Paramount by C.DAM và nghệ thuật điêu khắc trên vải

Triển lãm “Paramount” đánh dấu lần đầu tiên Cường Đàm kết hợp thời trang với điêu khắc, ánh sáng, âm thanh và trình diễn nghệ thuật . Khi những ngôn ngữ sáng tạo tìm được những điểm giao, “Paramount” trở thành một ý niệm, nơi lớp vỏ và nội tâm của mỗi người tìm được tiếng nói chung. 

Tính thể nghiệm trong sáng tạo

Sáng tạo nghệ thuật, ở bất kỳ hình thái nào, luôn là hành trình dấn thân vào những miền giới hạn chưa từng được định hình, nơi cảm xúc và lý trí giao thoa để chạm tới chân trời mới. Trong thời trang, tinh thần thể nghiệm không chỉ là yếu tố quan trọng mà còn là cốt lõi để nhà thiết kế vượt lên sự quen thuộc, kiến tạo một ngôn ngữ thẩm mỹ độc bản. Giám đốc Sáng tạo Cường Đàm với khát khao tạo ra những cách thể hiện mới, đã liên tục đẩy các sáng tạo của C.DAM vào những không gian giao thoa liên ngành, nơi nghệ thuật và thời trang cộng hưởng để tiến tới sự duy mỹ và tròn vẹn trong sáng tạo nghệ thuật.

Cuộc giao thoa đa tầng giữa nghệ thuật và cảm xúc

“Paramount” mở ra một hành trình nghệ thuật đa chiều, nơi thời trang vượt ra khỏi giới hạn của trang phục, để cùng điêu khắc, âm thanh và ánh sáng tạo nên một không gian tràn đầy cảm xúc. Chuyến “hành hương tới ngôi đền Paramount” dẫn dắt người xem qua hành trình ba hồi: Luận đề – Phản đề – Hợp đề. Trong không gian chật hẹp, với âm thanh như dấu hiệu dẫn hướng, từng khung cảnh được mở ra. 

Ngay từ những bước chân đầu tiên vào không gian “Rebirth”, một vũ trụ thị giác và xúc giác được kiến tạo công phu, nơi sự kết hợp giữa vải, ánh sáng và âm thanh khơi dậy cảm xúc mãnh liệt. Các vệt vải màu đỏ lớp chồng lớp tái hiện những chuyển động đa chiều. Những hình tượng khi rõ nét khi lại mờ, biến hoá không ngừng như mô phỏng sự xuất hiện lần đầu tiên của “vị Thần”, hay khoảnh khắc tái sinh một cuộc đời mới.

Chuyển bước sang “The Versions”, không gian trở nên rộng lớn, mở ra cho người xem những lát cắt, những phiên bản của mỗi cá thể thông qua 16 tác phẩm thời trang kết hợp điêu khắc. 16 tác phẩm được sắp đặt đăng đối, đại diện cho sự đối lập của cảm tính và lý tính.

Phát triển từ những thử nghiệm liên tục lặp đi lặp lại, mỗi tác phẩm là một hành trình chiêm nghiệm về màu sắc, sắp đặt, bố cục và chất liệu. Không chỉ dừng lại ở sự trình diễn của vật liệu, các tác phẩm còn khắc họa câu chuyện của chuyển động, thời gian và cảm xúc thông qua những nếp  vải. Lấy cảm hứng từ nghệ thuật điêu khắc, vải được xếp nếp, vặn xoắn, căng kéo và cố định, từ chất liệu mềm mại trở thành những mảng, khối đông cứng nhưng tượng. 

Ở “The Source”, dòng suối thượng nguồn chảy nhẹ nhàng, không ồn ào nhưng vĩnh viễn, như hình ảnh người mẹ – sự bao bọc linh hoạt nhưng bền vững. Từng nếp gấp vải được “điêu khắc” tỉ mỉ thành những hình dáng chảy trôi, gợi lên sự chuyển động mềm mại như dòng nước. Mỗi lớp vải như một khoảnh khắc, một ký ức về sự tạo sinh, về những chuyển động đầu tiên của sự sống.

Những nếp vải xếp lớp được ví như những thớ cơ, trần trụi khi gột bỏ hết lớp da, lớp vỏ. Những cảm xúc, khát khao mạnh nhất đã ở đây, tại “Body Heat”. Đó cũng là trạng thái không còn phòng bị và dễ bị tổn hại nhất. Cường Đàm sử dụng cảm hứng, tư duy điêu khắc để tạo tác lên vải. Những sợi vải cũng là vật liệu, sự mềm mại cũng có thể tạo nên những thực thể mạnh mẽ và có dáng hình vững chắc. Qua đó, Cường Đàm kể những câu chuyện cá nhân, nhưng cũng có tính phổ quát.

“Eclipse”  là một tác phẩm có nhiều sắc độ khi mô tả bóng tối dần che phủ mặt trời. Đại diện cho khởi đầu của một vùng tối, lớp vải đen của “Eclipse” dần bao phủ chủ thể, xâm chiếm không chỉ cơ thể mà cả thế giới nội tâm bên trong. Đó là những nứt vỡ, nhưng cũng là quá trình khai mở, như một hành trình từ sự toàn vẹn đến sự vỡ vụn, và rồi lại tái sinh.

“The Core” là cảm hứng kết hợp giữa điêu khắc và kiến trúc, nơi các đường cong mềm mại và dáng hình elip gợi lên sự tuần hoàn có trọng tâm. Những chi tiết “điêu khắc trên vải” kết hợp giữa sợi dệt kim tạo hình sáp, đan xen với những vòng kim loại nhỏ – các đường cong và hình elip – tạo ra một cấu trúc sinh động, như những mạch chảy của sự sống, kết nối mọi yếu tố để trở về hồng tâm. Đó là thời khắc khi những khoảng tối vẫn bao trùm, “thực thể Paramount” tìm thấy điều cốt lõi hình thành nên “chính  mình” và lối ra của mê cung tâm trí.

Cuối cùng, tại “thánh đường Paramount”, nơi mỗi người đối diện với bản thể sâu bên trong mình, không còn những nhị nguyên giữa xấu-tốt, đúng-sai, tất cả giao hòa và bừng sáng, mỗi cá nhân được “vị Thần bên trong” ban cho sức mạnh khi học hỏi và vươn lên từ chính những trải nghiệm của bản thân.

“Apatheia” – Tác phẩm điêu khắc đặc biệt tại “Paramount”

Cuối hành trình, khi mỗi cá thể đã đi qua những cơn bão cảm xúc – sự tự vấn day dứt, những khoảnh khắc hỗn loạn xen lẫn niềm hân hoan – không gian như lắng đọng lại, dẫn lối đến trạng thái cuối cùng: Apatheia (Khắc Kỷ). Đây là tác phẩm duy nhất không sử dụng chất liệu vải, được chạm khắc từ khối kim loại nhôm, được Giám đốc Sáng tạo Cường Đàm thực hiện cùng điêu khắc gia Trung Chính. Dưới sự cố vấn nghệ thuật của điêu khắc gia Khổng Đỗ Tuyền, khối kim loại cứng rắn ấy được uốn nắn thành hình thái mềm mại, mang dáng dấp con người. Tác phẩm đã hình tượng hóa quá trình hội tụ của những trải nghiệm, cảm xúc đa dạng thành một bản thể thống nhất, hoàn thiện. Hình khối đơn giản, nhưng ẩn chứa bên trong là một thế giới phức tạp, nơi mọi cảm xúc, mọi trải nghiệm đều được hòa quyện trong tâm thức mỗi con người.

“Apatheia” là trạng thái tâm trí vượt lên những cảm xúc quá độ, không bị cuốn theo nỗi sợ hãi hay đam mê, niềm vui quá khích, nhưng không vì thế mà trở nên vô cảm. Thay vào đó, sự bình thản đến từ sức mạnh nội tại đủ vững chãi để không chao đảo trước những tác động bên ngoài. Đây không phải là một điểm dừng, mà là một cánh cửa mở ra chiều sâu của nội tại, nơi mọi cảm xúc được tĩnh lặng hóa và đối mặt với bản thể thuần khiết nhất.

Là bản thể cuối cùng của hành trình, “Apatheia” đánh dấu khoảnh khắc con người đối diện với chính mình, khi “vị Thần nội tại” – không gương mặt, không hình dáng cụ thể – xuất hiện. Chính sự không hiện hữu mở ra vô hạn chiều kích, nơi mỗi người nhìn vào chính là nhìn thấy bản thân mình, tìm thấy “vị Thần” hiện diện trong thẳm sâu nội tâm của mình.

Âm nhạc kể chuyện tại “Paramount”

Trong sự suy tư và im lặng, với âm nhạc thay lời kể, khi thì một luồng gió cuộn xoáy, khi là những dòng nước, lúc lại là sự va đập của kim loại, khuấy động những xúc cảm sâu thẳm nhất. Người xem đối diện với chính mình và quán chiếu lại các khoảnh khắc, phiên bản tôi của quá khứ. Âm nhạc trong triển lãm “Paramount” được Giám đốc Âm nhạc Thành Chu sáng tác riêng, hòa quyện với tác phẩm điêu khắc trên vải, đồng thời mở ra một chiều không gian cảm xúc hoàn toàn mới. Đồng hành cùng âm thanh, các bức tượng không còn là những hình khối tĩnh tại, mà như đang thở, đang sống, đang kể câu chuyện của chính chúng. Sự kết hợp giữa âm nhạc và điêu khắc không chỉ đánh thức giác quan, mà còn mời gọi mỗi cá thể bước vào cuộc đối thoại sâu sắc với bản ngã và “vị Thần” chưa từng được khám phá.

Đi tìm “vị Thần” bên trong mỗi người

Không đơn thuần là một triển lãm thời trang, “Paramount” tựa một hành trình đi sâu vào những tầng lớp bản thể, nơi mỗi đường cắt, mỗi kết cấu trở thành một dòng ghi chép thị giác, kể về cuộc đối thoại bất tận, đào sâu vào nội tại. Đây không phải là hành trình chiêm ngưỡng vẻ đẹp hình thức, mà là hành trình soi chiếu – qua những tri giác thành thật, qua từng lớp cắt, để kiến tạo nên “ngôi đền mang tên Chính Mình”, để tìm kiếm “vị Thần” bên trong mỗi người.

Bằng sự giao thoa giữa thời trang và nghệ thuật, giữa cảm xúc và nghiệm lý, Cường Đàm trao gửi một câu hỏi sâu sắc: “Một số phận được định trước, hay chính là một số phận do ta tạo tác?”. Mỗi chương hồi của “Paramount” tựa như những trang nhật ký cảm xúc, được hun đúc bởi những mảnh ghép ký ức và ý niệm, biến thời trang thành ngôn ngữ của sự tự vấn, nơi từng chi tiết trở thành lời khẳng định rằng bản ngã không phải một khái niệm cố định, mà là một thực thể không ngừng tái tạo. Và “vị Thần tối thượng” của C.DAM đã được tái sinh, tại “Paramount”.

Triển lãm mở cửa tham quan tự do tới hết ngày 30 tháng 11 năm 2024. 

• Địa điểm: Nina Next Space – 180/1 Nguyễn Tất Thành, quận 4, TP. Hồ Chí Minh.

• Đăng ký tham quan tại quầy tiếp đón.