Song, Pop art vẫn bị gắn mắc “thực dụng”, “thương mại” hay nhận nhiều quy xét như bức tranh nghị luận xã hội đầy “xôi thịt”. Harold Rosenberg, một nhà phê bình có sức ảnh hưởng đến lĩnh vực nghệ thuật đương đại bấy giờ đã mô tả “giống như một trò đùa kém hài hước”. Nhưng đời sống và nghệ thuật là hai khía cạnh không thể tách rời, cả hai đều là “nhựa sống” của nhau. Đi sâu hơn vào Pop art, ta lại nhìn thấy những trăn trở và suy tư của con người một cách chân thật hơn, không còn ranh giới “nàng thơ” cao quý hay nữ thần xinh đẹp, bất kể khía cạnh nào trong cuộc sống đều có thể trở thành nghệ thuật chất chứa dụng ý đầy cảm xúc. Nói đúng hơn, Pop art đã xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật cao cấp, thứ mà nhiều người cố “rặn óc” để thưởng thúc với suy nghĩ “nghệ thuật đều dành cho tất cả mọi người”.

Phá bỏ mọi ranh giới xã hội

Pop Art đã duy trì và phát triển tư tưởng từ phong trào Dada, tôn vinh những ý niệm và thông điệp đằng sau tác phẩm, thay vì phân chia khái niệm thấp kém, tầm thường. Tuy nhiên, Pop art mang đến sự tích cực hơn thay vì cố hạ thấp các giá trị truyền thống, như những Dadaist đã làm trước đó.

Tác phẩm  TÌNH YÊU mang tính biểu tượng của Robert Indiana, 1970

Tác phẩm nghệ thuật LOVE đã minh họa cho nỗi ám ảnh lấy cảm hứng từ nhạc Pop, Bức tranh ban đầu được vẽ bằng ba màu cơ bản của RGB (Đỏ, Xanh lục và Xanh lam). Các chữ cái được xếp chồng lên nhau để tạo thành từ thay vì viết ra hàng ngang và biến thể duy nhất của phông chữ nằm ở độ nghiêng của chữ “O”. Thông qua thiết kế, phông chữ mạnh mẽ, Indiana trích xuất bài bình luận xã hội của mình về mối quan hệ giữa văn hóa đại chúng và sự thương mại hóa tình yêu, đồng thời đại diện cho biểu tượng hòa bình trong Chiến tranh Việt Nam. 

Không chỉ đơn giản là những tác phẩm châm biếm đầy bắt mắt, Pop art đã sử dụng thế mạnh của mình, dễ hiểu, dễ cảm thụ, có độ tương phản cao, trực quan và hấp dẫn hơn để tiếp cận với công chúng và lan tỏa những thông điệp tích cực. Chúng đại diện cho tiếng nói của những cá nhân, nhóm người cần sự quan tâm và công nhận.

We can do it, tác giả J.Howard Miller, 1943

Ra đời năm 1943 do họa sĩ J.Howard Miller, tấm áp phích này còn có tên gọi khác là Rosie the Riveter. Từ cánh tay uốn cong mạnh mẽ, ánh mắt kiên định, đôi môi đỏ căng mọng nữ tính cho đến sự tương phản độc đáo của ánh sáng giữa nền vàng, tất cả như khiến chủ thể thêm nổi bật và tạo hiệu ứng thị giác bắt mắt. Tấm áp phích We can do it cũng từ đó mà trở thành biểu tượng chủ nghĩa nữ quyền của nước Mỹ nói chung và thế giới nói riêng. Song, thực chất, tấm áp phích này được sinh ra để gia tăng lực lượng lao động vào thời kỳ Thế chiến thứ 2, được một công ty sản xuất sử dụng nhằm nâng cao tinh thần của công nhân giữa thời kỳ chiến tranh tàn khốc. Mãi đến những năm 1980, tác phẩm gây nhiều hiểu lầm này mới được chú ý và quan tâm đến, khi làn sóng thứ hai của phong trào nữ quyền (Second-wave feminism) “dâng trào” đỉnh điểm. Thể hiện tinh thần nghệ thuật không thể bị gò bó bởi những quy tắc và nội dung đề ra sẵn, bằng đôi mắt và “nỗi niềm” riêng của người thưởng thức, mỗi tác phẩm sẽ được thấu hiểu theo những cách khác nhau. Cũng vì thế, đến tận ngày nay, vẫn chưa một tấm áp phích nào có thể vượt qua sự kinh điển của Rosie the Riveter trong phong trào nữ quyền.

I was a Rich Man’s Plaything bởi họa sĩ Eduardo Paolozzi, 1947

Tác phẩm I was a Rich Man’s Plaything lại mang đến không khí mê hoặc của nền văn hóa bấy giờ ở Mỹ và xu hướng Chủ nghĩa tiêu thụ dần xâm lấn đời sống được thể hiện qua chai Coca-Cola ở góc ảnh. Nhìn từ góc độ hiện đại, tác phẩm phản ánh các vấn đề nan giải liên quan đến bản chất phân biệt giới rằng, người phụ nữ chỉ được miêu tả như một đối tượng ham muốn tình dục của đàn ông và hình ảnh khẩu súng chĩa vào đầu người phụ nữ như lên án sự bạo lực của môi trường và xã hội ngày nay.

Tác phẩm Crying Girl bởi Roy Lichtenstein, 1964

Khi tạo ra tác phẩm nghệ thuật ấn tượng Crying Girl, Lichtenstein đã lấy cảm hứng từ bộ truyện tranh Secret Hearts năm 1963, khắc họa cuộc đấu tranh dưới vẻ hào nhoáng của một cô gái Mỹ thập niên 1960. Mặc dù cô ấy có vẻ ngoài xinh đẹp, nhưng bên trong lại ẩn chứa những cảm xúc đau khổ, dấu hiệu cho thấy cô ấy phải đấu tranh trong xã hội nam quyền bấy giờ, luôn đòi hỏi sự hoàn hảo từ các cô gái. Từ đó, cái nhìn căng thẳng và những giọt nước mắt là lối thoát cho cuộc chiền đầy đau khổ này.

Ignorance = Fear (vô minh = sợ hãi) bởi họa sĩ Keith Haring, 1989

Vào năm 1989, Keith Haring đã thiết kế ba tấm áp phích này cho Liên minh Giải phóng Sức mạnh Phòng chống AIDS (ACT UP). Bằng cách hiện đại hóa câu thần chú lâu đời không thấy điều ác, không nghe điều ác, không nói điều ác”, Haring phản ánh về sự nguy hiểm của sự im lặng trong đại dịch AIDS. Mặc dù chủ đề mang thông điệp nhân văn mang tính xã hội, tấm áp phích được thể hiện bằng tông màu đậm và tính thẩm mỹ đồ họa, chứng tỏ khả năng thích ứng vô tận của Pop Art, công cụ mở cửa thế giới nghệ thuật hội họa cho những người “bình thường”, họ có thể nhận ra thông điệp và đánh giá một tác phẩm nghệ thuật ngay khi tiếp xúc. Dù phản ứng tích cực hay tiêu cực, không còn ai phải cảm thấy bản thân “không sâu sắc” hay “kém hiểu biết” khi cố gắng cảm thụ một tác phẩm mà ai cũng cho rằng “đỉnh cao của hội họa”. 

Kết

“Making money is art and working is art and good business is the best art”– tạm dịch: kiếm tiền là nghệ thuật, làm việc là nghệ thuật, kiếm tiền tốt là đỉnh cao của nghệ thuật). Câu nói của Andy Warhol, một trong những họa sĩ nổi bật nhất của Nghệ thuật đại chúng với bức họa Marilyn Monroe kinh điển, như đại diện cho giới nghệ sĩ theo trường phái Pop art. Họ như những kẻ “chân chạm đất” với nhu cầu bộc lộ suy nghĩ, phản ánh xã hội và sống thật. Họ không cố biến mình thành người làm nghệ thuật lãng mạn, mà như một “kẻ ác” chấp nhận thể hiện với thế giới rằng mình “ác”. Cũng nhờ thế, dòng chảy của lịch sử hội họa có thêm những nhánh mới, những kẻ dị biệt và tôn thờ sự thật không hào nhoáng, như cuộc sống có những kẻ mơ mộng nhưng không thể thiếu những người sống lý trí. 

Bài: Hà Chu