Phòng Khổng tước – Kiệt tác từ một cuộc hiềm khích

Nằm giữa lòng thủ đô nước Mỹ, Phòng Khổng tước thu hút sự chú ý của công chúng không chỉ vì giá trị nghệ thuật, mà còn vì sự bất đồng giữa những người đã tạo ra nó.

Bảo tàng Quốc gia về Nghệ thuật châu Á dường như nằm lọt thỏm giữa những “anh em” bề thế khác trong hệ thống Smithsonian. Tuy nhiên, bảo tàng này lại đang chứa đựng một tác phẩm vô cùng thú vị mang tên Phòng Khổng tước. Ngoài những giá trị nghệ thuật vượt bật, tác phẩm này lại gắn liền với một cuộc đổ vỡ giữa nghệ sĩ và người bảo trợ cùng một cuộc di dời xuyên đại dương.

Phòng Khổng tước, tên đầy đủ là Hoà sắc lam và vàng: Phòng Khổng tước (Harmony in Blue and Gold: The Peacock Room ), nằm gọn gàng trong Gallery Freer thuộc bảo tàng này. Căn phòng được biết đến nhờ vào thiết kế mang ấn tượng châu Á cùng lịch sử đặc sắc về quá trình thực hiện. Căn phòng vốn toạ lạc lại địa chỉ 49 Prince’s Gate, Kensington, Luân Đôn, Anh và là phòng ăn của Frederick Richards Leyland, một ông trùm tàu buôn quyền lực thời bấy giờ. Leyland đặc biệt yêu thích những hoa văn trang trí châu Á. Do đó, ông giao khoán cho Thomas Jeckyll, chuyên gia về thể loại này, thiết kế phòng ăn của mình.

Một góc Phòng Khổng tước
Nguồn: Neil Greentree / The Smithsonian Freer and Sackler’s Galleries

Theo hình dung của Jeckyll, công trình này sẽ là một Porzellanzimmer, tức phòng gốm. Đúng như tên gọi, ông cho dựng những kệ tủ cao nhiều tầng để trưng bày những chiếc bình gốm hoa lam xuất sứ từ đời Khang Hy ở Trung Quốc. Trên nền các kệ này là những tấm màn da cuir de cordoue xa xỉ với hoa văn hoa hồng Tudor cao sang. Ngay trên lò sưởi, ông cho treo bức tranh Công chúa từ xứ gốm sứ (La Princesse du pays de la porcelaine) của James McNeill Whistler. Bức tranh khắc hoạ hình ảnh một cô gái châu Âu trong trang phục kimono, tay cầm quạt giấy. Bức tranh cũng là một trong những điểm nhấn chính của căn phòng, thâu trọn bản sắc của phong cách Anh-Nhật và Japonisme.

Công chúa từ xứ gốm sứ (1863-1865) của James McNeill Whistler

Mọi chuyện bắt đầu rối rắm từ năm 1876, khi Jeckyll phải bỏ dở công việc vì bệnh tật trong khi Leyland rời Luân Đôn để đi công tác ở Liverpool. Nhân cơ hội này, Whistler đã đề xuất cho bản thân tiếp quản công việc của Jeckyll. Tuy nhiên, Whistler không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành thiết kế của người tiền nhiệm. Whistler cho rằng những bức màn hoa hồng của Jeckyll  không phù hợp với bức tranh “công chúa” của mình, nên đã cho tháo dỡ toàn bộ. Thay vào đó, ông cho sơn vách và trần bằng các màu xanh lá, xanh lam, cũng như điểm thêm những hoa văn cây lá và chim công vàng óng. 

Khi trở về, Leyland nổi cơm tam bành với Whistler khi thấy căn phòng khác xa dự kiến. Là một người “nghệ thuật vị nghệ thuật,” Whistler không thể chấp nhận những lý lẽ thực dụng từ chủ thuê như Leyland. Để trả đũa, Whistler đã vẽ thêm một đôi chim công đấu nhau trên một phía vách của căn phòng, tượng trưng cho xung đột giữa ông và Leyland. Ông đặt tên cho bức vẽ đôi công này là Nghệ thuật và Tiền, hay Câu chuyện về Căn phòng (Art and Money: or, The Story of the Room). Hai người vẫn hiềm khích với nhau mãi về sau và Whistler sẽ tiếp tục chế giễu Leyland bằng hình ảnh con công kiêu ngạo đính trên mình đầy vàng bạc tiền tài (1).

Hình ảnh đôi công đấu nhau trong Phòng Khổng tước. Con bên trái tượng trưng cho Whistler còn con bên phải đại diện cho Leyland.
Nguồn: The National Museum of Asian Art

Thú vị thay, dù vô cùng tức giận, Leyland gần như giữ nguyên bầy công của Whistler. Đến năm 1904, khi nhà sưu tập nghệ thuật Charles Lang Freer âm thầm mua lại toàn bộ căn phòng này từ con gái nhà Layland, bổ sung vào gia tài nghệ thuật Đông Á của mình. Ông cho tháo dỡ căn phòng thành nhiều phần nhỏ, sau đó dùng tàu thuỷ chở qua Đại Tây Dương rồi dựng lại trong dinh thự của mình ở Detroit, Mỹ. 

Bản thân Freer cũng bất nhất trong thái độ với căn phòng này. Trong điện tín gửi người bán tranh, ông thú nhận mình chưa hề thích kiến trúc của căn phòng này. Nhưng cũng là chính ông, trong thư gửi con gái Whistler, đã tán tụng tác phẩm này: “bầy công trên các cửa chớp và vách tường nên được để yên, để chúng có thể thị uy cho thật lộng lẫy và toát ra sự kiêu hãnh mà người tạo ra chúng hằng mong muốn. (2)”

Sau khi Freer mất, căn phòng cùng nhiều hiện vật khác trong bộ sưu tập của ông được mang đến trưng bày tại Gallery Freer tại Washington, D.C. đến tận ngày nay. Ngoài Phòng Khổng tước, người xem còn được xem nhiều tác phẩm khác của Whistler. Bộ sưu tập tranh của Whistler bám trụ ở đây phần nào nói lên tính cách khác thường của nhân vật này. Đến nay, Gallery Freer nhất mực thực hiện di nguyện của Whistler: Không một tác phẩm nào của ông được phép rời khỏi bảo tàng!

Gallery Freer trực thuộc Bảo tàng Quốc gia về Nghệ thuật châu Á
Nguồn: Washington Post

Sau một thời gian đóng cửa vì đại dịch và trùng tu, Phòng Khổng tước chính thức mở cửa đón khách vào tháng 9 năm 2022. Trong lần tái ngộ này, bộ phận bảo tồn của bảo tàng đã dựa trên các ảnh chụp từ năm 1908 để phục dựng sao cho sát nhất bố trí ban đầu của căn phòng khi vừa được mua lại. Căn phòng hiện đang trưng bày khoảng 250 hiện vật gốm sứ mà Freer sưu tập từ Trung Quốc, Iran, Iraq, và Ai Cập.

Phòng Khổng tước nằm trong số ít các tác phẩm kiến trúc-nội thất quy mô lớn từ thế kỷ 19 được bảo tồn gần như nguyên vẹn đến tận ngày nay. Khách tham quan tìm căn phòng này vì nhiều lý do. Họ có thể thích thú trước những hoa văn mang âm hưởng châu Á. Số khác lại đến để chiêm nghiệm về cách giới nghệ thuật phương tây chiếm dụng văn hoá châu Á. Nhưng cũng không ít người đến đây vì tò mò với câu chuyện giữa Layland và Whistler, một mối hiềm khích phủ bóng lên căn phòng lộng lẫy này.


(1) Vào năm 1789, Whistler phá sản. Trong nhóm chủ nợ của ông có cả Leyland. Khi các chủ nợ đến nhà kho của ông để siết đồ, ông đã bày sẵn một bức tranh vẽ hình Layland, trong bộ dạng một con công hung bạo, đang chơi đàn piano. Ông đặt tên bức tranh này là Vảy vàng: Sự trào dâng của tiền tài nhơ nhuốc (The Gold Scab: Eruption in Frilthy Lucre).

(2) Nguyên văn: “[…] the peacocks upon the shutters and in the panels should be left to reign in glory and to feel their pride as their creator intended.Dẫn theo Roger Catlin trong Whistler’s ‘Peacock Room’ Open After Weeks of Restoration, đăng trên Smithsonian Magazine ngày 29 tháng 9, 2022.