Phục trang bản ngã trong văn học mạng – Nhìn từ một số thể loại

Diện mạo của các thể loại văn học ngoại biên trong mối liên hệ với ý thức phục trang bản ngã trên không gian mạng, dưới ngòi bút lý luận của tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu – nhà nghiên cứu văn học và còn được biết đến với bút danh dịch thuật là Hải Ngọc, An Vân.

1. Bản ngã như là kết quả của sự phục trang

Khái niệm “phục trang bản ngã” (self-fashioning) được đề xuất lần đầu tiên bởi nhà nghiên cứu Stephen Greenblatt thuộc Đại học Harvard, Hoa Kỳ trong chuyên luận – “Renaissance Self-Fashioning: From More to Shakespeare” (Sự phục trang bản ngã ở thời đại Phục hưng: từ More đến Shakespeare, 1980). Ở công trình nghiên cứu gây nhiều ảnh hưởng này, Greenblatt đã phân tích cách mà bộ phận thuộc tầng lớp trên ở nước Anh thế kỷ XVI kiến tạo căn tính và mặt nạ công cộng (public personae) theo những chuẩn mực xã hội như thế nào. Không phải ngẫu nhiên ông lại sử dụng động từ “phục trang” để mô tả quá trình tạo hình bản sắc của con người thời bấy giờ bởi công việc này bắt đầu từ việc người ta phải ăn mặc sao cho tương xứng với địa vị và đẳng cấp của mình. Nhưng không chỉ được dùng với nét nghĩa về sự tạo hình bề ngoài, ở thế kỷ XVI, từ này còn thể hiện việc con người tạo cho mình “một tính cách đặc thù, một cách đặc trưng để thể hiện bản thân trong thế giới, một phương thức nhất quán trong nhận thức và ứng xử”[1]. Có nghĩa là, “phục trang” ở đây còn bao hàm những phương diện khác như học vấn, nghi thức giao tiếp, phong thái, thị hiếu, v.v.. Như thế, “phục trang” chính là một thực hành văn hóa của con người.

Theo sau Hans Holbein the Younger, “Chân dung của Henry VIII” (sau năm 1537), sơn dầu trên canvas, thuộc BST của Phòng trưng bày Nghệ thuật Walker, Liverpool, Anh. “Chân dung của Henry VIII” nguyên gốc được Hans Holbein the Younger thực hiện vào khoảng năm 1536 – 1537, vốn là bức tranh tường đại diện cho triều đại Tudor, tại Cung điện Whitehall, Westminster (Anh); tuy nhiên đã bị thiêu rụi do hỏa hoạn vào năm 1698. Tác phẩm của Hans Holbein the Younger được thế hệ sau biết đến thông qua nhiều bản sao, là một trong những bức chân dung quân vương nổi tiếng nhất của Anh, và là hình ảnh mang tính biểu tượng nhất của Vua Henry VIII. Nguồn: en.wikipedia.org

Greenblatt từ chối xem bản ngã (self), căn tính cá nhân (individual identity) như một cái gì tự nhiên, nằm sẵn trong mỗi con người mà cũng là một ý niệm được kiến tạo, được “phục trang” trong những ngữ cảnh văn hóa nhất định. Văn hóa, theo ông, cần được nhìn nhận như sau: “Toàn bộ những niềm tin và các hoạt động hình thành nên một nền văn hóa nhất định đóng vai trò như một thứ công nghệ kiểm soát bao trùm tất thảy, một tập hợp các giới hạn mà các hành vi xã hội phải được bao hàm trong đó, một danh mục những mô hình mà mỗi cá nhân phải thích ứng theo. Các giới hạn này không nhất thiết phải hẹp… song không thể rộng vô bờ bến được và hậu quả của việc vượt quá các giới hạn này có thể rất nghiêm khắc”[2]. Bản ngã cá nhân, theo đó, được kiến tạo  vừa như là nỗ lực để thích nghi với những giới hạn, khuôn mẫu mà văn hóa áp lên mình, lại vừa như là sự kháng cự, bất tuân những giới hạn, khuôn mẫu ấy. Greenblatt đã nhìn ra mâu thuẫn nội tại của văn hóa thời kỳ Phục hưng: một mặt, thời đại này vừa có những khoảng tự do cho phép con người có những lối nghĩ khác, lối sống khác, có sự linh động trong mối quan hệ giữa các tầng lớp và địa vị xã hội, mặt khác, lại vừa có những sức mạnh muốn hạn chế, kiềm tỏa, thậm chí phá hoại những khả năng khác ấy. Việc phục trang cho bản ngã là một hành động thương lượng liên tục giữa những mâu thuẫn, xung đột này. Nó vừa là sự phục tùng những quy ước, chuẩn mực văn hóa, để có thể được thừa nhận nhưng cũng vừa là sự bất tuân, khiêu khích với những giá trị áp đặt, để thể hiện quyền tự do cá nhân. Một xã hội cởi mở với sự phát triển của cá nhân, không thể chỉ dùng sức mạnh của nó, qua các thiết chế, các chuẩn mực, để buộc cá nhân phải quy phục; nó còn cần cả sự độ lượng, rộng rãi để dung nhận sự dám lệch chuẩn, dám khác biệt của các cá nhân.

“Thời trang không phải là thứ chỉ tồn tại trong trang phục. Thời trang ở trên bầu trời, trên đường phố. Thời trang liên quan đến ý tưởng, cách chúng ta sống, những gì đang diễn ra” – Coco Chanel

Cách tiếp cận của Greenblatt về bản ngã cá nhân, như đã nói đến ở trên, có sức gợi mở lớn đối với giới nghiên cứu. Phục trang cho bản ngã không chỉ là một hiện tượng ở thời Phục hưng mà cần phải xem nó như một khía cạnh quan trọng của thời hiện đại. Nó thậm chí còn được xem được như một “thứ nghệ thuật vĩ đại và hiếm hoi”, như Nietzsche đã khẳng định trong tác phẩm “The Gay Science” (Khoa học vui). Theo ông, ở thứ “nghệ thuật” đặc biệt này, những bậc thầy của nó “đã tìm hiểu tất cả điểm mạnh và điểm yếu trong bản chất của mình, rồi sau đó lắp chúng vào một bản kế hoạch nghệ thuật, cho đến khi mọi điểm mạnh/yếu ấy hiện ra như là nghệ thuật”[3]. Sáng tạo bản ngã là một lao động cũng đòi hỏi sự tinh tế, công phu, và đặc biệt, là tính thẩm mỹ. Nhà nghiên cứu triết học Costica Bradatan có lý khi cho rằng giữa việc sáng tạo bản ngã và sáng tạo văn chương có sự tương đồng sâu sắc[4]. Bản thân ông đã vận dụng khái niệm này để phân tích các triết gia tử đạo đã bản lĩnh, táo bạo và thách thức như thế nào khi dùng chính cái chết của mình để phục trang cho bản ngã, thậm chí, xa hơn thế, biến điều này trở thành tác phẩm lớn nhất của đời mình, có thể gây ảnh hưởng và sức lan tỏa lâu dài đến hậu thế.

Văn học và sự phục trang bản ngã có mối liên hệ mật thiết với nhau. Greenblatt viết: “Văn học hành chức trong hệ thống này [quá trình kiến tạo bản ngã của một cá nhân trong mối tương tác qua lại với văn hóa – T.N.H] theo ba cách đan cài chặt chẽ với nhau: như là sự biểu hiện hành vi cụ thể của tác giả; như là sự biểu đạt những mã chi phối hành vi ấy; như là sự suy tư về chính những mã ấy”[5]. Hiểu như vậy, viết văn, trước hết, thể hiện tham vọng kiến tạo cái tôi của người viết. Ý niệm này có phần gần gũi với một thuật ngữ vốn được sử dụng khá nhiều trong nghiên cứu thi pháp học ở Việt Nam – “hình tượng tác giả”. Thuật ngữ này muốn nói đến “sự tự ý thức của tác giả về vai trò xã hội và vai trò văn học của mình trong tác phẩm, một vai trò được người đọc chờ đợi”[6]. Vai trò đó được tác giả bộc lộ qua tư thế mà anh ta thấy mình trong thế giới, qua những động tác, điệu bộ, phong thái được phô diễn trong tác phẩm, qua giọng điệu mà anh ta muốn nói với thế giới, với người đọc tiềm ẩn. Tất cả những điều này, đến lượt chúng, lại bị quy định bởi những ngữ cảnh văn hóa. Thí dụ, trong văn học trung đại, khi soạn một bài cáo, người viết luôn phải ý thức về vai “quân vương” mà mình sắm và vai trò này có những bắt buộc đối với sự tự trình hiện (self-representation) về khẩu khí, về tư thế giao tiếp trước bàn dân thiên hạ. Trong văn học lãng mạn, hình tượng tác giả là cái tôi tự ý thức về tính cá biệt, độc đáo của mình và cái làm nên tính cá biệt, độc đáo ấy, quan trọng hơn hết, là cảm giác, cảm xúc của con người. Những trạng thái cảm xúc vu vơ, mơ hồ, không mục đích, vốn ít khi được xem là những yếu tố cần phô diễn trong thơ ca trung đại, giờ đây lại thành “chất liệu” đặc biệt để tạo hình cái tôi. Giống như một diễn viên trên sân khấu, khi tác giả ý thức được “vai” mình phải “đóng” trong tác phẩm mình viết, anh ta hiểu mình cần phải nương theo những “kịch bản”, những “chỉ dẫn sân khấu” nhất định – những ẩn dụ cho các quy ước, chuẩn mực của một ngữ cảnh văn hóa – để có thể tròn vai. Nhưng để có dấu ấn cá nhân, anh ta cũng phải hiểu mình có những quyền tự do nhất định trong sự thể hiện vai diễn đó, có như thế, hình tượng của anh ta mới có sức hấp dẫn đối với công chúng.

Henry Frederick (1594 – 1612), Hoàng tử xứ Wales; cùng với Ngài John Harington (1592 – 1614), tại cánh đồng săn bắn. Hoàng tử trẻ Henry đang tra kiếm vào vỏ trong khi người bạn đồng hành của anh, Ngài John Harington, tay giữ gạc nai. Bức tranh thực hiện bởi Robert Peake the Elder, khoảng năm 1603, mô tả cảnh săn bắn của hoàng gia, mô phỏng theo phong cách mà các nghệ sĩ người Hà Lan và Đức thiết lập trước đó. Nguồn: metmuseum.org

Mặc dù có nhiều nét tương đồng nhưng chúng tôi nghĩ khái niệm “phục trang cho bản ngã” vẫn có những điểm khác biệt quan trọng so với khái niệm “hình tượng tác giả”. Thứ nhất, phạm vi ứng dụng của khái niệm đầu rộng hơn: trong khi khái niệm “hình tượng tác giả” chỉ gắn với các văn bản văn học thì khái niệm “phục trang bản ngã” có thể được dùng để tiếp cận nhiều loại hiện tượng văn hóa hơn. Chẳng hạn, hoàn toàn có thể dùng khái niệm này để nghiên cứu các hình thức khẳng định cá tính của giới trẻ đô thị như cách ăn mặc, xăm trổ, điệu bộ, gu thẩm mỹ, v.v.. Khi nghiên cứu văn học ở thời điểm này chuyển hướng theo khúc ngoặt văn hóa, một khái niệm có phổ áp dụng rộng như vậy tiềm tàng khả năng trở thành một khái niệm công cụ hiệu quả. Thứ hai, khái niệm mà Greenblatt đề xuất là một cách tiếp cận độc đáo về “bản ngã”. Không những nó cho thấy bản ngã là một ý niệm mang tính nhân tạo, là một “sản phẩm văn hóa” được làm ra, mà còn cho thấy sản phẩm ấy được làm bằng những “chất liệu” nào. Những “chất liệu” này nhiều khi là những yếu tố rất vật chất, hữu hình như thời trang, phương tiện đi lại, không gian sinh hoạt, thậm chí cả các loại bệnh tật… Một khi nhận thức được tính chất nhân tạo của ý niệm bản ngã, người ta có thể giải phóng mình khỏi những cảm quan tiền định về nó, sẽ ý thức được thứ tự do mà mình có để sáng tạo chính mình, tìm thấy nhiều khả thể của mình. Và người ta có thể thực hiện điều này bằng việc thay đổi, làm mới những “chất liệu” cấu thành nên bản ngã. Đấy chính là cách thương thỏa giữa ta và các diễn ngôn về căn tính, các chuẩn mực, khuôn phép xã hội. Thí dụ, trong cuốn “Fashion: Very Short Introduction” (Dẫn luận về thời trang), tác giả Rebecca Arnold đã đưa ra nhiều dẫn chứng rất sinh động trong lịch sử để cho thấy người ta có thể dùng trang phục để tạo nên những căn tính mới, thách thức những phân định về văn hóa xã hội như thế nào, từ việc những người đàn ông ăn mặc theo phong cách Macaroni ở châu Âu thế kỷ XVIII vốn diêm dúa, sặc sỡ, qua đó xúc phạm những hình mẫu về nam tính, đến việc phụ nữ mặc quần dài hồi đầu thế kỷ XX, qua đó phá vỡ những định kiến về tính nữ cũng như giai cấp[7]. Khái niệm “phục trang bản ngã” có lẽ càng trực quan hơn trong thời đại internet. Đó là lý do mà bài viết này sử dụng nó làm một khái niệm công cụ để tiếp cận một số hiện tượng văn học mạng.

2. Phục trang bản ngã và văn học mạng

Sự ra đời và phát triển của internet từ những năm cuối thế kỷ XX đã làm thay đổi ngoạn mục cảnh quan văn hóa của nhân loại. Những tác động ấy khó liệt kê xong xuôi được nhưng ở bài viết này, chúng tôi chỉ nhấn mạnh vào một khía cạnh: internet dẫn đến sự ra đời của các mạng xã hội và điều này làm lung lay, nếu không muốn nói là phá vỡ, sự độc tôn của các không gian công (public sphere) truyền thống và chính mạch, tạo ra một không gian rộng rãi chưa từng có trong lịch sử văn hóa về tự do biểu đạt của các cá nhân. Không cần phải qua các trung gian được bảo đảm nhưng đồng thời cũng chịu sự kiểm duyệt bởi các thiết chế xã hội như báo chí, xuất bản, các giải thưởng, v.v., mỗi cá nhân giờ đây có thể trở thành chủ nhân của một kênh truyền thông, tự xây dựng uy tín hay sức hấp dẫn của bản thân qua các bài viết, các hình ảnh mình đăng tải, các tin tức mình đưa ra, bình luận, từ đó, tăng quyền (empower) cho mình, tạo ra thế đối xứng với các kênh truyền thông khác, kể cả các kênh chính thống. Không phải ngẫu nhiên mà năm 2006, báo Times đã chọn YOU – những người sử dụng những tiện ích của mạng như Youtube, blog, Facebook, v.v. như một kênh truyền thông cá nhân, độc lập – là nhân vật của năm, nhân vật tạo được những ảnh hưởng mạnh nhất đến thế giới, chứ không phải là một chính trị gia, một lãnh tụ tôn giáo, một chủ tập đoàn lớn, hay một nghệ sĩ.[8]

Mạng cũng chính là không gian dành cho sự phục trang bản ngã. Khi giao tiếp trên mạng, mỗi cá nhân, trên thực tế, đều phải tạo hình cho cái tôi của mình: chọn một biệt hiệu, chọn một hình ảnh đại diện, đăng một dòng tâm sự, đưa ra một lời bình luận. Lượt tương tác, bấm “like”, chia sẻ của người theo dõi mình dễ kích thích người ta làm thế nào để hình ảnh của mình được chú ý hơn, được ưa thích hơn, gây ấn tượng hơn. Điều này tạo ra quyền lực và cả lợi nhuận cho người tham gia mạng xã hội. Các KOL (key opinion leader) – một thuật ngữ chỉ những người có khả năng dẫn dắt dư luận, tạo các xu hướng trên mạng từ gu ăn uống, thời trang, du lịch cho đến các quan điểm về các vấn đề xã hội – vừa là những hình tượng quyền lực trong truyền thông, vừa là những người có thể kiếm được tiền từ sức ảnh hưởng của mình, bởi lẽ mạng xã hội giờ đã trở thành công cụ quảng cáo hiệu quả. Nền tảng kỹ thuật của các trang mạng cho phép ta có thể ưu tiên cách thức nào để phục trang bản ngã: nếu như các blog thuận lợi hơn cho việc viết lách thì Instagram là nơi người ta có thể thu hút sự chú ý của người khác qua các hình ảnh mình đăng tải, và Youtube là nơi ta có thể phô diễn mình qua các clip, hình ảnh động hay phim ngắn… Bằng việc hiện diện trên mạng xã hội, mỗi người có quyền chọn một điểm nhấn ở bản thân, khuếch trương nó lên như là một phương diện bản sắc cá nhân để hấp dẫn người khác. Đó có thể là vẻ đẹp ngoại hình, cá tính độc đáo, tài lẻ đặc biệt, chính kiến sắc sảo, trải nghiệm phong phú, v.v.. Chính bởi tính nhân tạo quá rõ nét của cái tôi trên mạng này mà người ta vẫn thường định kiến “mạng là ảo”. Nhưng xét đến cùng, ở không gian nào, con người cũng phải phục trang cho bản ngã.

Họ sống đời sống văn chương của mạng, viết trên mạng, vận dụng ưu thế kĩ thuật của Internet, xử lí thông tin trên mạng, tương tác trên mạng, tồn tại trên mạng, buồn vui trên mạng, hi vọng hay thất vọng cũng trên mạng… ” – Inrasara

Văn học dĩ nhiên không khước từ những khả năng mà internet và mạng xã hội tạo ra. Khái niệm “văn học mạng” ra đời trước hết như là kết quả của việc người viết tận dụng những ưu thế của internet cho hoạt động sáng tác, công bố và truyền bá tác phẩm của mình: điều kiện xuất bản tự do, độc lập; khả năng truyền bá nhanh chóng, rộng rãi, sự tương tác tiện lợi khiến mối quan hệ giữa độc giả và người viết trở nên gắn bó hơn, tạo nên những tiêu chí đánh giá mới, không phụ thuộc vào quyền uy của phê bình chuyên nghiệp, nền tảng kỹ thuật số cho phép người viết có thể tìm tòi những hình thức biểu đạt mà in ấn truyền thống không gợi ý được. Nhưng văn học mạng nên được định nghĩa thế nào? Trong những tranh luận sôi nổi nhất về văn học mạng cách đây hơn 10 năm, khi văn học mạng trở thành một hiện tượng thời sự với sự ra đời của các tạp chí văn chương điện tử, với ý hướng tạo ra những cách tân thẩm mỹ, và ở cực kia là sự xuất hiện của một số cây bút với những cuốn sách có xuất xứ từ blog cá nhân, cùng với làn sóng dịch thuật các tiểu thuyết mạng từ Trung Quốc, hướng đến thị hiếu đại chúng, đặc trưng của nó thường được nhận diện trong sự đối lập với văn học được in trên giấy. Chẳng hạn, Inrasara cho rằng văn chương mạng phải là sáng tác của “các tác giả chỉ muốn xuất hiện trên mạng… Họ sống đời sống văn chương của mạng, viết trên mạng, vận dụng ưu thế kĩ thuật của Internet, xử lí thông tin trên mạng, tương tác trên mạng, tồn tại trên mạng, buồn vui trên mạng, hi vọng hay thất vọng cũng trên mạng… Họ là công dân mạng toàn phần. Và có thể nói đây là thứ văn chương mạng đúng nghĩa, khác hẳn các sáng tác được đăng trên mạng. Văn chương mạng khi in ra giấy sẽ mất đi hơi thở đời sống mạng và giảm “giá trị đích thực” của nó không ít!”[9].  Nhưng chính đời sống của văn học đương đại khiến ta cần phải nhìn nhận lại mối quan hệ giữa mạng và sách giấy. Đó là mối quan hệ cộng sinh thay vì đối lập, nhất là nhìn từ hành vi phục trang cho bản ngã. Thu hút độc giả mạnh bậc nhất vào thời điểm này là các tác giả mà hình ảnh của họ trên mạng xã hội tạo được chú ý lớn đối với công chúng, nhất là lớp trẻ. Họ biết “phục trang cho bản ngã” của mình theo những cách để công chúng không dễ quên trong thời đại bão lũ thông tin. Có thể thấy ngay qua cách họ tự giới thiệu về mình trên truyền thông: một thư sinh lịch lãm, phong lưu, giàu cảm xúc (Anh Khang), một cô gái tự tin về vẻ “xấu lạ” của mình (Mèo Xù), một kẻ “ngoại hình tầm thường, tính khí thất thường, đi trên dây thành thạo” (Lu), một cô gái tự nhận mình là “Ta ba lô”, có nhiều trải nghiệm về du lịch (Đinh Hằng), hay thậm chí một người có khả năng kể những chuyện cười “bậy”, “bựa” (Song Hà)… Theo những cách khác nhau, họ nhấn mạnh “đặc điểm nhận dạng” của họ trong thế giới mạng, trong đó, nét khác biệt, lập dị, sự bất cần, tuyên ngôn sống khiêu khích… không phải là những điểm cần nén giấu mà trái lại, có thể biến thành những điểm thu hút sự chú ý. Việc họ xuất bản những gì đăng tải trên trang cá nhân của mình thành sách cũng nằm trong dự phóng phục trang cho bản ngã đó. Khi xuất bản sách, ngoài việc những tác giả này phải chấp nhận kiểm duyệt ở mức độ nhất định, thì cũng có thể coi đây là cơ hội để họ chỉnh sửa lại “trang phục” mà họ mặc cho bản ngã của mình, khiến hình ảnh ấy hấp dẫn hơn, lôi cuốn hơn đối với công chúng. Sách ở đây là phương tiện để mở rộng thêm sức ảnh hưởng của họ.

Anh Khang, “Trời vẫn còn xanh, em vẫn còn anh”. Nguồn: Fahasa

Phục trang bản ngã có thể xem yếu tố nằm sâu trong tâm lý sáng tác của những tác giả văn học mạng, trong đó có việc lựa chọn thể loại. Thể loại, từ góc độ này, được tiếp cận như là phương thức để người viết xây dựng hình ảnh, biểu đạt cái tôi của mình một cách ấn tượng và thuyết phục nhất đối với công chúng nhất. Điểm đáng lưu ý là rất nhiều các tác giả nổi bật của văn học mạng gần đây tuyên bố họ không phải là nhà văn, cuốn sách của họ không phải là văn học. Những tuyên bố ấy, một mặt, cho thấy họ mang một tâm thế nhẹ nhàng trong việc viết lách, không mang theo mình những trách nhiệm lâu nay thường được gắn cho văn học như là thiên chức, sứ mệnh của nó. Viết, đơn giản, là một hứng thú cá nhân để trưng diện cái tôi của mình, bên cạnh nhiều cách để trưng diện khác: cái tôi ấy có thể với ai đó là nhạt nhẽo hay thú vị, nhưng trước hết, việc biểu đạt nó là niềm vui của người viết. Mặt khác, họ tuyên bố vậy bởi nhiều người trong số họ lựa chọn các thể loại lâu nay thường bị xem là ngoại biên, thậm chí là cận văn học (như truyện tranh), nhưng vì thế lại khiến họ thoải mái, tự do hơn trong việc biểu đạt. Trong bài viết này, chúng tôi lựa chọn ba thể loại, là tản văn, truyện tranh và thơ, phân tích diện mạo của chúng trong mối liên hệ với ý thức phục trang bản ngã trên không gian mạng. Sự lựa chọn này có lý do: một thể loại hiện đang phát triển sung sức nhất (tản văn); một thể loại nhờ sự lan tỏa của không gian mạng trở thành một hiện tượng rất cần quan tâm trong đời sống văn hóa trẻ (truyện tranh); và một thể loại mà sự cộng hưởng với không gian mạng đã khiến sinh mệnh của nó có những biến động thú vị (thơ).

Thơ của Lu từ Writings from Lu (Facebook)

2.1. Tản văn

Tản văn có thể xem là thể loại đang giữ vị trí chủ lực của văn học mạng, nếu căn cứ vào các đầu sách được xuất bản và bán chạy, dù nó không phải là thể loại được khai sinh từ mạng. Thể loại này, theo chúng tôi, thỏa mãn nhu cầu phục trang bản ngã ở thời đại internet bởi hai đặc điểm. Thứ nhất, tản văn là thể văn xuôi tự do nhất: nó hầu như không đặt ra bất cứ quy phạm nào về đề tài, kết cấu, bút pháp, giọng điệu. Phẩm chất tự do này cho phép người viết có thể tùy biến với thể loại để biểu đạt bản thân, giống như người ta có thể phối đồ một cách phóng túng, linh hoạt nhất trên cơ sở những trang phục và phụ kiện có sẵn. Thêm nữa, phẩm chất tự do này còn bắt nguồn từ chỗ tản văn vốn là một thể loại “hầu như bị lãng quên” trong thế kỷ XX, không được quan tâm miêu tả trong bất cứ công trình văn học sử nào và cũng không được chú ý nghiên cứu từ góc độ lý thuyết[10]. Địa vị “ngoại biên” này của tản văn lại tương thích với tâm thế giải nghiêm trọng hóa đối với việc viết lách của nhiều tác giả. Những tên gọi khác nhau dành cho thể loại này như nhàn đàm, phiếm luận, tạp bút, tản mạn, v.v. phần nào cho thấy với nhiều người viết, tản văn giống như một thể “văn chơi”. Thứ hai, tản văn được xem là một thể văn phi hư cấu (non-fiction). Có vẻ như nghịch lý song trên chính không gian được coi là “ảo” này, cái thật, cái thực lại là yếu tố gây hấp dẫn lớn nhất. Sự phát triển của công nghệ càng ngày càng tạo điều kiện để những người tham gia mạng xã hội trình diễn “sự thật”. Chẳng hạn, một ứng dụng như livestream khiến ta không chỉ nghe, nhìn “cái thật” mà còn có thể trực tiếp tương tác với nó. Đối với hoạt động viết lách, tính chất cởi mở, tự do của không gian mạng cũng khiến người viết muốn dùng tản văn để thể hiện “cái thật” nhất của mình. Cái “thật” ở đây nên được hiểu như là hiệu quả của sự “phục trang bản ngã”, giống như trong nghệ thuật hóa trang, kẻ thành công nhất là kẻ có mặt nạ mà người khác thấy “giống thật” nhất. Các tác giả cũng thường phát triển bài tản văn của mình trên nền các thể loại lời nói vốn được xem là bảo đảm cho “sự thật” như nhật ký, thư từ, hồi ức…

Nhìn từ khía cạnh “phục trang bản ngã”, tản văn mạng hiện nay nổi lên một số “vai” mà các tác giả muốn sắm. Có lẽ bắt đầu từ hiện tượng gây nhiều chú ý – “Ký ức vụn” của Nguyễn Quang Lập (xuất bản lần đầu vào năm 2009), một dòng tản văn mạng có lối viết gần với giai thoại hay tiểu phẩm, chính thức hiện diện và tạo thành một vệt ấn tượng cho đến bây giờ, mà ta có thể nhắc thêm một số tên tuổi khác như Võ Tòng Đánh Mèo (nickname/bút danh của Đinh Long), Song Hà (nickname: Boy Già), Đinh Vũ Hoàng Nguyên (nickname: Thầy bói già), v.v.. Ở dòng tản văn này, tác giả chủ ý xây dựng hình tượng của mình như là một người tếu táo, thích bông đùa, cà khịa.

khovanbolap.blogspot trích dẫn từ blog của nhà văn Nguyễn Quang Lập và bìa sách “Ký ức vụn”

Mạng được họ hình dung như một không gian thân mật, nơi họ có thể giao tiếp với người đọc như bạn bè một cách dân chủ, bình đẳng, suồng sã. Nguyễn Quang Lập từng gọi blog của ông là “chiếu rượu quê choa” – một hình ảnh tự nó đã gợi ra một không gian giao tiếp giữa những người bằng vai, nơi họ có thể trò chuyện bằng một thứ ngôn ngữ thù tạc kiểu “chén chú chén anh”, không phải khách khí, câu nệ. Lớp khẩu ngữ sống động, luôn cập nhật những từ khóa thời sự, những thành ngữ thời thượng, đặc biệt, không ngại những cách diễn đạt “bậy”, “bựa”, “lầy”… cho thấy tinh thần carnival (lễ hội hóa trang) đậm đặc trong dòng tản văn này. Có một lưu ý ở đây: nhiều người gọi những bài văn được công bố trên mạng rồi đưa vào sách của những tác giả này là truyện ngắn trào phúng. Nhưng chúng tôi cho rằng chúng nghiêng về tính chất tiểu phẩm nhiều hơn: về mặt nội dung, chúng đa phần xoay quanh các sự kiện mà các tác giả thường cam đoan là “chuyện thật” của mình; về mặt dung lượng và cấu trúc, chúng thường ngắn, thường xoay quanh một tình huống nảy sinh trong đời sống thường nhật, về cách kể chuyện, chúng có thể làm ta liên hệ đến hình thức tấu hài vốn khá phổ biến trên truyền hình hiện nay. Song xét về mặt nguyên mẫu, hình thức phục trang bản ngã của các tác giả tản văn thuộc dòng mạch này lại gần với các nhân vật nói trạng, nói khoác, nói nhại… trong văn học dân gian truyền thống. Đó là những nhân vật “bịa chuyện như thật” nhưng vô hại, nói nhảm nhưng vui, chọc cười nhưng có duyên, không làm tổn thương ai, và khi can đảm, cũng có thể dùng khả năng hài hước của mình để chỉ trích, phê phán. Nhu cầu đùa vui, giải bỏ áp lực cũng như cấm kỵ trong đời sống khiến thời hiện đại cũng cần những nhân vật như vậy. Mạng đã trở thành không gian carnival cho sự tái diễn của các nguyên mẫu văn hóa dân gian này, tất nhiên, trong những diện mạo mới.

Một dòng mạch khác cũng rất nổi bật trong tản văn đương đại mà chúng tôi tạm đặt tên là dòng tản văn trải nghiệm. Ở dòng tản văn này, cái tôi tác giả thường được phục trang trong hình ảnh của một người có sự nếm trải, có thực tế ở một số lĩnh vực: du lịch, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm khởi nghiệp, tâm lý lứa tuổi, tình yêu, hôn nhân, thậm chí cả về bệnh tật, v.v.. Mạng xã hội cho phép họ thể hiện được “thực tế” mà họ có thông qua hình ảnh và nhất là qua câu chuyện cá nhân mà họ kể. “Thực tế” được trải nghiệm khiến tác giả tản văn có thẩm quyền để có thể tư vấn cho người khác về những vấn đề họ phải đối mặt, hay khơi gợi sự đồng cảm đón nhận từ công chúng. Các lời khuyên, triết lý của họ thường được biểu đạt dưới những hình thức ngắn gọn, dễ nhớ, dễ gây chú ý, mang dáng dấp của các các khẩu hiệu (slogan) mà độc giả của họ có thể vay mượn để đăng lại như là cách thể hiện quan điểm sống của mình. Thí dụ: “Không xinh, không thông minh, không bất bình thế giới” (Phan Ý Yên), “Không có trải nghiệm, tuổi trẻ không đáng một xu” (Phi Tuyết), “ Yêu thì có thể nhiều lần, nhưng sống thì chỉ có một lần thôi. Yêu lầm thì yêu lại, nhưng sống sai thì không có một cuộc đời thứ hai để làm lại đâu” (Anh Khang), v.v.. Có thể đặt ra một giả thiết ở đây: lối biểu đạt đó có mối liên hệ mật thiết với công nghệ sản xuất nội dung truyền thông – một lĩnh vực thương mại đang phát triển rất năng động hiện nay ở Việt Nam nhưng điều này cũng cần chứng minh thêm. Trong cách phục trang cho bản ngã của những tác giả ở dòng tản văn này, những chi tiết cá biệt trong tiểu sử hay cá tính vốn thường bị xem là lệch chuẩn so với những khuôn mẫu đạo đức truyền thống, thậm chí bị xem là những chuyện không nên công khai, phơi bày để thiên hạ biết, lại được nhấn mạnh: một phụ nữ say mê đi phượt, làm mẹ đơn thân và sẵn sàng đưa con mình khi mới ba tuổi cùng phiêu lưu trên những cung đường (Yếm Đào Lẳng Lơ – “Gái phượt”); một cô gái từng trải qua trầm cảm, mang tâm lý “Tôi muốn sống nhưng cuộc sống đang giết chết tôi” (plaaastic – “Lỗi”); một cô gái du lịch nước Mỹ trong tâm trạng thất tình (Đinh Hằng – “Quá trẻ để chết”), v.v.. Những bài viết, câu chuyện của họ khi công bố rời trên mạng thiên về thể loại tản văn nhiều hơn nhưng khi in thành sách, lại thường được biên tập thành những tự truyện. Khi khắc họa những chi tiết lệch chuẩn vốn thường bị giấu đi khi tự thể hiện bản thân, cách phục trang bản ngã như vậy cho thấy một sự thách thức, hay giản dị hơn, một ý hướng thay đổi các diễn ngôn phổ biến về giới, về tuổi trẻ, về hạnh phúc… Ở thời điểm này, chúng tôi nghĩ đây là phương diện giá trị quan trọng nhất của dòng tản văn mạng này.

Anh Khang, “Người xưa đã quên ngày xưa” (2018), bìa và trang 181. Nguồn: Ngày trôi về phía cũ – Anh Khang (FB)

2.2. Truyện tranh

Truyện tranh cũng không phải là loại hình văn học được sinh ra từ môi trường mạng. Nhưng rõ ràng môi trường mạng, với nhiều ưu thế của mình, đã khiến truyện tranh ở Việt Nam có một sinh khí mà trước giai đoạn internet, rất khó đạt được: Mạng giúp những người ham mê truyện tranh tạo thành một cộng đồng, cùng thưởng thức, dịch thuật, chia sẻ tác phẩm, bàn luận, phê bình, thậm chí gây quỹ cho các dự án sáng tác. Các tác giả truyện tranh Việt Nam cũng thông qua mạng mà trực tiếp giới thiệu tác phẩm của mình, nhờ vậy, một thị trường tuy vẫn còn ưu tiên cho việc xuất bản các tác phẩm dịch nhưng giờ đã chú ý hơn đến các tác phẩm nội địa. Ở đây, cần phải lưu ý đến một thực tế: truyện tranh vốn thường được xếp vào nhóm “cận văn học”, tức các hiện tượng văn học pha tạp, có sự pha tạp giữa nghệ thuật ngôn từ và các phương tiện biểu đạt ngoài ngôn từ, phi văn học. Nhưng như Werner Wolf đã lưu ý, việc nghiên cứu văn học tại thời điểm này đang đứng trước “khúc ngoặt liên phương tiện” (intermedial turn)[11], theo đó, một khía cạnh quan trọng của khúc ngoặt này là không chỉ nên hiểu văn học như một nghệ thuật đơn phương tiện (ngôn từ). Ngay một số thể loại lớn của văn học như kịch, sử thi, thơ, v.v. vốn dĩ cũng đã sống đời sống của một thứ nghệ thuật đa phương tiện, khi nó kết hợp với ngôn ngữ của thân thể và bài trí sân khấu trong trình diễn, đi kèm với âm nhạc… Và bản thân nghệ thuật ngôn từ cũng tìm thấy được những ưu thế của mình, khắc phục những giới hạn trước đó của nó khi đặt trong mối quan hệ với các phương tiện ngoài ngôn từ. Truyện tranh, từ góc độ này, hoàn toàn xứng đáng được xem xét như một hiện tượng văn học đa phương tiện, mà ở đó, phần văn bản ngôn từ và văn bản hình ảnh đòi hỏi một sự cộng hưởng hiệu quả.

Truyện tranh ở Việt Nam hiện nay khá đa dạng về tiểu loại và khuynh hướng: manga – truyện tranh (“Địa ngục môn” – Can Tiểu Hy), graphic novel – tiểu thuyết truyện tranh (“Cửa sổ” – Tạ Huy Long), comic strip – tạm dịch truyện tranh chuỗi (“Đời về cơ bản là buồn cười” – Lê Bích, “Chuyện vặt của Múc” – Bích Ngọc, v.v.), comic books – tạm dịch truyện tranh hài hành động (“Nhật ký đầu gấu” – TéddiBe), v.v.. Từ khía cạnh phục trang bản ngã, bài viết này muốn bàn sâu hơn về hiện tượng comics.  Là thể loại truyện tranh vui nhộn, comics có phần tương đồng với dòng tản văn trào tiếu trên mạng mà trước đó chúng tôi đã mô tả. Comics ở Việt Nam có thể xem như một dạng tự họa hay nhật ký hàng ngày dưới hình thức chuỗi tranh. Các tác giả thường khai thác những câu chuyện bản thân, xung quanh những biến cố nho nhỏ trong đời sống thường nhật, từ chuyện thi lại, tán tỉnh, thất tình, xin việc, tăng cân, v.v. và kể lại bằng những hình vẽ hóm hỉnh, nghịch ngợm, có khi gây cảm giác nguệch ngoạc và bằng thứ ngôn ngữ đùa bỡn, lém lỉnh. Hình thức tự sự của các comic này có sự gần gũi nhất định với các sitcom – thể loại hài kịch tình huống vốn rất ăn khách trên truyền hình cũng như qua kênh Youtube. Nếu cách phục trang bản ngã ở comic có gì khác với tản văn trào tiếu thì trong cảm nhận của chúng tôi, nó nằm ở điểm này: cái tôi ở tản văn thường đặt mình trong những không gian bình dân, truyền thống hơn kiểu “chiếu rượu”, quán cóc, quán bia vỉa hè thì ở comics, do chủ yếu hướng đến đối tượng là người trẻ, nên tác giả thường tự họa mình như một kẻ kể chuyện phiếm, tán dóc nơi quán cà phê, trà sữa… – những không gian ít nhiều thời thượng hơn, đô thị hơn.

Đâu là khía cạnh nghiêm túc ở thể loại coi sự giải nghiêm túc là tinh thần chủ đạo của nó? Ở những sáng tạo đáng ghi nhận nhất đến thời điểm này, comics Việt Nam đã cho thấy nhiều áp lực xã hội đang dồn vào tuổi trẻ. Đôi khi, những áp lực mạnh nhất, chứa chất nhiều định kiến và ràng buộc xã hội nhất lại tập trung vào những khía cạnh dễ bị xem là nhỏ nhặt, và cũng chính vì thế, chúng lại khó được nhận ra và quan tâm thích đáng. Thí dụ, việc bị coi là ế hay việc giảm cân được một số tác giả comics đi vào khai thác (Lê Bích, Phạm Kiều Oanh), ẩn chứa trong đó nhiều định kiến đối với giới nữ. Một đề tài khác là khoảng cách, xung đột giữa các thế hệ trong gia đình cũng là một thực tế đang diễn ra (“Chuyện vặt của Múc”, “Đời về cơ bản là buồn cười”). Comics tiếp cận đề tài này từ lăng kính của sự hài hước để cho thấy những mâu thuẫn ấy có thể giải quyết với một tinh thần khoan hòa. Comics dựng lên một số hình tượng thông minh, sắc sảo, biết cười đời, biết bắt bẻ những diễn ngôn thời thượng về sự thành công, tình yêu, hôn nhân, giới tính, v.v. đang tạo áp lực cho giới trẻ nhưng quan trọng hơn, biết tự cười, tự giễu chính mình. Nó thực sự là một thể loại đáng quan tâm nếu ta muốn khảo sát bức tranh về văn hóa trẻ hiện nay.

2.3. Thơ

Sinh mệnh của thơ ca mạng ở Việt Nam là một câu chuyện phức tạp mà khuôn khổ bài viết này chưa cho phép chúng tôi có thể đi sâu. Trong quan sát của mình, chúng tôi nghĩ diện mạo của thơ ca trên mạng trong gần 20 năm qua chia thành hai chặng. Ở chặng đầu tiên, trong khoảng gần 10 năm đầu thế kỷ XXI, khi internet bắt đầu phổ biến ở Việt Nam và các tạp chí văn chương điện tử bằng tiếng Việt xuất hiện, đây là không gian tập trung những sáng tác thơ theo ý hướng cách tân thẩm mỹ, thách thức thị hiếu của số đông công chúng và dĩ nhiên, gây nên những tranh cãi quyết liệt, gai góc nhất về thơ kể từ sau năm 1986, cho đến giờ nhiều vấn đề lớn vẫn còn bỏ ngỏ. Nhưng sự thoái trào của các tạp chí điện tử trước sự lên ngôi của blog cá nhân, bắt đầu từ năm 2005 khi Yahoo! 360° trở thành mạng xã hội được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam, và đặc biệt khi Facebook chiếm lấy vị trí số một trong số các mạng xã hội được sử dụng từ khoảng năm 2008, đã khiến thơ ca trên mạng tạm thời mất đi tính chất của một hiện tượng thời sự văn học. Chặng thứ hai, thơ ca trên mạng bất ngờ gây chú ý trở lại với những quan sát thời sự văn học từ khoảng năm 2012, bắt đầu bằngvới hiện tượng Nguyễn Phong Việt với tập thơ “Đi qua thương nhớ” trở thành một tác phẩm best-seller, cho đến giờ đã tái bản lần thứ 8 (năm 2017). Từ thời gian đó, ngoài Nguyễn Phong Việt, một số tác giả vốn đăng thơ trên internet cũng trở thành tâm điểm chú ý của công chúng khi in sách, nếu nhìn vào số lượng xuất bản và tái bản. Có thể kể đến những cái tên như Nồng Nàn Phố (“Anh ngủ thêm đi anh. Em phải dậy lấy chồng”, 2014), Lu (“Lấp kín một lặng im”, 2015; “Sự đã rồi anh ngồi anh hát”, 2017), Nguyễn Thiên Ngân (“Mình phải sống như mùa hè năm ấy”, 2012; “Lạ lùng sao, đớn đau này”, 2013; “Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời”, 2015), v.v..

Lu, “Sự đã rồi anh ngồi anh hát” (2017), bìa và trang 18. Nguồn: Writings from Lu (FB)

Nếu nhìn vào những hiện tượng này, có thể thấy thơ trên mạng ở thập niên thứ hai của thế kỷ XXI mang một diện mạo tương phản đến bất ngờ với những hiện tượng gây chú ý nhất ở thập niên thứ nhất. Thay vì theo đuổi thể nghiệm, chú trọng kỹ thuật và đặc biệt là khiêu khích, gây hấn với những ý niệm về thơ vốn đã định hình trong nhận thức của công chúng, những hiện tượng thơ mạng gần đây không mang tham vọng cách tân, càng không muốn thách thức tầm đón nhận của công chúng. Khai thác những hình thức thơ không quá xa lạ với người đọc, xem thơ ca như là cách giãi bày, tâm sự nỗi niềm hay trình bày triết lý, đa phần các sáng tác này không ra khỏi trường ngôn ngữ và mỹ cảm của chủ nghĩa lãng mạn. Vậy sự hấp dẫn thật sự của những hiện tượng này là đâu? Chúng tôi nghĩ, nhìn từ cách tạo hình bản ngã, ta có thể thấy được một số phương diện đáng chú ý. Trường hợp Lu là một thí dụ. Trong phần giới thiệu hai tập thơ của Lu, ngoài những chi tiết nói về ngoại hình “tầm thường”, tính cách “thất thường”, về công việc “làm thơ” và “bán cà phê” – những điểm chưa có gì thật sự thu hút, thì điểm nhấn có lẽ gây chú ý nhất ở đây là tác giả coi “rong chơi” chính là một nét độc đáo của bản thân. “Rong chơi” là hành động sống vô cầu, vô ưu, giải trừ sức nặng của đời sống và cũng chính vì vậy, nó lại khơi gợi khao khát, bởi trong trò chơi luôn chứa đựng tinh thần tự do. Trong thơ của Lu, con người chơi được tạo hình mang dáng dấp của hình mẫu kẻ lãng tử – một mẫu hình chưa bao giờ hết sức hấp dẫn đối với cả người sáng tác lẫn công chúng bởi tinh thần tự do ấy. Đó là kẻ nhiều khi ngồi không, chẳng làm gì, chỉ nhìn ngắm mọi thứ, trong một tâm thế yên tĩnh, đủ để cảm nhận đời sống này như mỗi lúc trống trải nhiều hơn, mất mát nhiều hơn song vẫn còn tiềm ẩn những điều ngạc nhiên nào đó, đủ để ta gắn bó: “có một bầy ong làm tổ/trên cửa sổ đối diện nhà tôi/ cánh cửa ấy cũ rồi/bây giờ chẳng ai dám mở/giữa đêm/tôi lắng nghe mình thở/và tưởng như trên trái tim mình/cũng có một bầy ong” (“Bầy ong trên cửa sổ”); “xe đạp, đạp xe/hạnh phúc, niềm vui/tất thảy đều cọc cạch./ấy thế mà/đánh thức được rồi con sẻ nhỏ/lần đầu tiên cất tiếng hót/sau mưa” (“Sau cơn mưa”). Đó là kẻ sở hữu một không gian riêng của mình – một không gian Hà Nội phố, với những tên phố phường còn ít đi vào thơ ca của ai khác, không quá rộng nhưng lại cũng đủ để lạc, để bất định: “cho tôi về lại dốc Khâm Thiên/đường ray xe lửa/cây xăng giấu mình một nửa/đầy bình lượn phố thâu đêm” (“Cho tôi về”). Đó là một kẻ thích chơi một mình, và trò chơi hắn yêu thích nhất là đùa nghịch với chữ, biết lạ hóa những số từ để chúng trở thành những con chữ tung tẩy, mang thi tính, biến những tên phố phường trở thành những cái tên biết gợi cảm xúc, gợi liên tưởng bất ngờ, nhiều khi quái chiêu: “anh đứng đầu Hồ Đắc Di/ngóng Lương Định Của lầm lì gọi em/…/anh về giữa Bùi Thị Xuân/uống hai mươi cốc nhân trần cho say” (“Một bài thơ cũ”)… Nếu như hình ảnh người chơi trong thơ mạng ở giai đoạn đầu nhiều khi là hình ảnh của kẻ nổi loạn, sẵn sàng nói với công chúng bằng giọng điệu gây sự, bằng cách tạo hình gây sốc, thì hình ảnh người chơi ở thơ Lu có phần hiền lành hơn, nói bằng giọng điệu tâm tình, tự thú nhiều hơn, và cách tạo hình nghiêng về những nét chấm phá trong sáng, nhẹ nhõm, nghịch ngầm. Công chúng, đặc biệt là độc giả trẻ, cảm thấy gần gũi hơn với thơ của anh, có thể trích dẫn lại vài câu, vài hình ảnh để nói thay tâm trạng mình, chia sẻ qua các trang mạng xã hội. Nói khác đi, họ có thể dùng thơ để phục trang cho chính bản ngã của mình. Xét đến cùng thì hiện tượng này không mới; nó làm ta liên hệ đến việc cha ông ta từng có thú lẩy Kiều, dẫn câu chữ của Nguyễn Du để vận vào mình, để chứng tỏ mình cũng có hiểu biết chữ nghĩa hay việc mượn thơ Xuân Diệu, Nguyễn Bính, v.v. để nói lên quan điểm sống, ý thức về bản thân, thể hiện học thức hay là để tán tỉnh theo phong cách lãng mạn. Thơ ca, theo đó, luôn có mối liên hệ mật thiết với các phong cách sống (life-style) của mỗi thời. Thời thế thay đổi, công chúng trẻ có nhu cầu tìm một thứ thơ ca có ngôn ngữ gần với thế hệ mình hơn, để trích dẫn, để nói giùm họ tình cảm, quan niệm sống và giúp họ tạo hình phong cách. Việc các nhà thơ như Lu, Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Thiên Ngân, Nồng Nàn Phố, v.v. được giới trẻ chú ý nhiều có thể được lý giải từ khía cạnh này.

Dòng thơ trên bìa tập thơ thứ 5, “Sao phải đau đến như vậy” của Nguyễn Phong Việt. Ảnh: NVCC/Thanh Niên

Có một sự tương ứng giữa những hiện tượng thơ mạng nói trên ở Việt Nam, với sự nổi lên bất ngờ của một số tác giả thơ ở một số nước nói tiếng Anh nhờ hiệu ứng của mạng xã hội như Rupi Kaur, Lang Leav, Tyler Knott Gregson, Atticus, v.v.. Việc thơ của họ trở thành best-seller đã khiến cây bút bình luận Michelle Dean trên tờ The Guardian gọi họ là “những nhà thơ Instagram”[12] – một mạng xã hội ưu tiên cho việc đăng tải hình ảnh, nơi những tác giả này đã tận dụng để đăng những bài thơ của mình, đa phần thường ngắn gọn và được trình bày như một tấm postcard, từ đó, nhận được sự ưa thích và chia sẻ rất lớn từ những người theo dõi họ. Mạng xã hội đã khiến “những nhà thơ Instagram” tìm được một kênh độc lập để giới thiệu tác phẩm của mình đến người đọc; họ thỏa mãn được thú vui của con người ở thời đại internet là thích chia sẻ, trích dẫn và trình diễn bản thân – hay nói theo một từ mới được tạo ra để chỉ sở thích này là “tự sướng” (“selfie”). Cho dù vẫn chưa có những nghiên cứu về giá trị nghệ thuật của những sáng tác này, và cho dù đã có ngay những quan ngại, rằng sự say mê của công chúng đối với thứ thơ ca bị cuốn vào văn hóa đại chúng này sẽ khiến các giá trị văn chương kinh điển bị quên lãng, thì nói như Dean, vẫn cứ nên bình tĩnh. Thơ ở thời đại Instagram vẫn có thể nhắc nhở người đọc về những giá trị kinh điển ấy, theo cách của nó, và nó cũng có thể truyền tải những cảm thức hay thông điệp mà các thiết chế xã hội thường tìm cách kìm nén.

Phục trang bản ngã là một thực tế của đời sống và thời đại internet càng làm ta nhận thức rõ nét hơn về điều này. Văn học mạng, theo đó, có thể xem là một trò chơi với căn tính mà các thể loại được sử dụng như là chiến lược để người viết tạo hình chính mình. Từ phía công chúng, văn học mạng cũng đang được đối xử như một chất liệu để người đọc, nhất là lớp trẻ giờ đây, phục trang cho bản ngã. Có những chuyển động trong nhận thức, tâm lý của cả người viết và người đọc văn học mạng hiện nay mà việc quan tâm đến chúng có thể giúp ta nhìn ra được nhiều vấn đề lớn hơn, sâu rộng hơn của đời sống văn hóa xã hội đương đại. Bài viết này, vì thế, là một phác thảo chuẩn bị cho những nghiên cứu chiều sâu hơn trong tương lai của chúng tôi.

Nguồn: awprofessors.typepad

Tài liệu tham khảo

[1] Stephen Greenblatt, “Renaissance Self-Fashioning: From More to Shakespeare”, Chicago & London: The University of Chicago Press, 1980, trang 3.

[2] Stephen Greenblatt, “Culture” in trong “Critical Terms for Literary Study”, Frank Lentrichia & Thomas Laughlin biên tập, Chicago & London: The University of Chicago Press, 1990, trang 225.

[3] Friedrich Nietzsche, “The Gay Science”, bản dịch tiếng của Anh của Walter Kaufman, New York: Random House, 1974, trang 290.

[4] Costica Bradatan, “Chết cho tư tưởng: Cuộc đời nguy hiểm của các triết gia”, Trần Ngọc Hiếu dịch, Nhã Nam & NXB Tri thức, 2017.

[5] Stephen Greenblatt, “Renaissance Self-Fashioning: From More to Shakespeare”, Chicago & London: The University of Chicago Press, 1980, trang 4.

[6] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên), “Từ điển thuật ngữ văn học”,  NXB Giáo dục, Hà Nội, 2004, trang 149.

[7] Rebecca Arnold, Chương V, “Ethics” in trong “Fashion: A Very Short Introduction”, Oxford & New York: Oxford University Press, 2009, trang 85 – 104.

[8] Lev Grossman, “YOU – yes, YOU – are TIME’s Person of the Year”, tạp chí Time, 2006.

[9] Inrasara, “Văn chương mạng”, tạp chí Tia sáng (Phần in nghiêng do chúng tôi muốn nhấn mạnh), mục Văn hóa, 2007.

[10] Trần Đình Sử, “Tản văn Việt Nam hiện đại – một thể loại bị lãng quên” in trong “Tản văn hiện đại Việt Nam”, Lê Trà My (chủ biên), NXB Hải Phòng, 2011, trang 3.

[11] Werner Wolf, “(Inter)mediality and the Study of Literature”, CLC: Comparative Literature and Culture 13.3. (2011), docs.lib.purdue.edu

[12] MIchelle Dean, “Instagram Poets Society: Selfie Age Gives New Life and Following into Poetry”, The Guardian, Culture, Book, 2016.

Trần Ngọc Hiếu
(Bài viết đăng lại từ hải ngọc’s Weblog và từng được đăng trên tạp chí Nghiên cứu Văn học, số tháng 9 năm 2017)