Lê Thúy sinh năm 1988 tại Thanh Hóa, được biết đến là một họa sĩ tranh lụa với những tác phẩm bộc bạch tâm tư đương đại trong dáng vẻ mềm mại của lụa là Đông Phương. Dẫu vẽ trên chất liệu mực thước và truyền thống, Lê Thúy đã sớm giã từ lối biểu đạt lý tưởng hóa theo bút pháp cổ điển. Hiện diện trong tranh của cô là những thiếu nữ với đa mang cảm xúc, đa mang câu chuyện, nghĩa là họ chân thật hơn, đa diện hơn, ví như trong chuỗi tác phẩm “Tìm giấc mộng dài”.
Những thiếu nữ xuân thì đẹp mơn mởn và tràn đầy nhục cảm được khắc họa trần trụi nhưng duyên dáng. Hầu hết các cô gái đều ở tư thế nằm nghiêng tựa đang chìm dần vào giấc ngủ. Hoặc họ quay đầu vào góc khuất, hoặc họ nhìn xa xăm với biểu cảm khuôn mặt suy tư, mơ màng không rõ nét. Tận dụng những đặc trưng của chất liệu tranh lụa, Lê Thúy khéo léo thuyên giảm màu sắc và đường nét không gian trong tranh, thậm chí loại bỏ cả bối cảnh, chỉ để lại nhân vật chính nằm u hoài trong khoảng trống vô ngôn. Chính ở đây, cô đã tách phái nữ ra khỏi một không gian cố định được khoanh vùng, đặt họ vào không gian phi vật chất – kể cả y phục trên cơ thể, thay vào đó tập trung khắc họa chiều sâu suy tư và thế giới tâm hồn của họ, nơi giăng đầy những ẩn ức không thể cất lời.
Vẻ đẹp hoang sơ của phái nữ trong tương quan với thiên nhiên suy tàn
Thế nhưng bàn đến phái nữ trong tranh của Lê Thúy mà không đặt họ vào bối cảnh thiên nhiên sẽ là một thiếu sót. Khi khám phá mối quan hệ đối kháng giữa con người với thiên nhiên và sự úa mòn của hoa cỏ vạn vật, cũng là chủ đề trung tâm trong những tác phẩm của Lê Thúy, không khó để nhận ra hình ảnh thiếu nữ đã luôn song hành, đồng hiện, góp sức rất nhiều để Lê Thúy biểu đạt ý nghĩ của mình.
Trong triển lãm “Ở Đâu Là Chốn Bình Yên” năm 2016, Lê Thúy trưng bày nhiều tác phẩm khắc họa sự sinh tử của thiên nhiên mà nếu quan sát kỹ, ta thấy những sinh vật rủa sả, cấu xé nhau, thấy những cỏ hoa héo tàn tạo nên bầu không khí hoang tàn suy kiệt. Đây là tinh thần thách thức rõ nét đương đại, hoàn toàn đối nghịch với phong cảnh nông thôn được tôn vinh trong tranh lụa truyền thống.
Trong chính quang cảnh ấy, những thiếu nữ khỏa thân được phác họa tưởng như siêu thực với biểu cảm tâm lý phức tạp: có lúc man rợ, có lúc say sưa quái dị, có lúc cô độc khắc khoải bên con nhện giăng tơ. Những dấu hiệu của văn minh nhân loại hoàn toàn bị lược bỏ, chỉ còn sinh thể lõa lồ giữa trời đất – đó có phải là cách Lê Thúy đưa con người trở về hình thái nguyên thủy, thảo bàn về sự bình đẳng muôn loài?
Mặt khác, biểu cảm mộng mị của các cô gái ám gợi hiểm nguy đang rình rập. Khi bản năng của họ, vẻ đẹp hoang dại rực rỡ của họ, tính thiên cảm xúc và biểu trưng về sự sinh sôi được đặt để trong thiên nhiên héo tàn, ta thấy sự sống hoang hoải giữa lòng không gian chết. Một ấn tượng đối lập. Những cô gái đại diện cho nhân loại – họ đối mặt với nguy cơ điêu tàn ẩn dật như để gửi đi một lời cảnh báo cho xã hội công nghiệp hóa đương thời. Chẳng thế mà trong một triển lãm năm 2020, Lê Thúy đã giãi bày:
“Tôi đang ghi lại một bản anh hùng ca về cái chết của mọi sự sống. Mong sao sau cái chết ấy, cuộc sống sẽ trở lại bình thường.”
Dẫu đã luôn chạm khắc ngày tàn của thiên nhiên trên hành trình sáng tạo, đâu đó trong tranh của Lê Thúy vẫn sáng lên niềm hi vọng dành cho thiên tính nữ. Qua hình tượng người mẹ và những đứa bé, vẻ đẹp của sự sinh sôi và tình yêu thương trở nên sáng rõ.
Trẻ nhỏ là biểu tượng quan trọng trong tranh lụa của Lê Thúy. Với cô, các em là chỉ dấu tương lai để chúng ta ký thác niềm hi vọng. “Thế hệ tương lai của chúng ta sẽ phải đối mặt như thế nào với sự hỗn loạn trong môi trường và xã hội mà chính chúng ta đã để lại cho họ?”, Lê Thúy băn khoăn.
Trong tranh Lê Thúy, các em bé xuất hiện đơn độc hoặc song hành cùng người mẹ – thường được khắc họa nền nã, khoan thai trong tà áo dài truyền thống. Để chạm khắc tình mẫu tử, Lê Thúy đặc biệt chú trọng hình ảnh bàn tay mẹ. Những đôi tay không buông thõng hững hờ mà luôn ân cần nâng niu khách thể, có lúc đang vuốt ve đứa bé trong dạ con, ẵm con trên tay, hay buộc tóc cho con. Chính ở đây, vai trò của người mẹ trong gia đình truyền thống Á Đông được bộc lộ: họ trực tiếp nuôi dạy con và cũng là tác nhân tạo ra sự thay đổi cho thế hệ mai sau. Điểm xuyết trên tranh là những dấu hiệu hồi sinh của sự sống, từ khóm trúc làng quê cho đến cánh hoa đào nở – ta biết tình yêu thương đang lan tỏa trong tranh, và biết rằng đó là tình yêu mà Lê Thúy đặt niềm tin – một tình yêu cứu rỗi.
Trải qua nhiều thăng trầm, Lê Thúy vẫn miệt mài phát huy hồn cốt của tranh lụa truyền thống với kỹ thuật nhuộm màu cô đã dày công nghiên cứu và lối dựng hình khéo tôn lên vẻ đẹp của chủ thể. Mặt khác, người nghệ sĩ cũng kiên định mượn hội họa để giãi bày những hệ giá trị mới. Trong tranh Lê Thúy, phái nữ hiện lên với những vẻ đẹp khuất lấp mà nghệ thuật cổ điển hãy còn né tránh như vẻ đẹp của nhục cảm hoang sơ và thế giới nội tâm sâu thẳm. Giữa chốn làng quê điêu tàn, cô neo giữ niềm tin vào phẩm cách, thiên tính nữ, tình yêu thương và sự bao dung, để rồi hy vọng những điều an lành cho sự sống muôn loài.